KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Tin tức hoạt động
Đăng ngày: 11/11/2015 - Lượt xem: 200
3 giai đoạn phát triển của Ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn Hưng Yên

   Qua 70 năm xây dựng và phát triển, dưới sự lãnh đạo của Bộ Nông nghiệp và PTNT, Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong toàn ngành NN&PTNT là lực lượng trực tiếp thực hiện chủ trương, chính sách phát triển nông nghiệp của cả nước nói chung và của tỉnh nói riêng, góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tạo nên những mốc son lịch sử của ngành nông nghiệp và PTNT từ nghèo đói, lạc hậu, đến nay đã thay đổi toàn diện, nông dân đã có cuộc sống no đủ, bộ mặt nông thôn ngày đổi mới, khang trang, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được cải thiện và nâng cao.

       Giai đoạn 1954 - 1967: Sau giải phóng năm 1954, miền Bắc nói chung và tỉnh Hưng Yên nói riêng, bị tàn phá nặng nề do chiến tranh; ruộng đất hoang hóa, hoặc bị địa chủ chiếm đoạt. Hưng Yên cùng các tỉnh miền Bắc tiến hành cải cách ruộng đất, dân cày đã có ruộng, song phương thức sản xuất lạc hậu, phương tiện sản xuất thiếu thốn, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi hoành hành, hệ thống thủy lợi hầu như chưa có; sản xuất nông nghiệp phụ thuộc hoàn toàn thiên nhiên, năm nào mưa thuận, gió hòa được mùa, nắng nóng khô hạn, lũ lụt thì bị mất mùa,...

           Đảng và Nhà nước, trực tiếp là Tỉnh ủy, UBND tỉnh có nhiều chủ trương, lãnh đạo, chỉ đạo thúc đẩy sản xuất nông nghiệp; thành tựu nổi bật nhất trong giai đoạn này là công tác thủy lợi, phát triển hợp tác xã và cơ giới hóa sản xuất.

           Trong giai đoạn này, Bác Hồ nhiều lần về thăm, động viên và căn dặn cán bộ, nhân dân Hưng Yên tích cực làm thủy lợi để phát triển sản xuất, Bác khẳng định “Nhân định thắng thiên”, “Làm thủy lợi khó nhọc mười năm để sung sướng muôn đời”; Bác dạy, muốn tăng năng suất lúa thì phải quan tâm đến nước, phân, cày sâu, chọn giống tốt, phải ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

         Thấm nhuần những lời dạy của Bác, nhân dân Hưng Yên đã đồng lòng, quyết tâm phấn đấu, hăng hái thi đua lao động sản xuất và làm thủy lợi. Kết quả, năm 1961, cán bộ và nhân dân Hưng Yên được Bác Hồ tặng cờ “Làm thủy lợi khá” đã đẩy lùi nạn lụt, hạn hán, mở rộng diện tích canh tác, tăng năng suất lúa và hoa màu; năm 1958, diện tích canh tác đã tăng 19.637 mẫu so với năm 1955; sản lượng thóc tăng gần 20.000 tấn, ngô 13.000 tấn, khoai lang 4.000 tấn...; nông dân vào hợp tác xã, cải tiến kỹ thuật canh tác, từ chỗ chỉ gieo cấy một vụ còn bấp bênh, đã làm 2 vụ ăn chắc.

           Qua 10 năm tiến hành khôi phục, cải tạo, phát triển kinh tế xã hội chủ nghĩa và thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961-1965); nhân dân Hưng Yên vừa sản xuất, vừa chiến đấu, chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến, nông nghiệp đã có những bước tiến vượt bậc và đạt được nhiều thành tựu to lớn; về thủy lợi, đã hoàn thành quy hoạch bờ vùng, bờ thửa, đảm bảo được việc tưới tiêu cho khoảng 80% diện tích gieo trồng, đào đắp được 54.924.000 m3 đất, tăng gấp 2,5 lần so với năm 1960, xây dựng và hoàn thành 159 công trình trung thủy nông, 23.620 công trình tiểu thủy nông, 5 trạm bơm điện với công suất lớn, 11 trạm bơm vừa và nhỏ; đã bước đầu giải quyết khó khăn về hạn và úng, đưa diện tích cây trồng từ 17.000 ha năm 1960 lên 38.000 ha năm 1965; về sản xuất nông nghiệp, từ lao động thủ công, đã bước đầu cơ giới hóa, chiếc cày chìa vôi thay bằng cày 51, máy phun thuốc sâu, máy bơm nước được phổ biến, chỉ đạo cấy ngửa tay theo hàng, theo lối, dùng cào cỏ cải tiến...; vì vậy, năm 1965 giá trị sản lượng nông nghiệp tăng 3,48%, bình quân đạt 299kg thóc/người; nông nghiệp phát triển theo hướng đa canh và thâm canh, từ trồng cây lương thực là chủ yếu sang trồng cây thực phẩm, cây công nghiệp và phát triển chăn nuôi, thủy sản. Toàn tỉnh có 925 hợp tác xã nông nghiệp, trong đó có 698 hợp tác xã bậc cao; 62,7% hợp tác xã đã xây dựng được trang trại chăn nuôi tập thể; phong trào vườn cây ao cá Bác Hồ được phát triển ở hầu hết các xã trong tỉnh.

