MỪNG ĐẤT NƯỚC ĐỔI MỚI – MỪNG ĐẢNG QUANG VINH – MỪNG XUÂN ẤT TỴ 2025
Thông tin - Tổng hợp
Đăng ngày: 13/02/2025 - Lượt xem: 16
Đề xuất tăng nặng mức phạt vi phạm giao thông

Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội vừa đề xuất và lấy ý kiến nhân dân về việc nâng mức phạt 107 hành vi vi phạm luật giao thông từ 1,5 đến 2 lần so với Nghị định số 168/2024/NÐ-CP. Ngay sau khi thông tin được đưa ra, vấn đề này đã nhận được sự quan tâm của dư luận với những ý kiến, quan điểm khác nhau.

Lực lượng chức năng xử phạt các trường hợp vi phạm luật giao thông.

Theo Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, qua đánh giá thực tiễn và tình hình vi phạm cho thấy ý thức của người dân tham gia giao thông còn nhiều hạn chế, tình trạng vi phạm lặp lại với một số hành vi nhất định như: không đội mũ bảo hiểm, đi ngược chiều, không chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu...

Bên cạnh đó, số vụ tai nạn giao thông vẫn cao, trong khi tỷ lệ gia tăng phương tiện mỗi năm là 2-4%; tình trạng thanh, thiếu niên tụ tập chạy xe gây mất trật tự công cộng có nhiều diễn biến phức tạp.

Nghị định số 168/2024/NÐ-CP vừa qua mặc dù đã góp phần thay đổi tích cực ý thức tham gia giao thông của người dân ở Hà Nội, nhưng so với thực tiễn và tình hình vi phạm thì cần thiết tiếp tục quy định tăng nặng đối với một số hành vi để nâng cao ý thức tự giác chấp hành của người dân, kiềm chế và làm giảm ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông.

Về cơ sở pháp lý, Ủy ban nhân dân thành phố cho rằng, Luật Thủ đô 2024 có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 cho phép Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội quy định mức tiền phạt cao hơn không quá hai lần mức phạt do Chính phủ quy định.

Các hành vi vi phạm hành chính quy định trong dự thảo Nghị quyết của thành phố Hà Nội đáp ứng một số tiêu chí cụ thể như: có tính chất phổ biến, diễn ra hằng ngày ảnh hưởng tiêu cực đến thói quen tham gia giao thông của người dân và mỹ quan đô thị; là nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông; gây ảnh hưởng xấu đến trật tự công cộng, kết cấu hạ tầng giao thông.

Dự thảo Nghị quyết quy định tăng hai lần mức xử phạt đối với một số hành vi vi phạm hiện có mức tiền phạt còn thấp; một số hành vi vi phạm đã có mức tiền phạt cao thì tăng 1,5 lần; những hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ không quy định trong dự thảo Nghị quyết của thành phố Hà Nội thì áp dụng theo các quy định hiện hành.

Các nhóm lỗi được đề xuất tăng mức phạt: các lỗi là nguyên nhân gây tai nạn, ùn tắc giao thông; ảnh hưởng xấu đến trật tự công cộng, kết cấu hạ tầng giao thông.

Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội cho biết, trong quá trình thực hiện ban đầu, có thể có những khúc mắc trong triển khai thực hiện và phản ứng của dư luận xã hội về mức phạt tăng cao sẽ ảnh hưởng đến kinh tế của người dân…

Tuy nhiên, việc xây dựng chính sách sẽ tác động đến ý thức của người tham gia giao thông, buộc họ phải chấp hành các quy định khi tham gia giao thông đường bộ. Như vậy, tác động về xã hội của việc xây dựng chính sách là tích cực. Sau khi lấy ý kiến nhân dân, dự thảo Nghị quyết sẽ được trình Hội đồng nhân dân thành phố, dự kiến có hiệu lực từ tháng 7/2025.

