KỶ NIỆM 70 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG THỦ ĐÔ (10/10/1954 – 10/10/2024)
Tác phẩm văn học nghệ thuật
Đăng ngày: 16/12/2018 - Lượt xem: 497
Yếu tố thần kỳ trong truyện Nôm tự thuật: Nghiên cứu qua trường hợp Sơ kính tân trang và tác phẩm Lục Vân Tiên

 Sơ kính tân trang của Phạm Thái và Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu là những thước phim bằng thơ bắt nguồn từ những sự kiện thuộc về tiểu sử bản thân của chính chủ nhân sáng tạo ra nó song lại được bao bọc bởi màn sương kỳ ảo, của đầy dẫy những yếu tố huyễn hoặc, hoang đường. Yếu tố thần kỳ trong hai tác phẩm tự thuật này không phải là sự tùy tiện, quen tay đơn thuần muốn chiều lòng người đọc đã quen tiếp nhận mà đó là một dụ ý nghệ thuật được tác giả ý thức, kế thừa và phát triển từ văn hóa dân gian, giữ vai trò quan trọng trong cấu trúc tự sự, phản ánh đời sống đa chiều, thấm đẫm giá trị thẩm mỹ ngàn đời của nhân dân. Việc lí giải vấn đề này góp phần vào tiến trình nghiên cứu đặc điểm hệ thống truyện nôm nói chung, loại truyện nôm tự thuật nói riêng, cũng như giảng dạy tác phẩm trong nhà trường.

 1. Truyện nôm là một hiện tượng độc đáo và phức tạp. Nhiều thập kỷ qua, không ít công trình nghiên cứu đã đưa đến những đánh giá khoa học, toàn diện về thể loại truyện nôm. Tìm hiểu thi pháp truyện nôm, các nhà nghiên cứu đã nhận thấy sự xuất hiện của yếu tố thần kỳ với tư cách là một đặc trưng thi pháp: “Yếu tố thần kỳ chẳng những chỉ là một biện pháp nghệ thuật quan trọng để thực hiện mô hình cấu trúc gặp gỡ-tai biến-đoàn viên  mà còn là một đặc trưng thi pháp không thể thiếu của thể loại truyện này” [2;tr173]. Trong dòng chảy văn học trung đại, so với thể loại văn học khác, truyện nôm dù ra đời rất muộn, khi trình độ nhận thức của con người về vũ trụ đã phát triển, song tại sao yếu tố thần kỳ vẫn là thứ vật liệu được người nghệ sĩ không ngần ngại sử dụng vào sáng tạo nghệ thuật?       
          Như chúng ta biết, truyện nôm được sáng tạo chủ yếu dựa vào những cốt truyện dân gian. Quá trình chuyển hóa truyện dân gian thuộc dòng thần thoại, truyền thuyết, cổ tích thần kỳ thành truyện nôm, tác giả đã kế thừa và phát triển yếu tố thần kỳ có sẵn trong văn bản gốc. Bên cạnh tác phẩm sáng tạo dựa trên cốt truyện có sẵn còn có truyện được viết lên bằng câu chuyện thật của chính tác giả, song ta vẫn thấy yếu tố thần kỳ xuất hiện. Sơ kính tân trang của trí thức phong kiến Phạm Thái là sản phẩm của sự sáng tạo dựa trên câu chuyện hiện hữu trong đời sống bản thân nghệ sĩ nhưng người đọc vẫn lạc vào thế giới mộng ảo. Nguyễn Đình Chiểu, một ông đồ nho uyên thâm, không ngần ngại viện đến lực lượng phù trợ thần kì, giải pháp của truyện cổ tích và tín ngưỡng dân gian Việt Nam để dựng xây cốt truyện hấp dẫn, ly kỳ tái hiện một đoạn cuộc đời mình trong Lục Vân Tiên.
