Ban chủ trì Hội thảo gồm đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông; đồng chí Trần Thanh Lâm, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; đồng chí Hoàng Vĩnh Bảo, Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam; đồng chí Phạm Minh Tuấn, Giám đốc-Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật.
Dự Hội thảo có các đồng chí lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, lãnh đạo Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật và đại diện lãnh đạo một số đơn vị trực thuộc; đại biểu đại diện lãnh đạo các cơ quan, bộ, ban, ngành Trung ương; đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo, Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố, cũng như đông đảo đại diện những người làm trong lĩnh vực in, xuất bản và phát hành…
Phát biểu đề dẫn Hội thảo, PGS.TS. Phạm Minh Tuấn, Giám đốc-Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật khẳng định, các tham luận gửi đến Hội thảo đề cập nhiều vấn đề ở các khía cạnh khác nhau, từ việc đánh giá khách quan kết quả, thành tựu, bài học kinh nghiệm đến những hạn chế, vướng mắc và nguyên nhân của những hạn chế, vướng mắc của hoạt động xuất bản trong những năm qua; từ việc phân tích sâu sắc bối cảnh trong nước và quốc tế tác động đến hoạt động xuất bản đến việc hiến kế các giải pháp tiếp tục đổi mới toàn diện công tác xuất bản theo đúng định hướng của Đảng, đáp ứng yêu cầu phát triển mới của đất nước. Đây là những vấn đề mà những nhà quản lý, những người trực tiếp làm công tác xuất bản, in và phát hành và bạn đọc quan tâm.
Các diễn giả trình bày tham luận tại Hội thảo.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã trình bày các tham luận trong hai phiên nội dung, tương ứng với hai chủ đề lớn: Ngành xuất bản, in và phát hành sách Việt Nam-Hành trình 70 năm và Ngành xuất bản, in và phát hành Việt Nam-Tầm nhìn và định hướng phát triển. Các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý… đã trao đổi về quá trình hình thành, phát triển và những dấu mốc quan trọng của ngành Xuất bản, In và Phát hành sách Việt Nam trong 70 năm qua, làm rõ những đóng góp của ngành đối với sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước; đồng thời tập trung phân tích những vấn đề đang đặt ra trong hoạt động xuất bản, in và phát hành sách ở Việt Nam hiện nay, từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm và định hướng phát triển xuất bản, in và phát hành trong thời gian tới.
Kết luận Hội thảo, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương yêu cầu: “Tiếp thu những chỉ đạo mang tính định hướng của Đảng, trong thời gian tới, những người làm công tác xuất bản, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo nhà xuất bản phải đổi mới tư duy, bắt nhịp thời cuộc, nhạy bén trong xử lý những tình huống cụ thể, đồng thời giải quyết những vấn đề chiến lược. Bên cạnh đó, cần có sự quan tâm của cơ quan chủ quản cũng như sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan chủ quản và cơ quan quản lý trong việc chỉ đạo, định hướng, giám sát chặt chẽ và tạo cơ chế cho hoạt động xuất bản, in và phát hành phát triển, góp phần nâng cao năng lực hoạt động của các cơ quan, đơn vị xuất bản nói riêng và toàn ngành Xuất bản, In và Phát hành nói chung, từ đó tạo động lực để ngành thực hiện tốt hơn nữa sứ mệnh lưu giữ, truyền bá tri thức và triển khai hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước”.
Các tác phẩm được trao giải Sách Quốc gia lần thứ 3.
Trong khuôn khổ Hội thảo, các đơn vị tham gia đã tổ chức không gian trưng bày sách gồm một số thư tịch cổ, sách báo thời kỳ Cách mạng Tháng Tám năm 1945, sách về Văn kiện Đảng; sách của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; sách về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam; sách về xây dựng Đảng và các sách lý luận, chính trị do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, Nhà xuất bản Lý luận chính trị, Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông xuất bản. Ngoài ra, tại không gian trưng bày còn giới thiệu các cuốn sách được trao giải Sách Quốc gia trong các năm trước.