KỶ NIỆM 70 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG THỦ ĐÔ (10/10/1954 – 10/10/2024)
Tác phẩm văn học nghệ thuật
Đăng ngày: 15/02/2018 - Lượt xem: 198
Xuân...!

 Xưa nay, trục quy luật của tạo hóa vẫn xoay vần như vậy. Xuân – Hạ - Thu - Đông đều đặn lặp đi, lặp lại mà chẳng thể nào khác được. Sinh thời, Hồ Chí Minh từng nói "Trời có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông / Đất có bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc / Thiếu một mùa, thì không thành trời / Thiếu một phương, thì không thành đất" đó sao! Sự vận động của quy luật bốn mùa bao đời nay vẫn thế mà con người dù có sức mạnh đến đâu cũng không thể khuôn theo ý nguyện của riêng mình. Biết sự hữu hạn của đời người, thi sĩ chỉ biết thể hiện khát vọng chiếm lĩnh quy luật của tạo hóa bằng những dòng thơ. Xuân Diệu, nhà thơ tình số một của phong trào Thơ mới đã từng thể hiện “khát vọng tham lam không tưởng, ngông cuồng” muốn chiếm lĩnh, thâu chọn tầm mắt để lưu giữ mọi cái tinh túy của đất trời vào xuân đấy thôi “Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi” (Vội vàng).

Nếu gom tất cả thơ ca dân tộc rồi làm phép thống kê xem trong bốn mùa, mùa nào được nhà thơ chú ý nhất. Thực hiện công việc này không phải dễ dàng. Song, bằng trực quan linh cảm của mình, có lẽ mùa Xuân chiếm ưu thế hơn cả, bởi nàng Xuân có sức cuốn hút lạ kỳ đưa tâm hồn thi sĩ lạc vào cõi mê cung linh diệu. Mùa Xuân đem đến cho ta bao ước vọng. Sắc xuân, tình xuân như nở hoa, ướp hương trong lòng ta. Nói như vậy, không phải mùa Hạ, Thu, Đông kém sắc. Mùa nào cũng có những nét đặc trưng riêng, là dấu ấn không lẫn của thời gian, không gian, đã được nhiều thi sĩ vẽ lại bằng cảm xúc. Xuân có chồi non ngậm nắng cùng giọt mưa xuân mũm mĩm đậu trên cành. Hạ có đàn ve chào mừng ca hát, hoa lựu nở đầy một vườn đỏ nắng gọi lũ bướm vàng lơ đãng ghé thăm, phượng vĩ cháy đỏ không gian với cánh diều uống no sức gió. Thu về se se gió lạnh, thả lá vàng lướt gió nhẹ bay, hoa cúc vàng quanh lối, hoa sữa phả hương ngát phố phường. Đông về những con đường thanh vắng trong sương, cây lặng buồn nhớ lá đứng chơ vơ. Đây là những câu thơ ghi lại dấu ấn đậm nét, tín hiệu đặc trưng khu biệt giữa các mùa trong năm: “Đêm hôm qua xuân nói những gì / Mà sáng nay hoa hồng đều chớm nở / Những cành đào mở môi trong gió / Cúc ngã tròn bên lối nhỏ xuân đi” (Ý nghĩ mùa xuân – Chế Lan Viên); “Thời gian trôi lặng thinh / Mà tháng ngày chảy hết / Xuân qua mình chẳng biết / Hoa gạo đò thình lình” (Hoa gạo son – Chế Lan Viên); “Lòng rất là vô lý / Mừng hoa sữa vào thu / Lại tiếc hè quá vội / Chưa kịp hái sen hồ” (Thời gian không đợi – Chế Lan Viên). Đọc tới đây, chúng ta nhớ tới bức tranh tứ bình trong Truyện Kiều của thi hào Nguyễn Du hay trong thơ Tố Hữu: “Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi/ Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng/ Ngày xuân mơ nở trắng rừng/ Nhớ người đan nón tuốt từng sợi giang/ Ve kêu rừng phách đổ vàng/ Nhớ cô em gái hái măng một mình/ Rừng thu trăng rọi hòa bình/ Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung” (Việt Bắc). Xuân - Hạ - Thu - Đông, đã có biết bao bài thơ hay về nó, nhưng chiếm ưu thế vẫn là mùa Xuân, mùa của tình yêu, mùa của sự thăng hoa nghệ thuật.

