MỘT TRONG NHỮNG VẤN KINH TẾ, XÃ HỘI HÀNG ĐẦU CỦA NƯỚC TA, SỢI CHỈ ĐỎ XUYÊN SUỐT TRONG CHÍNH SÁCH CỦA ĐẢNG
Dân số vừa là lực lượng sản xuất, vừa là lực lượng tiêu dùng. Vì vậy, bất kỳ sự biến đổi nào về quy mô, cơ cấu, phân bố, nhất là chất lượng dân số đều tác động to lớn đến sự phát triển bền vững của thế giới nói chung và mỗi quốc gia nói riêng theo chiều hướng hoặc tích cực, hoặc tiêu cực. Cộng đồng quốc tế và các quốc gia đều quan tâm vấn đề dân số. Liên Hợp quốc đã thành lập Quỹ Dân số (United Nation Fund Population Agency - UNFPA). Quỹ Dân số Liên hợp quốc đã và đang hỗ trợ Chương trình Dân số của hầu hết các nước trên thế giới.
Sớm nhận thức được tầm quan trọng của dân số, ngay từ năm 1961 Hội đồng Chính phủ đã ban hành Quyết định 216/CP về việc sinh đẻ có hướng dẫn, với mục đích: “Vì sức khoẻ của người mẹ, vì hạnh phúc và hoà thuận của gia đình, vì để cho việc nuôi dạy con cái được chu đáo”. Sau thống nhất đất nước, từ Đại hội IV (1976) đến Đại hội XIII (2021) và Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), Đảng ta đều đề ra phương hướng, mục tiêu cho công tác dân số. Đặc biệt, Nghị quyết 04-NQ/TW ngày 14 tháng 1 năm 1993 của Hội nghị lần thứ tư Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá VII về chính sách Dân số - KHHGĐ chỉ rõ: “Công tác dân số và kế hoạch hóa gia đình là một bộ phận quan trọng của chiến lược phát triển đất nước, là một trong những vấn đề kinh tế - xã hội hàng đầu của nước ta, là một yếu tố cơ bản để nâng cao chất lượng cuộc sống của từng người, từng gia đình và của toàn xã hội”. Thực tế những thành tựu của công tác dân số 60 năm qua, nhất là từ sau Nghị quyết số 04-NQ/TW và tác động của những thành tựu này đến sự phát triển bền vững của đất nước chứng minh quan điểm nói trên của Đảng ta là hoàn toàn đúng đắn.
Trước hết, về mặt kinh tế, ở tầm vĩ mô, theo tính toán của các nhà khoa học, việc giảm sinh dẫn tới giảm tỷ lệ tăng dân số nhưng tăng tỷ lệ lao động, hình thành nên “cơ cấu dân số vàng”. Kết quả là, chỉ riêng những biến đổi dân số đã đóng góp 1,53% vào tăng trưởng kinh tế giai đoạn (1999-2009) và 0,84% giai đoạn (2009 -2019). Tuy nhiên, nếu mức sinh tiếp tục giảm, thấp thì tỷ lệ tăng lao động cũng sẽ giảm dần. Do đó, đóng góp của biến đổi cơ cấu dân số theo tuổi cho tăng trưởng kinh tế sẽ giảm, thậm chí là âm. Vì vậy, nâng cao chất lượng dân số, nâng cao năng suất lao động là giải pháp duy nhất cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Ở tầm vi mô, do mức sinh giảm, ít con nên quy mô hộ gia đình Việt Nam ngày càng nhỏ. Kết quả các cuộc Điều tra mức sống dân cư nhiều năm nay đều cho thấy: Quy mô gia đình càng nhỏ, thu nhập và chi tiêu bình quân một người/một tháng càng lớn. Mặt khác, đóng góp của riêng việc giảm quy mô gia đình cho tăng thu nhập bình quân đầu người cũng rất đáng kể. Cụ thể là, giai đoạn (2006-2020), tính chung cả nước, quy mô gia đình giảm từ 4,2 người/hộ xuống 3,6 người/hộ đã làm tăng thu nhập bình quân đầu người lên 17%. Riêng nhóm nghèo nhất, quy mô gia đình giảm từ 4,6 người/hộ xuống 4,0 người/hộ đã làm tăng thu nhập bình quân đầu người lên 15%. Điều này có nghĩa là, giảm sinh, quy mô gia đình nhỏ đã góp phần nâng cao đời sống dân cư nói chung và xóa đói, giảm nghèo nói riêng.
