Tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 2 của Quốc hội, sau khi Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo về kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2021; dự kiến Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2022, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã tiến hành thẩm tra Báo cáo này.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra các Báo cáo của Chính phủ. Ảnh: quochoi.vn
Trình bày Báo cáo Thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh khẳng định, Ủy ban Kinh tế cơ bản nhất trí với nhiều nội dung theo Báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) năm 2021.
Báo cáo của Chính phủ được thực hiện công phu, chi tiết; các nhận định, đánh giá bám sát Nghị quyết số 124/2020/QH14 về kế hoạch phát triển KT-XH năm 2021, các nghị quyết khác của Quốc hội có liên quan và sát với tình hình thực tế hiện nay. Báo cáo đã tiếp thu tối đa các ý kiến của các cơ quan của Quốc hội; thể hiện sự chủ động, công tác phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan của Chính phủ và Quốc hội.
Báo cáo thẩm tra nhấn mạnh trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức, với chủ trương nhất quán không đánh đổi môi trường, sức khỏe và tính mạng của người dân lấy tốc độ tăng trưởng kinh tế, nhiều chính sách, giải pháp được ban hành cả trong ngắn hạn và dài hạn nhằm ứng phó với dịch bệnh, bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ người dân, người lao động, người sử dụng lao động và các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Công tác phòng, chống dịch COVID-19 được thực hiện quyết liệt, toàn diện, kịp thời; chủ động đẩy mạnh ngoại giao vaccine, thuốc điều trị; các bệnh viện dã chiến, các trung tâm hồi sức tích cực đã nhanh chóng được thành lập, đáp ứng yêu cầu cấp bách phòng, chống dịch COVID-19.
Dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cơ quan chức năng liên quan đã thực hiện cơ cấu lại, gia hạn nợ, miễn, giảm lãi suất tín dụng; miễn, giảm, gia hạn thời hạn nộp thuế; giảm giá điện, tiền điện, cước viễn thông, giá nước sạch...; hỗ trợ trực tiếp tiền, gạo, thực phẩm cho người dân, người lao động.
Các cơ quan, cả Trung ương và địa phương, đặc biệt là các lực lượng tuyến đầu như y tế, quân đội, công an... đã nỗ lực ở mức cao nhất góp phần thực hiện tốt, hiệu quả công tác phòng, chống dịch. Nhiều giải pháp, cách làm sáng tạo đã được triển khai, phát huy hiệu quả tại một số địa phương; sáng kiến "vùng xanh" với phương châm lấy xã, phường, thị trấn là “pháo đài”, người dân là “chiến sĩ”, theo phương thức tự quản đã phát huy sức mạnh từ cộng đồng, góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân đối với xã hội...
Niềm tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước tiếp tục được nâng cao và cũng cố; lòng yêu nước được biểu hiện bằng những hành động thiết thực, hiệu quả, nhiều nguồn lực trong xã hội được huy động cho công tác phòng chống dịch, thể hiện tinh thần đoàn kết, đồng lòng, chia sẻ, hỗ trợ, chi viện của toàn quốc cho các địa phương thuộc tâm dịch.
Chủ trương trong thời gian qua là đúng đắn, các biện pháp được triển khai toàn diện và kịp thời, đạt được những kết quả quan trọng. Đến nay, dịch bệnh cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc.
Chính phủ đã ban hành kịch bản ứng phó đối với từng mức độ diễn biến của dịch bệnh và bắt đầu chuyển sang giai đoạn thích ứng linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh với mục tiêu bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của người dân; phục hồi và phát triển KT-XH, đưa đất nước chuyển sang trạng thái bình thường mới sớm nhất có thể.
