(Ban hành kèm theo Quyết định số 01-QĐ/BTC ngày 22/3/2017 của Ban Tổ chức cuộc thi “Kể chuyện về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” tỉnh, năm 2017)
I - NGƯỜI DỰ THI VÀ CÁC ĐẠI BIỂU THAM DỰ CUỘC THI
Điều 1: Đối tượng tham dự cuộc thi
- Cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, học sinh, sinh viên; cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang và quần chúng nhân dân đang lao động, công tác, sinh sống trên địa bàn tỉnh Hưng Yên.
- Người dự thi cấp tỉnh phải là người đã dự thi ở cấp huyện, thành uỷ, đảng uỷ trực thuộc Tỉnh uỷ được Ban Tổ chức cuộc thi lựa chọn cử tham dự cuộc thi cấp tỉnh.
Mỗi huyện, thành ủy được cử 03 thí sinh (căn cứ kết quả chấm điểm đề cương của Ban Giám khảo, Ban Tổ chức cuộc thi sẽ quyết định 02 thí sinh dự thi chính thức), mỗi đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy được cử 02 thí sinh dự thi cấp tỉnh.
Điều 2: Người tham gia dự thi có nhiệm vụ:
- Lựa chọn câu chuyện tham gia dự thi (Người dự thi được sử dụng các sách, tài liệu, băng đĩa về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã được xuất bản, phát hành chính thức; báo cáo thành tích của các gương điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã được các cấp, các ngành biểu dương, khen thưởng).
- Biên soạn đề cương theo nội dung đã đăng ký và gửi về Ban Tổ chức cuộc thi đúng thời gian quy định.
- Kể chuyện dự thi theo đề cương (viết tay) đã chuẩn bị.
- Sau phần kể chuyện, người dự thi phải trả lời câu hỏi của Ban Giám khảo liên quan trực tiếp đến câu chuyện dự thi hoặc về thân thế, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức và phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh; những tình cảm của Bác Hồ với Hưng Yên, Hưng Yên với Bác Hồ.
- Người dự thi phải mặc trang phục chỉnh tề, đeo số báo danh ở ngực bên trái; có trách nhiệm thực hiện đầy đủ các hoạt động trong cuộc thi do Ban Tổ chức yêu cầu và phải có mặt trong suốt thời gian tiến hành cuộc thi, trường hợp vắng mặt phải có lý do và được Ban Tổ chức cuộc thi đồng ý.
- Người dự thi bốc thăm số báo danh trước khi tiến hành cuộc thi.
Điều 3: Đơn vị có người dự thi:
- Đơn vị có người dự thi nếu có đề xuất hoặc kiến nghị về những vấn đề liên quan đến cuộc thi phải báo cáo bằng văn bản hoặc phản ánh trực tiếp với Ban Tổ chức cuộc thi, không phát ngôn tuỳ tiện làm ảnh hưởng đến cuộc thi.
- Mỗi đơn vị có người dự thi cử ít nhất 20 đại biểu tham dự, cổ vũ cuộc thi cấp tỉnh.
Điều 4: Tất cả các đại biểu và người dự cuộc thi phải chấp hành nghiêm chỉnh thời gian làm việc của cuộc thi; không làm việc riêng; không sử dụng điện thoại di động trong hội trường. Các cổ động viên chỉ tặng hoa sau khi người thi đã hoàn thành các nội dung thi.
II – BAN TỔ CHỨC, BAN GIÁM KHẢO, TỔ THƯ KÝ CUỘC THI
Điều 5: Ban Tổ chức cuộc thi có trách nhiệm:
- Quyết định thành lập Ban Giám khảo, Tổ Thư ký cuộc thi.
- Tổ chức, quyết định các hoạt động và kết quả của cuộc thi cấp tỉnh.
Điều 6: Ban Giám khảo có trách nhiệm:
- Chấm điểm các nội dung dự thi của thí sinh (phần đề cương; phần kể chuyện; phần trả lời câu hỏi của Ban Giám khảo) theo quy chế, thể lệ của Ban Tổ chức cuộc thi.
- Xếp giải và báo cáo kết quả, đề xuất hình thức khen thưởng với Ban Tổ chức cuộc thi.
Điều 7: Tổ thư ký có nhiệm vụ:
- Chuẩn bị các văn bản phục vụ cuộc thi.
