KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Tin tức hoạt động
Đăng ngày: 24/06/2022 - Lượt xem: 140
Bài 2: Kịch bản nào cho sự phục hồi của ngành hàng không Việt?

Ngành hàng không Việt Nam vẫn được dự báo sẽ tiếp tục đối mặt với khó khăn trong năm 2022 và cần có giải pháp hỗ trợ phát triển với tư cách là ngành đột phá để khôi phục kinh tế.

Kịch bản hàng không Việt Nam vẫn còn đối mặt nhiều thách thức sau đại dịch COVID-19 và giá nhiên liệu tăng cao, lạm phát kinh tế. (Ảnh: CTV/Vietnam+)
Mặc dù đại dịch đã phần nào được kiểm soát và các hoạt động kinh tế xã hội đã phục hồi ở trạng thái bình thường mới, ngành hàng không vẫn được dự báo sẽ tiếp tục đối mặt với khó khăn trong năm 2022 khi giá dầu tăng mạnh làm cho chi phí nhiên liệu của các hãng hàng không tăng lên; kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại; chính sách tiền tệ được thắt chặt để ứng phó với lạm phát cao…
Những thách thức mới
Trong giai đoạn vừa qua, tình hình bất ổn về kinh tế, chính trị trên thế giới đã khiến giá nhiên liệu tăng đột biến đang gây sức ép nặng nề lên chi phí của các hãng hàng không do hầu hết các hãng bay đều xây dựng kế hoạch năm 2022 trên nền tảng giá dầu Jet A1 ở mức 83-100USD (hiện giá dầu là 150-160USD/thùng).
Theo ông Lê Hồng Hà, Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), nếu giá nhiên liệu bay duy trì ở mức 130 USD/thùng cho cả năm 2022 thì chi phí ước tính của Vietnam Airlines sẽ tăng thêm khoảng 5.700 tỷ đồng. Trong trường hợp, giá dầu Jet A1 tăng lên khoảng 160 USD/thùng, chi phí tăng thêm của hãng hàng không quốc gia sẽ ở mức 9.100 tỷ đồng.
Trong khi đó, theo tính toán của Vietravel Airlines, với giá nhiên liệu bình quân 130USD/thùng thì chi phí nhiên liệu/ghế đối với tàu bay Airbus321 của hãng là 688.000 đồng đối với chặng Thành phố Hồ Chí Minh-Hà Nội; 450.000 đồng đối với chặng Thành phố Hồ Chí Minh/Hà Nội-Đà Nẵng.
“Với tình hình giá vé cạnh tranh như hiện nay thì doanh thu bình quân/chuyến bay còn chưa đủ bù đắp được chi phí nhiên liệu chứ chưa nói đến chi phí biến đổi hoặc tổng chi phí,” đại diện Vietravel Airlines bày tỏ lo lắng.
Ông Phạm Văn Hảo, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết dự kiến năm 2022, hoạt động kinh doanh của các hãng hàng không Việt Nam vẫn tiếp tục gặp khó khăn. Thậm chí nếu giá nhiên liệu bay tiếp tục leo thang, nhiều hãng hàng không sẽ lỗ sâu nếu không sớm nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước.
Ông Bùi Doãn Nề, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam (VABA) nhận định, trong 5 năm tới, hàng không sẽ vẫn còn phải chịu thêm tác động diễn biến của dịch COVID-19 và mức độ kiểm soát dịch, sự phát triển của nền kinh tế toàn cầu và trong nước, đặc biệt là sự phát triển của ngành du lịch; năng lực và thực tế tái cấu trúc của các doanh nghiệp ngành hàng không; mức độ hội nhập của ngành hàng không ở khu vực và trên phạm vi toàn cầu; tác động tổng hợp từ các chính sách của Nhà nước.
Từ đó, ông Nề đưa ra 3 kịch bản phát triển ngành hàng không Việt Nam. Đối với kịch bản kỳ vọng, vận chuyển khách nội địa được phục hồi vào đầu năm 2023, quốc tế phục hồi vào giữa hoặc cuối năm 2023.
