KỶ NIỆM 50 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30/4/1975 - 30/4/2025)
Gương điển hình
Đăng ngày: 06/09/2019 - Lượt xem: 182
Sức lan tỏa từ người Cựu chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị

Trong một ngày cuối tháng 7, khi muôn triệu trái tim của cả nước đang hướng về cội nguồn, nhớ về những tấm gương thương binh, liệt sỹ đã bỏ lại một phần xương máu, anh dũng hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc; trong số đó, có những người con của vùng quê Hưng Yên dũng cảm lập công, góp phần giữ vững bình yên cho quê hương, đất nước, tôi tìm về thôn Hoan Ái, xã Tân Việt, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên gặp gỡ đồng chí Vũ Văn Toàn - Nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hưng Yên và cũng là Thủ trưởng cũ của tôi - Một Cựu chiến sỹ Thành cổ Quảng trị năm xưa.

Hội Chiến sỹ Thành cổ Quảng Trị năm 1972 tỉnh Hưng Yên tại Đại lễ cầu siêu tri ân tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ
Tháng 12/1971 khi còn là một chàng thanh niên vừa tròn 18 tuổi, giữa lúc đất nước chưa yên tiếng súng thù, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, đồng chí Vũ Văn Toàn đã tình nguyện nộp đơn tham gia quân ngũ. Sau thời gian huấn luyện tại Hà Bắc, đồng chí được biên chế vào Trung đoàn E95f325, Quân đoàn 2 và cùng đồng đội trực tiếp chiến đấu ở chiến trường Quảng trị. Trong 81 ngày đêm của “mùa hè đỏ lửa” năm 1972, đồng chí đã cùng với đồng đội dũng cảm, kiên cường, băng qua làn mưa bom, bão đạn, bám trụ chiến đấu, giành giật với địch từng tấc đất để giữ thành. Kết thúc 81 ngày đêm “rung chuyển đất Quảng Trị”, đồng chí cùng với Trung đoàn của mình tiếp tục được điều động vào Tây Nguyên, tham gia chiến dịch Giải phóng Buôn Mê Thuột, mở màn cho chiến dịch Hồ Chí Minh, trực tiếp cùng với đồng đội tham gia chiến đấu, góp phần tạo nên chiến thắng lịch sử của dân tộc ngày 30/4/1975. Có thể nói, thời gian tham gia quân ngũ của đồng chí Vũ Văn Toàn tuy không dài, chỉ 5 năm trong quân ngũ, nhưng với đặc thù Trung đoàn E95f325 là Trung đoàn cơ động nên đồng chí đã cùng với đồng đội “vào sinh ra tử”, tham gia vào những trận đánh có ý nghĩa lịch sử của dân tộc. Với những đóng góp của mình trong thời gian quân ngũ, đồng chí đã vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.
Từ sau quân ngũ trở về địa phương tháng 1/1976, với nhiệm vụ xây dựng quê hương, đồng chí Vũ Văn Toàn được cử đi đào tạo tại nhiều trường, lớp khác nhau để phục vụ cho nhiệm vụ công tác mới. Trải qua nhiều cương vị công tác từ xã, tới huyện, tới tỉnh và cuối cùng với chức danh là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, đồng chí Vũ Văn Toàn đã có nhiều cống hiến cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, trong đó có nhiều đóng góp cho nhiệm vụ xây dựng nền quốc phòng toàn dân - an ninh nhân dân.
Trong hơn 7 năm giữ cương vị là Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về nhiệm vụ quốc phòng toàn dân - an ninh nhân dân; đồng chí Vũ Văn Toàn đã cùng với tập thể Ban Thường vụ Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy đảng, các ngành, địa phương trong tỉnh thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng toàn dân - an ninh nhân nhân; trực tiếp là lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chỉ đạo hệ thống tuyên giáo trong toàn tỉnh thực hiện tốt vai trò tham mưu, lãnh đạo, tổ chức thực hiện công tác tuyên truyền nhiệm vụ quốc phòng toàn dân. Với trách nhiệm là thành viên của Hội đồng phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh, đồng chí đã chỉ đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ luôn coi trọng công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật trên các kênh thông tin tuyên truyền của Ban như trên Hội nghị Báo cáo viên hàng tháng, Bản tin Thông báo nội bộ, Trang thông tin điện tử của cơ quan. Chỉ đạo Báo Hưng Yên, Đài PT-TH tỉnh, hệ thống Đài truyền thanh từ tỉnh đến cơ sở tích cực tuyên truyền về nhiệm vụ quốc phòng, an ninh; Luật nghĩa vụ quân sự; tuyên truyền về các phong trào thi đua yêu nước; “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”; “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở khu dân cư… Chỉ đạo đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên từ tỉnh đến cơ sở thường xuyên tuyên truyền, phổ biến tới cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các văn bản của tỉnh ban hành; trong đó chú trọng tuyên truyền về nhiệm vụ an ninh quốc phòng toàn dân. Coi trọng tuyên truyền, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực; viết bài nêu gương điển hình trong Cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; đặc biệt coi trọng việc nêu gương các thanh niên là con em của quê hương Hưng Yên đã tự nguyện viết đơn tham gia thực hiện nghĩa vụ quân sự để tuyên truyền cho công tác tuyển quân trên địa bàn tỉnh đạt hiệu quả cao.
