KỶ NIỆM 70 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG THỦ ĐÔ (10/10/1954 – 10/10/2024)
Tin tức hoạt động
Đăng ngày: 27/02/2020 - Lượt xem: 43
Xin nợ những bó hoa tươi thắm

Trong Tiếng Việt, từ “thầy” thường được dành cho người có trình độ, chuyên môn cao trong một lĩnh vực nào đó, có thể dạy bảo, hướng dẫn người khác, được người khác gọi với thái độ tôn kính, trân trọng. Điều đó lí giải không phải ngẫu nhiên mà trong xã hội phong kiến Việt Nam chỉ có 3 nghề được tôn làm “thầy”: thày đồ, thày thuốc và thày địa lý.

Ngày nay, cùng với sự phát triển xã hội, những ngộ nhận, mê tín đã giảm bớt nên nghề bói toán, cúng kiếng và làm thày địa lý không còn thịnh hành nữa, nhưng cộng đồng ngày càng nhận rõ, tôn vinh nhiều hơn nghề giáo và nghề y.

Nếu xã hội xưa trân trọng gọi thày giáo là “sư phụ”, xếp thứ nhì trong hàng tam cương “quân - sư - phụ” (vua - thày - cha), thì nghề y cũng không hề thua kém, được xếp ngang với các phẩm trật quan lớn “đại phu”, những thày thuốc giỏi còn được nâng lên là “thần y”, “thánh nhân”, “từ mẫu”.

Ngay cả cách gọi “bác sĩ” cũng rất đặc biệt mà nhiều khi quen miệng, chúng ta không hề hay biết, trong tiếng Việt, chữ “bác” là cách gọi của người ngang hàng với cha mẹ, nhưng lại trên một bậc (anh chị của bố mẹ, nhiều tuổi hơn bố mẹ). Chúng ta chỉ gọi chú công an, chú bộ đội, cô công nhân, chị lao công..., duy có nghề y thì dù là tuổi đời rất trẻ đã được gọi là “bác sĩ”, điều này đã thể hiện rõ sự kính trọng, tôn trọng với người được gọi.

Bởi lẽ, cha mẹ có công sinh thành, dưỡng dục, cho người ta thân xác, hình hài; thày giáo có công vun trồng nhân cách, tâm hồn, học vấn cho ta, còn thầy thuốc là người chịu trách nhiệm về phần xác và cả phần hồn của người bệnh. Không chỉ xoa dịu cơn đau đớn của thể xác, tái sinh sự sống cho người bệnh, thày thuốc còn chính là người chia sẻ những nỗi lo lắng, thống khổ tinh thần thậm chí không thể chia sẻ với người thân yêu nhất với niềm tin sẽ không bao giờ bị tiết lộ bí mật của mình. Một sự chậm trễ, thờ ơ của thày thuốc có thể dẫn tới mất mạng. Một sự cẩu thả trong lời ăn tiếng nói của thày thuốc có thể gây nỗi đau không thể cứu vãn. Thế nên thầy thuốc không chỉ có nhiệm vụ chữa bệnh cứu người, mà còn phải chăm lo ân cần cho người bệnh như mẹ chăm con. Với người bệnh, thày thuốc có công ơn không khác bậc sinh thành.

Trong lịch sử ngành y nước ta từ xưa đến nay đã ghi danh nhiều thế hệ thầy thuốc, bác sĩ giỏi về y thuật, sáng về y đức, không chỉ có địa vị rất cao trong xã hội mà những đóng góp của họ với cộng đồng và ngành Y Dược đã được lưu truyền sử sách.

Đó là Danh Y Tuệ Tĩnh, vị thánh thuốc nam, ông tổ của Y học cổ truyền Việt nam.

Đó là Danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, đại y tôn Việt Nam.

Đó là Giáo sư Hồ Đắc Di, giáo sư người Việt đầu tiên, người đầu tiên sáng tạo một phương pháp mổ dạ dày (nối thông dạ dày-tá tràng) để điều trị chứng hẹp môn vị do bệnh loét dạ dày- tá tràng gây ra, thay thế cho phương pháp cắt bỏ dạ dày vẫn dùng trước đó.

Đó là bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, Bộ trưởng Bộ Y tế đầu tiên của nước Việt Nam độc lập (Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, người đặt nền móng cho chuyên khoa lao và các bệnh phổi ở Việt Nam.

Đó là Giáo sư Đặng Văn Ngữ, người sáng lập ra Viện Sốt rét – Ký sinh trùng và côn trùng Việt Nam; người nghiên cứu thành công cách sản xuất ra thuốc nước Penicillin, loại thuốc kháng sinh góp phần rất lớn trong điều trị chống nhiễm khuẩn cho thương binh và nhân dân trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ sau này.

Đó là Giáo sư Tôn Thất Tùng, người tiến hành thành công ca mổ tim đầu tiên ở Việt Nam; người nghiên cứu thành công phương pháp mổ gan khô, đến nỗi còn được dùng tên của ông để đặt cho phương pháp đó - phương pháp mổ gan khô Tôn Thất Tùng.

Đó là bác sĩ - liệt sĩ Đặng Thùy Trâm, người con gái đã truyền cảm hứng về lẽ sống và cống hiến cho bao người trẻ.