Ở kịch bản lạc quan, năng lực của hàng không Việt Nam được tăng cường, khả năng cạnh tranh của ngành được cải thiện đáng kể, vận chuyển hành khách trong nước được phục hồi vào cuối năm 2022, thị trường quốc tế phục hồi vào đầu năm 2023.
Đối với kịch bản bi quan, năng lực của ngành hàng không Việt được phục hồi từ đầu hoặc giữa năm 2023, vận chuyển hành khách trong nước được phục hồi vào cuối năm 2023, quốc tế phục hồi vào giữa hoặc cuối năm 2024.
Làm gì để giúp hàng không phục hồi vị thế?
Nhấn mạnh các chính sách, giải pháp của Chính phủ là “luồng sinh khí” đã góp phần giúp ngành hàng không đương đầu và vượt qua đại dịch trong thời gian qua dù chịu nhiều tác động, ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết Chính phủ kiến tạo thị trường và hành lang phát triển cho ngành hàng không. Đó là các hoạt động như mở cửa du lịch, nới lỏng các quy định về phòng chống dịch, dỡ bỏ quy định về cách ly, xét nghiệm với khách nhập cảnh, miễn visa cho công dân 13 nước, đẩy nhanh tốc độ cấp hộ chiếu vaccine… Bên cạnh đó, Chính phủ cũng tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn/dòng tiền bền vững cho doanh nghiệp hàng không (giảm thuế, phí, giá dịch vụ hàng không; hỗ trợ lãi suất 2% các khoản vay thương mại trong 2 năm 2022-2023…).
Để ngành hàng không phục hồi và phát triển giai đoạn hậu COVID-19, Cục Hàng không rà soát, điều chỉnh chính sách vận tải hàng không, đặc biệt là chính sách điều tiết linh hoạt khung giá vé vận chuyển hàng không nhằm tạo dư địa cho các hãng hàng không tích lũy tài chính; điều tiết vận tải hàng không quốc tế để hỗ trợ các hãng hàng không Việt Nam trong việc duy trì, phục hồi sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Bai 2: Kich ban nao cho su phuc hoi cua nganh hang khong Viet? hinh anh 1
Để ngành hàng không phục hồi và phát triển vẫn cần nhiều giải pháp, chính sách hỗ trợ từ Chính phủ. (Ảnh: CTV/Vietnam+)
Bên cạnh nỗ lực của từng doanh nghiệp trong việc thu xếp tài chính, bổ sung vốn từ các kênh khác nhau, Cục Hàng không đề xuất Chính phủ xem xét các gói hỗ trợ đặc biệt cho các doanh nghiệp hàng không như cho vay gói tái cấp vốn với các hãng hàng không lãi suất 0%, thời hạn tối đa 3 năm hay bảo lãnh cho doanh nghiệp hàng không được vay gói hỗ trợ 25.000 tỷ đồng.
Phía Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam kiến nghị Chính phủ tiếp tục đầu tư xây dựng, mở rộng, đồng bộ hóa hệ thống cơ sở hạ tầng của ngành hàng không, tăng cường thu hút đầu tư tư nhân và các hình thức công tư vào hạ tầng hàng không.
Mặt khác, Chính phủ chuẩn bị và sớm triển khai đàm phán với những quốc gia là thị trường có tiềm năng lớn cho ngành hàng không mà hiện Việt Nam chưa khai thác được nhiều để các hãng hàng không Việt Nam có điều kiện thuận lợi trong thâm nhập và khai thác thị trường này.
Chính phủ cũng cần kịp thời bổ sung các biện pháp bảo vệ lợi ích của ngành hàng không trong nước, ngăn ngừa và chống lại các biện pháp cạnh tranh không lành mạnh của các doanh nghiệp hàng không nước ngoài, tránh để họ lợi dụng lợi thế chèn ép các doanh nghiệp trong nước.
Ông Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cũng kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính phải phối hợp chặt chẽ việc rà soát lại cơ chế chính sách đã áp dụng và những bất cập để trình Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ có giải pháp hỗ trợ ngành hàng không phát triển trong tình hình mới, với tư cách là ngành đột phá để khôi phục kinh tế./.
Nguồn: https://www.vietnamplus.vn
Tin liên quan