           Giai đoạn 1968-1996, hai tỉnh Hải Dương và Hưng Yên hợp nhất thành tỉnh Hải Hưng; gần 30 năm chung sức, Đảng bộ và nhân dân Hải Hưng đã đưa nền kinh tế của tỉnh phát triển nhanh và tương đối toàn diện:

           Công tác đê điều, thủy lợi được đẩy mạnh, đã huy động 280 triệu ngày công, đào đắp được 500 triệu m3 đất, xây đúc 540.000 m3 bê tông và 670 .000 m3 gạch, đá. Củng cố vững chắc đê điều, tạo nên mạng lưới thủy lợi gồm hàng nghìn km kênh mương, 500 cống lớn nhỏ, hơn 40 hồ đập, bảo đảm tưới tiêu cho hơn 135.000 ha bằng tự chảy, trên 161.000 ha bằng động lực.

           Cơ giới phát triển mạnh mẽ, kỹ sư và công nhân nhà máy cơ khí 1-5 Hưng Yên đã chế tạo bánh lồng thay thế lốp đưa máy xuống ruộng nước; sáng kiến này được nhân rộng khắp tỉnh Hải Hưng và toàn miền Bắc, Hải       Hưng dẫn đầu toàn quốc với 692 máy kéo lớn; vụ chiêm xuân 1984 - 1985 diện tích cày bằng máy khoảng 63.000 ha, đạt 55% diện tích gieo cấy. Sản xuất nông nghiệp, đạt được thành tựu to lớn, mang tính bước ngoặt, đó là:

           Chuyển từ vụ chiêm thành vụ Xuân, đưa giống lúa Nông nghiệp tám thay thế lúa chiêm dài ngày; cùng với đó, cuộc “cách mạng xanh” đã đưa hàng loạt giống lúa mới vào sản xuất như giống Tép xuân, Trân trâu lùn, Lục tài hiệu, cho năng suất cao hơn và ổn định hơn so với giống lúa cũ; kỹ thuật canh tác cũng được nâng cao, hàng năm làm ải đều đạt trên 90% diện tích; kỹ thuật gieo thẳng đã thay thế một phần diện tích cấy chân cao, đã phát huy hiệu quả để tranh thủ thời vụ, nhất là với giống lúa ngắn ngày. Nhờ áp dụng kỹ thuật canh tác, chuyển đổi cơ cấu trà vụ, cơ cấu giống lúa; năm 1972, năng suất lúa đã đạt 5,2 tấn/ha, trở thành tỉnh 5 tấn sau tỉnh Thái Bình; nhiều xã đạt năng suất cao, trong đó xã Đức Hợp (Kim Động), Đặng Lễ (Ân Thi), đạt 8 - 9 tấn /ha/năm.

           Phong trào trồng cây vụ đông được phát động rộng khắp, nhiều giống cây trồng được đưa vào sản xuất như: khoai tây, khoai lang, cà chua, dưa, tỏi với phương châm “sáng lúa, chiều khoai”, để có đất trồng cây vụ đông, tỉnh chỉ đạo đưa giống lúa ngắn ngày, giúp nông dân chủ động trồng cây vụ đông sớm; đưa vụ đông thành vụ sản xuất chính trong năm, từ 2 vụ lúa /năm thành 3 vụ /năm (2 vụ lúa và 01 vụ màu).

           Cây công nghiệp phát triển mạnh với phương châm “muốn no phải trồng màu, muốn làm giàu trồng cây công nghiệp”; cây đay là cây công nghiệp chính, diện tích trồng đay đã lên 7000ha, nhiều hợp tác xã có năng suất đay cao như: xã Phùng Hưng (Châu Giang), Đức Hợp (Kim Thi), Đào Đặng (Phù Tiên).