          Trong truyện nôm Lục Vân Tiên, các yếu tố thần kỳ được tác giả nhờ cậy đến mười hai lần để phù trợ người tốt, trừng phạt kẻ xấu: Tôn sư cho Vân Tiên hai đạo bùa thần để đem theo; ông Quán cho Vân Tiên ba hườm thuốc để phòng hộ thân; Sơn quân cắn dây cởi trói, cõng tiểu đồng ra đường cái; Giao long dìu đỡ Vân Tiên vào trong bãi khi bị Trịnh Hâm hại; Du thần dắt Vân Tiên từ trong hang Thương Tòng ra chân núi; Sóng thần cứu Nguyệt Nga khi nàng nhảy sông tự vẫn; Phật bà Quan Âm đưa Nguyệt Nga vào vườn hoa nhà Bùi ông; Phật bà mách bảo Lão bà đi đón Nguyệt Nga vừa trốn khỏi nhà Bùi Kiệm; Vân Tiên sáng mắt khi được ông Tiên cho chén thuốc; Vân Tiên đem máu chó thoa ngọn cờ, làm tan bầy yêu ma của Cốt Đột; Sóng thần nổi dạy làm chìm thuyền của tên phản bội Trịnh Hâm; mẹ con Võ Thể Loan bị hai con cọp đem bỏ vào hang Thương Tòng.
        Yếu tố thần kỳ xuất hiện không đậm nét với những nhân vật như Giao long, Du thần, Sóng thần, Phật bà so với truyện nôm cùng dòng tự thuật Lục Vân Tiên, song đặc điểm nổi bật đủ để làm nên một thiên tự truyện Sơ kính tân trang vừa thực vừa hư chính là phần đoàn viên hư ảo. Tìm hiểu phần đoàn viên trong Sơ kính tân trang, nhà nghiên cứu Đặng Thị Hảo nhận xét: “Đó là một kết cấu hoàn toàn mới so với kết cầu truyền thống của truyện nôm: cũng có ba phần là gặp gỡ-tai biến và đại đoàn viên nhưng kết thúc đại đoàn viên của Sơ kính tân trang chính là phần ảo-phần hư cấu của tác giả” [3;tr53]. Có thể khái quát phần kỳ ảo này như sau: Quỳnh Thư chết và báo mộng cho Phạm Kim về thân thế của mình, về duyên ngư thủy giữa hai người; vì quá đau khổ trước cái chết của người yêu, Phạm Kim đau đớn, lâm trọng bệnh, phải nhờ Quỳnh nương hiển linh cho thuốc mới lành; trước khi chết, Quỳnh Thư có ghi hai chữ “Quỳnh nương” trên bàn tay để làm tin, chờ ngày tái thế. Quỳnh nương được thần tiên cho đầu thai làm con gái của Trương Công.
        Cùng hướng đến mục đích là dẫn dắt câu chuyện diễn tiến đến kết thúc có hậu, song yếu tố thần kỳ xuất hiện trong Sơ kính tân trang của Phạm Thái và yếu tố thần kỳ xuất hiện trong Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu có sự khách biệt. Hoạt động của Giao long, Sóng thần, hổ cắn dây cởi trói cứu tiểu đồng, hai con cọp đón đường mẹ con Võ Thể Loan…xuất hiện để giải quyết những xung đột, mâu thuẫn trong Lục Vân Tiên là hình ảnh sinh động trong tính hỗn hợp của tín ngưỡng dân gian miền Nam, những yếu tố thường xuất hiện trong truyện cổ tích thần kì. Sử dụng sức mạnh của lực lượng thần kì nhưng ông không nhằm đề cao, ca ngợi thế giới thần kỳ ấy mà nhằm phục vụ đắc lực cho sự đề cao đạo đức, nhân nghĩa của loài người đang ngày càng tuột dốc trong xã hội phong kiến khủng hoảng. Nói cách khác, yếu tố thần kỳ xuất hiện trong Lục Vân Tiên là một cái cớ để làm sáng tỏ vẻ đẹp tính cách, đặc điểm nhân vật chính diện, đề cao nguyên tắc đạo lý nhân sinh, thể hiện cho ý chí và niềm tin của nhân dân vào sự tất thắng của lẽ phải. Khác với Nguyễn Đình Chiểu, Phạm Thái viết lại chuyện của chính bản