Tác động lớn của biến đổi dân số đến lĩnh vực xã hội, rõ ràng nhất là đối với giáo dục. Thông thường, quy mô dân số càng tăng, tỷ lệ nhập học càng cao thì số học sinh càng nhiều. Sự phát triển dân số và quy mô giáo dục ở Việt Nam trong thế kỷ XX cũng diễn ra như vậy. Tuy nhiên, bước sang thế kỷ XXI đã xảy ra “nghịch lý”: Quy mô dân số tăng, tỷ lệ nhập học cao nhưng số học sinh phổ thông lại giảm. Trong 20 năm, từ năm 2001 đến 2021, dân số nước ta tăng gần 20 triệu người nhưng số học sinh phổ thông lại giảm từ 17,9 triệu xuống 17,6 triệu! “Nghịch lý” này bắt nguồn từ mức sinh giảm nên cả tỷ lệ và số lượng dân số trong độ tuổi học sinh phổ thông đều giảm. Sức ép của dân số lên hệ thống giáo dục giảm đáng kể, làm giảm nhiều chỉ tiêu, như: Bình quân số học sinh/một trường; số học sinh/một lớp; số học sinh/một giáo viên,… tạo điều kiện nâng cao chất lượng giáo dục. Nhưng điều quan trọng nhất là, do ít con và kinh tế khá hơn nên các gia đình có thể cho cả con trai và con gái cùng đi học. Kết quả, ngày nay tỷ lệ nữ sinh cao ngang bằng, thậm chí vượt nam giới. Năm 2021, nữ sinh chiếm 49% trong Hệ thống giáo dục phổ thông, riêng Trung học phổ thông là 53,3%! Đối với giáo dục Đại học, nữ sinh viên chiếm tới 54,6%. Nâng cao học vấn, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ là điều kiện then chốt nâng cao năng lực, thúc đẩy sự tiến bộ của phụ nữ và bình đẳng giới.
Những thành tựu của công tác dân số cũng đóng góp rất to lớn vào việc bảo vệ tài nguyên, môi trường ở nước ta. So sánh đơn giản sau đây cho thấy rõ điều này. Giai đoạn (1961-2020), nhờ đẩy mạnh chính sách giảm sinh, Việt Nam đã khống chế được đà tăng dân số; dân số nước ta chỉ tăng 2,9 lần, năm 2020 đạt khoảng 97,3 triệu. Cũng trong khoảng thời gian nói trên, nhiều nước trên thế giới và trong khu vực, dân số tăng từ 4,0 đến 6,6 lần. Nếu phát triển như vậy thì năm 2020 Việt Nam có 135 triệu người, thậm chí có thể lên tới hơn 220 triệu! Trong điều kiện mật độ dân số của nước ta đã rất cao, gấp hơn 5 lần mật độ dân số thế giới, tránh được “bùng nổ dân số” là một kỳ tích được thế giới ghi nhận, đã giúp Việt Nam hạn chế khai thác cạn kiệt tài nguyên, giảm chất thải trong sản xuất và tiêu dùng gây ô nhiễm môi trường.
Chính vì tầm quan trọng, mức độ rộng lớn và độ phức tạp của công tác dân số nên Đảng và Nhà nước luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho công tác này. Năm 1993, bên cạnh Nghị quyết số 04-NQ/HNTW về những vấn đề cấp bách của sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, Trung ương Đảng có Nghị quyết số 04-NQ/HNTW về chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình; năm 2005, cùng với Nghị quyết số 46-NQ/TW về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, Bộ Chính trị có Nghị quyết số 47-NQ/TW về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình. Năm 2017, Hội nghị lần thứ sáu, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII ban hành Nghị quyết số 20-NQ/TW về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới. Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII về công tác dân số trong tình hình mới, tiếp tục khẳng định: “Dân số là yếu tố quan trọng hàng đầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Công tác dân số là nhiệm vụ chiến lược, vừa cấp thiết vừa lâu dài; là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân”.
