Nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh (1/7/1915 -1/7/2015), tuyengiaohungyen.vn trân trọng giới thiệu bài viết của TS. Đặng Văn Thái, Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng bài viết: “Tuổi trẻ và những hoạt động yêu nước đầu tiên của đồng chí Nguyễn Văn Linh”.
Sớm giác ngộ cách mạng, đồng chí Nguyễn Văn Linh tham gia phong trào yêu nước từ khi còn rất trẻ. Năm 1929, mới 14 tuổi đồng chí đã tích cực hoạt động tham gia Học sinh đoàn – tổ chức yêu nước của thanh niên học sinh do Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên tổ chức và lãnh đạo, được dự các lớp huấn luyện do Hội Việt Nam cách mạng thanh niên Hải Phòng tổ chức. Cùng năm đó, đồng chí được kết nạp và hoạt động trong tổ chức cách mạng này. Tuổi trẻ và con đường đến với lý tưởng cộng sản của đồng chí Nguyễn Văn Linh là tấm gương tiêu biểu về tinh thần trách nhiệm trước vận mệnh của dân tộc của lớp thanh niên Việt Nam thời dựng Đảng.
1. Tuổi trẻ Nguyễn Văn Linh
Đồng chí Nguyễn Văn Linh tên khai sinh là Nguyễn Đức Cúc, quen gọi là Nguyễn Văn Cúc, sinh ngày 1-7-1915, tại Hà Nội; trong một gia đình công chức, quê gốc là xã Giai Phạm, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên.
Năm Nguyễn Văn Cúc mới lên bốn tuổi, thì cha bị cảm mạo và qua đời đột ngột. Từ đó, gia cảnh trở nên gieo neo. Thương đứa cháu nghèo sớm mồ côi cha, bà nội và chú ruột của Nguyễn Vănc Cúc - ông Nguyễn Đức Thụ, đón về nuôi cho ăn học. Thấm thía thân phận của mình, cậu bé Cúc đã sớm có chí học hành để không thua kém bạn bè.
Vì ốm đau kéo dài, không đi làm được, không trả được tiền thuê nhà, mẹ Nguyễn Văn Cúc phải dẫn con gái vào tá túc và chữa bệnh tại chùa Thái Bình, thuộc thôn Thái Bình, xã Mai Lâm, huyện Đông Anh, cách Cầu Đuống chừng 5km. Khi mẹ mất, anh không được gặp mặt, chỉ nghe nói bà được an táng trong đất chùa này.
Năm 1925, ông Nguyễn Đức Thụ được đổi về làm việc ở Hải Phòng. Bà nội, Cúc và cô em gái cũng theo chú về thành phố cảng. Tuy kinh tế gia đình chẳng mấy sung túc, nhưng biết người cháu có tư chất thông minh, ham học, ông Nguyễn Đức Thụ đã gắng sức lo việc học hành cho cháu. Nguyễn Văn Cúc được chú gửi vào học Trường Bonnan-một trường tiểu học Pháp - Việt hồi đó ở Hải Phòng, năm học 1925 - 1926.
Năm 14 tuổi, khi Nguyễn Văn Cúc đang học lớp Nhì thì bà nội của anh qua đời.. Anh xin phép ông Thụ, được sang ở với người chú họ là ông Nguyễn Đức Hùng, nhà ở gần xóm thợ Lạc Viên của công nhân Nhà máy tơ. Sống ở đây anh thấy dễ chịu hơn. Ông Hùng rất thương cháu, luôn luôn quan tâm đến việc học hành của Nguyễn Văn Cúc. Chính tại môi trường này, anh sớm giác ngộ cách mạng.