Để phục vụ có hiệu quả công tác tuyên truyền nhiệm vụ quốc phòng toàn dân, đồng chí Vũ Văn Toàn đã lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy trực tiếp tham mưu giúp Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh phát hành cuốn sách “Lịch sử Đảng bộ tỉnh Hưng Yên, tập III, giai đoạn 1975 - 2005” và biên soạn 03 cuốn sách “Lịch sử tỉnh Hưng Yên” làm tài liệu giảng dạy của Trường Chính trị Nguyễn Văn Linh, Trung tâm BDCT cấp huyện và các trường THCS, THPT trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, để tỏ lòng tri ân đối với sự hy sinh to lớn của các anh hùng liệt sỹ cho nền độc lập của dân tộc, tiếp nối truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh quyết định biên soạn, ấn hành sách “Anh hùng liệt sỹ tỉnh Hưng Yên”. Sách được giao cho Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội rà soát, cung cấp tư liệu, thực hiện. Đồng chí Vũ Văn Toàn đã lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy biên soạn thành công cuốn sách “Anh hùng liệt sỹ tỉnh Hưng Yên”. Đây là một tài liệu có hệ thống về tên tuổi, địa chỉ của các liệt sỹ tỉnh nhà, là một trong những hoạt động tri ân của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân đối với những người có công với nước. Cuốn sách cũng thêm một lần tôn vinh tên tuổi, công trạng của các anh hùng liệt sỹ, những người đã góp phần làm nên những chiến công lẫy lừng của Quân đội nhân dân Việt Nam, của dân tộc anh hùng. Bên cạnh đó, cuốn sách là tài liệu để giáo dục cho thế hệ hôm nay và mai sau về lòng yêu nước, dám hy sinh cho nền độc lập, tự do của dân tộc. Từ đó, thắp lên trong lòng mỗi người tinh thần xả thân, cống hiến vì cộng đồng, sống có ý nghĩa hơn, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Trước yêu cầu, nhiệm vụ của công tác tuyên truyền biển, đảo trong giai đoạn mới, được sự đồng ý của Ban Tuyên giáo Trung ương và Tổng cục Quân đội nhân dân Việt Nam; năm 2012 Tỉnh ủy Hưng Yên đã ký kết Chương trình phối hợp tuyên truyền biển, đảo với Quân chủng Hải Quân; trong đó giao Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và Bộ Tư lệnh Vùng 1 Hải quân là cơ quan thường trực phối hợp tuyên truyền. Đồng chí Vũ Văn Toàn đã lãnh đạo, chỉ đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy thực hiện tốt việc phối hợp tuyên truyền và tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, góp phần tích cực bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Trong đó, có các hoạt động như: tổ chức Đoàn cán bộ của tỉnh đi thăm và tặng quà cho cán bộ, chiến sỹ Trường sa; tổ chức đoàn báo cáo viên của Vùng 1 Hải quân về tuyên tuyền thu hút nguồn nhân lực xây dựng Quân chủng Hải quân trong tình hình mới tại các trường THPT trên địa bàn tỉnh. Thông qua đó, các em học sinh trên địa bàn tỉnh được thông tin về Biển, đảo Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; con đường để được cống hiến, phát triển tài năng của thế hệ trẻ trong Quân chủng Hải quân…góp phần động viên, khuyến khích các em học sinh tích cực học tập, rèn luyện, đăng ký thi vào Học viện Hải quân để trở thành sĩ quan Quân chủng Hải Quân nhân dân Việt Nam. Từ đó đến nay, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy vẫn duy trì, phối hợp tuyên truyền với Vùng 1 Hải quân và đạt hiệu quả cao. Qua đó, giúp nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn tỉnh, đặc biệt các em học sinh về chủ quyền biển đảo của Tổ quốc đã được nâng lên. Bên cạnh đó, thực hiện Quyết định 221-QĐ/TW ngày 27/4/2009 của Ban Bí Thư (Khóa X) về ban hành Quy chế phối hợp giữa ban tuyên giáo các cấp với cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp trong việc triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết các vấn đề bức xúc của nhân dân. Dưới sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và trực tiếp đồng chí Vũ Văn Toàn đã lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy xây dựng chương trình, kế hoạch ký kết Chương trình phối hợp giữa Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy với các sở, ngành trong việc triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết các vấn đề bức xúc của nhân dân; từ đó đến nay, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy luôn duy trì việc phối hợp tuyên truyền với các sở, ngành và đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, qua đó góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân.
