KỶ NIỆM 70 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG THỦ ĐÔ (10/10/1954 – 10/10/2024)
Tác phẩm văn học nghệ thuật
Đăng ngày: 05/12/2017 - Lượt xem: 197
Quả đấm thôi sơn

Sau những đợt khủng bố trắng của giặc Pháp tại Văn Giang, cán bộ cách mạng chỉ còn rất ít. Một phần theo gia đình tản cư lên Việt Bắc rồi vào bộ đội, chỉ còn lại hai anh em bác Khíp hoạt động trong bộ máy kháng chiến hành chính xã, anh Viên, anh Hân tuy ở xã nhưng làm giao thông huyện, anh Đang vào đội Công an Việt Dũng chuyên đi diệt tề trừ gian. Đấy cả làng hơn trăm nóc nhà và 400 hộ dân chỉ có ngần ấy người là công khai chống giặc, chống lại bọn tề gian ác và hiên ngang bám đất bám làng. Các làng khác trong xã cũng đều như vậy. Mọi người hoạt động ngày phải chui lủi ẩn trốn đêm mới xuất hiện để làm nhiệm vụ...

Hôm ấy bọn Tây kéo quân về đóng đồn Đa Ngưu. Trên đường hành quân vớ được ai là chúng bắt liền và quàng vào vai, vào lưng họ những thứ mà chúng vừa đi đường vừa ăn cướp được. Chúng còn bắt họ mang vác những quân dụng thay chúng như cọc sắt, dây thép gai, hòm đạn, nòng súng cối vv…

Anh Phạm Viên đang trên đường chuyển mệnh lệnh mật của huyện cho các xã thì bị giặc tóm được. Thấy anh mặc quần áo rách rưới, đầu đội nón lá chúng tưởng nông dân, liền khoác ngay cho anh một bu gà vào lưng và xua đi cùng đoàn dân đang khiêng vác. Mấy thằng lính vác súng đi kèm, ai chậm bước là chúng lấy báng súng thúc vào lưng, vào sườn.

Về đên chợ Đa Ngưu trời vừa sẩm tối, chúng nhốt mọi người vào mấy quán chợ, trói tay người nọ với tay người kia bắt ngồi cùng ngồi, nằm cùng nằm thành từng dãy năm người một tốp. Tay những người nằm ngoài chúng buộc vào cột quán. Quanh quán chúng rải giây thép gai, phía ngoài một tiểu đội lính da đen lăm lẳm súng trong tay luân phiên tuần tiễu canh gác. Bọn sĩ quan và lính da trắng vào đóng quân trong làng. Dân chạy hết nên chúng tha hồ vơ vét các thứ còn sót lại. Chúng mang theo máy nổ nên có đèn điện sáng choang cả một xóm.

Trong người anh Viên có giấu một số công văn hoả tốc của huyện. Điều đó làm anh lo lắng khôn nguôi. Ngày mai nó khám người bắt được chắc lộ hết kế hoạch, mà hai tay bị trói chặt không sao thủ tiêu tài liệu được. Nghĩ mãi, anh bèn nảy ra một kế…

Đang nằm, anh bất chợt khều người bị trói cùng bên cạnh:

- Không biết tôi ăn phải cái gì mà đau bụng muốn đi ngoài quá ông ạ

Tiếng anh đã to, lại giọng khẩn trương nên cả đám đều thức giấc. Mỗi người một câu, có người còn chế giễu um cả lên khiến mấy thằng Tây đen đứng gác phải gọi ngay tên thông ngôn tới. Anh bèn nhờ tên thông ngôn nói giúp là, nếu không cho anh đi ngoài nhanh, sẽ ị ra quần mất.

Nghe thông ngôn dịch, tên phụ trách sai lính trói riêng anh và dẫn ra ruộng đỗ gần đó với 1 tên lính khoác súng đi kèm. Đến ruộng đỗ, anh ra hiệu xin cởi trói để tháo quần. Tên da đen ngốc nghếch liền cởi thừng buộc tay anh. Tay vừa thoát trói, anh lập tức vận hết khí lực, vung tay thoi một quả tống “thôi sơn” như trời giáng vào đúng mắt nó rồi chạy biến vào cánh đồng ngô gần đó. Tên Tây ôm mặt và kêu như bò rống. Nghe tiếng kêu lũ lính gác chạy túa ra soi đèn pin loang loáng, tuýt còi báo động ỏm tỏi. Tây trong làng cũng xô ra, lên nòng súng rôm rốp. Nhưng tên Tây đen do bị đau, một tay vẫn đang ôm chặt mắt, lại còn luống cuống nên chỉ trỏ lung tung, khiến bọn giặc bắn loạn xạ. Chắc là do một ngày đi càn đã mệt, nên chúng cũng không tổ chức truy đuổi.

Còn Viên, chạy vài bước, biết bọn giặc thế nào cũng bắn theo, anh nhảy ngay xuống con mương bên bờ ruộng để núp. Đợi ngớt tiếng súng, xung quanh yên lặng, anh mới nhẹ nhàng di chuyển về.

Sau này kể lại với đồng đội, anh còn tiếc rẻ chưa nhanh trí tìm cách giật khẩu súng khoác trên vai tên lính...

 

Đông Trang (theo Báo Hưng Yên)

Tin liên quan