Với tư chất thông minh và đức cần cù hiếu học, Nguyễn Văn Cúc tìm đọc tiểu thuyết của các tác giả có tư tưởng tiến bộ như Những người khốn khổ của V.Huygô, Không gia đình của H.Malô, v.v.. và cùng một số bạn học đã tìm đọc cả những sách báo tiến bộ tiếng Pháp. Họ bắt đầu hỏi nhau và bàn luận khá sôi nổi về những vấn đề như thế nào là bình đẳng, bác ái; thế nào là tự do, dân chủ. Đọc sách báo tiến bộ Pháp viết về đời sống công nhân và nhân dân lao động Pháp, về sự bóc lột áp bức của giới chủ tư bản Pháp, họ bắt đầu nêu câu hỏi và cùng bàn luận: tại sao những người lao động và thợ thuyền ở Pháp, ở Việt Nam đều khổ cực, đều bị giới chủ bóc lột, đều bị nhà giàu khinh rẻ? Phải làm gì và bằng cách nào để người nghèo thoát khỏi cảnh bất công, đói nghèo, khỏi bị đối xử bạo ngược?
Là thành phố cảng, kinh tế - xã hội ở Hải Phòng cũng phát triển và có nhiều thay đổi theo tốc độ gia tăng của cuộc khai thác thuộc địa lần thứ hai mà thực dân Pháp đang tiến hành ở Đông Dương. Tại đây, hằng ngày những người dân lao động phải oằn mình chịu đựng sự bóc lột của giới chủ tư bản và chính sách cai trị khắc nghiệt của bọn thực dân. Tấm lưng trần lằn vết roi vọt của những người phu khuân vác ngoài bến cảng, sự lao động cực nhọc của những người thợ trong xưởng máy, cùng ánh mắt khao khát tự do của họ đã sớm in sâu vào tư tưởng của lớp trẻ như Nguyễn Văn Cúc. Từ rất sớm các anh đã suy nghĩ về con đường đi tìm tự do, bình đẳng cho mình và đồng bào mình, trước hết là cho những người lao động cùng lối xóm.
Trong những năm 1926-1929, chủ nghĩa Mác - Lênin qua hoạt động của các hội viên Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên dần dần thâm nhập vào các tổ chức yêu nước ở thành phố cảng Hải Phòng. Cũng trong thời gian này, (đầu năm 1928), ở Hải Phòng, Kiến An, Hải Dương và một số địa phương khác, Việt Nam Quốc dân Đảng đang tăng cường hoạt động và đã lập được tổ chức cơ sở ở các địa phương này. Hoạt động tuyên truyền của Quốc dân Đảng song song với tổ chức Thanh niên đã dẫn đến cuộc lựa chọn về con đường giải phóng dân tộc theo ý thức hệ tư sản hay ý thức hệ vô sản, theo xu hướng quốc gia hay quốc tế. Trong bối cảnh ấy, nhằm giúp lớp thanh niên yêu nước ở Hải Phòng lúc đó có sự lựa chọn con đường yêu nước đúng đắn, Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Hải Phòng đã mở các lớp huấn luyện lý luận cách mạng. Nội dung các lớp huấn luyện gồm: lịch sử tiến hóa nhân loại, những kiến thức sơ giản về chủ nghĩa cộng sản, về chủ nghĩa tư bản, về tư cách người cách mạng, về phương pháp vận động và tổ chức quần chúng, v.v.. Do chan hòa với bạn bè, được mọi người quý mến, Nguyễn Văn Cúc được kết nạp vào Học sinh đoàn – một tổ chức yêu nước của thanh niên học sinh do chi hội Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên Hải Phòng tổ chức trong trường Bonnan. Anh cùng với một số học sinh được cử tham gia lớp huấn luyện lý luận, rồi được kết nạp vào Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Từ đây, anh nguyện đi theo con đường của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, hiến dâng tuổi trẻ và sức lực của mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp.
2. Những hoạt động cách mạng đầu tiên
Trong những năm 1928 - 1929, Hải Phòng - Kiến An là một trong những địa bàn có phong trào cách mạng khá sôi nổi. Ngày 28-9-1928, Kỳ bộ Bắc Kỳ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên đề ra chủ trương "vô sản hoá". Thực hiện chủ trương này, nhiều hội viên đã vào nhà máy, hầm mỏ, đồn điền cùng lao động và sinh hoạt với công nhân để tuyên truyền giác ngộ cách mạng, nêu cao ý thức giai cấp cho công nhân, qua đó các hội viên xuất thân không phải là công nhân có điều kiện tự rèn luyện lập trường vô sản.