           Kinh tế vườn cũng phát triển với đặc sản nhãn Lồng Hưng Yên, Vải Thanh Hà đã giúp nhiều gia đình khá giả; nghề nuôi ong cũng phát triển, năm 1972 thu được 62 tấn mật ong, trong đó 42 tấn của Công ty ong Hưng Yên, 20 tấn của các hộ gia đình xã viên. Chăn nuôi phát triển, từ những năm 80 năm nào cũng làm nghĩa vụ bán cho Nhà nước khoảng 10 ngìn tấn lợn hơi, gấp 1,5 lần những năm 1970 và 2 lần những năm 1960; toàn tỉnh có 504 ao cá Bác Hồ, có hợp tác xã thu 30-40 tấn cá/ năm.

           Giai đoạn từ 1997 đến nay: Ngay sau tái lập tỉnh (1/1/1997); Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã quan tâm, chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ngành nông nghiệp; thực hiện Nghị quyết 26 - NQ/TU “về nông nghiệp, nông dân, nông thôn” của BCH TW khóa X; Nghị quyết số 05 - NQ/ TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Khóa XVII về Chương trình phát triển nông nghiệp hàng hóa hiệu quả cao tỉnh Hưng Yên đến năm 2020; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Ngành nông nghiệp Hưng Yên đã tập trung đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu sản xuất và cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, quy hoạch và quản lý đất đai theo hướng xây dựng vùng chuyên canh gắn với cơ sở sơ chế, chế biến và bảo quản nông sản; công tác thủy lợi, đê điều được quan tâm đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp,... đảm bảo phục vụ sản xuất, phòng chống lụt bão, úng. Năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi đều tăng nhanh, cơ cấu kinh tế nông nghiệp chuyển dịch tích cực, nông thôn ngày một đổi mới.

           Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 1997 - 2014 đạt 3,3% năm; Tổng giá trị sản xuất nông, lâm, thuỷ sản năm 2015 đạt 11.048 tỷ đồng, tăng gần 5 lần so với năm năm 1997; cơ cấu kinh tế nông nghiệp chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng chăn nuôi, thuỷ sản và rau quả, cây công nghiệp, giảm tỷ trọng cây lương thực; năm 2015, cây lương thực 19,60%- rau quả, cây công nghiệp 25,10 %- chăn nuôi, thủy sản 55,30%

            Tổng diện tích gieo trồng hàng năm khoảng 108.000 ha, trong đó diện tích lúa 77.600 ha/năm (năm 1997 là 89.360 ha); đã chuyển đổi nhanh cơ cấu trà vụ và cơ cấu giống, Vụ xuân đã gieo cấy 100% diện tích, trà xuân muộn; vụ mùa, gieo cấy trà sớm và trà trung, sử dụng giống mới có thời gian sinh trưởng ngắn, năng suất và chất lượng cao; đến nay, năng suất lúa bình quân trên 62 tạ/ha/vụ (năm 1997 là 50,70 tạ/ha/vụ) luôn đứng trong tốp đầu về năng suất của đồng bằng sông Hồng và cả nước, sản lượng hàng năm bình quân đạt 490.000 tấn (năm 1997 là 453.000 tấn), diện tích lúa chất lượng cao, đạt trên 59% diện tích gieo cấy (năm 1997 khoảng 30% diện tích); năng suất ngô tăng nhanh, từ 24 tạ/ha năm 1997 lên trên 59 tạ/ha; cây rau, màu thực phẩm tăng nhanh, từ 8000 ha năm 1997 lên 13.350 ha năm 2015, sản lượng tăng gấp hơn 2 lần so với năm 1997.

           Diện tích cây ăn quả tăng từ 6383 ha năm 1997 lên 8938 ha năm 2015, theo hướng tăng diện tích các loại cây ăn quả có giá trị, hiệu quả sản xuất cao được đưa vào sản xuất, như:(giống nhãn T6, PHM, PHT, HY104, quýt Đường Canh, cam V2, bưởi Phú Diễn, bưởi Hoàng Trạch, chuối tiêu Hồng, chuối Tây), trừ chi phí sản xuất cho lãi khoảng 200 - 300 triệu đồng/ha/năm.

           Đã hình thành được một số vùng sản xuất hàng hóa theo mô hình “cánh đồng lớn”; đưa cơ giới hóa vào khâu làm đất, gieo cấy, thu hoạch đối với cây lúa cho hiệu quả kinh tế cao hơn sản xuất đại trà từ 8-20 triệu đồng/ha; vùng trồng ngô nếp, cho lãi khoảng 70 triệu đồng/ha/năm; vùng trồng bí, cho lãi khoảng 50 triệu đồng/ha/năm; vùng trồng dưa chuột xuất khẩu cho lãi khoảng 140 triệu đồng/ha/năm.

