KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Tin tức hoạt động
Đăng ngày: 22/07/2022 - Lượt xem: 128
Bài 3: Tăng cường hiệu quả phối hợp trong nước và hợp tác quốc tế

Thực tế công tác tổ chức xác minh, truy tìm, áp dụng các biện pháp thu hồi, xử lý tài sản bảo đảm thi hành án trong các vụ án tham nhũng còn có khó khăn, vướng mắc. Với yêu cầu mạnh mẽ, quyết liệt hơn trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, công tác thu hồi tài sản tham nhũng cần trách nhiệm cao hơn và hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan chức năng, đồng thời thúc đẩy mở rộng hợp tác quốc tế.

Trịnh Xuân Thanh tại tòa.
Kết quả công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thời gian qua có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, với quyết tâm chính trị cao của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Ðảng, sự chỉ đạo quyết liệt, trực tiếp của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Công tác phối hợp được triển khai sớm, dưới nhiều hình thức, nhiều cấp độ, một cách hệ thống, bài bản. Sự phối hợp của các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, các cơ quan tố tụng, các bộ, ngành, địa phương có liên quan đã hình thành cơ chế chặt chẽ, nhịp nhàng, đồng bộ. Kịp thời lựa chọn những vụ án, vụ việc đặc biệt nghiêm trọng, dư luận quan tâm đưa vào diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo; đồng thời tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thanh tra, kiểm tra, điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc.
Phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các cơ quan chức năng
Thực tế công tác phòng, chống tham nhũng thời gian qua cũng cho thấy sự phối hợp giữa các lực lượng có chức năng phòng, chống tham nhũng vẫn còn những hạn chế nhất định, ảnh hưởng tiến độ xử lý các vụ án cũng như xử lý tài sản cần thu hồi. Trong một số vụ án, quan điểm giữa các cơ quan tiến hành tố tụng về đánh giá chứng cứ, xác định tội danh, xác định hậu quả thiệt hại chưa thống nhất, phải họp bàn nhiều lần, nhiều cấp dẫn đến kéo dài thời hạn giải quyết vụ án hoặc phải trả hồ sơ điều tra bổ sung nhiều lần. Sự phối hợp giữa cơ quan tố tụng và cơ quan giám định, định giá tài sản có lúc chưa hiệu quả; giữa cơ quan tố tụng và cơ quan thi hành án đôi khi vẫn vướng mắc, chậm chuyển giao hoặc chuyển giao không đầy đủ bản án, hồ sơ, tài liệu liên quan cho nên cơ quan thi hành án thiếu cơ sở thi hành thu hồi tài sản. Việc xác minh và trả lời yêu cầu cung cấp thông tin về tài sản của các cơ quan chức năng; xác định hiện trạng, tình trạng pháp lý về đất đai phục vụ thu hồi tài sản của văn phòng đăng ký đất đai các cấp còn chậm, trả lời chung chung, không đáp ứng yêu cầu, phải đề nghị xác minh tại nhiều cơ quan đơn vị, như đã xảy ra trong vụ án Giang Kim Ðạt, vụ Epco-Minh Phụng...
Theo Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, để giải quyết triệt để, đúng pháp luật các vụ án, vụ việc tham nhũng, ngoài việc tập trung điều tra làm rõ xử lý hành vi phạm tội, phải tập trung làm rõ tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt và áp dụng biện pháp để thu hồi triệt để tài sản cho Nhà nước. Các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán khi phát hiện có dấu hiệu phạm tội cần kịp thời chuyển tài liệu cùng kết luận và kiến nghị khởi tố cho cơ quan điều tra. Các bộ, ngành có chức năng giám định, định giá cần tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, chú trọng xây dựng đội ngũ giám định viên có đủ năng lực, phẩm chất đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, bảo đảm thực hiện việc giám định, định giá tài sản kịp thời; và thường xuyên phối hợp chặt chẽ với cơ quan điều tra, viện kiểm sát để bảo đảm việc cung cấp, bổ sung tài liệu phục vụ giám định, định giá tài sản đúng yêu cầu.