Thông qua "vô sản hóa", các chiến sĩ cách mạng ở Hải Phòng đã đạt hai mục đích rất quan trọng: thứ nhất là các hội viên Thanh niên qua "vô sản hóa" đã trưởng thành một bước quan trọng về nhận thức tư tưởng và về ý thức giai cấp; thứ hai là thông qua hoạt động trong phong trào công nhân, các hội viên đã bồi dưỡng tinh thần yêu nước, ý thức giai cấp cho các tầng lớp quần chúng lao khổ, tuyên truyền, phổ biến chủ nghĩa Mác - Lênin trong quần chúng lao động dưới các hình thức thiết thực, sinh động.
Nhờ những hoạt động tích cực của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, từ cuối năm 1928, phong trào yêu nước và cách mạng của công nhân và nhân dân lao động Hải Phòng đã có những chuyển biến lớn. Sang đầu năm 1929, phong trào phát triển nhanh về số cuộc đấu tranh và tính chất chính trị của các cuộc đấu tranh cũng rõ ràng hơn, nhiều cuộc đấu tranh đã có tiếng vang trong toàn quốc. Trước tình hình ấy, Kỳ bộ Bắc Kỳ của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên đã kịp thời tăng cường sự chỉ đạo để đưa phong trào cách mạng ở Hải Phòng tiến lên bước phát triển mới.
Tháng 3-1929, Hội nghị Kỳ bộ Bắc Kỳ của Thanh niên họp tại số nhà 5D Hàm Long - Hà Nội, quyết định thành lập chi bộ cộng sản đầu tiên để chuẩn bị cho việc thành lập Đảng Cộng sản và cử đại biểu đi dự Đại hội lần thứ nhất Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Hội nghị đã giao nhiệm vụ cho các đại biểu đi dự phải đấu tranh cho chủ trương thành lập Đảng Cộng sản sẽ được thông qua tại Đại hội.
Trên địa bàn thành phố Hải Phòng thời gian này, phong trào cách mạng phát triển khá mạnh, nhưng các chi bộ Thanh niên lại chưa kịp thời nêu được những khẩu hiệu thích hợp, chưa tập hợp được lực lượng quần chúng đông đảo để đưa phong trào phát triển cao hơn nữa. Vì vậy, yêu cầu phải có tổ chức cộng sản đủ năng lực chỉ đạo, hướng dẫn phong trào, càng trở nên cấp bách.
Nắm bắt tình hình và yêu cầu trên đây, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh - một trong những người tham gia thành lập Chi bộ cộng sản 5D Hàm Long, Hà Nội, đã cùng các đồng chí Hoàng Văn Đoài (tức Ninh), Nguyễn Hữu Căn (tức Phi Vân) đứng ra thành lập chi bộ cộng sản đầu tiên ở Hải Phòng. Đó là kết quả của quá trình vận động, phát triển của phong trào công nhân và phong trào cách mạng ở thành phố, là kết quả hoạt động không mệt mỏi của các chiến sĩ cách mạng ở đây.
Sự ra đời của chi bộ cộng sản ở Hải Phòng khẳng định sự sáng suốt của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và các học trò - đồng chí của Người khi chọn Hải Phòng, cửa khẩu giao lưu trong nước và quốc tế, làm đầu cầu truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam, chuẩn bị tiến tới thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.
Đầu tháng 8-1929, Ban Chấp hành Trung ương lâm thời Đông Dương Cộng sản Đảng đã chỉ định các đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, Nguyễn Hữu Căn và Hoàng Văn Đoài tham gia Ban Tỉnh uỷ lâm thời Hải Phòng, do đồng chí Nguyễn Đức Cảnh làm Bí thư.