           Nhìn chung, diện tích đất sản xuất nông nghiệp giảm dần do dành đất cho phát triển công nghiệp, đô thị và các lĩnh vực khác, nhưng giá trị sản xuất trên 1 ha đất canh tác vẫn tăng từ 29 triệu đồng năm 1997 nên 150 triệu đồng năm 2015.

           Chăn nuôi phát triển khá toàn diện, tốc độ tăng trưởng bình quân trên 6% năm; tổng đàn lợn tăng gần gấp 02 lần so với năm 1997, tỉ lệ nạc hóa đạt 80%; tổng đàn trâu, bò, tuy giảm khoảng 10,8% so với năm 1997, nhưng sản lượng tăng 3,6 lần do đàn bò đã được Sind hóa 100%, trong đó bò cao sản trên 30% tổng đàn; đàn gia cầm, tăng 1,6 lần so với năm 1997, đàn gà lông màu được phát triển nhanh, đặc biệt gà Đông Tảo và Đông Tảo lai (đạt 15 % tổng đàn); tổng sản lượng thịt hơi các loại hàng năm bình quân đạt khoảng 130.800 tấn/năm, tăng 3,6 lần so với năm 1997.

           Nuôi trồng thủy sản phát triển với diện tích hàng năm khoảng 4500ha, sản lượng 30.000 tấn; cơ cấu giống được chuyển đổi theo hướng tăng hiệu quả kinh tế; một số đặc sản được đưa vào sản xuất như: Mô hình nuôi ếch, lươn, cua đồng, cá rô đồng và nuôi ba ba cho hiệu quả kinh cao; Dự án phát triển mô hình Lúa – Cá; mô hình thâm canh cá theo hướng VietGAP, được triển khai cho hiệu quả kinh tế khá cao.

           Công tác phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi được chú trọng; công tác tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm đạt kết quả cao, không để xẩy ra dịch bệnh trong thời gian qua.

           Từ khi tái lập tỉnh đến nay, hệ thống công trình thủy lợi được thường xuyên được đầu tư, nâng cấp, cải tạo, chủ động tưới trên 90% diện tích canh tác, tiêu 80% diện tích tự nhiên. Hệ thống đê điều được tu bổ thường xuyên, đã cơ bản thực hiện hoàn thành dự án củng cố, nâng cấp đê tả sông Hồng, vừa góp phần bảo vệ đê điều vừa kết hợp phục vụ giao thông vận tải, nâng cao hiệu quả phòng chống lụt bão và phát triển kinh tế vùng bãi.

           Toàn tỉnh có 170 hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp, 650 trang trại và 54 làng nghề, đã thu hút một lực lượng lao động đáng kể từ khu vực nông thôn, tạo ra nhiều sản phẩm đa dạng, phong phú như: Hàng dệt may, nông sản chế biến, thủ công mỹ nghệ,.. góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Quan hệ hợp tác kinh tế trong nông thôn ngày càng được mở rộng, nhiều hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp làm ăn có hiệu quả, các loại hình dịch vụ về xây dựng, vận tải, thương mại,... phát triển đều khắp các vùng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực nông thôn.

           Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được triển khai thực hiện đạt được nhiều kết quả nổi bật; cơ sở hạ tầng nông thôn được quan tâm đầu tư bằng nhiều nguồn lực, nhất là hệ thống đường giao thông, hệ thống điện, trường học, công trình cấp nước sạch, trạm xá xã... đã góp phần thay đổi diện mạo nông thôn ngày càng khang trang, sạch đẹp, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện và nâng cao. Đến hết năm 2015, có 38 xã cơ bản đạt 19 tiêu chí, bình quân toàn tỉnh đạt 14,7 tiêu chí/ xã, tăng 8,1 tiêu chí so với năm 2011.

           Sau 70 năm xây dựng và phát triển, đến nay tổ chức bộ máy Sở Nông nghiệp và PTNT Hưng Yên đã lớn mạnh, bao gồm: Lãnh đạo Sở, 7 phòng chức năng, Thanh tra Sở, 8 Chi cục, 4 Trung tâm, Ban quản lý Nông nghiệp và PTNT, Văn phòng Điều phối chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, với biên chế hành chính, sự nghiệp được giao năm 2015 là 375 chỉ tiêu.

Phạm Văn Nghệ 

Tin liên quan