Đến cuối năm 2013 đồng chí Vũ Văn Toàn nhận Quyết định nghỉ hưu theo chế độ, tuy nhiên đối với đồng chí thì dường như việc nghỉ hưu không có nghĩa là “an nhiên vui thú tuổi già” khi mà những ký ức về chiến tranh, nghĩa tình với đồng đội luôn ở trong tâm khảm của người chiến sỹ Thành cổ năm xưa. Kể từ sau quân ngũ trở về đồng chí vẫn luôn đau đáu một tâm niệm mình cần làm đó cho những đồng đội đã hy sinh và cho cả những đồng đội đang còn sống? Đã có lúc đồng chí phải thốt lên bằng những câu thơ như thế này “Tôi lặng nhìn dòng nước lững lờ trôi/ Đồng đội ơi bạn đang ở đâu rồi?/ Sao gọi mãi thanh âm không tiếng vọng?/ Quặn lòng nước mắt nhớ không nguôi”. Vì vậy, sau khi nghỉ hưu và được bầu là Chủ tịch Hội Chiến sỹ Thành cổ Quảng Trị năm 1972 tỉnh Hưng Yên, đồng chí Vũ Văn Toàn đã có cơ hội để thực hiện những tâm niệm mà mình còn chưa làm được.
 
Hội chiến sỹ Thành cổ Quảng Trị năm 1972 tỉnh do đồng chí Vũ Văn Toàn làm Trưởng đoàn trao nhà tình nghĩa tặng hội viên ở huyện Tiên Lữ
Với vai trò là Chủ tịch Hội Chiến sỹ Thành cổ Quảng Trị năm 1972 tỉnh Hưng Yên đồng chí Vũ Văn Toàn đã chỉ đạo Hội viên các cấp Hội trong toàn tỉnh chú trọng thực hiện công tác tuyên truyền, giáo dục chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và những quy định của địa phương. Đồng thời khơi dậy lòng tự hào về truyền thống của Bộ đội Cụ Hồ, ra sức thi đua lao động, sản xuất và công tác, tích cực tham gia các phong trào thi đua ở địa phương. Tiêu biểu như phong trào xây dựng nông thôn mới, làm kinh tế giỏi, phong trào xây dựng làng văn hóa, phong trào xây dựng cơ sở Hội Cựu chiến binh vững mạnh… Ngoài ra, Hội Chiến sỹ Thành cổ Quảng Trị năm 1972 tỉnh còn phát động trong các cấp hội tìm hiểu và thu thập các thông tin những người hy sinh chưa quy tập để quy tập về nghĩa trang liệt sỹ; đẩy mạnh phong trào giúp đỡ, hỗ trợ các hội viên khó khăn tu sửa, xây nhà tình nghĩa; thăm, tặng quà các gia đình liệt sỹ, thương binh và các gia đình có công vào các dịp như 27/7, Tết Nguyên đán... Gần 6 năm qua, Hội Chiến sỹ Thành cổ Quảng Trị năm 1972 tỉnh đã phối hợp với các cấp, các ngành và gia đình thông tin và đưa được 48 hài cốt liệt sỹ về an táng tại nghĩa trang quê nhà. Tổ chức thăm, tặng quà cho trên 150 lượt thân nhân liệt sỹ, các thương binh chiến đấu tại Thành cổ Quảng Trị, thăm hỏi các hội viên khi ốm đau… với tổng số tiền gần 150 triệu đồng; hỗ trợ xây dựng 12 ngôi nhà tình nghĩa với số tiền 560 triệu đồng; phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể vận động giúp đỡ được 25 hội viên gặp khó khăn, tặng 15 sổ tiết kiệm cho 15 hội viên có hoàn cảnh khó khăn, trị giá 55 triệu đồng. Hàng năm, vào dịp 30/4 và 27/7, Hội các huyện, thành phố tổ chức cho các hội viên thăm lại chiến trường xưa, dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh tại Quảng Trị và một số chiến trường trọng điểm của miền Trung; thăm và cảm ơn các gia đình đã giúp đỡ chiến sỹ ta hoàn thành nhiệm vụ năm 1972 tại Quảng Trị. Cùng với đó, Tỉnh hội đã phối hợp với ngành y tế trong tỉnh tổ chức khám sức khỏe, cấp thuốc cho các hội viên. Đồng thời phát động phong trào ủng hộ biển, đảo, cuộc phát động đã được các hội viên trong tỉnh tích cực tham gia, đã quyên góp ủng hộ số tiền trên 31 triệu đồng; tư vấn, hỗ trợ, xác nhận cho các hội viên đã chiến đấu ở mặt trận Quảng Trị năm 1972 làm cơ sở đề nghị cho những đối tượng đủ điều kiện hưởng chính sách của Đảng và Nhà nước.
