Báo chí không chỉ đóng vai trò định hướng thông tin, mà còn là phương tiện để lan tỏa các mô hình kinh doanh tốt, ít phát thải khí nhà kính lan rộng ra cả nước, góp phần thúc đẩy phát triển bền vững.
Phóng viên báo chí phỏng vấn người dân trồng càphê theo mô hình ít phát thải khí nhà kính tại xã Ea Ktuh, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)
Với vai trò là kênh thông tin, mạng lưới kết nối, tiếng nói phê bình hiệu quả, khối truyền thông - báo chí là một “cầu nối đắc lực” nhằm thúc đẩy công tác thực hiện nông nghiệp xanh, góp phần hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững, hướng tới phát thải ròng bằng ‘0’ vào năm 2050.
Đó là nhận định của giới chuyên gia, doanh nghiệp tại chương trình tập huấn cho các cơ quan thông tấn báo chí về phát thải bền vững năm 2022, với chủ đề “COP 26 - Xây dựng một nền nông nghiệp bền vững tại Việt Nam,” do Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững thuộc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VBCSD-VCCI) tổ chức sáng 22/7.
Mỗi năm, nông nghiệp phát thải 80 triệu tấn CO2
Chia sẻ tại chương trình, bà Nguyễn Quỳnh Nga, Phó Giám đốc Văn phòng Doanh nghiêp vì sự phát triển bền vững thuộc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, nhấn mạnh Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu.
Thực tế cho thấy
biến đổi khí hậu đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển kinh tế-xã hội trên nhiều lĩnh vực; trong đó nông nghiệp là lĩnh vực dễ bị tổn thương nhất.
Trong 30 năm qua, bình quân thiệt hại kinh tế do biến đổi khí hậu khoảng 1,5% GDP/năm và ước tính thiệt hại có thể từ 3-5% GDP/năm trong thời gian tới. Đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất là người dân ở khu vực miền núi và ven biển, nhất là nhóm người nghèo, phụ nữ và trẻ em.
Tuy nhiên cũng không thể bỏ qua thực tế mỗi năm, sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam thải ra môi trường khoảng 80 triệu tấn khí thải CO2 quy đổi, chiếm trên 30% tổng lượng khí nhà kính toàn quốc; trong đó gần 70% phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp đến từ các hoạt động trồng trọt.
Trước thực tế trên, đại diện VBCSD-VCCI khẳng định những cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26 về đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050; giảm 30% phát thải methane toàn cầu vào năm 2030 so với năm 2020; cùng với việc tham gia Tuyên bố Glasgow của các nhà lãnh đạo về rừng và sử dụng đất,… là xu thế tất yếu nhằm đảm bảo Việt Nam sẽ trở thành nhà cung ứng lương thực thực phẩm minh bạch-trách nhiệm-bền vững cho toàn cầu.
Những cam kết tại COP26 cũng là những minh chứng cho thấy sự nhạy bén, tầm nhìn mang tầm thời đại của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, bởi các cam kết của Việt Nam hoàn toàn phù hợp với xu thế chung của nhân loại để lựa chọn mô hình phát triển không gây tổn hại cho các thế hệ hiện tại và tương lai.
Khẳng định việc thực hiện các cam kết trên là cấp thiết, ông Phạm Nam Hưng, đại diện Phòng Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone, Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết ngay sau Hội nghị COP26, Thủ tướng đã thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam do Thủ tướng làm Trưởng ban chỉ đạo.
Ngoài ra, tháng 1/2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững, giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050.”
Trên cơ sở đó, trong thời gian qua, các bộ và cơ quan liên quan đã tập trung xây dựng các chiến lược, chương trình, kế hoạch hành động để triển khai thực hiện cam kết. Một số doanh nghiệp cũng đã bước đầu nghiên cứu, chuyển đổi mô hình sản xuất theo hướng phát triển xanh, sẵn sàng vào cuộc thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng “0.”
Phóng viên báo chí chụp ảnh lưu niệm tại chương trình. (Ảnh: HV/Vietnam+)
Tuy nhiên, ông Hưng cũng lưu ý rằng việc thực hiện mục tiêu cam kết của Việt Nam tại COP26 đòi hỏi phải quyết tâm, nỗ lực cao; huy động mọi nguồn lực, toàn xã hội, toàn dân vào cuộc; trong đó kết nối và vận động thu hút các dòng tài chính xanh, chuyển giao công nghệ, tri thức, kinh nghiệm của các nước, các tổ chức quốc tế là rất quan trọng,...
Báo chí - “Cầu nối” thúc đẩy phát triển xanh
Nằm trong nỗ lực thực hiện tiến trình đó, trong thời gian tới, Việt Nam đã định hướng phát triển nông nghiệp bền vững trong thời gian tới như: Chuyển đổi đối với hệ thống lương thực thực phẩm theo hướng “xanh,” ít phát thải và bền vững; đầu tư phát triển hạ tầng nông nghiệp, thúc đẩy sự tham gia của khối tư nhân trong đầu tư, ứng dụng tiến bộ trong sản xuất nông nghiệp; nhân rộng mô hình hợp tác công tư, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong các chuỗi giá trị nông nghiệp.
Để góp phần lan tỏa việc thực hiện các cam kết, kế hoạch trên, ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch VCCI cho rằng vai trò của phóng viên và các cơ quan truyền thông, báo chí là rất quan trọng. Báo chí không chỉ đóng vai trò định hướng, mà còn là phương tiện để lan tỏa các mô hình kinh doanh tốt lan rộng ra cả nước, góp phần thúc đẩy các doanh nghiệp phát triển bền vững.
“Một khi doanh nghiệp phát triển theo hướng kinh tế tuần hoàn bền vững thì đất nước chúng ta cũng sẽ
phát triển bền vững hơn. Đó cũng là cơ hội để chúng ta sớm đạt được cam kết phát thải ròng bằng ‘0’ vào năm 2050,” ông Vinh nhấn mạnh.
Vì thế, VBCSD-VCCI kỳ vọng có thể cung cấp đến các cơ quan truyền thông, quý nhà báo, phóng viên những thông tin hữu ích trong công tác hỗ trợ tuyên truyền thông tin về nông nghiệp xanh và phát triển bền vững; về các thông lệ tốt, các sáng kiến, mô hình kinh doanh hiện đại, bền vững tiêu biểu trong nước và trên thế giới, để nhân rộng ra toàn xã hội./.
Chương trình tập huấn cho các cơ quan thông tấn báo chí về phát thải bền vững là sáng kiến của VBCSD-VCCI, được triển khai thường niên từ năm 2018, với mong muốn cung cấp cho các cơ quan thông tấn, báo chí các thông tin cập nhật về các chính sách, định hướng phát triển bền vững của Đảng, Chính phủ, cũng như thực tiễn và các thông lệ tốt trong kinh doanh bền vững của cộng đồng doanh nghiệp tại Việt Nam. |
Nguồn: https://www.vietnamplus.vn