Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) là một chính sách có ảnh hưởng lớn và trực tiếp tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp ngành đồ uống nói chung, các ngành bia, rượu nói riêng và tác động tới cả các ngành hàng liên quan cũng như nền kinh tế.

Dây chuyền sản xuất tại Nhà máy bia Hà Nội .(Ảnh ĐĂNG ANH)
Ngành bia có vị trí, vai trò rất lớn trong việc tạo nguồn thu cho ngân sách thông qua các khoản thuế trực tiếp từ sản xuất bia và các khoản khác qua những hoạt động liên quan như dịch vụ phân phối bán lẻ, bao gồm cả dịch vụ xuất nhập khẩu,…
Trong những năm gần đây, ngành đồ uống trong đó có ngành bia đóng góp lớn vào thu ngân sách nhà nước, với trung bình hơn 60 nghìn tỷ đồng mỗi năm. Giá trị sản xuất của ngành đồ uống chiếm khoảng 5,6-6% tổng giá trị sản xuất ngành công nghiệp, đồng thời tạo ra việc làm cho hàng chục nghìn lao động trực tiếp và hàng triệu lao động gián tiếp trong chuỗi cung ứng bia.
Mặt khác, ngành bia còn thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài lớn, từ các công ty đa quốc gia của các nước phát triển khu vực châu Âu, châu Mỹ, đem theo công nghệ sản xuất, chế biến hiện đại, đóng góp vào sự phát triển công nghiệp hóa,hiện đại hóa ngành công nghiệp bia, cùng các phương pháp quản lý sản xuất, kinh doanh tiên tiến, từ đó giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành bia Việt Nam trên thị trường nội địa và quốc tế trong bối cảnh hội nhập.
PGS.TS Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia-Rượu-Nước giải khát Việt Nam (VBA) cho biết: Giai đoạn 2009-2015, ngành bia duy trì được đà tăng trưởng tốt với tốc độ bình quân hằng năm khoảng gần 10%. Tuy nhiên, từ năm 2016 khi mức thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng này bắt đầu được điều chỉnh tăng 5%/năm, tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm ngành bia giai đoạn 2016-2019 đã sụt giảm còn khoảng 6,85%.
Tiếp đó, ngành bia tiếp tục hứng chịu tác động mạnh mẽ từ đại dịch Covid-19 cũng như một số cơ chế chính sách liên quan như Luật Phòng chống tác hại rượu bia, Nghị định 100/2019/NĐ-CP,…). Do đó, tốc độ tăng trưởng bình quân của ngành giai đoạn 2016-2024 đã giảm xuống chỉ còn 3,3%/năm, thấp hơn tốc độ tăng GDP cùng thời kỳ.
Dự thảo Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) dự kiến sẽ Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV lần này, trong đó đề xuất bổ sung thêm mặt hàng chịu thuế và tăng thuế suất các mặt hàng bia, rượu. Trong bối cảnh nền kinh tế nước ta tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, chịu tác động đan xen trước những biến động về kinh tế, chính trị thế giới, đặc biệt là chính sách thuế đối ứng của Hoa Kỳ.
Trong nước, các doanh nghiệp vẫn đối mặt với rất nhiều khó khăn kéo dài kể từ sau đại dịch Covid-19, thể hiện ở số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong quý I vừa qua giảm trong khi số lượng doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh hoặc hoàn tất thủ tục giải thể đều tăng. Do đó, các chuyên gia đánh giá, việc thay đổi cách tính thuế vào thời điểm hiện tại sẽ tác động rất lớn tới hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành bia, rượu vốn đang gặp nhiều khó khăn.
Tiến sĩ Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Vietnam cho rằng, nền kinh tế Việt Nam vẫn phải đối diện với nhiều thách thức. Trong khi bối cảnh nền kinh tế thế giới rất khó khăn với sự phục hồi còn mong manh của nhiều nền kinh tế lớn. Trong nước, tổng cầu tiêu dùng phục hồi chậm và sản xuất kinh doanh của một số ngành, lĩnh vực vẫn còn khó khăn.
Đặc biệt, đầu tháng 4 vừa qua, chính quyền Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump bất ngờ công bố chính sách thuế đối ứng áp đối với tất cả các đối tác thương mại, là cú sốc lớn đối với nền kinh tế hướng về xuất khẩu của Việt Nam.
