Nghị quyết số 10-NQ/TU, ngày 28/6/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về Chương trình phát triển giao thông, vận tải tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030 xác định rõ mục tiêu cơ bản đầu tư hoàn thiện theo quy hoạch các công trình giao thông trọng điểm có vai trò động lực phát triển kinh tế, công trình tăng tính kết nối với Thủ đô Hà Nội, tỉnh Hải Dương, tỉnh Bắc Ninh, tỉnh Thái Bình và các tỉnh trong khu vực... Với sự linh hoạt, chủ động của các cấp, các ngành, thời gian qua, nhiều dự án giao thông quan trọng được triển khai trên địa bàn tỉnh, đang được tỉnh chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện, như các dự án: Đường vành đai 4 – vùng Thủ đô Hà Nội; đường Tân Phúc – Võng Phan (giao ĐT.378), tỉnh Hưng Yên; nâng cấp, mở rộng tuyến đường liên tỉnh Hà Nội – Hưng Yên kéo dài, đoạn qua địa phận tỉnh Hưng Yên…
Bài 1: Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án giao thông trọng điểm
Dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội (dự án đường Vành đai 4) có tổng chiều dài khoảng 112,8km. Theo Nghị quyết số 56/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội, tỉnh Hưng Yên được giao là chủ quản dự án thành phần 1.2, dự án thành phần 2.2, với tổng chiều dài 19,3km. Đây là dự án quan trọng quốc gia, nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng Thủ đô Hà Nội phát triển trở thành đô thị hiện đại, thông minh, dẫn dắt và tạo hiệu ứng lan tỏa, liên kết vùng đô thị. Đồng thời, tạo ra trục giao thông quan trọng thúc đẩy phát triển mạnh mẽ liên kết ngành, liên kết vùng và lợi thế kết nối đa chiều của các đô thị; tổ chức lại cơ cấu dân cư và phát triển kinh tế trong quá trình tái thiết và phát triển đô thị. Xác định rõ tầm quan trọng của dự án, thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án. Ngày 12/9/2022, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2074/QĐ-UBND về giao nhiệm vụ triển khai các dự án thành phần thuộc dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 – vùng Thủ đô Hà Nội trên địa bàn tỉnh. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Giao thông vận tải (GTVT) đã phối hợp với các sở, ngành, địa phương khẩn trương thực hiện và hoàn thành xong công tác lựa chọn nhà thầu tư vấn khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thành phần 1.2; hoàn thành công tác tổng hợp số liệu GPMB tổng thể từ các địa phương; đồng thời thỏa thuận, thống nhất phương án di chuyển đường dây 110kV, 220kV và 500kV phục vụ công tác GPMB. Đối với dự án thành phần 2.2, đến nay đã hoàn thành hồ sơ lập báo cáo nghiên cứu khả thi và trình thẩm định từ ngày 16/1/2023. Sở Giao thông vận tải đã tổ chức cắm mốc GPMB tuyến đường vành đai 4 xong và bàn giao cho UBND các huyện Văn Giang, Khoái Châu, Yên Mỹ, Văn Lâm để tổ chức GPMB. Các huyện đã hoàn thành trích lục bản đồ địa chính và đang tiếp tục triển khai công tác rà soát, quy chủ đối với đất nông nghiệp và đất ở; một số xã ở huyện Văn Lâm đã cơ bản hoàn thành công tác rà soát, quy chủ đất. Tại một số huyện, người dân đã chủ động đăng ký và thực hiện việc di chuyển mộ để bàn giao mặt bằng dự án đảm bảo tiến độ…
.jpg)
Thi công Dự án nâng cấp, mở rộng tuyến đường liên tỉnh Hà Nội- Hưng Yên kéo dài
Dự án nâng cấp, mở rộng tuyến đường liên tỉnh Hà Nội - Hưng Yên kéo dài (ĐT.379), đoạn qua địa phận tỉnh nhằm hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông vận tải thiết yếu của tỉnh Hưng Yên nói riêng, của khu vực nói chung theo quy hoạch được phê duyệt; phục vụ tốt nhu cầu vận chuyển hàng hóa, đi lại của người dân và thu hút đầu tư vào địa bàn các huyện Văn Giang, Văn Lâm, Yên Mỹ, Khoái Châu, thị xã Mỹ Hào; kết nối trong phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hưng Yên, vùng Thủ đô, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và các vùng lân cận. Đây là dự án thuộc dự án nhóm A, có chiều rộng mặt đường 21m với 4 làn xe cơ giới, 2 làn xe thô sơ. Tổng chiều dài của dự án là 33,5km. Địa điểm xây dựng trên địa bàn các huyện Văn Giang, Yên Mỹ, Khoái Châu, Văn Lâm và thị xã Mỹ Hào. Với quyết tâm hoàn thành tuyến đường trước kế hoạch, góp phần thu hút đầu tư, tạo sức bật mạnh mẽ cho phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh đã và đang tập trung nguồn lực cho công trình trọng điểm này. Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân chấp hành pháp luật về đất đai, xây dựng; thực hiện tốt chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư trong quá trình GPMB. Đa số người dân hiểu rõ lợi ích của dự án nên đã tích cực hưởng ứng, đồng thuận bàn giao mặt bằng, bảo đảm đúng tiến độ cho các bên thi công. Đến nay, chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án đầu tư công trình giao thông – xây dựng tỉnh đã phối hợp với các huyện, thị xã bàn giao mặt bằng thi công cho nhà thầu thi công được gần 21km/33,5km với khối lượng thi công dự án ước đạt trên 753 tỷ đồng. Trong đó, từ nút giao với ĐT.379B đến nút giao giữa đường vào trạm thu phí đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng với tuyến đường bộ nối đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, đơn vị thi công đã đào khuôn đường, xử lý nền đất yếu, đắp cát K95, đắp vật liệu K98, thi công lớp móng CPĐD loại I, cống ngang, cấu kiện bê tông... trên toàn bộ phạm vi được bàn giao; thi công thảm bù vênh và thảm bê tông nhựa lớp 1 được 2,9km; thảm bê tông nhựa lớp 1 nút giao QL.39 đạt trên 20.000m2. Thi công cơ bản xong cầu Kênh Tây 1, cầu Kênh Tây 2; 80% khối lượng cầu Đồng Quê; 65% cầu Khóa Nhu; 25% khối lượng cầu vượt QL.39…
Đồng chí Trần Minh Hải, Giám đốc Sở Giao thông vận tải cho biết: Thời gian tới, sở sẽ tiếp tục phối hợp với Ban Quản lý dự án đầu tư công trình giao thông – xây dựng tỉnh và các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, sự đồng thuận của người dân trong việc thực hiện các dự án. Đồng thời, tập trung thực hiện tốt công tác GPMB, thi công đúng tiến độ, chất lượng, bảo đảm tuyệt đối an toàn trong suốt quá trình thi công các dự án. Mặt khác, tăng cường công tác giám sát thi công, kiểm soát chất lượng, khối lượng, tiến độ; kiểm tra nghiệm thu; quản lý hồ sơ tài liệu… Kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc trong quá trình thi công dự án liên quan đến mặt bằng; vật liệu xây dựng; các vấn đề về kỹ thuật; điều chỉnh, bổ sung, thay đổi thiết kế… để các dự án sớm được đưa vào sử dụng, hoàn thành theo mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đề ra.
Nguồn: https://baohungyen.vn