Tiếp tục chủ động thực hiện cơ chế phối hợp họp liên ngành theo từng cấp độ, từ cấp chuyên viên đến cấp vụ, đến cấp lãnh đạo liên ngành và khi xuất hiện những vụ việc có khó khăn vướng mắc mà lãnh đạo liên ngành chưa thể thống nhất thì phải kịp thời báo cáo Thường trực Ban Chỉ đạo để có sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời.
Chia sẻ những bài học kinh nghiệm trong xử lý dứt điểm các vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, lãnh đạo Bộ Công an cho rằng, cần có sự phối hợp chặt chẽ, kịp thời, hiệu quả giữa cơ quan điều tra với viện kiểm sát nhân dân, tòa án nhân dân các cấp trong quá trình phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử án tham nhũng, nhất là trong phối hợp giải quyết tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về đánh giá chứng cứ, đường lối xử lý, đôn đốc công tác giám định, định giá tài sản...
Có thể khẳng định, vụ án nào mà sự phối hợp giữa các cơ quan tố tụng và người tiến hành tố tụng được thực hiện ngay từ đầu, vì mục tiêu chung là hướng tới thực hiện đúng các quy định của pháp luật, thì hiệu quả, chất lượng công tác điều tra, truy tố xét xử sẽ cao. Ðối với những vụ án lớn, phức tạp, cần có sự phối hợp chặt chẽ với viện kiểm sát ngay từ giai đoạn điều tra ban đầu, nhằm bảo đảm việc điều tra, bắt giam, giữ đúng pháp luật. Bên cạnh đó, cần chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý nhà nước liên quan, nhất là cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán các cấp kịp thời chuyển cơ quan điều tra các vụ việc có dấu hiệu tội phạm, tránh để đối tượng có thời gian hợp lý hóa nội dung sai phạm, hoàn thiện hồ sơ, cất giấu tài sản, tiêu hủy tài liệu, chứng cứ…
Theo Ban cán sự đảng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, với chức năng quản lý nhà nước về tiền tệ, hoạt động ngân hàng; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ yếu thực hiện phối hợp các bộ, ngành trong thu hồi tài sản tham nhũng, thông qua công tác hoàn thiện thể chế về tái cơ cấu, xử lý nợ xấu; thanh tra, kiểm tra, chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện các quy định của pháp luật có liên quan, theo thẩm quyền.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chú trọng triển khai đồng bộ các giải pháp tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đẩy mạnh tái cơ cấu và xử lý nợ xấu, tập trung xử lý dứt điểm các tổ chức tín dụng yếu kém, kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật xảy ra trong hệ thống. Ðồng thời, thực hiện giám sát công tác thu hồi tài sản thông qua các báo cáo của tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm; kịp thời có văn bản chấn chỉnh, phối hợp các bộ, ngành liên quan xử lý vướng mắc của tổ chức tín dụng...
Thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác quốc tế
Thực tiễn phát hiện, xử lý tội phạm tham nhũng thời gian qua nổi lên việc các đối tượng có liên quan bỏ trốn, tẩu tán tài sản ra nước ngoài, gây khó khăn cho quá trình điều tra, giải quyết vụ việc, vụ án. Vụ án điển hình gặp khó khăn trong thu hồi tài sản tham nhũng có yếu tố nước ngoài là vụ Giang Kim Ðạt tham ô tài sản với số tiền 18,6 triệu USD. Phần lớn trong số đó đã bị tẩu tán ra nước ngoài. Tuy nhiên, khi Việt Nam yêu cầu tương trợ tư pháp, phía nước ngoài đã đặt ra những yêu cầu gây khó khăn cho quá trình kê biên, tịch thu tài sản tham nhũng.
Ðể góp phần nâng cao hiệu quả phát hiện, xử lý tham nhũng, Ðảng, Nhà nước, các cơ quan chức năng đã tăng cường mở rộng hợp tác quốc tế về phòng, chống tham nhũng. Việt Nam đã đàm phán, ký kết các hiệp định về dẫn độ, chuyển giao người bị kết án phạt tù và phòng, chống tội phạm, tương trợ tư pháp với một số quốc gia; tham gia tích cực, chủ động vào các hoạt động hợp tác phòng, chống tham nhũng của APEC và của nhóm các cơ quan chống tham nhũng ASEAN...
