Nhắc đến tấm gương tiêu biểu cho truyền thống hiếu học của quê hương Phù Cừ - Mảnh đất xưa từng nổi danh với câu ca “Sống ở Phù Cừ, người mù cũng sáng” trong phong trào cả nước chung tay diệt giặc dốt - Nhiều người nghĩ ngay đến cậu bé mồ côi Nguyễn Văn Biên.

Nhắc đến tấm gương tiêu biểu cho truyền thống hiếu học của quê hương Phù Cừ - Mảnh đất xưa từng nổi danh với câu ca “Sống ở Phù Cừ, người mù cũng sáng” trong phong trào cả nước chung tay diệt giặc dốt - Nhiều người nghĩ ngay đến cậu bé mồ côi Nguyễn Văn Biên. Sinh ra và lớn lên ở xã Phan Sào Nam, mồ côi cả cha lẫn mẹ khi chưa đầy 3 tuổi và phải sống một mình trong nghèo khó nhưng chưa bao giờ cậu bé này chịu bó tay trên hành trình kiếm tìm con chữ. Ở tất cả các bậc học, Biên đều nỗ lực rèn luyện nhân cách, đạo đức và trau dồi tri thức, xứng đáng là một chàng thanh niên tiêu biểu cho thời đại Hồ Chí Minh. Nguyễn Văn Biên là niềm tự hào của giáo viên, học sinh Trường Trung học Phổ thông Phù Cừ, của quê hương Hưng Yên, là tấm gương về nghị lực vươn lên của cậu bé mồ côi để thế hệ học trò học tập và noi theo.
Tuổi thơ bất hạnh.
Sinh ra cũng có cả bố và mẹ, nhưng ba chị em Nguyễn Văn Biên lại không được hưởng hạnh phúc như bao đứa trẻ khác. Hai tuổi mồ côi cha, ba tuổi mồ côi mẹ. Ba chị em thơ dại phải sống dựa vào sức tàn của ông bà nội và sự đùm bọc, yêu thương của bà con họ hàng. Biên tâm sự: “Ba mẹ mất khi tôi còn rất nhỏ. Đến nay, tôi cũng không nhớ nổi khuôn mặt của ba, mẹ. Những hình ảnh của ba mẹ cứ mông lung hiện ra trong đầu tôi, tôi luôn cố nhớ lại, song đến giờ vẫn là hình ảnh “X quang” mà tôi không thể nhìn rõ được”. Khi Biên lên lớp 7, ông bà nội vì tuổi cao sức yếu nên đành cho ba chị em ra sinh hoạt riêng ở căn nhà cũ nát của bố mẹ để lại. Ở cái tuổi ăn chưa no, lo chưa tới, trong khi bạn bè cùng lớp được bố mẹ chăm chút, Biên đã phải vừa học, vừa cùng hai chị mưu sinh bằng việc nghề nông và làm bất kể việc gì, vào thời gian nào. Vào lớp 9, hai chị gái lần lượt lập gia đình. Từ đó, cuộc sống của cậu học trò nghèo lại bước sang một giai đoạn thử thách mới, phải tự lập sống trong căn nhà cũ với muôn vàn khó khăn, thử thách.
