Thực hiện Chương trình phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông năm 2022, Trang thông tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đăng tải nội dung: Tổ chức, cá nhân không sản xuất, nhập khẩu, bán và sử dụng các thiết bị âm thanh không dây không rõ nguồn gốc, không có chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy, không đúng băng tần quy định
Việt Nam đã hoàn thành Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất vào năm 2020, giải phóng băng tần (694-806) MHz để phủ sóng thông tin di động 5G toàn quốc. 5G đang được đánh giá rất cao trong việc sẽ tạo ra một cuộc cách mạng về kết nối, mở rộng và nâng cao chất lượng của các ứng dụng đòi hỏi băng thông cao trên thiết bị đầu cuối của người dùng di động, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, gia tăng lợi ích thiết thực của nhà nước và nhân dân. 5G sẽ thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp ICT, nâng cao thứ hạng viễn thông của Việt Nam, đóng góp vào tăng trưởng GDP được dự báo đạt 7,34% vào năm 2025. Ngày 25/12/2019, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đã ký ban hành Thông tư số 19/2019/TT-BTTTT, quy hoạch băng tần (694-806) MHz (gọi tắt là băng tần 700 MHz) sẽ áp dụng để triển khai các hệ thống thông tin di động IMT theo tiêu chuẩn IMT-Advanced và các phiên bản tiếp theo của Việt Nam. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 16/02/2020.
Năm 2020, các Trung tâm Tần số vô tuyến điện khu vực thuộc Cục Tần số vô tuyến điện đã tiến hành kiểm soát, rà soát băng tần (694-806) MHz nhằm đánh giá can nhiễu, bảo vệ băng tần triển khai 5G. Trong quá trình thu đo kiểm soát đánh giá trên phạm vi toàn quốc đã phát hiện nhiều phát xạ từ thiết bị âm thanh không dây do tổ chức, cá nhân sử dụng trên đoạn băng tần đang bảo vệ. Các phát xạ này sẽ gây can nhiễu cho mạng thông tin di động 5G, ảnh hưởng lớn đến quá trình triển khai, khai thác mạng. Qua công tác kiểm tra khắc phục can nhiễu, nhiều cá nhân, tổ chức khi sử dụng thiết bị âm thanh không dây đã chưa nắm được các quy định liên quan, dẫn đến việc đã sử dụng các thiết bị nêu trên mà không biết tác hại của nó.
Một số hình ảnh ví dụ về thiết bị microphone (Mic) không dây băng tần; mẫu tem hợp quy.
Theo quy định tại Thông tư số 11/2020/TT-BTTTT ngày 14/05/2020 của Bộ TT-TT (Quy định danh mục sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Thông tin và Truyền thông), thiết bị âm thanh không dây dải tần 25MHz-2000 MHz bao gồm: Mirco không dây, loa không dây, tay nghe không dây, micro/loa không dây kết hợp thuộc danh mục sản phẩm hàng hóa chuyên ngành công nghệ thông tin và truyền thông bắt buộc phải chứng nhận hợp quy và công bố hợp quy.
Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã ban hành Thông tư số 46/2016/TT-BTTTT và Thông tư số 18/2018/TT-BTTTT Quy định danh mục thiết bị vô tuyến điện được miễn giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện, điều kiện kỹ thuật và khai thác kèm theo. Trong đó quy định, thiết bị âm thanh không dây bao gồm các thiết bị sử dụng sóng vô tuyến điện để truyền dẫn âm thanh ở cự li ngắn như: microphone không dây cài áo, microphone không dây cầm tai, tai nghe không dây, máy phát FM cá nhân, thiết bị trợ thính... Các thiết bị này đáp ứng yêu cầu về phát xạ quy định trong các Thông tư này và hoạt động tại các băng tần: 470 ÷ 694 MHz (trừ các thiết bị có mức công suất lớn hơn 30 mW ERP phục vụ tác nghiệp trong phát thanh, tuyền hình); 1795÷1800 MHz;182,025÷182,975 MHz; 217,025÷217,975 MHz; 218,025÷218,475 MHz thuộc danh mục thiết bị vô tuyến điện được miễn cấp giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện. Thiết bị âm thanh không dây cự li ngắn không đáp ứng được điều kiện về tần số nêu trên sẽ không được sử dụng tại Việt Nam.
Việc sản xuất, nhập khẩu và sử dụng thiết bị vô tuyến điện không đúng quy định sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử. Tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc nhập khẩu thiết bị vô tuyến điện, thiết bị ứng dụng sóng vô tuyến điện để sử dụng tại Việt Nam không phù hợp với các quy hoạch tần số vô tuyến điện bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng; Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng thiết bị vô tuyến điện không đúng quy định gây nhiễu có hại cho mạng viễn thông di động công cộng.
Trong thời gian tới, Trung tâm Tần số vô tuyến điện khu vực sẽ phối hợp với các Sở Thông tin và Truyền thông và các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan trên địa bàn tỉnh, thành phố tăng cường công tác kiểm soát đảm bảo an toàn, thanh kiểm tra, xử lý việc kinh doanh, sử dụng thiết bị âm thanh không dây không đúng quy định. Đồng thời, khuyến cáo các cơ sở kinh doanh chỉ bán thiết bị âm thanh không dây đã có chứng nhận hợp quy và dán tem hợp quy; Không kinh doanh thiết bị âm thanh không dây có dải băng tần hoạt động nằm trong băng tần quy hoạch cho hệ thống di động của Việt Nam từ 694 - 806MHz. Để tránh mua và sử dụng những thiết bị âm thanh không dây không đúng quy định, có nguy cơ gây nhiễu có hại đến mạng thông tin di động, tổ chức, cá nhân người tiêu dùng nên kiểm tra nguồn gốc hàng hóa, nhãn hàng hóa, dấu hợp chuẩn, dấu hợp quy, các tài liệu liên quan đến thiết bị trước khi mua. Chỉ mua và sử dụng các thiết bị âm thanh không dây có dấu hợp chuẩn, dấu hợp đúng quy định, có dải tần hoạt động phù hợp với quy hoạch của Việt Nam.