Năm học 1929 - 1930, Nguyễn Văn Cúc lên lớp nhất và chuyển về học ở trường Giăng Đuypuy (Jean Dupuis), gần Bến Bính. Anh càng phấn khởi học hành, hăng say trong các buổi thảo luận với bạn bè cùng hoạt động.
Sự ra đời và lãnh đạo của Đảng bộ Hải Phòng đã thúc đẩy phong trào đấu tranh của các tầng lớp nhân dân bước sang thời kỳ phát triển mới. Hải Phòng trở thành một trong các trung tâm của phong trào cách mạng ở miền Bắc. Được sự chỉ đạo trực tiếp của Xứ uỷ Bắc Kỳ (khi đó đóng ở Hải Phòng), các chi bộ đảng và tổ chức quần chúng các khu phố, nhà máy và một số vùng nông thôn được củng cố. Đảng bộ Hải Phòng đã quyết định phát động phong trào quần chúng đấu tranh nhân ngày Quốc tế lao động 1-5. Đây cũng là chủ trương chung của Đảng ta nhằm đẩy cao hơn nữa phong trào cách mạng trong toàn quốc.
Thực hiện chủ trương trên đây, từ tháng 4-1930, công nhân Nhà máy điện Cửa Cấm, Nhà máy thuỷ tinh, thợ xẻ đã đứng dậy đấu tranh. Hơn 1.000 công nhân đại diện cho các nhà máy, xí nghiệp thành phố đã họp mít tinh đấu tranh phản đối các án tử hình đối với tù chính trị. Trong dịp này, Tỉnh uỷ Hải Phòng đã phát hành tuyên ngôn giải thích ý nghĩa việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và đẩy mạnh tuyên truyền, kêu gọi đấu tranh kỷ niệm ngày Quốc tế lao động 1-5-1930.
Nguyễn Văn Cúc và các bạn cùng học ở trường Giăng Đuypuy, trường Bonnan đã tham gia rất tích cực vào các hoạt động này.
Từ đêm 30-4, những tờ truyền đơn giấy màu, khổ 19x15, tuyên truyền về ý nghĩa ngày Quốc tế lao động cùng những khẩu hiệu đấu tranh đòi ngày làm việc 8 giờ; đòi giảm thuế, đòi trả công cao hơn; kêu gọi giúp đỡ nước Nga Xôviết đang bị các nước đế quốc bao vây, v.v. được rải ở các phố Cát Dài, Cát Cụt, Cầu Đất, Tám Gian, Phố Khách và nhiều khu vực trong Nhà máy xi măng, Nhà máy chai, xưởng Ca Rông, trường Bonnan, nhiều vùng ở tỉnh lỵ và nông thôn Kiến An. Trên đỉnh núi Phù Liễn (Kiến An) và trên dây điện cao thế vắt ngang sông Tam Bạc, trong khu vực Nhà máy xi măng... những lá cờ đỏ búa liềm cỡ lớn tung bay trong gió đến nửa buổi sáng 1-5 trước sự lồng lộn, điên cuồng của lũ cảnh binh.
Sáng sớm ngày 1-5-1930, Nguyễn Văn Cúc và hai thanh niên học sinh là các anh Nguyễn Văn Thiêm và Lê Viên được tổ chức giao nhiệm vụ rải truyền đơn dọc phố Cát Dài. Đồng chí kể lại: "Buổi sáng sớm hôm đó, vào giờ tập thể dục, chúng tôi đi đầu trần, chân đất, mặc quần cụt cùng với bó truyền đơn trong tay với nhiệm là rải truyền đơn dọc theo phố Cát Dài (Hải Phòng). Chúng tôi không hay biết là ở ngã tư của phố thường có cảnh binh đứng đó. Bởi vậy khi rải tới ngã tư, cảnh binh phát hiện thấy và bắt cả ba chúng tôi"1. Các anh bị cảnh binh đưa về giam ở Sở mật thám Hải Phòng.