thân mình trong Sơ kính tân trang không nhằm mục đích thuyết minh cho đạo đức Nho giáo mà là để giãi bầy nỗi vui, buồn, được, mất, bi phẫn và giấc mộng đẹp của bản thân. Do đó, yếu tố thần kỳ trong Sơ kính tân trang xuất hiện không phải để giải quyết xung đột, mâu thuẫn của truyện như trong Lục Vân Tiên. Trong thời đại bể dâu, tình yêu lứa đôi mà tác giả nghiệm sinh chỉ còn là nỗi đau chia lìa. Trong truyện nôm Sơ kính tân trang, để tình yêu hồi sinh, Phạm Thái phải nhờ đến giấc mộng tình yêu và phép màu tôn giáo. Chính kiểu cấu trúc đặc biệt được thể hiện trong Sơ kính tân trang đã làm nên nét thẩm mỹ độc đáo không hòa chung trong dòng chảy thể loại. Như vậy, rõ ràng yếu tố thần kỳ trong Sơ kính tân trang chỉ nhằm tái hiện khát vọng nhân văn, khát vọng tình yêu lứa đôi trong thời đại loạn ly, tuy nhiên nó cũng thể hiện sự bế tắc không lối thoát của cả một thời đại.
          Hai tác phẩm của hai nghệ sĩ sống ở thời đại khác nhau lại gặp nhau ở quan điểm nghệ thuật để kiến tạo thành loại truyện nôm tự thuật-những thước phim bằng thơ bắt nguồn từ câu chuyện có thật được bao bọc bởi màn sương kỳ ảo, của đầy dẫy những yếu tố hoang đường. Yếu tố thần kỳ xuất hiện trong cả loại truyện nôm tự thuật - loại truyện kể về chính cuộc đời thực của tác giả - phải chăng đây chỉ là sự tùy tiện, quen tay vốn đã ăn sâu bám rễ trong tư duy người cầm bút-chủ thể sáng tạo đơn thuần muốn chiều lòng người đọc-đối tượng thưởng thức đã quen tiếp nhận hay đó là một dụ ý nghệ thuật mà tác giả đã ý thức, kế thừa và phát triển từ văn hóa dân gian, giữ vai trò quan trọng trong cấu trúc tác phẩm, phản ánh đời sống đa chiều, thấm đẫm giá trị thẩm mỹ ngàn đời của nhân dân.
        2. Phạm Thái với Sơ kính tân trang, Nguyễn Đình Chiểu với Lục Vân Tiên đã tạo thành tập hợp loại truyện nôm tự thuật. Việc hai nhà thơ này sử dụng những sự kiện thuộc về tiểu sử bản thân để xây dựng cốt truyện đã quy định đến diện mạo, đặc điểm của loại truyện nôm tự thuật. Sơ kính tân trang của Phạm Thái và Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu có nhiều sáng tạo độc đáo trên bình diện kết cấu song về tổng thể vẫn tuân thủ kết cấu truyền thống là gặp gỡ-tai biến-đoàn viên. Màn gặp gỡ, hai ông tập trung vào giới thiệu gia cảnh, khắc họa tính cách, tài năng, ngoại hình và duyên kỳ ngộ của tài tử giai nhân, nên yếu tố kỳ ảo thường ít hoặc không xuất hiện. Chuyển sang màn tai biến, từ khoảng sáng, nhân vật chính trong tác phẩm bị đẩy vào vùng tối của cuộc đời, phải trải qua nhiều biến cố, cạm bẫy chông gai mà với sức lực, tài trí của người thường khó có thể chiến thắng. Và ở đó, yếu tố thần kỳ xuất hiện với vai trò là một giải pháp, liều thuốc tiên giúp nhân vật vượt qua thử thách. Tai biến đã qua, tài tử giai nhân hội ngộ trong niềm hạnh phúc viên mãn. Để kết thúc có hậu, truyện nôm cũng phải mượn đến bàn tay của thế lực siêu nhiên. So với màn gặp gỡ, đoàn viên, màn tai biến thường được tác giả đầu tư công sức nhiều hơn, số lượng câu thơ lớn hơn, từ đó yếu tố kỳ ảo xuất hiện dày đặc hơn.
