Trong cuộc họp báo sáng 26-2, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đánh giá, đã có nhiều thay đổi liên quan đến dịch Covid-19 trên thế giới sau cuộc họp báo diễn ra một tuần trước. Đáng chú ý, ngày 25-2 đánh dấu lần đầu tiên số ca bệnh mới bên ngoài Trung Quốc nhiều hơn con số này tại Trung Quốc kể từ khi Covid-19 bùng phát.
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus. (Ảnh: Reuters)
Cử chuyên gia tới Iran, “điểm nóng” về dịch Covid-19 tại Trung Đông
Tổng Giám đốc WHO một lần nữa bày tỏ quan ngại sâu sắc về số ca nhiễm tăng đột biến tại Italy, Iran và Hàn Quốc. Thực tế cho thấy, có nhiều ca bệnh tại Bahrain, Iraq, Kuwait và Oman liên quan đến Iran. Cũng có nhiều ca bệnh liên quan đến Italy được ghi nhận tại Algeria, Áo, Croatia, Đức, Tây Ban Nha và Thụy Sĩ.
Ông Ghebreyesus cho biết, ngày 25-2, nhóm công tác chung giữa WHO và Trung tâm Ngăn ngừa và Kiểm soát dịch bệnh châu Âu đã tới Rome để hỗ trợ Italy về kỹ thuật và rà soát các biện pháp y tế cộng đồng đã được triển khai. Ông thông báo, một đoàn công tác của WHO sẽ tới Iran trong tuần này để hỗ trợ chính quyền Tehran ứng phó dịch bệnh.
Mọi kịch bản vẫn đang được thảo luận
Khi các ca bệnh bên ngoài Trung Quốc tăng nhanh, một số hãng truyền thông và chính trị gia đã kêu gọi ban bố đại dịch. Tuy nhiên, WHO cho rằng, chúng ta không nên sốt sắng công bố đại dịch mà không phân tích tình hình thực tế một cách cẩn trọng và rõ ràng. WHO đã ban bố tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu về dịch Covid-19, mức cảnh báo cao nhất của tổ chức này.
Theo ông Ghebreyesus, một trong những lý do WHO không sử dụng từ “đại dịch” là từ này có thể báo hiệu chúng ta không còn ngăn chặn được chủng mới của virus corona và điều này là không đúng. “Chúng ta đang trong một cuộc chiến mà chúng ta có thể chiến thắng nếu làm những điều đúng đắn”, ông khẳng định.
Tổng Giám đốc WHO lưu ý rằng, ông không đánh giá thấp mức độ nghiêm trọng của tình hình hiện nay cũng như nguy cơ Covid-19 trở thành đại dịch. Mọi kịch bản vẫn đang được thảo luận. WHO thừa nhận Covid-19 có nguy cơ trở thành đại dịch và do đó WHO đang cung cấp cho tất cả các nước công cụ để chuẩn bị ứng phó dịch bệnh.
WHO công bố các hướng dẫn lập kế hoạch hành động
WHO khẳng định, mục tiêu cơ bản của tất cả các quốc gia ghi nhận ca nhiễm Covid-19 phải là ngăn chặn chủng mới của virus corona. Mọi quốc gia, dù có hay không có ca bệnh Covid-19, cũng phải chuẩn bị ứng phó nguy cơ đại dịch bùng phát.
Các quốc gia cần sẵn sàng phát hiện sớm các ca nhiễm, cách ly người bệnh, tìm ra những người tiếp xúc với người bệnh, cung cấp dịch vụ chăm sóc lâm sàng có chất lượng tốt, ngăn chặn dịch bệnh bùng phát tại bệnh viện và ngăn ngừa lây nhiễm trong cộng đồng.
WHO đã các công bố các hướng dẫn lập kế hoạch hành động để hỗ trợ các nước chuẩn bị ứng phó dịch bệnh. Tài liệu này đưa ra hướng dẫn từng bước và hành động cụ thể trong tám lĩnh vực (hoặc trụ cột): điều phối, lên kế hoạch và giám sát ở cấp nhà nước; sự tham gia của cộng đồng và trao đổi thông tin về rủi ro; hoạt động giám sát, các đội phản ứng nhanh và nghiên cứu các ca nhiễm; các điểm nhập cảnh; các phòng thí nghiệm quốc gia; ngăn ngừa lây nhiễm và kiểm soát bệnh; quản lý ca bệnh; hỗ trợ hoạt động và hậu cần.
WHO cũng hối thúc tất cả các quốc gia lập tức chia sẻ dữ liệu với WHO để tổ chức này có thể đưa ra hướng dẫn phù hợp về sức khỏe cộng đồng. WHO đang làm việc với Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) để đánh giá các tác động kinh tế mà dịch bệnh có thể gây ra cũng như phát triển chiến lược và các chính sách để giảm nhẹ các tác động này.
WHO cho rằng, chúng ta không chỉ ngăn chặn chủng mới của virus corona và cứu sống nhiều người, mà còn đang trong một cuộc chiến ngăn chặn các thiệt hại về xã hội và kinh tế mà một đại dịch có thể gây ra. Một lần nữa, WHO khẳng định lúc này là thời điểm để phát huy tinh thần đoàn kết toàn cầu - đoàn kết về chính trị, kỹ thuật và tài chính. Đây là cách duy nhất để ngăn chặn dịch bệnh lây lan và cứu sống nhiều người.
Nguồn: nhandan.com.vn