Năm 2003, Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh Dân số. Từ năm 1993 đến nay, Chính phủ đã có 4 Chiến lược Dân số thích ứng với từng thời kỳ. Như vậy, công tác dân số luôn là bộ phận quan trọng và xuyên suốt trong đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ta.
CHÍNH SÁCH DÂN SỐ MỚI: CHUYỂN TRỌNG TÂM VÀ NHỮNG MỤC TIÊU LỚN
Cho đến nửa sau của thế kỷ XX, mức sinh ở nước ta vẫn cao nên sự tập trung của chính sách dân số vào giảm sinh là hoàn toàn phù hợp nhưng sang thế kỷ XXI, Việt Nam đã đạt được “mức sinh thay thế” một cách vững chắc và xuất hiện nhiều vấn đề dân số mới. Vì vậy, Nghị quyết số 21-NQ/TW đề ra chủ trương chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển, nghĩa là đổi mới căn bản chính sách dân số đã duy trì hơn nửa thế kỷ qua; với mục tiêu mới, rộng lớn: “Giải quyết toàn diện, đồng bộ các vấn đề về quy mô, cơ cấu, phân bổ, chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ tác động qua lại với phát triển kinh tế-xã hội. Duy trì vững chắc mức sinh thay thế; đưa tỉ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng, thích ứng với già hóa dân số; phân bố dân số hợp lý; nâng cao chất lượng dân số, góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững”.
Nếu trước đây Nghị quyết 04-NQ/TW chỉ đề ra một mục tiêu là giảm sinh và cũng chỉ nêu một chỉ tiêu “mỗi gia đình (một cặp vợ chồng) có 2 con” thì
Nghị quyết số 21-NQ/TW đề ra 6 nhóm mục tiêu và cụ thể hóa bằng 25 chỉ tiêu bao trùm tất cả các vấn đề về quy mô, cơ cấu, phân bổ, chất lượng dân số Việt Nam. Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW bao gồm tới 42 Đề án, kế hoạch do hầu hết các bộ ngành chủ trì, phối hợp. Nhưng công tác dân số hiện nay rộng lớn không chỉ bởi nhiều mục tiêu, nhiều đề án, nhiều bộ, ngành tham gia mà quan trọng là liên quan trực tiếp đến gần 100 triệu người dân Việt Nam với nhiều vấn đề, từ phòng tránh bệnh, tật cho trẻ sơ sinh đến chăm sóc sức khỏe và tạo môi trường thân thiện với người cao tuổi… Trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương (khóa XII), khi đề cập công tác dân số, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Đây là vấn đề rất lớn và khó, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, liên quan đến việc bảo vệ, phát triển giống nòi, quốc gia, dân tộc”.
Nghị quyết số 21-NQ/TW yêu cầu đặc biệt chú trọng chất lượng dân số. Vì vậy, ngoài “duy trì mức sinh thay thế” (mỗi cặp vợ chồng có 2 con), Nghị quyết còn đề ra mục tiêu “nâng cao chất lượng dân số” thông qua các chỉ tiêu cụ thể về tỉ lệ nam, nữ thanh niên được tư vấn, khám sức khoẻ trước khi kết hôn; giảm số cặp tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh được tầm soát các bệnh tật bẩm sinh phổ biến nhất… Để đạt được những chỉ tiêu này, hôn nhân và sinh sản của người Việt phải có sự thay đổi mang tính cách mạng: Từ tự nhiên, bản năng sang kế hoạch, khoa học, văn minh; từ bị động sang chủ động; từ số lượng sang chất lượng; từ ít trách nhiệm sang trách nhiệm cao…
Thay đổi những quan niệm, định kiến, thói quen đã “đóng đinh” trong tập quán ngàn đời không phải là chuyện dễ dàng. Nói như nhà khoa học thiên tài Albert Einstein thì: “Phá vỡ một định kiến còn khó hơn phá vỡ một nguyên tử”. Từ kinh nghiệm của công tác Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) cũng cho chúng ta thấy rõ khó khăn, phức tạp này. Rõ ràng, kế hoạch hóa gia đình, thực hiện “gia đình 2 con” không khó khăn về kỹ thuật, không chi phí tốn kém, thậm chí được miễn phí, nhà nước khuyến khích, lại nâng cao chất lượng cuộc sống của bố mẹ và các con nhưng mô hình này chưa phải đã là phổ biến ở nhiều vùng, nhiều tỉnh. Năm 2019 vẫn còn tới 36 tỉnh, 4 vùng chưa đạt “mức sinh thay thế”, trong đó có vùng Đồng bằng sông Hồng.