Bị giam ở Sở mật thám Hải Phòng, hàng ngày phải chứng kiến những hành động tra tấn, khủng bố của kẻ thù đối với những người cách mạng, nhưng Nguyễn Văn Cúc không hề run sợ. Anh bị tòa án thực dân kết án 18 tháng tù và đưa về giam tại khám lớn Hải Phòng. Ngày 16-11-1930, tù chính trị là đảng viên cộng sản trong khám lớn ở Hải Phòng nhất loạt tuyệt thực để phản đối sự đàn áp dã man những người tù cộng sản. Họ nắm tay nhau cùng hát vang Quốc tế ca.
Điên cuồng trước phong trào cách mạng của quần chúng yêu nước dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, để khủng bố, đe dọa những người cộng sản và quần chúng cách mạng, thực dân Pháp đã mở nhiều tòa đại hình ở Hà Nội, Sài Gòn, Nam Định, Vinh, v.v. để xét xử những người tù chính trị, bao gồm cả những đảng viên Quốc dân Đảng đã tham gia cuộc khởi nghĩa Yên Bái (2-1930).
Ngày 26-1-1931, thực dân Pháp đưa 191 tù chính trị, trong đó có 72 người tù cộng sản ra xử tại phiên tòa đặc biệt ở thị xã Kiến An, cách trung tâm Hải Phòng l0km, Nguyễn Văn Cúc cũng bị chúng đưa ra xử lại tại phiên tòa này. Phiên tòa được mở trong trại lính khố đỏ, do chính tên Thanh tra hành chính Bắc Kỳ Pulê Ôdiê (Poulet Osier) làm chánh án cùng với các ghế bồi thẩm của Công sứ Kiến An, của Biện lý tòa Hải Phòng, v.v.. Sự phi lý của phiên tòa này là ở chỗ toàn bộ hồ sơ bản án đều do bọn mật thám Hải Phòng làm sẵn. Bọn quan tòa chỉ còn việc tuyên đọc với những mức án rất nặng. Mặc dù chưa tới tuổi thành niên, Nguyễn Văn Cúc bị chúng kết án phát lưu chung thân, cùng với mức án 18 tháng tù chúng xử anh ở Hải Phòng trước đó.
Tòa án thực dân đã không bẻ gãy được ý chí kiên cường của những người cộng sản. Đồng chí Hoàng Quốc Việt – một trong những bị cáo trong phiên tòa hôm đó kể lại “Ra tòa, tôi bị kết án chung thân biệt xứ, khi chúng đã tuyên án “mớ” chúng tôi xong rồi, chúng tôi còn hai lá cờ đỏ, khá to, dấu trong người, bèn tung ra, anh em cùng hô to: “Đả đảo đế quốc”, “Đảng Cộng sản muôn năm”2
Bản lĩnh vững vàng và sự kiên cường của các chiến sĩ cộng sản lớp đàn anh đã làm cho Nguyễn Văn Cúc tăng thêm chí khí cách mạng. Anh không hề run sợ trước những lời tuyên án của bọn quan tòa thực dân.
Mùa đông năm 1931, thực dân Pháp đưa Nguyễn Văn Cúc và nhiều chiến sĩ cách mạng khác đày ra Côn Đảo.
Những hoạt động cách mạng nói trên là mốc đánh dấu sự trưởng thành của người thanh niên yêu nước, người cộng sản trẻ tuổi Nguyễn văn Linh. Từ đây, đồng chí bắt đầu bước vào hành trình gần 70 năm đầy hy sinh, gian khổ của một nhà cách mạng chuyên nghiệp suốt đời đấu tranh vì độc lập dân tộc, vì tự do hạnh phúc của nhân dân.
Đ.V.T
1. Nguyễn Văn Linh - hành trình cùng lịch sử, Nxb Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh, 1989, tr.36.
2. Nhân dân ta rất anh hùng, Nxb Văn học, H, 1960, tr.158.