       Có thể nói rằng, trong xây dựng truyện nôm, tài năng thứ nhất của người nghệ sĩ là làm cho câu chuyện diễn tiến một cách liền mạch từ đầu đến cuối. Toàn bộ cấu trúc tác phẩm Lục Vân Tiên được xây dựng nên từ nhiều sự kiện, tình tiết khác nhau. Trong đó, yếu tố thần kì phù trợ cho những bước đường chông gai của nhân vật chính và trừng phạt những kẻ độc ác được xem là sự kiện, tình tiết có vai trò quan trọng đưa nhân vật đi từ diễn biến phức tạp đến kết thúc trọn vẹn đầy viên mãn. Trong Lục Vân Tiên, yếu tố thần kỳ là tế bào không thể tách rời, là chất keo dính liên kết chuỗi sự kiện trong cuộc đời nhân vật làm nên cấu trúc sinh động của tác phẩm. Nguyễn Đình Chiểu không để những yếu tố thần kì tham gia vào tiến trình của truyện thì có lẽ tác phẩm sẽ kết thúc khi Vân Tiên bị tên Trịnh Hâm hãm hại
Vân Tiên mình lụy giữa dòng
Giao long dìu đỡ vào trong bực rày
Nguyệt Nga sẽ bị nhấn chìm trong mênh mông biển rộng đùng đùng sóng xao
Nguyệt Nga nhảy xuống giữa vời
Sóng thần đưa đẩy vào nơi bãi này
Nếu không có sơn quân cứu nạn thì tiểu đồng cũng không thể sống sót chốn rừng thiêng, và kết thúc đoạn đường sóng gió làm sao có cảnh hội ngộ cảm động giữ chủ và tớ sau một thời gian xa cách
Sơn quân ghé lại một bên,
Cắn dây cởi trói cõng lên ra đàng.
Tương tự như trường hợp Lục Vân Tiên, nếu như không có chuyện tiên nữ Quỳnh nương dùng linh đan chữa cho khỏi bệnh thì Phạm Kim làm sao thoái khỏi tình trạng khi năn nỉ nguyệt, khi cười cợt hoa để mà tiếp tục hóa trang thành đạo sĩ vui thú giang khê cùng thơ, rượu, cờ, đàn và rồi được gặp nàng Thụy Châu. Quỳnh Thư vốn là một tiên nữ nhưng vì đánh vỡ chén ngọc trong bữa tiệc Quỳnh Dao nên phải chịu tội đầy xuống trần gian. Khi Quỳnh Thư quyên sinh, nàng trở về cõi tiên. Giờ đây, nếu như không xuất hiện nhân vật hư cấu Tây Vương Mẫu cảm động mối lương duyên giữa hai người chốn trần gian thì làm sao Quỳnh nương được hồi sinh, đầu thai vào nhà Trương Công để sau này tiếp tục mối duyên ngư thủy
Thiếp xưa dự bậc thiên nga,
Yến Quỳnh Dao, sẩy chén hoa, mắc đày.
Mười lăm năm nhẫn tháng ngày,
Dao Trì lại được sánh bầy tiên thiên.
Thiếp tâu đã trót trần duyên,
Lại xin xuống để vẹn nguyền trần gian.