Đó còn là những con người đã góp phần nâng tầm y học Việt Nam trong bản đồ y khoa thế giới, trong khi đất nước ta vẫn còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất và trang thiết bị kỹ thuật so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới, như giáo sư, bác sĩ Nguyễn Tài Thu, nổi tiếng ở Việt Nam và thế giới trong lĩnh vực Đông y, đặc biệt là châm cứu chữa bệnh; PGS.TS Nguyễn Văn Thạch, nổi tiếng với kỹ thuật mổ cột sống, thoát vị đĩa đệm; PGS.TS Trần Ngọc Lương, nổi tiếng với phương pháp phẫu thuật nội soi tuyến giáp; GS.TS Nguyễn Viết Tiến, bàn tay vàng trong chữa hiếm muộn; PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết, bậc thầy của kỹ thuật ghép tạng; GS.TS Nguyễn Anh Trí, người sáng lập phong trào vận động hiến máu cứu người “Lễ hội xuân hồng”, “Hành trình đỏ...

Đó là hàng trăm, hàng nghìn các y bác sĩ không cần xã hội nhớ mặt, nhớ tên. Chỉ biết rằng, họ chính là những người đã xuất sắc vượt qua các kỳ thi đầu vào khốc liệt để bước vào giảng đường đại học y danh tiếng, kiên trì trui rèn kỹ năng, nghiệp vụ 6 - 7 năm trời trên giảng đường đại học và qua từng buổi thực nghiệm để khoác lên người chiếc áo blouse trắng, ngày nối ngày đối diện với những tiếng rên la, những đau đớn, máu me mà không ít người mạnh khỏe, bình thường không dám nhìn vào, giành giật với tử thần, đưa sự sống trở lại cho những cơ thể mười phần chết, chỉ một phần sống.

Ngày 27/2 lại về trong lòng kính trọng và sự biết ơn của biết bao người dân Việt Nam đến các y, bác sĩ. Cũng vẫn tâm thế hân hoan chào mừng ngày kỷ niệm thật đặc biệt, ngày Thầy thuốc Việt Nam, như cách đây 65 năm, ngày 27/2/1955, ngày Bác Hồ kính yêu gửi thư cho Hội nghị cán bộ y tế, căn dặn “Lương y phải như từ mẫu". Những ngày này, mọi người dân Việt Nam đã hình thành thói quen đẹp, dành tặng các y bác sĩ những bó hoa tươi thắm và những lời chúc mừng tốt đẹp nhất, chân thành nhất, thể hiện lòng kính trọng và sự biết ơn của mình đến các y, bác sĩ, những người một lòng tận tâm cống hiến không quản hi sinh vì sức khỏe của người bệnh. Đây cũng là dịp để những người làm ngành y cùng chung vui, ôn lại lời thề thực hiện đạo đức nghề nghiệp, xứng đáng với sự quan tâm và chia sẻ của xã hội.

Thế nhưng ngày 27/2 năm nay lại rất khác biệt. Bởi Ngành y tế không tổ chức các hoạt động tôn vinh Thầy thuốc nhân dân, Thầy thuốc ưu tú và các phần thưởng cao quý khác nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2 mà dồn toàn lực chống dịch Covid 19, một đại dịch bệnh đang gieo rắc nỗi sợ hãi và chết chóc kinh hoàng lên toàn thế giới. Là nước láng giềng với Trung Quốc, quốc gia đầu tiên phát hiện và hiện vẫn đang chịu tổn thất nặng nề bởi căn bệnh viêm phổi cấp do chủng vi rút mới Corona gây ra, với sự nỗ lực đồng bộ, tuyệt vời của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự tiên phong, chủ công của ngành y tế, Việt Nam đã chữa khỏi 16/16 ca nhiễm virut corona, hiện tại không phát hiện ca nhiễm mới. Đây là thành công đáng khâm phục, cho thấy phác đồ điều trị phù hợp, hiệu quả trong khi thế giới chưa có thuốc đặc trị đặc hiệu và vắc xin phòng bệnh này, cũng như trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp, lan rộng tới các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Áo...

Cuộc sống có muôn vàn điều ước “nếu như”, nhưng các y, bác sĩ của chúng ta càng biết rằng, không thể chỉ khoanh tay ngồi và ước “nếu như”. Thế nên, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, họ sẵn sàng gác lại mọi niềm vui, hạnh phúc riêng tư, sẵn sàng chịu bao vất vả, thiếu thốn chia sớt nỗi lo lắng, hoang mang cùng người bệnh, vững vàng ở đầu trận tuyến chống giặc covid 19.

Vẫn biết nghề y nhiều vất vả, như mẹ hiền tần tảo sớm khuya. Cũng biết rằng, 27/2 này, sẽ không hoa, không những bắt tay hồ hởi nói cười...

XIN NỢ CÁC Y, BÁC SĨ LỜI CHÚC MỪNG VÀ NHỮNG BÓ HOA TƯƠI TRONG ÁNH NHÌN SÂU THĂM THẲM “Còn non, còn nước, còn người”...

Hoàng Mai Phương

 

 

Tin liên quan