Sắc thuế này đã làm các doanh nghiệp FDI và các doanh nghiệp thuộc khu vực tư nhân trong nước vô cùng lo lắng. Nó có nguy cơ ảnh hưởng tới mục tiêu tăng trưởng của các doanh nghiệp, thậm chí sự sinh tồn của chính họ. Và kế đó là đến việc làm, an sinh xã hội của hàng trăm nghìn, hàng triệu công nhân trong những ngành hàng bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi sắc thuế này.
Đến nay, việc áp thuế được tạm hoãn. Các cơ quan quản lý, và doanh nghiệp, người lao động có thể tạm thời bớt lo lắng nhờ có thêm 90 ngày sắc thuế này được tạm hoãn thi hành.
Trong bối cảnh đó, Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) dự kiến sắp được Quốc hội thông qua sẽ tạo “tác động kép” lên một số ngành sản xuất, ngành bia nói riêng, ảnh hưởng lớn và trực tiếp tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong ngành, hàng triệu người lao động trong ngành cũng như các ngành hàng liên quan, tới hàng triệu người tiêu dùng và nền kinh tế.
Nhất là với quyết tâm chính trị về mục tiêu tăng trưởng từ 8% trở lên trong năm nay, cũng như với tinh thần hỗ trợ doanh nghiệp của Nghị quyết số 68-NQ/TW, việc tăng thuế có vẻ “lệch pha” trong bối cảnh này.
Việc sử dụng rượu bia có trách nhiệm là một tập quán văn minh chúng ta nên theo đuổi. Thuế cao sẽ chỉ là một trong vô vàn các biện pháp để hình thành nên tập quán văn mình đó. Nhưng thuế cao, bất ngờ, thiếu tính tiên liệu có thể lại làm thui chột những nỗ lực, cố gắng, các khoản đầu tư của các doanh nghiệp để tạo ra các sản phẩm có chất lượng, phục vụ cho tập quán văn mình đó.
Đặc biệt, trong bối cảnh cả nền kinh tế, các doanh nghiệp, người dân đang nỗ lực hướng tới mục tiêu tăng trưởng cao trong những năm tới, sự suy giảm về đầu tư trong ngành rượu bia, suy giảm về tiêu dùng của người dân đối với sản phẩm rượu bia đạt chuẩn, sẽ ảnh hưởng tới tổng cầu và trực tiếp tới mục tiêu tăng trưởng GDP ngay trong năm nay.
Bởi ngay từ bây giờ, các doanh nghiệp đã bắt đầu do dự trước các quyết định đầu tư dự án mới hay mở rộng sản xuất khi phải đối diện một lộ trình tăng thuế quá gấp gáp, quá mạnh.
Hình thành một tập quán văn minh là việc nên làm, nhưng không thể chỉ dùng một biện pháp duy nhất là thuế và việc điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt với một lộ trình gấp gáp có thể ảnh hưởng tới những mục tiêu chính sách cần được ưu tiên hơn trong giai đoạn này. Đó là tăng trưởng GDP, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua những khó khăn đến từ cú sốc thuế quan toàn cầu, tiếp tục phát triển và bứt phá mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.
“Một lộ trình tăng thuế hợp lý về cả mức thuế và thời gian áp dụng sẽ giúp hài hoà được việc đạt được mục tiêu của sắc thuế tiêu thụ đặc biệt đồng thời sẽ giúp “khoan sức doanh nghiệp”, hỗ trợ họ hồi phục và tiếp tục đóng góp cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế ở tốc độ cao trong năm nay và những năm tiếp theo”, Tiến sĩ Lê Duy Bình nói.
Ở một góc nhìn khác, chuyên gia về thuế Nguyễn Văn Phụng cho biết: Tiêu dùng nội địa nước ta bao gồm tiêu dùng của người dân trong nước và tiêu dùng của khách du lịch đến Việt Nam. Xét về mặt lý thuyết, các loại thuế trực thu (như thuế thu nhập) sẽ làm giảm nguồn lực dành cho tiêu dùng, trong khi các loại thuế gián thu sẽ có tác động làm tăng giá cả và giảm cầu.