Thanh tra Chính phủ đã ký mới, ký nâng cấp các bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực phòng, chống tham nhũng, tăng số lượng đối tác có thỏa thuận hợp tác song phương với Thanh tra Chính phủ thuộc các quốc gia là thành viên của Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng. Bộ Công an đã chủ động, tích cực hợp tác quốc tế trong phát hiện, xử lý tham nhũng, thu hồi tài sản tham nhũng, tham gia các diễn đàn song phương và đa phương, đặc biệt là diễn đàn Liên hợp quốc, Interpol, Aseanpol và thực hiện các công ước, hiệp định tương trợ tư pháp mà Việt Nam đã tham gia và ký kết. Nhiều vụ án lớn thông qua hợp tác quốc tế đã được khám phá thành công.
Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã tiếp nhận và giải quyết nhiều yêu cầu tương trợ tư pháp liên quan đến tội phạm tham nhũng do cơ quan tiến hành tố tụng trong nước lập; tiếp nhận, giải quyết một số yêu cầu tương trợ tư pháp liên quan tội phạm tham nhũng của nước ngoài; chủ động phối hợp các cơ quan điều tra thực hiện các yêu cầu tương trợ tư pháp đối với các vụ án tham nhũng có yếu tố nước ngoài; phối hợp với một số nước để thu hồi tài sản tham nhũng và truy bắt các đối tượng truy nã quốc tế...
Các cơ quan hữu quan tích cực triển khai thực hiện các hiệp định, thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam đã ký kết, tham gia có nội dung về thu hồi tài sản tham nhũng; luật hóa các nội dung về minh bạch tài sản, thu nhập theo yêu cầu của Công ước của Liên hợp quốc về phòng, chống tham nhũng; tiếp tục tham gia, ký kết các hiệp định tương trợ tư pháp trong lĩnh vực hình sự giữa Việt Nam với các nước nhằm tạo cơ sở pháp lý, cơ chế phối hợp trong đấu tranh với tội phạm tham nhũng và thu hồi tài sản tham nhũng có yếu tố nước ngoài (vụ Việt Á là một điển hình).
Cần thiết lập các khuôn khổ hợp tác song phương và đa phương, tạo các diễn đàn về thu hồi tài sản tham nhũng. Qua đó thúc đẩy mạnh mẽ các cam kết quốc tế của Việt Nam trong công tác thu hồi tài sản tham nhũng, tìm kiếm cơ hội hỗ trợ đào tạo, tập huấn, học tập nâng cao kiến thức, kỹ năng về thu hồi tài sản tham nhũng cho đội ngũ công chức làm công tác này.
Công tác thu hồi tài sản tham nhũng là khâu quan trọng, đóng góp vào hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Ðó không chỉ là nhiệm vụ riêng của các cơ quan có chức năng thu hồi tài sản tham nhũng, mà là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị; là trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu các cấp; trách nhiệm giám sát của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và nhân dân.
Tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh nhiều bài học quý, có giá trị cả về mặt lý luận và thực tiễn. Một trong những vấn đề được Tổng Bí thư khái quát, đó là, phải kết hợp chặt chẽ giữa tích cực phòng ngừa với chủ động phát hiện, xử lý kịp thời, đồng bộ, nghiêm minh các hành vi tham nhũng; trong đó, phòng ngừa là chính, là cơ bản, lâu dài; phát hiện, xử lý là đột phá, quan trọng. Ðể chủ động, tích cực phòng ngừa, cần phải tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách về kinh tế-xã hội, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh xây dựng Ðảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện.
Khái quát của Tổng Bí thư đã chỉ ra vấn đề căn cốt, là phải xây dựng một nền chính trị liêm chính; một cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để "không thể tham nhũng"; một cơ chế răn đe, trừng trị nghiêm khắc để "không dám tham nhũng"; và một cơ chế bảo đảm để "không cần tham nhũng". Ðó là nhiệm vụ không thể chủ quan, nóng vội, trái lại, phải rất kiên trì, không "ngừng", không "nghỉ", với quyết tâm cao hơn và hành động mạnh mẽ hơn trong giai đoạn mới.
Nguồn: https://nhandan.vn
Tin liên quan