Theo thống kê của Bộ Công an, hằng năm, tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi học sinh, thanh thiếu niên bị thương vong do tai nạn giao thông chiếm khoảng từ 7-8% tổng số nạn nhân (khoảng 2.000 trẻ em), trong đó có tới gần một nửa số này đã tử vong, để lại hậu quả thương tâm cho hàng nghìn gia đình.

Chương trình giao lưu, giáo dục kỹ năng về an toàn giao thông cho học sinh tiểu học năm học 2024-2025 tại Hà Nam.
Chính vì vậy, việc ngăn ngừa, phòng tránh tai nạn giao thông cho trẻ em là vấn đề cấp bách không chỉ của gia đình, nhà trường mà của toàn xã hội.
Giáo dục chính khóa về an toàn giao thông
Ông Lê Kim Thành, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho biết, các em nhỏ vừa là nạn nhân, cũng là nguyên nhân của tai nạn giao thông do thiếu kiến thức, kỹ năng; phần lớn do lỗi chủ quan như: Không đội mũ bảo hiểm, sang đường sai quy định, phóng nhanh, vượt ẩu, sử dụng điện thoại khi điều khiển phương tiện, đi hàng ba, hàng bốn, hoặc rơi vào “điểm mù” giao thông,…
Để hiện thực hóa mục tiêu đề ra vào năm 2045 không còn nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông đường bộ, cũng như những chỉ đạo của Đảng, Chính phủ trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 31/2023/CT-TTg về tăng cường bảo đảm trật tự an toàn giao thông cho lứa tuổi học sinh trong tình hình mới, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia xây dựng Kế hoạch hành động số 282, không giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông,… Bên cạnh đó, Ủy ban cũng kêu gọi sự chung tay, nỗ lực vào cuộc của cả hệ thống chính trị và các bộ, ngành liên quan.
“Ngoài việc dành nguồn lực thích đáng đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, cải thiện hạ tầng giao thông tại khu vực cổng trường, lắp đặt biển báo, gờ giảm tốc, vạch qua đường, xây dựng các khu vực đưa đón học sinh một cách khoa học,… hệ thống giáo dục trong nhà trường cần tiếp tục đẩy mạnh giáo dục chính khóa về pháp luật trật tự, an toàn giao thông với đầy đủ tài liệu, giáo trình phù hợp tâm sinh lý, thể trạng từng lứa tuổi, kết hợp giáo dục ngoại khóa nhằm nâng cao ý thức giao thông cho học sinh”, ông Lê Kim Thành nhấn mạnh.
Theo đánh giá của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, các quy định pháp luật mới, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và nghị định hướng dẫn đã dành hẳn 1 chương (Chương II: Giáo dục kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ), quy định rõ nội dung giáo dục đối với các cấp học, trách nhiệm của các bộ, ngành, của cơ sở giáo dục nhà trường, của gia đình; đặc biệt yêu cầu “Xây dựng môn học” đối với học sinh cấp trung học phổ thông, cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Khi đã hình thành môn học, các trường học cần tổ chức bài kiểm tra, bài thi, sẽ đem lại hiệu quả cao hơn đối với nhận thức của các em.
Xây dựng văn hóa giao thông bền vững
Ở nước ta, việc giáo dục kiến thức an toàn giao thông trong trường học đã được triển khai từ nhiều năm qua và ngày càng được chú trọng. Hiện nay, hệ thống cơ sở giáo dục trong nhà trường đã đưa nội dung này vào chương trình học, từ bậc mầm non đến trung học phổ thông với nhiều hình thức như lồng ghép vào môn học, tổ chức ngoại khóa, cuộc thi tìm hiểu an toàn giao thông, thực hành kỹ năng tham gia giao thông an toàn,… Tuy nhiên, việc triển khai vẫn còn một số hạn chế nhất định.
Một nghiên cứu của Quỹ Phòng chống thương vong châu Á (AIP) đã chỉ ra rằng, khi trẻ em được trang bị kiến thức và hình thành thói quen đội mũ bảo hiểm từ lúc còn bé, khi lớn lên tỷ lệ chấp hành luật sẽ cao hơn gấp ba lần so với những người không được giáo dục từ sớm. Hiện nay, quy định pháp luật mới về trật tự, an toàn giao thông đã có, đây là mô hình cần tiếp tục áp dụng một cách hệ thống hơn để xây dựng văn hóa giao thông an toàn, văn minh ứng xử của thế hệ tương lai.
Ngoài việc dành nguồn lực thích đáng đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, cải thiện hạ tầng giao thông tại khu vực cổng trường, lắp đặt biển báo, gờ giảm tốc, vạch qua đường, xây dựng các khu vực đưa đón học sinh một cách khoa học,… hệ thống giáo dục trong nhà trường cần tiếp tục đẩy mạnh giáo dục chính khóa về pháp luật trật tự, an toàn giao thông với đầy đủ tài liệu, giáo trình phù hợp tâm sinh lý, thể trạng từng lứa tuổi, kết hợp giáo dục ngoại khóa nhằm nâng cao ý thức giao thông cho học sinh.
Ông Lê Kim Thành, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia
|
Ông Lê Kim Thành cũng nhận định, việc học tập, trau dồi kiến thức, kỹ năng trong nhà trường chưa thể là tất cả giúp các em thuần thục, phán đoán tình huống và xử lý an toàn trong thực tế khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Bên cạnh đó, còn cần tới sự tham gia của cha mẹ học sinh, đóng vai trò đồng hành, vừa là tấm gương để các em noi theo, vừa là người trực tiếp hướng dẫn các em thực hành các kỹ năng về an toàn giao thông, giúp các em thành thục hơn, nhận biết, xử lý tình huống giao thông an toàn hơn.
Hiện nay, ở nhiều nơi, nhất là tại các thành phố lớn, vẫn còn tình trạng cha mẹ chở con đi học nhưng không đội mũ bảo hiểm hoặc cố tình đi ngược chiều. Đây là những hình ảnh rất xấu, khiến trẻ vô tình học theo thói quen sai lầm. Một khảo sát ở hai thành phố lớn cho thấy, 70% số học sinh không đội mũ bảo hiểm thường xuyên có cha mẹ cũng không thực hiện điều này. Điều đó chứng tỏ, muốn thay đổi hành vi của trẻ, trước tiên, người lớn phải làm gương, thay đổi nhận thức để giúp hình thành thói quen tốt khi các em trưởng thành, giảm dần vi phạm trong tương lai.
Với quyết tâm cao và sự hợp tác chặt chẽ giữa các bên trong đào tạo, rèn giũa các thế hệ học sinh, giúp các em có kỹ năng về an toàn giao thông, có văn hóa, ý thức tuân thủ pháp luật... sẽ giúp kéo giảm được tai nạn giao thông một cách bền vững.
Nguồn: https://nhandan.vn/