NHỮNG BÀI HỌC KINH NGHIỆM THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH DÂN SỐ
Công tác dân số của nước ta đã trải qua 60 năm thăng trầm và phát triển. Từ lịch sử khá lâu dài đó, chúng ta đã đúc rút được nhiều bài học kinh nghiệm quý giá, cả những bài học thành công và bài học chưa thành công. Để đạt được những mục tiêu rộng lớn về dân số do Nghị quyết 21-NQ/TW đề ra, góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững, bao trùm của đất nước, cần nghiên cứu kỹ và vận dụng sáng tạo những bài học kinh nghiệm này phù hợp với hoàn cảnh kinh tế, xã hội, công nghệ... Đặc biệt là những bài học kinh nghiệm sau:
Một là, đẩy mạnh truyền thông thay đổi hành vi
Nghị quyết 21-NQ/TW là chính sách dân số mới, một trong nội dung quan trọng của chính sách này là thay đổi nhiều hành vi, tập quán trong lĩnh vực hôn nhân, sinh sản nhằm nâng cao chất lượng dân số. Vì vậy, truyền thông phải đi trước một bước. Trong thời kỳ kế hoạch hóa gia đình là trọng tâm, truyền thông được coi là giải pháp cơ bản. Chính phủ ban hành nhiều chiến lược truyền thông, thậm chí chiến lược Truyền thông DS-KHHGĐ có trước cả Chiến lược Dân số đầu tiên. Đa dạng hóa kênh truyền thông và truyền thông lồng ghép với cung cấp dịch vụ là một sáng tạo trong công tác DS-KHHGĐ ở nước ta. Phát huy bài học kinh nghiệm này, Nghị quyết 21-NQ/TW yêu cầu: “Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nội dung truyền thông, giáo dục phải chuyển mạnh sang chính sách dân số và phát triển”.
Hai là, tăng cường tổ chức bộ máy làm công tác dân số.
Suốt 30 năm (1961-1991) tổ chức bộ máy làm công tác DS-KHHGĐ là kiêm nhiệm, đặt trong một bộ hoặc Ủy ban chuyên ngành. Đây là nguyên nhân hạn chế thành tựu của công tác dân số trong giai đoạn này. Mức sinh giảm chậm, thậm chí mục tiêu về dân số suốt 3 nhiệm kỳ Đại hội (IV, V, VI) không thực hiện được. Nghị quyết 04-NQ/HNTW yêu cầu “phải có bộ máy chuyên trách đủ mạnh”. Thực hiện yêu cầu này, hệ thống Ủy ban DS-KHHGĐ các cấp đã được tăng cường. Ở Trung ương Ủy ban quốc gia DS-KHHGĐ là cơ quan trực thuộc Chính phủ, do Bộ trưởng làm Chủ nhiệm. Ủy ban có bộ phận thường trực, chuyên trách và bộ phận kiêm nhiệm bao gồm đại diện của hầu hết các bộ ngành và đoàn thể chính trị-xã hội. Ủy ban DS-KHHGĐ địa phương là cơ quan trực thuộc Ủy ban nhân dân các cấp và cũng có bộ phận thường trực và bộ phận kiêm nhiệm tương tự Ủy ban quốc gia DS-KHHGĐ. Cùng với các giải pháp pháp khác, “bộ máy chuyên trách đủ mạnh” góp phần tạo nên thành công vượt trội của công tác dân số - thực hiện mục tiêu của Nghị quyết 04-NQ/HNTW sớm 10 năm. Năm 1999, Liên Hợp Quốc tặng Giải thưởng Dân số cho Việt Nam. Bài học đắt giá được rút ra là tổ chức bộ máy làm công tác dân số gắn liền với thành công hoặc không thành công của công tác này. Vì vậy, Nghị quyết 21-NQ/TW yêu cầu “Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy làm công tác dân số theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, hiệu quả”. Thực hiện chủ trương này, ngày 30/3/2021, Thủ tướng Chính phủ, tại Quyết định số 496/QĐ-TTg, đã phê duyệt Đề án Nghiên cứu, xây dựng mô hình tổ chức bộ máy, mạng lưới và cơ chế phối hợp liên ngành về dân số và phát triển. Một trong những mục tiêu cụ thể của Đề án này là: Giai đoạn 2021 - 2025: Giữ ổn định mô hình tổ chức bộ máy làm công tác dân số và phát triển các cấp; đồng thời tiếp tục củng cố, kiện toàn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính. Giai đoạn 2026 - 2030: Tiếp tục giữ ổn định mô hình tổ chức bộ máy làm công tác dân số và phát triển các cấp.
