KỶ NIỆM 70 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG THỦ ĐÔ (10/10/1954 – 10/10/2024)
Tác phẩm văn học nghệ thuật
Đăng ngày: 27/12/2017 - Lượt xem: 278
THƯƠNG LÚA - Tuỳ bút-

Khi đọc một tác phẩm trong tập thơ cùng tên của mình, nhà thơ lãng tử xứ Tuyên Đinh Công Thuỷ làm tôi day dứt mãi “Ở dưới gốc rạ là bùn/hanh hao một vết chân buồn- mẹ tôi” rồi “Với tay sang tuổi bùi ngùi/tôi mơ hạt thóc mẹ tôi nặng mùa!”. Sau này, khi đã tỉnh cơn “say thơ” mà Thuỷ truyền sang, tôi mới giật mình. Hoá ra, nỗi niềm của Thuỷ trong “Giấc mơ hạt thóc” là giấc mơ của chính tôi. Bởi, dù đã làm một nghề khác lạ với công việc của nhà nông rất xa, song, tận cùng của tâm thức, tôi vẫn là một người nông dân chính hiệu...con trâu vàng.

I- Hạt gạo làng ta

Hồi nhỏ, một lần, khi đi học về, tôi cùng đám bạn đuổi nhau, dẫm bẹp một khoảnh lúa đang chín. Khi được người ta đến tận nhà mách, bố tôi đã đánh tôi một trận tơi bời. Chưa bao giờ tôi thấy ông giận như thế. Và, sau đó, thay vì bắt tôi suốt ngày ngồi vào bàn học, cha tôi thường cho tôi cùng bọn trẻ trong xóm đi chăn trâu, cắt cỏ, đi quét rơm, nhặt rạ về làm củi. Đặc biệt, những ngày mùa, tôi tha hồ giúp đỡ hàng xóm mà không bị ai mắng. Hồi đó, thu hoạch lúa còn thủ công lắm. Phải lấy liềm cắt tận gốc lúa, xếp thành hàng, sau đó mới lấy “liềm xén” xén riêng rạ để lại ruộng, rồi mới bó lúa thành lượm gánh về. Buổi tối mùa gặt làng xóm thật rộn ràng. Tiếng đập lúa thì thụp râm ran từ chập tối đến tận đêm khuya. Chợp mắt một lúc, gà gáy đã có tiếng thì thụp, thì thụp đâu đó trong làng. Bây giờ, máy tuốt lúa đạp chân, máy tuốt lúa cải tiến và máy “phụt” liên hoàn thay thế, nhiều người không thể tưởng tượng ra cái cảnh đập lúa ngày xưa, chứ tôi thì đến già chắc cũng không quên được. Đó là những chiếc cối đá mòn vẹt, những bệ gạch cạnh sân. Đó là hạt thóc vàng tung toé dưới ánh trăng theo từng nhịp đập... Ngày mùa, bận rộn nhưng ai cũng vui, tiếng đập lúa như tiếng trái tim ran lên hồ hởi, những hạt thóc toá ra như tiếng cười thơ trẻ. Ấy là thành quả của bao buổi đằng đẵng con trâu đi trước cái cày đi sau, bao ngày cháy lưng cấy lúa, làm cỏ, bao nhiêu nhịp gầu dai, gầu sòng tát nước, bao nhát cuốc góc phát bờ sao cho lấn sâu, “ăn gian” đất công một chút để vụ sau có thể thêm được một hàng lúa... Bát cơm mùa gặt cũng thật đầy đặn, khác hẳn ngày thường. Thời tôi bé, ấy là những năm kinh tế đất nước vào giai đoạn cam go nhất. Gia đình tôi bố mẹ đều là công nhân viên chức nhà nước, tiêu chuẩn gạo được phát theo sổ thường xuyên đi kèm theo nào là bột mì, bo bo, nào là khoai tây... và tệ hại hơn là lốp xe đạp, là phân đạm. Thế nên đứt bữa là chuyện thường xuyên. Nhưng thế vẫn còn tốt chán, còn có sổ gạo mà đong, hàng tháng vẫn nhìn thấy một ít ngũ cốc hiện hữu chứ nhiều gia đình thuần nông trong làng, tháng ba ngày tám có khi phải mấy buổi ăn rau má thay cơm, ăn ngô bung trừ bữa. Có được mảnh ruộng phần trăm hợp tác chia cho, mẹ tôi cũng mải mê với từng dảnh lúa, từng bông đòng, cũng ngóng trông từng vụ gặt. Những ngày ấy, mỗi ngày dài hơn cả năm, nỗi mong đợi mùa màng dằng dặc trong giấc mơ. Giấc mơ hạt thóc, giấc mơ no ấm được thể hiện bằng lời con trẻ nghêu ngao “Cơm trắng như bông, gạo tiền như nước”...

