MỪNG ĐẤT NƯỚC ĐỔI MỚI – MỪNG ĐẢNG QUANG VINH – MỪNG XUÂN ẤT TỴ 2025
Khoa giáo, Văn hoá - Văn Nghệ
Đăng ngày: 13/02/2025 - Lượt xem: 13
Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe bà mẹ-trẻ em

Với sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ công tác trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe bà mẹ-trẻ em, sức khỏe sinh sản từ Trung ương đến các địa phương, công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ-trẻ em và sức khỏe sinh sản ở nước ta đã đạt được những kết quả đáng khích lệ.

Cán bộ y tế chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ-trẻ em tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Huế.

Tỷ suất tử vong trẻ em Việt Nam giảm trong hơn 20 năm qua (từ năm 2001 đến 2023); tử vong trẻ em dưới 5 tuổi giảm hai lần từ 39,6‰ xuống còn 18,2‰; tỷ lệ tử vong dưới một tuổi giảm gần 2,5 lần từ 29,5‰ xuống còn 11,6‰. Trong khi đó, tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em tiếp tục giảm đều và bền vững; tính đến năm 2023, tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi đã giảm xuống còn 9,7% (thể nhẹ cân) và 18,2% (thể thấp còi).

Theo báo cáo từ các địa phương (số liệu chưa bao gồm khu vực y tế tư nhân) cho thấy, trong 10 năm gần đây số trường hợp phá thai đã giảm khá nhiều, từ hơn 300 nghìn ca (năm 2010) xuống còn dưới 200 nghìn ca từ năm 2020 đến nay.

Tuy nhiên, tỷ số phá thai ở khu vực Ðồng bằng sông Hồng và Ðông Nam Bộ luôn ở mức cao hơn các vùng còn lại của cả nước; số tai biến sản khoa hầu như không giảm trong khoảng thời gian từ năm 2015 đến nay, khoảng từ 5 đến 6 trường hợp/1.000 ca sinh.

Mặt khác, tỷ lệ xét nghiệm sàng lọc sớm cả ba bệnh cho phụ nữ mang thai trong thời gian mang thai vẫn còn thấp; tỷ lệ phụ nữ đẻ được xét nghiệm HIV, viêm gan B trong thời kỳ mang thai có xu hướng giảm trong giai đoạn 2020-2021 đến nay; tỷ lệ phụ nữ đẻ được xét nghiệm giang mai trong thời kỳ mang thai được cải thiện khá chậm từ năm 2016 đến nay và chỉ đạt khoảng từ 30% đến 31%...

Chia sẻ về vấn đề này, Vụ trưởng Sức khỏe Bà mẹ-Trẻ em (Bộ Y tế) Ðinh Anh Tuấn cho biết, công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ-trẻ em, sức khỏe sinh sản ở Việt Nam hiện còn đang đối mặt với không ít khó khăn, thách thức như vẫn còn có sự chênh lệch rất lớn giữa các vùng miền, các nhóm đối tượng về các chỉ số sức khỏe, dinh dưỡng bà mẹ-trẻ em; đầu tư cho cơ sở vật chất, trang thiết bị, phát triển nguồn nhân lực chưa đồng đều giữa các địa phương, khu vực dẫn đến chất lượng dịch vụ, nhất là ở tuyến y tế cơ sở, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi chưa được cải thiện như mong muốn.

Ðáng chú ý, sự phát triển kinh tế, nhất là ở các đô thị đang phát triển, các khu công nghiệp, khu chế xuất dẫn đến tập trung một số lượng lớn công nhân trẻ (nhất là lao động nữ), làm nảy sinh nhu cầu ngày càng cao về chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục cho người lao động như tư vấn sức khỏe sinh sản, tình dục, cung cấp các biện pháp tránh thai có hiệu quả cao, khám điều trị phụ khoa và các bệnh lây truyền qua đường tình dục, sàng lọc ung thư đường sinh sản, phòng tránh quấy rối, bạo lực tình dục.

Tuy nhiên, hệ thống chăm sóc sức khỏe sinh sản chưa đáp ứng được nhu cầu này; các dịch vụ đặc thù với lứa tuổi, điều kiện sống, nhu cầu của từng nhóm đối tượng còn tản mạn, thiếu tính đồng bộ, hệ thống; chưa có chương trình cung cấp dịch vụ tránh thai cho nhóm chưa lập gia đình.

Trong khi đó, tình trạng quan hệ tình dục trước hôn nhân, không an toàn ngày càng phổ biến, nhu cầu về biện pháp tránh thai lại chưa được đáp ứng đầy đủ. Nhiễm các bệnh lây truyền qua đường tình dục, mang thai ngoài ý muốn, phá thai và phá thai không an toàn, sinh con ở tuổi vị thành niên tạo hệ lụy xấu về sức khỏe cũng như cơ hội học tập, tìm kiếm việc làm của giới trẻ hiện nay.

Theo Thứ trưởng Y tế Trần Văn Thuấn, hiện nay, công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ-trẻ em, sức khỏe sinh sản ở Việt Nam đã và đang đặt ra các vấn đề mới, các thách thức lớn như: Trong 5 năm qua, tỷ suất tử vong mẹ giảm chậm và có sự chênh lệch lớn giữa các vùng miền; suy dinh dưỡng trẻ em cải thiện, nhưng tỷ lệ thấp còi vẫn cao ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi, trong khi đó tình trạng thừa cân, béo phì lại đang có chiều hướng gia tăng ở khu vực đô thị; tỷ lệ phụ nữ mắc bệnh không lây nhiễm như ung thư vú, ung thư cổ tử cung, tăng huyết áp, đái tháo đường thai kỳ đang gia tăng. Trong khi đó, nguồn nhân lực lĩnh vực sản, nhi thiếu hụt, hạn chế chuyên môn, nhất là ở y tế cơ sở vùng sâu, vùng xa; ngân sách đầu tư chưa đáp ứng nhu cầu…

Từ thực tế nêu trên, đòi hỏi cần có những giải pháp, hành động quyết liệt hơn. Ðó là tiếp tục tiến hành rà soát, cập nhật và xây dựng tài liệu hướng dẫn chuyên môn trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe bà mẹ-trẻ em và sức khỏe sinh sản, bảo đảm tuân thủ quy định mới của pháp luật như là Luật Bảo hiểm y tế, Luật Dược; đẩy nhanh tiến độ các chương trình quốc gia như dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời, giảm tử vong mẹ, trẻ em, suy dinh dưỡng ở vùng khó khăn và dân tộc thiểu số; tăng cường đào tạo cán bộ sản, nhi các cấp; cải thiện chất lượng dịch vụ kỹ thuật y tế; duy trì và hỗ trợ vai trò cô đỡ thôn bản tại vùng khó khăn; nâng cao trách nhiệm của các bệnh viện chỉ đạo tuyến, hỗ trợ kỹ thuật và giám sát các cơ sở y tế địa phương...

Nguồn: https://nhandan.vn/

Tin liên quan