        Như vậy, nhờ có bàn tay của các nhân vật, sự vật thần kỳ thì mạch tự sự của Sơ kính tân trang, Lục Vân Tiên được diễn ra liên tiếp, mạch truyện không bị ngưng đọng và tiến triển về phía trước để hoàn thành tâm nguyện nghệ thuật của tác giả. Từ đó, tác giả đã tạo ra được những nút thắt, nút mở, đưa người đọc đi từ hồi hộp khi thấy nhân vật chính diện đứng trước sự bế tắc đến thở phào nhẹ nhõm khi mọi sóng gió đều được hóa giải nhờ sự giúp đỡ của lực lượng thần kỳ để rồi đi đến hạnh phúc viên mãn. Đúng như Huỳnh Ngọc Trảng đã nhận định: “Tất cả những thứ linh nghiệm kì diệu ấy không chỉ có ý nghĩa thẩm mĩ truyền thống thường thấy trong các tác phẩm thuộc loại hình tự sự dân gian, mà còn là những tình tiết quan trọng cho việc triển khai các tình huống cốt truyện” [4;tr195].
        3. Ở trên, chúng ta đã nhắc tới vai trò của yếu tố thần kỳ như một mắt xích trong cấu trúc dây xích hoàn chỉnh, đảm bảo cho sự vận hành liên tục của một cỗ máy, có vai trò thúc đẩy sự diễn tiến của cuộc đời nhân vật. Nói khác đi, yếu tố thần kỳ giữ vai trò của tổ chức cốt truyện, và đó là một mưu toan nghệ thuật có chủ tâm của tác giả được kế thừa từ tín ngưỡng dân gian, truyện dân gian. Ngoài chức năng ấy, yếu tố thần kỳ xuất hiện trong truyện nôm còn thể hiện một mưu toan khác chịu ảnh hưởng của nhân sinh quan vốn đã ăn sâu, bám rễ trong quan niệm đời đời ông cha từ thuở hồng hoang. Nhân vật thần kỳ xuất hiện ở đây đóng vai trò như một vị quan tòa cầm cân nảy mực, giữ cho cán cân công lý được thăng bằng, bình đẳng dựa trên luật bất thành văn của dân gian đã được đúc kết thành một quy luật nhân - quả và được truyền khẩu đời đời, kiếp kiếp bằng những câu tục ngữ, thành ngữ có tính chất răn dạy người đời nên ở hiền thì sẽ gặp lành, ở ác sẽ gặp quả báo, gieo nhân nào sẽ gặp quả ấy, gieo gió sẽ gặp bão.
        Là người gần gũi với nhân dân, thấm nhuần quan niệm thẩm mỹ người hiền bất tử, chính nghĩa phải thắng và chỉ có thể thắng, còn những kẻ ác nhất định sẽ bị trừng phạt, khi xây dựng truyện nôm tự truyện Lục Vân Tiên, ông đồ nho đã sắp đặt sẵn yếu tố thần kỳ “ngẫu nhiên” để khi Lục Vân Tiên bị tên phản bạn Trịnh Hâm đẩy xuống giữa vời thì ngay lập tức xuất hiện Giao long đưa chàng vào trong bãi, rồi sau đó, ông chài sẽ tiếp tay Giao long mà cứu chàng thoát khỏi lưỡi hái tử thần. Nguyệt Nga, để giữ một tấm lòng ngay với người tình đầy ân nghĩa, nàng đã ôm bức hình Vân Tiên mà nhảy xuống dòng nước “đùng đùng sóng xao” trên đường tới nước Ô Qua. Ngay lúc đó, nàng cũng được Sóng thần đưa đẩy vào bãi cát để rồi Phật bà Quan âm sẽ tiếp tay đưa người con gái tài đức vẹn toàn vào vườn hoa nương náu chờ ngày sum vầy. Kết thúc truyện, Lục Vân Tiên sáng mắt nhờ thuốc tiên. Chàng thi đỗ trạng nguyên và được vua sai đi dẹp giặc Ô Qua. Thắng trận nhưng Lục Vân Tiên bị lạc vào rừng, may đâu lại gặp Nguyệt Nga. Chàng về triều tâu hết sự tình. Sở vương biết rõ đầu đuôi và phong tước cho Nguyệt Nga. Đến đây, Lục Vân Tiên và Kiều Nguyệt Nga được hưởng hạnh phúc
Sui gia đã xứng sui gia,
Bày mừng hai họ một nhà thành thân.
