Tình hình dịch bệnh Covid-19 đang có những diễn biến phức tạp, khó lường, theo khuyến cáo của ngành chức năng, người dân tránh tụ tập đông người; nếu đến nơi công cộng cần đeo khẩu trang; thường xuyên rửa tay sạch sẽ bằng các loại nước sát khuẩn. Tuy nhiên, có những sự việc “bất khả kháng” như: Đám hiếu, đám hỷ, giỗ, liên hoan… có sự tham gia tập trung của nhiều người.
Tuyên truyền hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng dịch bệnh Covid - 19
Vào thời điểm này, không ít gia đình băn khoăn, thậm chí lo lắng có nên tổ chức đám hỷ cho con, cháu mình hay không. Sự lo lắng đó là hoàn toàn có cơ sở, bởi nếu mỗi cá nhân, gia đình... lơ là, chủ quan, mất cảnh giác sẽ tiềm ẩn nguy cơ để dịch bệnh Covid-19 xâm nhiễm, lây lan, bùng phát. Bởi vậy, nhiều gia đình dù đã định ngày đám hỏi, đám cưới, nhưng vì tinh thần chống “chống dịch như chống giặc” nên đã tạm dừng, hoãn những việc đó lại. Ông Nguyễn Thế Truyền ở xã Hồng Nam (thành phố Hưng Yên) cho biết: Gia đình tôi dự kiến tổ chức lễ cưới cho con gái vào ngày 15.3. Thế nhưng, trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh, hai bên gia đình đã quyết định hoãn thời gian tổ chức đám cưới cho đến khi hết dịch. Bởi, nếu tổ chức đám cưới vào thời điểm này không may có chuyện gì xảy ra thì niềm vui cũng không trọn vẹn. Gia đình bà Nguyễn Thị Hằng ở xã Quảng Lãng (Ân Thi) cũng quyết định dừng tổ chức đám cưới cho con trai. Bà Hằng cho biết: Theo kế hoạch, con trai tôi từ Nhật Bản về nước để tổ chức đám cưới vào ngày 11.3. Sau khi con tôi về nước, cán bộ xã đã đến tuyên truyền, yêu cầu cháu thực hiện tự cách ly, giám sát sức khỏe tại nơi cư trú. Đồng thời, tuyên truyền, vận động gia đình tạm dừng tổ chức lễ cưới và chúng tôi đã hiểu được tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến rất phức tạp. Vì vậy, gia đình đã thực hiện nghiêm việc tự cách ly, giám sát sức khỏe của con tôi tại nhà và hai bên gia đình đã thống nhất quyết định chưa tổ chức lễ cưới để bảo đảm an toàn sức khỏe cho người thân, họ hàng và cả cộng đồng.
Anh Nguyễn Đình Thiêm ở xã Đình Dù (Văn Lâm) có suy nghĩ: Qua các phương tiện thông tin đại chúng, tôi biết đến có trường hợp trở về từ vùng dịch nhưng không thực hiện nghiêm việc tự cách ly, giám sát sức khỏe của bản thân, vẫn tham dự đám cưới của người thân. May là trường hợp này âm tính với vi rút SARS-CoV-2, chứ không hậu quả thật khó lường. Theo tôi, việc cưới xin thì không có quy định cấm nhưng trong thời điểm này, mỗi người cần nâng cao nhận thức, tạm gác lại chuyện vui của bản thân, lựa chọn cách thức tổ chức phù hợp nhất, bảo đảm hạn chế tập trung đông người, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 để bảo đảm an toàn sức khỏe. Riêng với bản thân tôi, khoảng 2 tháng qua, từ sau khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát ở một số quốc gia trên thế giới, thực hiện khuyến cáo của cơ quan chức năng, tôi và bạn bè đã hạn chế việc tụ tập đông người để liên hoan dịp đầu xuân mới.
Với chị Nguyễn Thị Thu Thủy ở xã Trung Dũng (Tiên Lữ), sắp tới gia đình chị sẽ có đám giỗ. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh Covid-19 đang có diễn biến phức tạp nên các thành viên trong gia đình chị đã thống nhất không tổ chức đám giỗ với số lượng nhiều người như mọi năm. Chị Thủy cho biết: Mấy ngày trước, ở thôn Canh Hoạch, anh Tr. cùng gia đình về nhà người thân ăn giỗ. Tại đây, anh có tiếp xúc với nhiều người. Sau đó, mới phát hiện ra anh Tr. đã tiếp xúc với người nhiễm Covid-19, làm cho nhiều người lo lắng. Dù anh Tr. đã có xét nghiệm âm tính với vi rút SARS-CoV-2, nhưng điều này đã làm thay đổi nhận thức của gia đình tôi. Năm nay, việc tổ chức đám giỗ sẽ được thực hiện gọn. Đối với người thân ở xa, gia đình sẽ thông báo không tổ chức đám giỗ để mọi người không phải di chuyển, tiếp xúc với nhiều người trong quá trình về quê. Còn ở quê, gia đình tôi dự định chỉ làm mâm cỗ cúng trong nội bộ gia đình. Tôi nghĩ rằng, việc làm giỗ là để tri ân, nhớ về người đã mất, cốt là ở tấm lòng, không nên mở rộng nhất là trong tình hình dịch bệnh như hiện nay...
Đảng viên Nguyễn Xuân Đình, 53 tuổi Đảng, phường An Tảo (thành phố Hưng Yên)
cập nhật thông tin về dịch bệnh Covid - 19 qua Báo Hưng Yên
Đang đọc thông tin về tình hình dịch bệnh Covid-19 được đăng tải trên Báo Hưng Yên, ông Nguyễn Xuân Đình, đảng viên 53 năm tuổi Đảng ở phường An Tảo (thành phố Hưng Yên) cho biết: Trong cuộc họp bàn các biện pháp tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 mới đây, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phóng chỉ đạo về việc vận động, khuyến cáo người dân, trong đó, cán bộ, đảng viên phải gương mẫu đi đầu thực hiện tạm dừng, tạm hoãn hoặc giảm quy mô tổ chức lễ thành hôn, ăn hỏi; giảm tối đa thành phần dự khi tổ chức đám giỗ, đám tang; tuyên truyền, nhắc nhở người tham gia các hoạt động này phải đeo khẩu trang; không tổ chức liên hoan, sinh nhật tập trung, ăn uống đông người… Theo tôi, đây là chỉ đạo rất quyết liệt của tỉnh để tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Ý kiến chỉ đạo này là rất hợp tình hợp lý trong bối cảnh tình hình dịch bệnh đang có diễn biến phức tạp. Là một đảng viên, tôi sẽ nghiêm chỉnh chấp hành và vận động con, cháu, người dân ở khu dân cư thực hiện.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, việc hạn chế tập trung đông người trong việc tổ chức các đám hỷ, đám hiếu, đám giỗ, liên hoan… là việc làm cần thiết để phòng, chống, ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, bảo vệ mình, gia đình và cộng đồng. Để quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh, ngoài sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị rất cần sự đồng lòng, chung tay của mỗi người dân nâng cao nhận thức trong việc tổ chức và tham gia các hoạt động trên. Đối với lễ cưới chưa tổ chức, các gia đình nên điều chỉnh thời gian, hình thức tổ chức phù hợp; đối với lễ cưới đã ấn định thời gian nên tổ chức trong phạm vi gia đình hoặc chỉ báo hỷ. Đối với việc hiếu, giỗ... nên tổ chức theo hình thức gọn, nhẹ nhằm tránh nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng…
Nguồn: baohungyen.vn