Những điểm sáng, nổi bật trong điều hành kinh tế vĩ mô năm 2021 là: Dự kiến 8/12 chỉ tiêu đạt mục tiêu kế hoạch đề ra; kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, tháng 9/2021 giảm 0,26% so với tháng trước (tăng 0,74% so với cùng kỳ năm trước), bình quân 9 tháng tăng 0,88%; CPI bình quân 9 tháng tăng 1,82%, cả năm ước tăng dưới 4%, đạt mục tiêu đề ra; cơ bản bảo đảm nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch bệnh và thực hiện các nhiệm vụ cấp bách khác;...
Về dự kiến Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2022, Ủy ban Kinh tế đồng tình với mục tiêu tổng quát theo Báo cáo của Chính phủ, theo đó phải “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19, bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của nhân dân”, cùng với “tận dụng tốt các cơ hội để thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với các giải pháp tổng thể”. Tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao tính tự chủ, khả năng chống chịu, thích ứng của nền kinh tế; ưu tiên rà soát, hoàn thiện về thể chế và nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật.
Nhấn mạnh dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, số ca nhiễm vẫn cao, nguy cơ tiếp tục xuất hiện những biến chủng virus mới có khả năng lây lan cao hơn, bùng phát mạnh, vì vậy, Ủy ban Kinh tế cho rằng bên cạnh đặt chỉ tiêu cao để phấn đấu Chính phủ cần cân nhắc tính khả thi khi thực hiện (GDP tăng 6-6,5%), bảo đảm gắn chặt với việc xây dựng và thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế đã được Quốc hội yêu cầu xây dựng tại Nghị quyết số 16/2021/QH15 về kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2021-2025. Đồng thời đề nghị Chính phủ nghiên cứu xây dựng các kịch bản tăng trưởng GDP trong năm 2022, căn cứ diễn biến của dịch COVID-19 để đưa ra các mục tiêu, chỉ tiêu cùng các giải pháp phù hợp.
Về một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu và phòng, chống dịch năm 2022, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ tiếp tục bám sát tình hình thực tiễn, nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo, chủ động xây dựng các kịch bản, chuẩn bị cho mọi tình huống có thể xảy ra, không để lỡ nhịp hồi phục sau đại dịch; đề nghị tránh dàn trải, tập trung vào một số vấn đề chính để thực hiện trong năm 2022, nhấn mạnh các trọng tâm, trọng điểm, cụ thể như: Tập trung thực hiện linh hoạt, hiệu quả mục tiêu vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa phục hồi, phát triển KT-XH. Quán triệt và nghiêm túc thực hiện mục tiêu xuyên suốt là bảo vệ sức khỏe của nhân dân, cả về thể chất và tinh thần, đồng thời duy trì hoạt động KT-XH bình thường ở mức độ tối đa có thể trong điều kiện có dịch bệnh...
Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ xây dựng lộ trình phù hợp cho việc mở cửa trở lại nền kinh tế, xây dựng điều kiện và quy định cụ thể về việc mở cửa cho từng địa bàn, lĩnh vực với đối tượng cá nhân và tổ chức kinh tế, tùy thuộc vào độ bao phủ vaccine, khả năng ứng phó, kiểm soát dịch bệnh, theo tinh thần phải đáp ứng yêu cầu an toàn lên hàng đầu, tuyệt đối không chủ quan, nóng vội.
Kiên trì mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô; duy trì ổn định thị trường tài chính, tiền tệ, phối hợp chặt chẽ, cân bằng giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa. Hoàn thiện thể chế về NSNN, tăng cường vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương, tăng tính chủ động của ngân sách địa phương. Tiếp tục thực hiện tiết kiệm, hiệu quả, giữ nghiêm kỷ luật tài chính; quản lý thu, chống thất thu, chuyển giá, trốn thu, thu hồi nợ thuế; tiết kiệm chi thường xuyên, nhất là chi mua sắm, hội nghị, công tác trong và ngoài nước, cắt giảm tối đa kinh phí cho những nhiệm vụ không thực sự cấp bách để tập trung nguồn lực cho phòng, chống dịch.
Nguồn: https://baochinhphu.vn/