KỶ NIỆM 71 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (7/5/1954 - 7/5/2025)
Thông tin - Tổng hợp
Đăng ngày: 07/05/2025 - Lượt xem: 11
Vị thế toàn cầu và trách nhiệm của doanh nghiệp

Ngày 4/5/2025, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân, mở ra giai đoạn phát triển mạnh mẽ của khu vực kinh tế tư nhân với vai trò là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia. Đây sẽ là lực lượng tiên phong thúc đẩy tăng trưởng, tạo việc làm, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh quốc gia, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng xanh, tuần hoàn, bền vững...

Sản xuất máy nước nóng tại Nhà máy Tân Á Đại Thành Hà Nam. (Ảnh: TÙNG NGUYÊN)

Cảm nhận đầu tiên của chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung là Nghị quyết số 68-NQ/TW đã thể hiện quyết tâm chính trị rất cao của Đảng nhằm giải quyết hầu hết các vấn đề đang trở thành rào cản kìm hãm sự phát triển kinh tế tư nhân, bao gồm các vấn đề cấp bách đặt ra về thể chế, tiếp cận nguồn lực, môi trường đầu tư kinh doanh, đào tạo nhân lực... với cách thể hiện rất rõ ràng, cụ thể, sát với thực tiễn và có định hướng chính sách để triển khai thực hiện ngay vào cuộc sống.

Ưu tiên hỗ trợ phát triển kinh tế tư nhân

Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung cho rằng, đây là cách nhìn nhận khu vực kinh tế tư nhân theo hướng động chứ không phải theo cách trước đây là kinh tế tư nhân lớn dần đến đâu thừa nhận đến đó. Cách nhìn trực diện, bao trùm về tiềm năng chưa được khai phá cũng như những rào cản đang cản trở sự phát triển của động lực kinh tế tư nhân như vậy mới đưa ra được chính sách thích hợp để kích hoạt động lực tăng trưởng quan trọng nhất của nền kinh tế.

Cũng theo ông Cung, một trong những nội dung rất đáng chú ý của Nghị quyết số 68-NQ/TW là: bảo đảm nguyên tắc khi xử lý các sai phạm, vụ việc về dân sự, kinh tế, ưu tiên áp dụng các biện pháp về dân sự, kinh tế, hành chính trước, cho phép các doanh nghiệp, doanh nhân được chủ động khắc phục sai phạm, thiệt hại...

Cụ thể là thực hiện sửa đổi các quy định về pháp luật để bảo đảm nguyên tắc khi xử lý các sai phạm về dân sự kinh tế, ưu tiên áp dụng các biện pháp về dân sự, kinh tế, hành chính trước, cho phép doanh nghiệp, doanh nhân được chủ động khắc phục sai phạm, thiệt hại.

Kiên quyết không áp dụng xử lý hình sự trong trường hợp thực tiễn áp dụng pháp luật có thể dẫn đến xử lý hình sự hoặc không xử lý hình sự. Trường hợp đến mức xử lý hình sự thì ưu tiên các biện pháp khắc phục hậu quả kinh tế trước và là căn cứ quan trọng để xử lý bất lợi cho doanh nghiệp.

Đối với các vụ việc thiếu chứng cứ, không rõ ràng, phải sớm có kết luận để tránh ảnh hưởng đến uy tín và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, doanh nhân.

Một trong những nội dung rất đáng chú ý của Nghị quyết số 68-NQ/TW là: bảo đảm nguyên tắc khi xử lý các sai phạm, vụ việc về dân sự, kinh tế, ưu tiên áp dụng các biện pháp về dân sự, kinh tế, hành chính trước, cho phép các doanh nghiệp, doanh nhân được chủ động khắc phục sai phạm, thiệt hại...

Bên cạnh đó, Nghị quyết số 68-NQ/TW cũng đề cập đến các giải pháp nhằm bảo đảm và bảo vệ hữu hiệu các quyền của doanh nghiệp, doanh nhân, bao gồm quyền sở hữu, quyền tự do kinh doanh, quyền tài sản, quyền cạnh tranh bình đẳng và bảo đảm thực thi hợp đồng của kinh tế tư nhân.

Trong đó có cơ chế giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực kinh doanh, thương mại và rút ngắn thời gian giải quyết hợp đồng. Chấm dứt tình trạng thanh tra, kiểm tra chồng chéo, trùng lắp, kéo dài không cần thiết, bảo đảm nguyên tắc chỉ kiểm tra 1 lần/năm đối với doanh nghiệp, trừ trường hợp có bằng chứng rõ ràng về việc vi phạm.

Là người tâm huyết trong việc xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh an toàn, minh bạch, đạt chuẩn mực quốc tế, Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung nhận thấy gần đây, tình trạng hình sự hóa quan hệ kinh tế vẫn còn. Trong bối cảnh đó, Nghị quyết số 68-NQ/TW đã làm rõ nội hàm “không hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự” để áp dụng và thực thi nhất quán, giải tỏa tâm trạng “vừa làm, vừa sợ” của cả công chức thực thi và nhà đầu tư.

Đây là thông điệp mạnh mẽ về bảo vệ các giao dịch dân sự, kinh tế, nhằm làm lành mạnh môi trường kinh doanh, có giá trị cổ vũ mạnh mẽ tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, giúp doanh nghiệp, doanh nhân yên tâm đầu tư phát triển lâu dài, lớn mạnh.

Cấp bách cắt giảm điều kiện kinh doanh

Nghị quyết số 68-NQ/TW cũng mở ra không gian mới, động lực phát triển mới khi quyết liệt đẩy mạnh cải cách, hoàn thiện, nâng cao chất lượng thể chế, chính sách, với yêu cầu xóa bỏ các rào cản hành chính, cơ chế xin-cho, xóa bỏ tư duy “không quản được thì cấm”.

