1.Triển khai thực hiện kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021
Triển khai thực hiện kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, trong năm qua các Bộ, ngành, địa phương và đoàn thể đã tích cực, chủ động triển khai thực hiện Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, từng bước đưa Văn hóa thấm sâu vào trong các hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội.Tiêu biểu như: Bộ VHTTDL đã tổ chức Lễ phát động chủ đề công tác năm 2022 của Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch: “Xây dựng môi trường văn hóa cơ sở và công tác tổ chức cán bộ”; ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Kết luận của Tổng Bí thư tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc và Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 (giai đoạn 2023-2025)…Hà Tĩnh là địa phương đầu tiên tổ chức Hội nghị Văn hóa quy mô toàn tỉnh triển khai Kết luận này. Sau Hà Tĩnh, Bắc Ninh là địa phương thứ hai tổ chức Hội nghị Văn hóa với 7.000 đại biểu tham dự trực tiếp và trực tuyến….Còn rất nhiều hoạt động của các bộ, ngành, địa phương khác cũng được triển khai thực hiện, bước đầu đã đem lại những chuyển biến tích cực trong nhận thức cũng như hành động của các cấp, các ngành cũng như mỗi người dân về xây dựng và phát triển văn hóa.
2. Các hội thảo tạo dấu ấn đặc biệt để phát triển văn hóa
Tiếp tục quán triệt và triển khai các chủ trương, nghị quyết của Đảng về phát triển văn hóa,con người Việt Nam, nhất là các quan điểm, chủ trương mới trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021; đồng thời tạo diễn đàn để các Bộ, ngành, địa phương, các cơ quan, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý trong và ngoài nước thảo luận, hiến kế để xây dựng và phát triển văn hóa, tạo sức mạnh mềm, sức mạnh nội sinh để phát triển đất nước bền vững; ngày 29/11, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì phối hợp với Hội đồng Lý luận Trung ương; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức Hội thảo quốc gia “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới”. Ngày 17/12/2022, tại Bắc Ninh, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội chủ trì, phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ VHTTDL, tỉnh Bắc Ninh tổ chức Hội thảo“Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa” với khoảng 800 đại biểu tham dự theo cả hình thức trực tiếp và trực tuyến. Đây được đánh giá là 2 Hội thảo có ý nghĩa và tác động rất lớn đối với sự phát triển văn hóa nói riêng và phát triển đất nước nói chung. Hai Hội thảo đã tạo dấu ấn và trở thành “điểm sáng” thổi “động lực” cho những người hoạt động trong ngành Văn hóa, tạo sự thống nhất, đồng thuận trong toàn dân,góp phần xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam, phát triển đất nước nhanh và bền vững, hoàn thành các nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra.
Hội thảo quốc gia “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới”.
3. Các hoạt động kỷ niệm năm đoàn kết hữu nghị Việt Nam – Lào
Nhằm khẳng định quyết tâm của cả hai nước gìn giữ, vun đắp mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào, nhiều hoạt động VHTTDL sôi nổi được tổ chức trong khuôn khổ Năm Đoàn kết Hữu nghị Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam 2022. Tiểu biểu là Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao và 45 năm Ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam-Lào diễn ra tại cả hai nước, với sự tham dự của lãnh đạo cấp cao hai nước.
Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Cuộc thi “Tìm hiểu lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam” năm 2022 theo hình thức trắc nghiệm trực tuyến hằng tuần. Cuộc thi này đã thu hút hàng chục nghìn người tham gia, có sức lan tỏa rộng rãi, góp phần giúp không chỉ người dân trong nước mà cả người dân Lào, bạn bè quốc tế hiểu về ý nghĩa lịch sử, tầm quan trọng của mối quan hệ đặc biệt giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Việt Nam-Lào.
Bên cạnh đó còn có nhiều hoat động văn hóa, thể thao và du lịch sôi nổi được tổ chức trong khuôn khổ Năm Đoàn kết Hữu nghị Việt Nam – Lào.Trong đó, phải kể đến triển lãm ảnh Tình hữu nghị Lào - Việt Nam đời đời bền vững; triển lãm tài liệu, ảnh, hiện vật và sách về Quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam; Tuần Văn hoá Việt Nam tại Lào; Ngày hội giao lưu văn hóa, thể thao và du lịch vùng biên giới Việt Nam - Lào lần thứ III tại tỉnh Điện Biên, năm 2022 với chủ đề Thắm tình Hữu nghị - Hướng tới tương lai…..