Sống côi cút khi chưa đầy 14 tuổi, mọi chi phí sinh hoạt và học tập của Biên gói gọn trong khoảng tiền trợ cấp trị giá hơn 300 nghìn đồng một tháng. Thấm cái cảnh cơ hàn, lúc đầu, Biên tự ti, mặc cảm, lâu dần nỗi buồn phiền ấy tan biến đi bởi nghị lực, ý chí, lòng quyết tâm vươn lên trong học tập. Nhớ lại quãng thời gian học tập tại Trường Trung học Phổ thông Phù Cừ, Biên kể: “Những ngày dầm mưa từ trường về nhà hay những hôm đầu trần 38-390c tới trường đã quá quen thuộc với tôi. Dầm mưa không phải vì tôi không biết trời mưa cũng chẳng phải tôi thích đi dưới mưa cho lãng mạn, đơn giản tôi không có áo mưa cũng chẳng có mũ nón. Những hôm tan học về, cặp sách, quần áo ướt hết mà không có bộ khác để mặc, tôi chỉ kịp vắt thật kiệt, chiều còn có cái mặc tiếp. Khi đến trường, thấy tôi mặc quần áo vẫn còn ẩm, có người nói “chắc nó hết quần áo”, thậm chí nói “tôi có vấn đề thần kinh”, có người lại nhìn với ánh mắt khinh bỉ, coi thường. Tôi không để ý tới những câu nói đó, bởi tôi cũng quá quen với việc bị người khác nghĩ vậy rồi. Nhớ lại nỗi ác mộng vào dịp Tết năm 2013, Biên kể: “Nhà tôi gạo chẳng còn bao nhiêu trong khi phải gần 3 tháng nữa mới đến vụ gặt. Tôi đã phải ăn cháo cầm cự. Nhiều hôm, tôi không đủ sức tới trường, những lúc đó, tôi cảm giác như cánh cổng trường đại học đã khép lại với mình”.
Quyết tâm thực hiện ước mơ.
Áo không đủ mặc, cơm không đủ no, sách không đủ học, song khát khao thi đỗ đại học của Biên luôn mãnh liệt. Khi thi đỗ vào Trường Trung học Phổ thông Phù Cừ, Biên được xếp vào lớp 10A3. Năm sau, nhờ sự nỗ lực vượt bậc của bản thân, sự tận tâm giúp đỡ của Ban Giám hiệu, thầy cô giáo, nhất là giáo viên chủ nhiệm lớp, Biên đã vươn lên và đạt thành tích cao trong học tập, được chuyển sang lớp chọn 11A1, 12A1. Chia sẻ về phương pháp học tập, Biên khiêm tốn cho biết: “Cách học của tôi cũng đơn giản, ở trên lớp chỗ nào chưa hiểu là tôi hỏi ngay thầy, cô lúc đang giảng bài, bí quá thì hỏi bạn bè. Đồng thời, tranh thủ từng phút từng giờ trên lớp, tôi mượn máy tính của bạn để giải các dạng đề thi. Về nhà, tôi làm hết bài tập trong sách giáo khoa để củng cố kiến thức cơ bản, sau đó mượn sách nâng cao của các bạn để giải các bài tập khó hơn”.
Với phương pháp này, dù không đi học thêm, Biên học tốt tất cả các môn. Trong cuộc thi giải toán trên máy tính cầm tay cấp tỉnh lớp 12, Biên đã đạt giải Khuyến khích. Kỳ thi tuyểnsinh đại học, cao đẳng năm 2013, Biên xuất sắc thi đỗ cả hai trường đại học danh tiếng với số điểm cao: Học viện Quân y 27 điểm và Học viện Kỹ thuận Quân sự 25 điểm. Sau đó, Biên đã chọn theo học tại Học viện Quân y với chuyên ngành bác sĩ đa khoa để thực hiện ước mơ làm bác sĩ để chữa bệnh cứu người. Suốt 4 năm học tập trong môi trường quân đội, Biên luôn phấn đấu, rèn luyện bản thân và đạt được những thành tích tốt trong học tập cũng như trong công tác Đoàn, công tác xã hội. Vượt qua bao khốn khó, đi lên với biết bao thiệt thòi, cậu học trò côi cút đã gặt hái mùa thi đầy ngọt ngào. Những gì làm được hôm nay mới chỉ là thành công bước đầu, con đường đi tới tương lai vẫn còn nhiều khó khăn, song bằng nghị lực vượt khó và quyết tâm theo đuổi ước mơ, chắc chắn chàng sinh viên ngành Y sẽ đạt được điều mình mong muốn.
Theo Sách giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên tỉnh Hưng Yên