Thời điểm cuối năm, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm của người dân tăng cao. Đây cũng là thời điểm thực phẩm không rõ nguồn gốc, không bảo đảm chất lượng có cơ hội trà trộn vào thị trường. Do vậy, việc kiểm soát, truy xuất nguồn gốc thực phẩm là một trong những khâu then chốt để góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP), nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ sắp tới.
Lực lượng quản lý thị trường tăng cường kiểm tra tại các cơ sở kinh doanh. (Ảnh NGỌC MINH)
Theo thông lệ, trước thềm các dịp lễ, Tết, Hà Nội triển khai nhiều đợt kiểm tra ATTP tại các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm. Cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra chất lượng thực phẩm tại các chợ, siêu thị và các cửa hàng bán lẻ. Đặc biệt, các loại thực phẩm như rau củ quả, thịt, gia cầm, thủy sản, những mặt hàng tiêu thụ nhiều trong dịp Tết Nguyên đán được chú trọng kiểm tra về nguồn gốc, quy trình bảo quản, chất lượng sản phẩm, nhằm phát hiện và kịp thời xử lý các vi phạm.
Những hoạt động này nhằm nâng cao nhận thức của cả người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng. Trong đợt kiểm tra gần đây, Thanh tra Sở Y tế Hà Nội phát hiện cơ sở Bò nhúng dấm 555 tại quận Ba Đình kinh doanh mà không có giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP, cơ sở này đã bị xử phạt hành chính 12,5 triệu đồng. Tương tự, một cơ sở kinh doanh hải sản ở quận Cầu Giấy cũng bị xử phạt 16 triệu đồng vì vi phạm quy định kiểm định thực phẩm ba bước và lưu mẫu thức ăn.
Theo Chi cục trưởng An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Đặng Thanh Phong, thành phố hiện có hơn 72.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm, trong đó, ngành y tế quản lý khoảng 39.000 cơ sở. Thời gian qua, cơ quan chức năng của Hà Nội đã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, hậu kiểm vệ sinh, ATTP tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, bếp ăn tập thể…
Sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng đã góp phần tạo sự chuyển biến tích cực trong việc tuân thủ quy định về ATTP của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Nhiều cơ sở đã đầu tư trang thiết bị mới, đồng bộ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, nâng cao ý thức về bảo đảm ATTP. |
Bên cạnh những kết quả đạt được, theo đánh giá chung, hiện tại công tác quản lý ATTP trên địa bàn thành phố vẫn còn gặp không ít khó khăn, bất cập. Một số chủ cơ sở kinh doanh thực phẩm chưa có ý thức bảo vệ sức khỏe cộng đồng, chạy theo lợi nhuận trước mắt, cố tình vi phạm quy định về ATTP… Phần lớn nhà hàng kinh doanh thức ăn đường phố hoạt động thời vụ, không có địa điểm cố định, người bán hàng từ địa phương khác đến gây khó khăn cho công tác quản lý, tuyên truyền, hướng dẫn quy định pháp luật.
Cán bộ tuyến huyện và tuyến xã kiêm nhiệm nhiều việc, cho nên gặp khó khăn và bị động trong triển khai hoạt động kiểm tra, hậu kiểm ATTP… Cùng với đó, một nguyên nhân không kém phần quan trọng, đó là việc truy xuất nguồn gốc chưa được thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, nhất là đối với nhóm thực phẩm tươi sống. Từ người bán đến người mua, thậm chí cả cơ quan quản lý cũng trong tình trạng thiếu thông tin về nguồn gốc thực phẩm.
Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 335/KH-UBND về việc bảo đảm ATTP phục vụ Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Ất Tỵ và Lễ hội Xuân năm 2025.
Theo đó, kế hoạch nhằm tăng cường thanh tra, kiểm tra kiểm soát ATTP trong sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu và sử dụng thực phẩm nhằm bảo đảm công tác phòng chống ngộ độc thực phẩm, hạn chế tối đa các vụ ngộ độc thực phẩm; tập trung tuyên truyền nâng cao kiến thức, thái độ, thực hành về vệ sinh ATTP trong dịp Tết, lễ hội; nâng cao vai trò, trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp, của người quản lý, của người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng; tuyên truyền việc sử dụng phòng ngừa ngộ độc rượu, các kiến thức trong lựa chọn, bảo quản, chế biến và tiêu dùng thực phẩm; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra liên ngành, tập trung vào các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm, các chợ đầu mối, siêu thị, trung tâm thương mại, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, đặt trọng tâm vào những cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu các mặt hàng thực phẩm, các cơ sở dịch vụ ăn uống…
Các cơ quan, ngành chức năng, chính quyền cơ sở… cần thanh tra, kiểm tra đột xuất, hậu kiểm nhằm hạn chế tối đa thực phẩm không bảo đảm an toàn lưu thông trên thị trường. Cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để truy xuất nguồn gốc, bảo đảm thông tin nhanh, chính xác về nguồn gốc thực phẩm lưu thông trên thị trường. Người dân cần nâng cao kiến thức tiêu dùng, tuyệt đối không lựa chọn sản phẩm không rõ nguồn gốc, bảo vệ chính mình và cộng đồng.
Nguồn: https://nhandan.vn/