Vấn đề được quan tâm là làm thế nào để người tiêu dùng tăng chi tiêu, đồng thời nhà cung cấp, người bán hàng có vai trò gì trong việc kích cầu tiêu dùng và những giải pháp nào về thuế cần được áp dụng để họ đồng hành với người tiêu dùng.
Những năm qua, hệ thống chính sách thuế, phí và lệ phí được hoàn thiện đã có tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến kích cầu tiêu dùng nội địa, đối với cả người tiêu dùng trong nước và khách du lịch thông qua việc góp phần tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, minh bạch, khuyến khích phát triển sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân.
Việc sắp xếp lại các loại phí, lệ phí của cả nền kinh tế, trong đó có nhiều loại liên quan đến lĩnh vực văn hóa, du lịch, xuất nhập cảnh, đi lại, lưu trú… cùng với các biện pháp quản lý chuyên ngành đã góp phần quan trọng vào việc thu hút khách du lịch đến Việt Nam.
Quy định và tổ chức thực hiện việc bán hàng miễn thuế, hoàn thuế giá trị gia tăng cho khách xuất cảnh tuy mới được triển khai vài năm, nhưng đã phát huy tác dụng trong việc thu hút khách du lịch và thúc đẩy khách tăng chi tiêu. Các quy định về ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp như miễn thuế, giảm thuế trong một số năm đối với các cơ sở kinh doanh tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, địa bàn đặc biệt khó khăn có tác động thu hút, thúc đấy phát triển các cơ sở du lịch mới.
Có thể thấy, trên góc độ người tiêu dùng nội địa, việc tăng hoặc giảm chi tiêu chịu tác động trực tiếp từ các yếu tố thu nhập khả dụng của người dân và giá cả hàng hóa, dịch vụ trên thị trường. Thu nhập ngày càng cao tạo khả năng cho việc nâng cao sức tiêu dùng, phù hợp với việc tăng thu nhập.
Trong khi đó, giá cả hàng hóa, dịch vụ ở mức hợp lý sẽ bảo đảm duy trì mức chi tiêu thường xuyên, người dân sẽ có xu hướng tăng chi tiêu khi được áp dụng các biện pháp giảm giá, tăng hậu mãi của nhà cung cấp. Ngược lại, giá cả sinh hoạt tăng lên sẽ kéo theo việc giảm tiêu dùng xã hội.
Vì vậy, để kích cầu tiêu dùng nội địa, nuôi dưỡng nguồn thu và hỗ trợ thị trường nhằm ưu tiên tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, ông Nguyễn Văn Phụng kiến nghị: Cần tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8% với thời hạn dài hơn, ít nhất đến hết năm 2026; đồng thời, mở rộng áp dụng đối với tất cả các hàng hóa, dịch vụ, (gồm cả mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt) để bảo đảm công bằng, khoa học, phù hợp với cơ chế khấu trừ liên hoàn của thuế giá trị gia tăng, tránh hệ lụy “chuyển thuế, tăng thuế” đối với các mặt hàng chịu thuế suất 10%.
Bên cạnh đó, cần sửa toàn diện luật hiện hành đối với 10 loại thu nhập chịu thuế; 16 loại/khoản thu nhập được miễn thuế cũng cần sắp xếp lại theo hướng mở rộng diện chịu thuế, thu hẹp diện miễn thuế. Trong đó, thu nhập từ tiền công cần sửa đổi mức giảm trừ gia cảnh và khoảng cách các bậc thu nhập trong Biểu thuế lũy tiến từng phần.
Riêng với Dự thảo Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), cần ghi nhận và xem xét kỹ các yếu tố, bao gồm: Thực tế khó khăn của ngành đồ uống khi lực cầu giảm, thị trường chưa hoàn toàn phục hồi; thói quen tiêu dùng của người dân đã có sự thay đổi mạnh theo xu hướng giảm uống và ít uống tại các nhà hàng, điểm bán như trước đây do tác động của quy định xử phạt hành chính về trật tự an toàn giao thông.
Do đó, ông Nguyễn Văn Phụng bày tỏ sự đồng tình với kiến nghị của VBA là lùi hiệu lực thi hành của Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) tới năm 2028, sau đó tăng thuế theo từng năm và mỗi năm tăng 5%.
Nguồn: https://nhandan.vn/