II- Thương lúa

Rồi giấc mơ xưa đã thành hiện thực, quê tôi không nhà ai còn cảnh đứt bữa. Những thàng ngày dằng dặc chờ mùa gặt không còn nữa. Lúa mùa nào cũng tốt, giấc mơ năm tấn không còn canh cánh trong lòng. Bởi giống lúa tốt, ngắn ngày, lại được chăm sóc chu đáo chứ không chịu cái cảnh “cha chung không ai khóc” hồi “dập dìu hợp tác xã” như xưa nữa. Người ta không còn phải lo đến cái bụng được ăn sao cho no, mà suy nghĩ đến ăn cái gì cho ngon. Và thế, nên nông dân cũng tìm cách để tăng thu nhập từ mảnh ruộng với diện tích rất hạn hẹp của mình. Cánh đồng năm mươi triệu (trên một héc- ta) vốn chỉ là tiêu chí trở nên phổ biến, người dân có thể làm giàu bằng mảnh đất của mình, có những nơi, một hec-ta thu nhập được hàng trăm triệu. Một phần lớn diện tích đất trồng lúa trước đây được thay thế bằng các loại cây khác, mà hiệu quả về kinh tế của nó hơn hẳn. Bạt ngàn đồng đất quê tôi giờ là cam Canh, bưởi Diễn, là quất cảnh... Và, với cái lý “giờ người ta cần cái chơi hơn cái ăn” nên nhiều thửa ruộng đã được bỏ ra để trồng cây cảnh. Nào đa, nào sung, nào si... những cây mà trước đây chỉ được phát triển ở bờ, ở bụi thì bây giờ được lên ngôi, đưa ra bờ xôi ruộng mật, được bứng lên nâng niu trên chậu, trên đôn. Trên thực tế, những loại cây này cho thu nhập cao hơn hẳn so với thu nhập từ trồng cấy lúa. Cây lúa vì thế dần bị lép vế. Mỗi khi mùa đến, tôi cứ như thấy thiếu đi cái gì đó. Có sự hỗ trợ của máy nông nghiệp nên thiếu vắng tiếng thì thụp đập lúa, tiếng kẽo kẹt của đòn gánh trĩu vai đã đành, nhưng dường như sự nhộn nhịp, hớn hở của tâm trạng được mùa cũng thiếu vắng mất rồi thì phải!

Thế nhưng, những cơn giật mình sau mộng mị của sự giàu sang bắt đầu khi sự mất an ninh lương thực vẫn hiển hiện trên toàn thế giới. Đâu đó, trên trái đất này, dù có hàng ngàn tỉ phú với mức sống vương giả, với thu nhập hàng triệu đô la mỗi giờ, nhưng vẫn còn rất nhiều người đang bị bỏ đói. Những hình ảnh về đồng loại của chúng ta nheo nhóc trong những túp lều với thân hình gầy giơ xương, những đứa trẻ bụng lép ngơ ngác nhìn quanh hầu như ngày nào cũng thấy xuất hiện trên màn hình ám ảnh chúng ta về một ngày chưa xa, về quá vãng đói khát. Về bản chất, tôi vẫn là một người nông dân chính hiệu...con trâu vàng. Tâm thức tiểu nông suốt ngày lo thiếu đói của tôi vẫn còn mãnh liệt lắm. Đồng ruộng và thóc lúa vẫn là niềm mê đắm của tôi, là khát khao của tôi...

Có lẽ, chính cái tâm thức tiểu nông ấy đã hành hạ tôi hơn khi đọc những tin về sự rớt giá thảm hại của lúa hay bất kỳ nông sản nào, sự luẩn quẩn của “được màu mất giá” vẫn là nỗi ám ảnh của người nông dân khi có vụ mùa đại thắng lại loay hoay xoay sở với chính sự được mùa ấy. Thóc lúa đầy bồ mà nông dân vẫn khổ, khổ vì không biết bán thóc lúa để trang trải nợ lần giống vốn bằng cách nào. Tư thương nước ngoài ép giá, tư thương trong nước không dám bỏ vốn ra tích trữ. Lại đến lúc nhà nước phải ra tay xuất tiền của để hỗ trợ doanh nghiệp mua thóc lúa cho dân. Các giá trị vật chất không còn được “quy ra thóc” nữa, mà được thay thế bằng vàng, bằng “đô”, bằng dầu lửa... Sự ngán ngẩm đối với việc trồng lúa dường như đã hiện lên từng nét mặt của người nhà nông. Nếu không có giải pháp kịp thời để nông dân thiết tha hơn với đồng ruộng, không biết rằng bài toán an ninh lương thực giải bằng cách nào. Hơn thế nữa, truyền thống văn hoá của dân tộc được dựng trên nền tảng của nền nông nghiệp lúa nước, trên sự đoàn kết cộng đồng từ việc đắp đê, trị thuỷ...rồi có bị mai một khi cánh đồng lúa đang bị thu hẹp dần?

Ở đâu đó, nhiều người đã gọi lúa gạo là Mẹ, Lúa Mẹ. Tôi cho rằng rất đúng. Khi viết lên những dòng này, tôi như thấy mẹ tôi đang một nắng hai sương trên cánh đồng, mong một vụ mùa bội thu thuở tôi còn thơ bé. Mẹ tôi giờ đã già, không còn ra đồng được nữa, nhưng mỗi vụ, bà vẫn lân la hỏi hàng xóm năm nay thóc lúa thế nào. Mỗi bữa, bà vẫn nhặt từng hạt cơm con cháu làm vãi vào mâm. Những lúc ấy, tôi mới hiểu từ “ngọc thực” mà cha ông ta đặt tên cho hạt gạo là thế...

Tôi thì mãi mải mê với giấc mơ hạt thóc của mình, còn ngoài kia, bọn trẻ bi bô “Hạt gạo làng ta.../có lời mẹ hát/ngọt bùi đắng cay”. Chẳng biết, các em còn thực sự biết vị ngọt bùi đắng cay trong hạt gạo hay không.

 

BẢO LÂM

(theo Báo Hưng Yên)

Tin liên quan