Nếu mùa Xuân không về...? Nếu mùa Xuân không về đồng nghĩa với hình vuông thiếu cạnh, nghĩa là một năm không trọn vẹn, lòng người thấy nhớ mong. Nhà thơ Trịnh Ngọc Dụ không thể tưởng tượng nổi, chúng ta sẽ ra sao nếu một năm chỉ có mùa Hè, mùa Thu và mùa Đông. Ông “Không thể hình dung được ta sẽ qua những ngày hè thế nào” bởi những ngày hè đem tới cái nắng lửa đốt khiến "Người nằm trướng vóc bồ hôi mướt / Kẻ hái rau tần nước bọt se” (Lại vịnh mùa hè - Nguyễn Trãi), Nước nồng sừng sực đầu rô trỗi / Ngày nắng chang chang lưỡi chó nè (Lại vịnh mùa hè – Nguyễn Trãi). Thi sĩ cũng không thể biết mình sẽ qua mùa Thu thế nào, bởi mùa Thu trong mắt ông là “mùa thu gầy nhớ” với hàng vạn chiếc lá vàng rơi vun lại từng đống “như xác tuổi xuân ta khô giòn có thể cháy lên” để rồi làm ông nghĩ đến những ngày đã qua và những ngày sẽ đến “Ta nghĩ đến sợi tóc trên đầu, ngày một bạc hơn”. Mùa Đông lại càng tồi tệ, cay nghiệt hơn bởi những luồng giá buốt “Gió thổi vào ta cơn lạnh căm căm/ Lúc ta mong như trong cổ tích/ Rằng rắn già rắn chết, người già người lột tái sinh / Đừng đem đến ta làn da mốc thếch / Ta không thể nào ra khỏi mùa đông”.  Ông khẳng định “Ta biết mình sống làm sao được / Nếu không còn gặp lại mùa xuân. Chẳng bao giờ xảy ra chữ nếu mùa Xuân không về. Nhưng, sự nếu không thể ấy lại nhằm khẳng định cái đẹp của mùa Xuân, sức sống và sự bất tử của nó trong thi ca.

Xuân, không có cái nóng như thiêu như đốt của mùa Hè, không có cái rét buốt thấu da thịt, cái ảm đạm của những ngày mưa phùn gió bấc, lại không gợi cái buồn dễ thấm vào lòng người của mùa Thu. Xuân hội tụ tất cả sự hài hòa của đất trời, không khí ấm áp, không gian vui tươi, ngập tràn sức sống mới. Vì thế, Mô-da mới đem trong mình một Khái vọng mùa Xuân “Nhìn hoa đang hé tưng bừng, Khao khát mùa xuân yên vui lại đến” (Khát vọng mùa xuân). Xuân Diệu mới thường trực nỗi nhớ mùa Xuân – Xuân không mùa -  Xuân luôn lai láng, Xuân vĩnh viễn trong lòng, Xuân không ngày tháng: “Xuân ở giữa mùa đông khi nắng hé / Giữa mùa hè khi trời biếc sau mưa / Giữa mùa thu khi gió sáng bay vừa”. Chỉ sống trong mùa Xuân, “nhựa sống trong người căng lên như máu căng trong lộc của loài nai, như mầm non của cây cối nằm im mãi không chịu được, phải trồi ra thành những cái lá nhỏ li ti giơ tay vẫy những cặp uyên ương đứng cạnh” để rồi Vũ Bằng phải thốt lên “Mùa xuân của tôi... Cái mùa xuân thần thánh của tôi... Đẹp quá đi, mùa xuân ơi” (Thương nhớ mười hai) và chúng ta muốn nói thêm đẹp quá đi mùa Xuân của đất nước thân yêu! Vui quá đi, trẻ đẹp quá đi cảnh mùa Xuân quê hương đang đổi mới.

HC

 

Tin liên quan