Trăm năm biết mấy tinh thần,
Sinh con sau nối gót lân đời đời.
      Rồi những kẻ bất nghĩa như Trịnh Hâm tuy được trạng nguyên Lục Vân Tiên tha chết nhưng lại bị sóng thần nổi dậy khiến “thuyền chàng chìm ngay
Trịnh Hâm về tới Hàn giang.
Sóng thần nổi dậy thuyền chàng chìm ngay.
Trịnh Hâm bị cá nuốt rày,
Thiệt trời báo ứng lẽ này rất ưng.
      Kẻ bội ước như mẹ con Võ Thể Loan thì một phen xấu hổ và lúc trở về đều bị cọp tha
Trở về chưa kịp tới nhà,
Thấy hai con cọp chạy ra đón đàng,
Thảy đều bắt mẹ con nàng,
Đem vào lại bỏ trong hang Thương Tòng.
      Như vậy, trong cuộc đấu tranh quyết liệt giữa hai tuyến nhân vật, từ đầu đến cuối truyện, yếu tố thần kỳ đã được tác giả nhờ cậy để phù trợ người tốt, trừng phạt kẻ xấu. Trên dòng đời lưu lạc, nhân vật chính nghĩa Vân Tiên, Nguyệt Nga đã nhiều lần thoát chết nhờ quý nhân phù trợ, quý nhân ấy chính là những nhân vật siêu nhiên thuộc thế giới thần linh như Giao long, Phật bà, Du thần, ông tiên và có thể là những bài thuốc tiên màu nhiệm, những đạo phù thần chỉ có ở chốn bồng lai. Còn đối với những dã tâm, hành động đi ngược với chính nghĩa của Trịnh Hâm, mẹ con Võ Thể Loan đã bị thần linh trừng trị.
      Tìm hiểu thi pháp truyện nôm, ngay cả truyện nôm tự truyện Sơ kính tân trang, Lục Vân Tiên, ta đều thấy rằng kết thúc có hậu là quy luật tất yếu và là đặc trưng mang tính loại biệt. Để tạo dựng nên màn kết thúc có hậu, buộc các nghệ sĩ thuộc dòng bình dân hay bác học phải phớt lờ, không quan tâm nhiều tới logic khách quan cuộc sống diễn ra mà phải sử dụng rất nhiều yếu tố ngẫu nhiên, phi thường trong sáng tạo nghệ thuật. Khác với Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu, Phạm Thái viết Sơ kính tân trang nhằm giãi bầy bi kịch của đời mình bằng việc tái sinh lại đoạn đời buồn đau đó qua những trang viết. Song, trên hành trình nhật ký của một cõi thăng trầm nơi sóng bể trầm luân của kẻ lạc loài, tha hương ngay trên chính quê hương của mình, Phạm Kim-hiện thân của chính thi sĩ Phạm Thái cũng phải nhờ đến yếu tố thần kỳ như chiếc chìa khóa vạn năng để bước tiếp những bước chân trên hành trình tìm kiếm hạnh phúc.
