KỶ NIỆM 50 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30/4/1975 - 30/4/2025)
Gương điển hình
Đăng ngày: 20/11/2019 - Lượt xem: 177
Quảng Châu (thành phố Hưng Yên): Làm giàu từ cây cam

Cây cam vốn đã gắn bó với đất và người Quảng Châu, thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên từ lâu. Đến nay, việc trồng cam của vùng đất nằm ngoài đê sông Hồng này đã phát triển thành vùng sản xuất quy mô lớn, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nhân dân, trở thành điểm nhấn trong phát triển kinh tế nông nghiệp của địa phương nói riêng, của thành phố Hưng Yên nói chung.

Cam đang vào vụ. Về Quảng Châu những ngày này, chúng tôi bắt gặp khung cảnh dòng người hối hả, tấp nập vận chuyển những sọt cam tươi ngon đến nơi tập. Các thương lái từ khắp nơi đổ về nơi đây để mua, cung ứng cam cho các thị trường trong và ngoài tỉnh.

Chia sẻ với chúng tôi, một hộ trồng cam lâu năm vui vẻ cho biết, việc đưa các loại cây có múi, nhất là trồng cam về trồng trên vùng đất bãi đã làm cho cuộc sống của người dân nơi đây ngày một thêm no ấm, sung túc. Ông kể, trước đây toàn bộ khu vực đất bãi là xứ sở của các loại cây thực phẩm, cây công nghiệp ngắn ngày như ngô, đỗ, đậu tương, đay… với nguồn thu ít, không ổn định, đó là chưa kể khi gặp thời tiết thất thường, bão lũ sẽ bị mất mùa, nên cuộc sống của nhân dân thường bấp bênh, khó khăn. Từ khi trồng cam đến nay, đời sống của gia đình ông và của nhân dân địa phương được cải thiện đáng kể.

Được biết, để khai thác lợi thế về vùng đất bãi, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người dân, từ những năm 2000, dưới sự chỉ đạo, vận động của chính quyền địa phương, một số hộ dân đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thay thế bằng cây cam, từ đó đến nay cam dần trở thành cây trồng chủ lực của nhiều hộ gia đình với quy mô trang trại. Vốn là nơi được bồi tụ bởi phù sa sông Hồng, thổ nhưỡng của địa phương nơi đây rất phù hợp cho các loại cây có múi nói chung và cây cam nói riêng, cộng với việc áp dụng thành tựu khoa học, kỹ thuật để chăm sóc nên cam Quảng Châu đã sớm chiếm lĩnh được nòng tin của khách hàng vì chất lượng cam vượt trội hơn hẳn so với cam trồng ở các vùng lân cận (vỏ mỏng, nhiều nước, ít hạt, tỷ lệ xơ thấp, mẫu mã đẹp) và đặc biệt là đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm. Phát triển nghề trồng cam đã giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương, trong đó có khoảng 600 lao động thường xuyên và 400 lao động thời vụ với mưc thu nhập ổn định từ 7 đến 7,5 triệu đồng/người/tháng.

Để mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng sản phẩm và hiệu quả kinh tế từ trồng cam, cần sớm phải tạo dựng được thương hiệu cho cam Quảng Châu. Nhận thức được tầm quan trọng này, tháng 6/2017, Hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ cam Quảng Châu được thành lập, trên cơ sở thống nhất của 45 thành viên là những hộ trồng cam tiêu biểu của xã tham gia. Hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ cam xã Quảng Châu có tổng diện tích trồng cam khoảng 32ha, trong đó có 15ha cam Vinh, 17ha cam Đường Canh, sản lượng thu hoạch cam 2 loại đạt khoảng 500 tấn/năm.

Thời gian hoạt động chưa lâu nhưng Hợp tác xã đã phát huy được vai trò là trung tâm sinh hoạt, giao lưu học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới trong sản xuất của những thành viên. Đồng thời, là tổ chức đại diện cho các thành viên thực hiện thiết lập và quản lý nhãn hiệu cam Quảng Châu, nâng cao giá trị kinh tế cho sản phẩm, tạo lập và phát triển kênh thương mại nhằm bảo đảm tính ổn định của đầu ra sản phẩm. Hằng năm, Hợp tác xã đã tích cực quảng bá sản phẩm cam Quảng Châu tới nhân dân cả nước thông qua việc tham gia các hội chợ thương mại, hội chợ nông sản. Việc quảng bá, giới thiệu cam Quảng Châu có ý nghĩa lớn đối với các hộ trồng cam của xã nói chung và thành viên Hợp tác xã nói riêng, giúp cho cam Quảng Châu trở thành thương hiệu có uy tín trên thị trường trong và ngoài nước, tao điều kiện cho Hợp tác xã phát triển trong khâu sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, nâng cao hiệu quả kinh tế cho thành viên Hợp tác xã.

Trong thời gian tới, để tiếp tục phát triển nghề trồng cam ở địa phương, cấp ủy, chính quyền và đoàn thể địa phương, nhất là Hợp tác xã sẽ tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, hỗ trợ nhân dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm; tích cực tuyên truyền, quảng bá, chỉ dẫn địa lý về cam Quảng Châu; mở rộng thị trường, giải quyết đầu ra cho sản phẩm; nâng cao trình độ, năng lực quản lý cho Hội đồng quản trị Hợp tác xã…

HC

 

 

 

 

Tin liên quan