Chuyên gia kinh tế Phạm Minh Thảo nhận định, với mục tiêu cao và quyết tâm lớn, Bộ Chính trị đã đề ra nhiều giải pháp mang tính đột phá nhằm thúc đẩy tinh thần kinh doanh, kích thích tính sáng tạo, phù hợp với xu thế chuyển đổi và tạo lập niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp. Một trong những nhóm giải pháp trọng tâm là đẩy mạnh cải cách, hoàn thiện, nâng cao chất lượng thể chế, chính sách.

Ngay sau khi Nghị quyết được ban hành, các bộ, ngành phải thực hiện rà soát các điều kiện kinh doanh hiện hành; nhận diện bất cập và đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật liên quan trong năm 2025. Việc rà soát, đánh giá hiệu quả, hiệu lực của các điều kiện kinh doanh cần được coi trọng và là hoạt động thường xuyên để bảo đảm điều kiện kinh doanh phù hợp với thực tiễn và xu thế phát triển. Cắt giảm điều kiện kinh doanh cũng đồng nghĩa với cắt giảm theo cấp số nhân về thủ tục hành chính tương ứng kèm theo.

“Để bảo đảm Nghị quyết được triển khai thực chất, hiệu quả, cơ chế theo dõi, giám sát cũng cần được quan tâm, thúc đẩy. Cơ chế này có thể do nhiều bên tham gia, bao gồm cả khu vực doanh nghiệp. Do đó, trong nhóm giải pháp về cải cách, hoàn thiện thể chế, Bộ Chính trị đã yêu cầu thiết lập cơ chế đánh giá, phản hồi về các rào cản, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Cơ chế đối thoại, phản ánh là một công cụ hữu hiệu để nhận diện trúng vấn đề và kịp thời có các phản ứng chính sách, góp phần nâng cao hiệu quả và hiệu lực thực thi chính sách”, chuyên gia kinh tế Phạm Minh Thảo nói.

Để bảo đảm Nghị quyết được triển khai thực chất, hiệu quả, cơ chế theo dõi, giám sát cũng cần được quan tâm, thúc đẩy. Cơ chế này có thể do nhiều bên tham gia, bao gồm cả khu vực doanh nghiệp.

Chuyên gia kinh tế Phạm Minh Thảo

Theo Tiến sĩ Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME), Nghị quyết số 68- NQ/TW là sự phát triển trong tư duy lý luận và thực tiễn của Đảng về kinh tế tư nhân. Điều này tạo niềm tin to lớn cho cộng đồng doanh nghiệp, mở ra kỳ vọng sẽ tạo được sự đột phá trong thời gian tới về thể chế, tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, minh bạch, công bằng theo hướng doanh nghiệp tốt, đóng góp nhiều sẽ được hưởng hỗ trợ, ưu đãi nhiều, thuận lợi cho sự phát triển.

Nghị quyết cũng tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận tốt hơn các nguồn lực về vốn, đất đai, nguồn nhân lực, khuyến khích đổi mới sáng tạo,...

Những nội dung này sẽ được cộng hưởng cùng Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, mở ra cơ hội thuận lợi cho đổi mới sáng tạo.

Cho rằng, đây là bước ngoặt trong chính sách phát triển kinh tế tư nhân của Đảng, Tiến sĩ Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Thành phố Hà Nội (Hanoisme) rất tâm đắc với quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết số 68-NQ/ TW là “xóa bỏ triệt để nhận thức, tư tưởng, quan niệm, thái độ định kiến về kinh tế tư nhân Việt Nam”, thừa nhận doanh nhân là “người chiến sĩ trên mặt trận kinh tế”, bảo đảm đầy đủ quyền sở hữu tài sản và quyền tự do kinh doanh.

Nghị quyết mới của Bộ Chính trị đã không chỉ tháo gỡ những rào cản về mặt thể chế, mà còn đặt lên vai doanh nhân trách nhiệm trở thành kiến trúc sư của mô hình tăng trưởng mới - tăng trưởng dựa trên công nghệ, giá trị xanh và năng lực cạnh tranh toàn cầu.

Muốn xứng đáng là động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia, mỗi doanh nghiệp phải sớm hành động, minh bạch, liên kết và đổi mới không ngừng.

Theo ông Đinh Hồng Kỳ, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Secoin, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh (Huba), việc ban hành Nghị quyết số 68-NQ/TW thể hiện quyết tâm chính trị cao của Đảng và Nhà nước trong việc phát triển kinh tế tư nhân.

Để các chính sách của Đảng và Nhà nước đi vào thực tiễn, cần cụ thể hóa thành các văn bản chính sách, trong đó tháo gỡ các “nút thắt” về thể chế là trọng tâm. Các chính sách và quyết tâm chính trị mạnh mẽ của Đảng và Chính phủ trong thời gian gần đây, như cải cách thể chế, tinh giản bộ máy, đã tạo niềm tin lớn cho giới doanh nghiệp. Điều này sẽ khuyến khích doanh nghiệp tư nhân đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh, xây dựng thương hiệu, tiến tới hình thành và phát triển nhanh các tập đoàn kinh tế tư nhân tầm cỡ khu vực và toàn cầu.

Quan điểm mới của Đảng về phát triển kinh tế tư nhân Việt Nam trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc đang tạo ra khí thế mới cho toàn xã hội. Cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng công tác tổ chức thực hiện Nghị quyết số 68-NQ/ TW sớm được triển khai vào cuộc sống để Nghị quyết thật sự trở thành bước ngoặt lịch sử cho phát triển kinh tế tư nhân Việt Nam.

Nguồn: https://nhandan.vn/

Tin liên quan