Ngày 27/1, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 15.727 ca nhiễm mới, gồm 55 ca nhập cảnh và 15.672 ca trong nước tại 63 tỉnh, thành phố. Thành phố Hà Nội vẫn là địa phương ghi nhận số ca mắc Covid-19 trong ngày cao nhất, với 2.907 ca. Bệnh nhân phân bố tại 422 xã, phường, thị trấn thuộc tất cả 30 quận, huyện, thị xã. Trong ngày có 21.002 người mắc Covid-19 được công bố khỏi bệnh và 126 ca tử vong tại 28 tỉnh, thành phố.
Nhân viên y tế Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) khám cho người dân trước khi tiêm vắc-xin phòng Covid-19. Ảnh: HỮU NGUYÊN
Ngày 27/1, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định 218/BYT-QĐ Hướng dẫn tạm thời về chuyên môn y tế thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ ban hành Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành và thay thế Quyết định số 4800/QĐ-BYT ngày 12/10/2021 của Bộ Y tế. Theo quyết định mới, các tiêu chí đánh giá cấp độ dịch Covid-19 gồm: Tiêu chí 1 là tỷ lệ ca mắc mới trên địa bàn/số dân/thời gian; Tiêu chí hai là độ bao phủ vắc-xin; Tiêu chí ba là bảo đảm khả năng thu dung, điều trị của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh các tuyến.
Cụ thể: Tiêu chí 1 gồm: tỷ lệ ca mắc mới trong tuần trên địa bàn cấp xã/100 nghìn dân, được phân theo bốn mức độ từ thấp đến cao (mức 1: <90; mức 2: 90 đến dưới 450; mức 3: 450 đến 600; mức 4: >600); tỷ lệ ca bệnh phải thở ô-xy trung bình trong bảy ngày qua ghi nhận trên địa bàn xã/100 nghìn người, được phân theo bốn mức độ (mức 1: <1; mức 2: 1 đến dưới 32, mức 3: 32 đến 40, mức 4: >40). Tỷ lệ ca tử vong trong tuần trên địa bàn cấp xã/100 nghìn dân (không được vượt quá 6/100 nghìn dân trên địa bàn cấp xã…; chỉ số này được sử dụng để đánh giá điều chỉnh cấp độ dịch trên địa bàn cấp xã). Tiêu chí 2 gồm chỉ số tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ các mũi tiêm theo khuyến cáo tại thời điểm đánh giá của Bộ Y tế của địa bàn cấp xã tính trên toàn bộ dân số trên địa bàn (yêu cầu tỷ lệ tiêm chủng đủ mũi phải đạt tối thiểu 75% tổng dân số tại thời điểm đánh giá; chỉ số này được sử dụng để điều chỉnh mức độ lây nhiễm trên địa bàn cấp xã)… Tiêu chí 3 gồm: chỉ số tỷ lệ sẵn sàng quản lý, chăm sóc/10 nghìn dân (khả năng có thể quản lý, chăm sóc tại địa bàn cấp xã; chỉ số này được chia làm ba khả năng (gồm cao: > 500, trung bình: 200-500, thấp: <200); chỉ số tỷ lệ giường điều trị tích cực (ICU) có đủ nhân viên y tế phục vụ/100 nghìn dân (yêu cầu tỷ lệ giường ICU có đủ nhân viên y tế phục vụ trên địa bàn cấp tỉnh phải đạt tối thiểu 4/100 nghìn dân)…
Để tăng cường phòng, chống dịch trong mùa đông - xuân, nhất là dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần và mùa lễ hội đầu năm 2022, Bộ Y tế vừa có văn bản đề nghị chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo UBND các cấp, các sở, ban, ngành và các tổ chức chính trị triển khai các giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch theo Nghị quyết 128 của Chính phủ. Thực hiện nghiêm Công văn số 375/BYT-MT ngày 22/1/2022 về tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong nước về quê nhân dịp Tết Nguyên đán. Chỉ đạo sở y tế xây dựng trình UBND tỉnh, thành phố phê duyệt kế hoạch phòng, chống dịch bệnh năm 2022 tổ chức triển khai thực hiện sớm nhất có thể, phân công cụ thể các đơn vị liên quan theo từng nội dung và địa bàn phụ trách. Tăng cường triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm, dịch bệnh mùa đông-xuân, tập trung giám sát các trường hợp mắc bệnh lây truyền qua đường hô hấp, nhất là Covid-19 và biến thể mới Omicron, kịp thời lấy mẫu xét nghiệm để chẩn đoán sớm tác nhân gây bệnh, triển khai xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch phát triển lây lan trong cộng đồng. Tập trung chỉ đạo, triển khai “thần tốc” và “thần tốc hơn nữa” trong việc tổ chức tiêm vắc-xin phòng Covid-19 mũi ba cho người 18 tuổi trở lên và mũi hai cho trẻ em từ 12 đến 17 tuổi. Tổ chức công tác thu dung, cấp cứu, phân tuyến điều trị bệnh nhân, thực hiện phân luồng khám, chữa bệnh, thiết lập khu vực riêng khám, cách ly điều trị bệnh nhân để tránh lây nhiễm chéo trong bệnh viện…
Bộ Y tế vừa ban hành quyết định giao 37 bệnh viện, viện có giường bệnh trực thuộc Bộ Y tế tiếp nhận điều trị người bệnh Covid-19 được phát hiện khi đến khám bệnh hoặc đang trong quá trình điều trị tại bệnh viện. Đồng thời, hỗ trợ điều trị người bệnh Covid-19 cho địa phương khi có đề nghị, bảo đảm phù hợp với khả năng tiếp nhận và năng lực chuyên môn của bệnh viện.
Ngày 27/1, Sở Y tế tỉnh An Giang có công văn hướng dẫn phòng, chống dịch Covid-19 đối với người nhập cảnh vào An Giang. Theo đó, người nhập cảnh đã tiêm đủ liều vắc-xin hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 thì theo dõi sức khỏe tại nơi lưu trú trong ba ngày đầu kể từ khi nhập cảnh; không được tiếp xúc với người chung quanh, không được ra khỏi nơi lưu trú; xét nghiệm RT-PCR vào ngày thứ ba kể từ ngày nhập cảnh và nếu kết quả xét nghiệm âm tính thì tiếp tục theo dõi đến hết 14 ngày kể từ khi nhập cảnh. Đối với người nhập cảnh chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều vắc-xin cách ly tại nơi lưu trú trong bảy ngày kể từ ngày nhập cảnh, xét nghiệm RT-PCR vào ngày thứ ba và ngày thứ bảy kể từ khi nhập cảnh. Nếu kết quả xét nghiệm âm tính, thì tiếp tục theo dõi sức khỏe đến hết ngày 14 kể từ ngày nhập cảnh.
Nguồn: https://nhandan.vn