- Tổng hợp điểm, xếp loại kết quả chung của từng người dự thi, dự kiến giải để báo cáo với Ban Giám khảo.
Điều 8: Chấm điểm:
1 - Nguyên tắc:
- Từng thành viên Ban Giám khảo chấm điểm độc lập, trung thực, khách quan theo quy định của biểu điểm.
Quyết định của Ban Tổ chức cuộc thi là kết quả xét giải cuối cùng.
2 - Biểu điểm: chấm theo thang điểm 10.
- Điểm đề cương: Tính theo hệ số 2.
+ Đề cương cần trình bày rõ ràng, súc tích, chân thực, đúng trọng tâm và dài không quá 05 trang giấy A4 (Đề cương chỉviết tay) gửi trước cho Ban tổ chức cuộc thi trước 05 ngày khi diễn ra cuộc thi.
+ Chuyện kể dự thi phản ánh được chân thực, sâu sắc về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh hoặc về những gương điển hình, tiên tiến trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ở địa phương, đơn vị. Trong đó, câu chuyện kể về tập thể, cá nhân điển hình phải là người thật, việc thật trong học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh xuất hiện trên địa bàn tỉnh Hưng Yên, đã được đăng tải trên báo chí hoặc đã được cơ quan, đơn vị, địa phương biểu dương, khen thưởng, xác nhận, chứng thực.
+ Thông qua câu chuyện kể, cần rút ra ý nghĩa, bài học kinh nghiệm và từ đó liên hệ với bản thân về cảm xúc, nhận thức và xác định ý thức, hành vi, thái độ trong học tập, công tác, ứng xử xã hội...
- Điểm kể chuyện: Tính theo hệ số 3.
+ Phương pháp kể chuyện cần hấp dẫn, tự tin, sát với đề cương chuẩn bị, có tính thuyết phục, trình bày đúng, đủ ý.
+ Thời gian kể chuyện không quá 20 phút. Nếu quá dưới 2 phút sẽ bị trừ 1 điểm, quá từ 2 đến 5 phút sẽ bị trừ 2 điểm, nếu quá 5 phút trở lên, Ban Giám khảo sẽ dừng phần thi còn lại.
+ Trong phần thi kể chuyện, người dự thi có thể lồng ghép, dẫn chứng, minh họa bằng thơ ca, âm nhạc hoặc trình chiếu hình ảnh để làm sinh động câu chuyện dự thi nhưng phải phù hợp với nội dung chuyện kể, tránh phô trương, hoặc minh họa không khớp với nội dung chuyện kể.
- Điểm trả lời câu hỏi của Ban Giám khảo: tính theo hệ số 1.
+ Trả lời đúng, hay, ngắn gọn, đủ ý.
+ Thời gian trả lời mỗi câu hỏi không quá 03 phút.
+ Câu hỏi do thành viên Ban Giám khảo đặt ra cho người dự thi. Nội dung các câu hỏi liên quan trực tiếp đến câu chuyện mà thí sinh đã trình bày hoặc về thân thế, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức và phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh; những tình cảm của Bác Hồ với Hưng Yên, Hưng Yên với Bác Hồ.
Điều 9: Cách thức tính điểm và xét giải:
- Điểm của từng phần thi là điểm trung bình cộng của các thành viên Ban Giám khảo.
- Kết quả điểm thi của mỗi người dự thi được tính là điểm trung bình cộng của 03 phần thi (tổng số điểm chia cho 6).
- Việc xét giải từ giải nhất đến giải khuyến khích theo thứ tự kết quả điểm từ cao xuống thấp.
- Xếp loại:
+ Loại giỏi: Đạt điểm từ 9,0 đến 10
+ Loại khá: Đạt điểm từ 7,0 đến 8,9
+ Loại trung bình: Đạt điểm từ 5,0 đến 6,9
+ Chưa đạt yêu cầu: Điểm dưới 5
Điều 10: Cơ cấu giải thưởng:
- Cơ cấu giải thưởng bao gồm:
01 giải Nhất trị giá 20.000.000 đồng;
02 giải Nhì trị giá 15.000.000 đồng/giải;
03 giải Ba trị giá 10.000.000 đồng/giải;
05 giải Khuyến khích trị giá 5.000.000 đồng/giải.
Các giải phụ (nếu có) trị giá 5.000.000 đồng/giải.