      Trước nỗi đau không thể vãn hồi khi mộng Cần Vương tan vỡ, mà nhất là khi người tình Quỳnh Thư buộc phải tự vẫn để giữ trọn phẩm tiết, Phạm Kim lâm trọng bệnh và đã mời thầy thuốc tài giỏi như danh y cổ đại Biển Thước, tổ sư Đạo giáo Thái Thượng Lão Quân nhưng bệnh mười không giảm một phân. Giữa lúc đó, đạo mầu tiên ứng nghiệm
Quỳnh nương phong hộp linh đan,
Gửi đồng đưa xuống chữa chàng phong sương
Viêm lô đem lại thiều quang
Chồi mai mưa thụy, cành dương gió hòa
      Bệnh tình thuyên giảm, chàng quyết định khoác áo thiền tăng để lánh chốn thị phi. Song, sự quyết định ấy đã không đưa chàng đến con đường đắc đạo mà lại đưa vị thiền tăng phong lưu này gặp Thụy Châu đa tình - cô con gái của Trương Công. Sau khi xướng họa với Thụy Châu, Phạm Kim nhận ra người tri âm đã gặp người tri âm nên không thể tuyệt cầm. Sau kết hôn, Phạm Kim kể lại cho Thụy Châu nghe về mối tình của chàng với Quỳnh Thư thuở trước và đã nhận ra Thụy Châu chính là nàng Quỳnh nuơng thủa nào. Nếu trước đây, tình yêu của Phạm Kim và Quỳnh Thư bị ngăn cách giữa hai cõi nhân gian thì giờ đây mối tình ấy được chắp nối lại
Nàng nghe nói đến chữ “Quỳnh”,
Nghĩ tiền duyên hẳn là mình chẳng sai.
Ngửa tay xem dấu tỏ mười,
Vậy hay sinh hóa cơ trời lạ thay!
Chàng rằng: “Một mối duyên này,
Khen cho Nguyệt lão xe dây tơ hồng”.
      Cuộc tình Phạm Thái-Quỳnh Như là câu chuyện có thật, đã cung cấp cho Sơ kính tân trang một cốt truyện hay. Trong thời gian ở chơi nhà Kiến Xuyên Hầu, Phạm Thái quen biết Quỳnh Như. Trai tài gái sắc gặp nhau, hai bên ý hợp tâm đầu, kẻ xướng người họa, họ đã dùng đến thơ văn đề thề non hẹn biển, biểu lộ sự nồng thắm của mối tình đầy hương sắc. Nhưng mối tình nửa đường đứt gánh, họ yêu nhau say đắm mà phải tính bài chia li. Bị dồn vào đường cùng, Quỳnh Như đành lấy cái chết để đền đáp cho người tình thủy chung. Tuy nhiên, trong tác phẩm, sau khi kể lại một mối tình đẹp nhưng thấm đẫm nước mắt, tác giả đã hư cấu thêm một số tình tiết không có thực để cốt truyện kết thúc có hậu như các truyện nôm khác. Quỳnh Thư (trong đời thực là Quỳnh Như) chết được tái sinh thành Thuỵ Châu. Trên đường lãng du, đôi tài tử Phạm Kim và giai nhân Thụy Châu đã gặp, kết hôn và sống với nhau hạnh phúc. Trong kiểu kết thúc giả tưởng tái thế tương phùng này, nhà nghiên cứu Đặng Thị Hảo thấy rằng “quan niệm hóa thân của Phật giáo được khai thác triệt để trong truyện dân gian và trong thủ pháp nghệ thuật của truyện kỳ ảo đã được Phạm Phái khai thác sáng tạo, đưa vào làm thành phần đoàn viên của tác phẩm, thỏa mãn hai nhu cầu tâm lý: một là của bản thân tác giả, không chịu chấp nhận sự thực đã mất người yêu; hai là thỏa mãn nhu cầu tiếp nhận của độc giả: người ngoan được đầu thai trở lại sống cuộc đời viên mãn” [3;tr53].