4. Quốc hội Thông qua Luật Điện ảnh (sửa đổi) năm 2022 và Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) năm 2022
Ngày 15 tháng 6 năm 2022, tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV thông qua Luật Điện ảnh sửa đổi năm 2022. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2023. Luật Điện ảnh năm 2006, sửa đổi bổ sung năm 2009 sau 13 năm thực hiện, bên cạnh những đóng góp tích cực đã bộc lộ những thiếu sót, bất cập cần sớm được sửa đổi, bổ sung. Luật Điện ảnh năm 2022 được ban hành đã khắc phục được các hạn chế về thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Bên cạnh đó, khắc phục bất cập về một số vấn đề mới phát sinh cần bổ sung vào Luật. Luật Điện ảnh năm 2022 bảo đảm phù hợp với các luật hiện hành và cam kết trong điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên; đáp ứng yêu cầu về chuyển đổi số trong hoạt động điện ảnh.
Ngày 14/11/2022, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội hoá XV đã thông qua Luật Phòng chống bạo lực gia đình (sửa đổi) với 6 chương 56 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 01.7.2023. Đây là một trong những dự án Luật nhận được sự quan tâm đặc biệt của cử tri và dư luận bởi đã thiết lập được các chính sách, quy định bảo đảm thể chế hóa kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng để xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc,văn minh. Luật 2022 cũng đổi mới cách tiếp cận khi xây dựng chính sách. Nội dung cụ thể của Luật nhằm tiếp cận dưới góc độ quyền con người, lấy con người làm trung tâm, bảo đảm tăng cường bảo vệ quyền con người, quyền công dân theo nội dung, quy định của Hiến pháp năm 2013; xây dựng và phát triển gia đình hạnh phúc, văn minh, bảo vệ người yếu thế ngay trong gia đình; góp phần gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình, dân tộc, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới.
Nhiều hoạt động sôi nổi được tổ chức trong khuôn khổ Năm Đoàn kết Hữu nghị Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam 2022.
5. Nghệ thuật làm Gốm của người Chăm được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp.
Vào hồi 16 giờ 12 phút ngày 29/11 (giờ địa phương, tức 22 giờ 12 phút ngày 29/11 giờ Việt Nam), tại phiên họp của Ủy ban Liên chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 17 của UNESCO diễn ra tại Rabat, thủ đô của Vương quốc Ma-rốc, di sản Nghệ thuật làm gốm của người Chăm chính thức được UNESCO ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Trước thực trạng Nghệ thuật làm Gốm của người Chăm đang có quy cơ mai một và thất truyền, việc UNESCO vinh danh đối với nghệ thuật này tạo động lực để chính quyền, nhân dân và các cơ quan chức năng ban hành các biện pháp khẩn cấp để bảo vệ và phát triển nghệ thuật làm gốm của người Chăm, khẳng bản sắc văn hóa độc đáo của người Chăm ở Việt Nam và khu vực Đông Nam Á.
6. Di sản tư liệu “Bia ma nhai Ngũ Hành Sơn” và “Hệ thống văn bản làng Trường Lưu, Hà Tĩnh (1689-1943)” được ghi vào Danh mục di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Vào lúc 12h30 (tức 10h30, giờ Việt Nam) ngày 26/11, tại Kỳ họp thứ 9 diễn ra ở TP. Andong (Hàn Quốc), Ủy ban Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO (MOWCAP) đã thông qua 2 hồ sơ “Bia ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng” và “Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu, Hà Tĩnh (1689-1943)” là Di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Bia ma nhai là những tư liệu cực kỳ giá trị, chân xác và đặc sắc, thể hiện rõ tính giao thoa, hòa điệu về kinh tế, văn hóa, xã hội giữa các quốc gia Nhật Bản – Trung Hoa - Việt Nam tại Việt Nam từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XIX.
Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu, Hà Tĩnh (1689-1943) là bộ sưu tập độc bản được viết bằng tay, gồm: 26 sắc phong gốc do các vua triều Lê, Nguyễn ban tặng;19 tờ văn bằng và 3 bức trướng bằng lụa, viết bằng chữ Hán và chữ Nôm từ năm 1689 đến năm 1943. Với giá trị nguyên gốc, độc bản, các văn bản có nguồn gốc rõ ràng và các sự kiện liên quan… đã từng làm nguồn tư liệu để biên soạn sách. Đây cũng là các tư liệu gốc giúp nghiên cứu quan hệ xã hội, lịch sử phát triển của làng thời xưa, đặc biệt trong giai đoạn từ cuối thế kỷ XVII đến giữa thế kỷ XX.