Đồng chí Vũ Văn Toàn thắp hương tri ân các anh hùng liệt sỹ tại nghĩa trang đường 9 Quảng Trị
Bên cạnh đó, đối với các hoạt động phong trào tại địa phương, đồng chí Vũ Văn Toàn đã luôn tích cực, gương mẫu đi đầu trong việc thực hiện các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao; cũng như truyên truyền vận động người thân, dòng họ, nhân dân thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới, toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư… Để thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, bản thân đồng chí và gia đình đã tự nguyện hiến một phần đất cũng như ủng hộ về kinh tế để xây dựng đường giao thông nông thôn của Thôn Hoan Ái. Ngoài ra, bằng uy tín của mình đồng chí đã rất tích cực vận động các doanh nghiệp, nhà hảo tâm trên địa bàn tham gia ủng hộ xây dựng các công trình như đường giao thông nông thôn, nhà tình nghĩa, tặng quỹ khuyến học, tặng quà cho gia đình thương binh, liệt sỹ vào mỗi dịp lễ tết…Không chỉ có vậy, với tâm hồn thi ca của người nghệ sĩ, đồng chí đã sáng tác và xuất bản nhiều tập thơ, trong đó có nhiều bài thơ được phổ nhạc và được chọn là một trong mười bài hát hay nhất về Hưng Yên. Bằng tâm hồn yêu thi ca, văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, đồng chí với vai trò là đầu tầu gương mẫu đã tạo lập ra các câu lạc bộ thơ, đội bóng chuyền hơi của thôn… góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân quê nhà. Có thể nói, bằng những việc làm tuy bình dị, nhỏ bé nhưng hết sức thiết thực của mình, đồng chí Vũ Văn Toàn đã có những đóng góp không nhỏ cùng với Đảng bộ, chính quyền địa phương thôn Hoan Ái, xã Yên Mỹ tạo nên diện mạo mới cho sự thay đổi của quê hương; góp phần vào mục tiêu chung của tỉnh về xây dựng nông thôn mới, về nhiệm vụ quốc phòng toàn dân.
 
Một tuyến đường giao thông nông thôn do đồng chí Vũ Văn Toàn  ủng hộ một phần đất và vận động nhân dân  thôn Hoan Ái xây dựng
Trải qua quá trình từ khi còn công tác đến lúc về nghỉ hưu, với những cống hiến của mình, đồng chí đã nhiều lần vinh dự được tặng thưởng huân, huy chương, giấy khen, bằng khen của các cấp ủy Đảng. Đặc biệt, năm 2010 vinh dự, tự hào và cao quý đồng chí Vũ Văn Toàn đã được Chủ tịch nước CHXHCNVN tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì trong Cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Chia tay đồng chí Vũ Văn Toàn ra về, cũng là lúc trên loa của Đài truyền thanh xã đang phát đi lời bài hát “Hưng Yên Quê tôi” được phổ nhạc từ bài thơ của đồng chí Vũ Văn Toàn, là một trong mười bài hát hay về Hưng Yên; với giọng ca da diết của ca sỹ Tân Nhàn, tôi nghe trọn từng câu: “Mời anh về thăm quê tôi/ Bên dòng sông Hồng phù sa đỏ mịn/ Rặng nhãn bờ đê tắm mình trong nắng/ Nghe vang nhịp chèo câu hát à ơi…à..ơi..”
Ngọc Điệp
Tin liên quan