      Trong truyện nôm, cốt truyện thường kết thúc theo ước mơ của nhân dân lao động, “niềm khát khao yêu cuộc sống của những kiếp người bất hạnh muốn thoát khỏi vận hẩm, hoặc muốn được tái sinh lần nữa để hưởng hạnh phúc” [1;tr38], tức là về cuối truyện nhân vật tốt được hưởng hạnh phúc và dĩ nhiên nhân vật xấu sẽ bị trừng trị đích đáng...Tất nhiên, để xây dựng những nhân vật tốt, tích cực không bao giờ thất bại trước những thế lực của bóng tối nhờ những yếu tố thần kỳ rõ ràng là lý tưởng hóa. Nhưng, chỉ có những yếu tố thần kì ấy mới có thể đưa những nhân vật lý tưởng như Vân Tiên, Nguyệt Nga vượt qua trắc trở để đến cuộc sống hạnh phúc. Chỉ có sự lý tưởng hóa đầy kì ảo ấy mới có thể chắp cánh cho thiên “tiểu thuyết xã hội – lịch sử bằng thơ” Sơ kính tân trang của thi sĩ đa tình Phạm Thái đi đến một kết thúc có hậu, chặt chẽ, đúng quy cách. Đúng như Kiều Thu Hoạch khẳng định: “Dù tình tiết có phát triển rắc rối đến mấy, và cốt truyện có kéo dài nhiều đi nữa, rốt cuộc người kể chuyện cũng vẫn phải dừng lại ở chỗ đẹp nhất, viên mãn nhất, thì người nghe mới thấy thỏa mãn, mới chịu chấp nhận. Thiện phải thắng ác, chính phải thắng tà…việc sử dụng yếu tố thần kỳ là biện pháp nghệ thuật không thể thiếu để hướng nhân vật chính của truyện nôm đi tới kết thúc có hậu. Chừng nào mà biện pháp đó còn chưa được thực hiện như một quy trình chặt chẽ, thì chừng đó tác phẩm cũng chưa thể đi đến kết thúc có hậu một cách chặt chẽ đúng quy luật” [2;tr170-178].
      4. Thông qua yếu tố thần kỳ, truyện nôm đưa người ngược trở về một thời kỳ cổ tích huyền thoại. Ở đó, có những con người bằng trí tưởng tượng phong phú đã sáng tạo ra một thế giới khác lạ - thế giới ước mơ, thế giới của những điều kỳ diệu, thế giới của các đấng thần linh tối cao luôn theo sát những bước đường gian nan của họ. Thế giới khác lạ ấy xuất phát từ cuộc sống lao động đã bước vào thần thoại – một thể loại văn học dân gian được coi là hình thức văn hóa tinh thần đầu tiên của loài người (C. Mác). Và giờ đây, cách đó hàng nghìn năm, yếu tố thần kỳ vẫn được bàn tay của người nghệ sĩ truyện nôm nhào nặn thành chất liệu nghệ thuật đặc sắc, trở thành một phương thức nghệ thuật không thể thiếu trong cấu trúc tác phẩm và chuyển tải những giá trị thẩm mỹ của nhân dân.
Hữu Chất
(Theo Tạp chí Khoa học và Công nghệ)
 
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Nguyễn Huệ Chi, Lời giới thiệu trong sách Liêu trai chí dị (tập 1), NXB Văn Nghệ, thành phố Hồ Chí Minh, 1999.
[2] Kiều Thu Hoạch, Truyện Nôm-Lịch sử phát triển và thi pháp thể loại, NXB Giáo dục, 2007.
[3] Đặng Thị Hảo, Phạm Thái-Tài hoa và bi kịch, Tạp chí Nghiên cứu Văn học, số 9, (2009), trang 25-68.
[4] Nhiều tác giả, Vân Tiên - Tác phẩm và lời bình, NXB Văn học, 2002.
[5] Nguyễn Thị Nhàn, Thi pháp cốt truyện: Truyện thơ Nôm và truyện Kiều, NXB Đại học sư phạm, 2009.
[6] Nguyễn Đức Xuân, Những vấn đề thi pháp văn học dân gian, NXB Thanh niên, 2011.

 

Tin liên quan