Năm 2022 những cô gái "Kim cương" trong đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam đã hoàn thành giấc mơ World Cup cho bóng đá nữ nước nhà.
7. Tổ chức và thi đấu thành công tại SEA Games 31
Mặc dù quá trình chuẩn bị và tổ chức SEA Games 31 diễn ra trong giai đoạn gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 cũng như tình hình thế giới biến động phức tạp, song với nỗ lực không ngừng và sự phối hợp đồng bộ, trên tinh thần trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương liên quan, Việt Nam đã hoàn thành công tác chuẩn bị, tổ chức SEA Games 31 trong một thời gian ngắn, trên tinh thần triệt để tiết kiệm nhưng vẫn đảm bảo sự trọng thị, chu đáo, phù hợp với quy định, thông lệ quốc tế,được bạn bè quốc tế đánh giá cao.
Đặc biệt tại Đại hội này, đoàn Thể thao Việt Nam thi đấu thành công, đứng thứ nhất toàn đoàn, với tổng số 446 huy chương các loại, phá nhiều kỷ lục của Đại hội ở các môn Bơi, Điền kinh, Cử tạ, đặc biệt đã bảo vệ thành công huy chương vàng SEA Games của môn Bóng đá nam và huy chương vàng SEA Games lần thứ 7 của đội tuyển bóng đá nữ.
8. Lần đầu tiên Đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam tham dự World Cup 2023.
Ngoài việc bảo vệ thành công tấm HCV tại SEA Games 31, đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam còn gây được tiếng vang lớn khi lần đầu tiên trong lịch sử giành tấm vé chính thức tham dự Vòng chung kết World Cup 2023. Đây là chiến tích lịch sử của tuyển nữ Việt Nam, sau biết bao cố gắng, nỗ lực. “Những cô gái kim cương” đã hoàn thành giấc mơ World Cup cho bóng đá nữ nước nhà.
Sau khi chính thức mở cửa ngày 15/3, du lịch nội địa trong nước đã phục hồi mạnh mẽ, đạt trên 100 triệu lượt khách.
9. Đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam thi đấu vượt chỉ tiêu tại ASEAN Para Games 2022.
Tại Đại hội thể thao người khuyết tật Đông Nam Á lần thứ 11 (ASEAN Para Games 2022) được tổ chức từ ngày 30/07 đến ngày 06/08/2022 tại thành phố Surakarta (Java, Indonesia), Đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam tham dự với 153 thành viên, thi đấu ở 8 môn trong tổng số 14 môn thi đấu của đại hội. Mục tiêu của đoàn là phấn đấu giành từ 35 đến 40 HCV, nằm trong top 5 nước dẫn đầu khu vực. Sau những ngày tranh tài, các VĐV người khuyết tật Việt Nam đã thi đấu vô cùng ấn tượng khi giành được tổng cộng 65 HCV, 62 HCB và 56 HCĐ, đứng hạng Ba toàn đoàn sau chủ nhà Indonesia và Thái Lan. Ngoài những tấm huy chương, các VĐV người khuyết tật Việt Nam đã phá 16 kỷ lục của Đại hội, trong đó môn bơi phá 14 kỷ lục và môn cử tạ thiết lập 2 kỷ lục mới.
10. Du lịch nội địa phục hồi mạnh mẽ, đạt 110 triệu lượt khách năm 2022.
Năm 2022, ngành Du lịch Việt Nam và toàn cầu tiếp tục bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Việt Nam chính thức mở cửa du lịch từ 15/3/2022, mặc dù du lịch quốc tế vẫn còn chưa được như mong muốn nhưng vượt qua mọi khó khăn thách thức, du lịch nội địa lại phục hồi mạnh mẽ, đạt trên 100 triệu lượt khách, vượt qua tất cả các dự báo, tăng hơn gấp rưỡi so với mục tiêu đặt ra là 60 triệu lượt khách, vượt xa con số 85 triệu lượt khách nội địa năm 2019 (khi chưa xảy ra đại dịch). Sự tăng trưởng thần kỳ của thị trường du lịch nội địa sau dịch COVID-19 là một điểm sáng, cứu cánh cho toàn ngành, khẳng định vai trò của thị trường này đối với sự phát triển chung của ngành Du lịch trong bối cảnh du lịch quốc tế còn gặp nhiều khó khăn ở phạm vi toàn cầu.