Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ.
Có tiêu cực trong tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ nước ngoài
Chiều 10/11, trao đổi về hoạt động tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ tại Việt Nam thời gian qua, Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ cho rằng hoạt động liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ nói chung, chứng chỉ năng lực ngoại ngữ nói riêng của nước ngoài có xu hướng phát triển cả về quy mô, hình thức, ngôn ngữ. Hoạt động này đáp ứng nhu cầu của người dự thi lấy chứng chỉ, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, tổ chức tuyển dụng xác định được năng lực ngoại ngữ của người lao động.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, việc liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ ở Việt Nam cũng còn nhiều vấn đề bất cập, trong đó là việc triển khai tràn lan với rất nhiều loại chứng chỉ, nhiều ngôn ngữ khác nhau mà không được kiểm soát về chất lượng.
“Việc liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ ở Việt Nam chủ yếu tuân thủ theo quy định của đối tác nước ngoài, chưa tuân thủ đầy đủ các quy định về điều kiện, tiêu chí liên kết tổ chức thi của Việt Nam (về cơ sở vật chất, thiết bị, đội ngũ cán bộ coi thi, giám sát...) dẫn đến một số tiêu cực như: thi hộ, gian lận hồ sơ, giả mạo giấy tờ....” - Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đánh giá.
Bên cạnh những mặt tích cực, việc liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ ở Việt Nam còn nhiều vấn đề bất cập, trong đó là việc triển khai tràn lan với rất nhiều loại chứng chỉ, nhiều ngôn ngữ khác nhau mà không được kiểm soát về chất lượng.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ
Những tiêu cực này gây dư luận xấu, ảnh hưởng đến quyền lợi của người được cấp chứng chỉ, của các tổ chức triển khai thi, cấp chứng chỉ nghiêm túc; người dân lúng túng trong việc lựa chọn chứng chỉ, đơn vị tổ chức thi để được cấp chứng chỉ; gây thất thu thuế nhà nước và giảm sức hút, sự minh bạch của môi trường đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực giáo dục tại Việt Nam.
Hồ sơ để phê duyệt chưa đạt yêu cầu
Việc liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài tại Việt Nam được quy định tại Nghị định số 86/2018/NĐ-CP ngày 6/6/2018 của Chính phủ quy định về hợp tác đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, một số quy định tại Nghị định số 86/2018/NĐ-CP chưa cụ thể.
Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 11/2022/TT-BGDĐT ngày 26/7/2022 (Thông tư 11) quy định về liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài. Thông tư 11 cụ thể hóa các yếu tố bảo đảm chất lượng theo quy định của Nghị định số 86/2018/NĐ-CP. Trong quá trình soạn thảo, hoàn thiện văn bản, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức lấy ý kiến trực tiếp và gián tiếp đối với các cơ quan, đơn vị, các tổ chức trong nước, quốc tế từ tháng 11/2021 và được ban hành vào cuối tháng 7/2022.
Tiếp đó, nhằm tăng cường vai trò quản lý nhà nước của các địa phương để bảo đảm hoạt động liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ nước ngoài được triển khai đúng các quy định của pháp luật, bảo vệ quyền, lợi ích của người được cấp chứng chỉ và các bên liên kết, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Công văn số 5781/BGDĐT-QLCL ngày 8/11/2022 đôn đốc, chỉ đạo các sở giáo dục và đào tạo tham mưu với UBND cấp tỉnh thực hiện đúng trách nhiệm, chức năng quản lý nhà nước theo quy định.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo hiện đang tiếp nhận hồ sơ đề nghị phê duyệt đề án liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ tại Việt Nam.
Các tổ chức, đơn vị thông báo dừng tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài là do chưa làm hồ sơ hoặc chưa hoàn thiện hồ sơ đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt theo quy định. Điều đó thể hiện sự tôn trọng và chấp hành pháp luật Việt Nam của các tổ chức, đơn vị.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ
Thứ trưởng cũng lý giải thêm, mặc dù Bộ Giáo dục và Đào tạo đã hướng dẫn các bên liên kết thông qua nhiều kênh, nhiều hình thức (trực tiếp, gián tiếp, qua điện thoại, e-mail) và khẩn trương trong việc nghiên cứu các đề án và tổ chức thẩm định, nhưng việc lập hồ sơ đề nghị phê duyệt liên kết của nhiều cơ sở tổ chức thi đến thời điểm này chưa đạt yêu cầu, đặc biệt chưa làm rõ các yêu cầu bảo đảm chất lượng, tiêu chí liên kết hoặc tư cách pháp nhân của các bên liên kết, thông tin thể hiện tại các đề án cũng không đủ hoặc không rõ ràng, do đó Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa đủ căn cứ để phê duyệt và công bố công khai để xã hội thực hiện giám sát.
Việc một số tổ chức, đơn vị thông báo dừng tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài là do các bên liên kết chưa làm hồ sơ hoặc chưa hoàn thiện hồ sơ đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt theo quy định của Nghị định số 86/2018/NĐ-CP và Thông tư số 11/2022/TT-BGDĐT. Điều đó thể hiện sự tôn trọng và chấp hành pháp luật Việt Nam của các tổ chức, đơn vị.
“Các bên có nhu cầu liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ của nước ngoài cần chuẩn bị hồ sơ đầy đủ theo quy định. Nếu hồ sơ bảo đảm các yêu cầu, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ xử lý nhanh nhất để bảo đảm đúng quy định hiện hành (thời gian thẩm định và phê duyệt theo quy định tại là 20 ngày). Sau khi phê duyệt, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ đăng tải công khai trên Cổng thông tin điện tử để người dân biết, lựa chọn đúng cơ sở dự thi lấy chứng chỉ và để xã hội cùng tham gia giám sát” - Thứ trưởng khẳng định.
Để được tổ chức liên kết thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài, các bên liên kết cần làm hồ sơ đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt theo quy định. Hồ sơ gồm:
- Đơn đề nghị phê duyệt liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài theo Mẫu số 08 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định.
- Thỏa thuận hoặc hợp đồng giữa cơ sở tổ chức thi tại Việt Nam và cơ sở đánh giá năng lực ngoại ngữ nước ngoài.
- Văn bản xác nhận tư cách pháp lý của các bên liên kết.
- Đề án tổ chức thi để cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài theo Mẫu số 09 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định.