Ba là, về đầu tư cho công tác dân số.
Công tác dân số phải vận động, khuyến khích và cung cấp dịch vụ cho hàng chục triệu người thực hiện những hành vi mới. Vì vậy, sự hỗ trợ ban đầu của Nhà nước rất quan trọng. Nghị quyết 04-NQ/HNTW nêu quan điểm: “Đầu tư cho công tác dân số và kế hoạch hoá gia đình là đầu tư mang lại hiệu quả kinh tế trực tiếp rất cao. Nhà nước cần tăng mức chi ngân sách cho công tác dân số và kế hoạch hoá gia đình, đồng thời động viên sự đóng góp của cộng đồng và tranh thủ sự viện trợ của quốc tế”. Quán triệt quan điểm này, năm 1995, kinh phí đầu tư cho công tác dân số đã tăng từ 15 tỷ của những năm trước đó lên 287,7 tỷ và năm 2005 là 561 tỷ. Ngoài ngân sách nhà nước, còn có sự hỗ trợ của các quốc gia và các tổ chức quốc tế. Nhờ có nguồn lực, nhiều hoạt động được tiến hành, người dân được cung cấp đầy đủ phương tiện và dịch vụ tránh thai nên mức sinh giảm nhanh và năm 2006 đã đạt mức sinh thay thế.
Hiện nay, nguồn kinh phí cho công tác dân số lại gặp thách thức lớn. Mục tiêu của chính sách dân số nhiều hơn nhưng kinh phí dành cho công tác dân số do ngân sách địa phương chịu trách nhiệm, không có kinh phí hỗ trợ từ Trung ương nên giảm nhiều. Thậm chí, năm 2021, có tỉnh không được giao kinh phí từ bất kỳ nguồn ngân sách nào. Đáng chú ý là, trong số này có những tỉnh thuộc địa bàn miền núi phía Bắc và Tây Nguyên, vốn công tác dân số có nhiều khó khăn. Đây là thách thức nghiêm trọng cho việc thực hiện các giải pháp nhằm đạt mục tiêu của chính sách dân số mới. Vì vậy, cần quán triệt sâu sắc và thực hiện đầy đủ quan điểm của Nghị quyết 21-NQ/TW “Đầu tư cho công tác dân số là đầu tư cho phát triển. Nhà nước ưu tiên bố trí ngân sách, đồng thời đẩy mạnh xã hội hoá; tranh thủ sự hỗ trợ của quốc tế để bảo đảm nguồn lực cho công tác dân số”.
Đảng và Nhà nước ta đã nhiều lần khẳng định vị trí quan trọng của công tác dân số trong quá trình phát triển bền vững, bao trùm của đất nước. Đây cũng là lĩnh vực rộng lớn, phức tạp và nhiều khó khăn. Vì vậy, để thực hiện thành công Nghị quyết 21-NQ/TW mà trọng tâm là dân số và phát triển, cần quyết liệt triển khai các giải pháp mà Nghị quyết đề ra và nghiên cứu sâu sắc, vận dụng sáng tạo, rút kinh nghiệm từ những bài học thành công và chưa thành công của công tác dân số suốt 60 năm qua.