Ngay sau khi được đưa ra, đề xuất này đã ngay lập tức nhận được sự quan tâm của dư luận với những ý kiến, quan điểm khác nhau. Theo anh Lê Văn Hùng, một lái xe hợp đồng tại quận Cầu Giấy, việc Hà Nội đề xuất tăng mức xử phạt gấp 1,5-2 lần nhằm nâng cao ý thức của người tham gia giao thông.

Tuy nhiên, anh Hùng đánh giá mức phạt của Nghị định 168 đã đủ sức răn đe, không cần thiết phải tiếp tục tăng mức xử phạt vi phạm giao thông. Ý thức tham gia giao thông của người dân đã có nhiều chuyển biến tích cực, thành phố nên tập trung cải thiện hạ tầng, tổ chức giao thông.

Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng, việc Hà Nội đưa ra 107 hành vi để đề xuất nâng mức phạt từ 1,5-2 lần là “chưa có sự tập trung, còn tràn lan”. Thành phố nên tập trung vào những hành vi vi phạm đặc biệt như: Vi phạm nồng độ cồn; chạy quá tốc độ; cơi nới xe, chở quá tải...

Theo chuyên gia giao thông Lê Trung Hiếu: “Việc Hà Nội đề xuất tăng nặng mức phạt là cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Việc này nhằm để người dân lưu tâm hơn đến luật, từ đó dần thay đổi ý thức, xây dựng nền nếp trong giao thông. Mức phạt nặng sẽ góp phần tạo thói quen, nền nếp, văn hóa giao thông cho người dân”.

Thực tế khi những lỗi như vượt đèn đỏ, đi xe trên vỉa hè, đi ngược chiều, dùng điện thoại khi lái xe… bị phạt từ vài triệu đến vài chục triệu đồng, nhiều người vi phạm đã biết sợ và tự ý thức được việc không được vi phạm. Tuy nhiên, vẫn có một bộ phận cố tình vi phạm, làm xấu tình hình giao thông của Hà Nội (còn hiện tượng vượt đèn đỏ, đi ngược chiều...). Vậy nên cần phải xử lý nghiêm khắc hơn nữa những đối tượng này.

Cũng theo ông Lê Trung Hiếu, ý thức là điều cốt lõi nhất, không chỉ với người dân mà với cả lực lượng chức năng và cơ quan quản lý. Nếu lực lượng chức năng xử phạt nghiêm, có tình có lý, công khai, minh bạch, không có ngoại lệ thì người dân sẽ tâm phục khẩu phục và tự giác chấp hành các quy định. Số tiền thu được từ xử phạt vi phạm giao thông nên trích một phần lớn để tái đầu tư cho hạ tầng, duy tu, duy trì đường sá, sửa chữa đèn tín hiệu, trợ giá cho vận tải hành khách công cộng.

Với mức phạt cao như hiện nay, các chuyên gia giao thông nhận định, việc người dân lo ngại phát sinh tiêu cực trong xử lý vi phạm giao thông là có cơ sở. Vì vậy, cơ quan chức năng cần tăng cường giám sát bằng camera, xử phạt nguội qua hình ảnh, hạn chế xử phạt trực tiếp.

Cùng với đó, Hà Nội cần tập trung mọi nguồn lực để phát triển hạ tầng đô thị, vận tải công cộng, quản lý tốt nhu cầu giao thông. Có như vậy mới tạo nên một không gian đô thị văn minh, hài hòa, nơi người dân không phụ thuộc quá nhiều vào phương tiện cá nhân, từ đó giảm ùn tắc và vi phạm giao thông sẽ tự động giảm.

Ông Nguyễn Trọng Thông, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng Hà Nội chia sẻ sự ủng hộ với đề xuất tăng nặng mức xử phạt đối với một số hành vi vi phạm giao thông của thành phố để người dân ý thức, chấp hành tốt hơn. Tuy nhiên, ông Thông cho rằng, đi kèm với đó, những vấn đề về hạ tầng, thông tin đều phải thật minh bạch, như biển báo phải rõ ràng, không bị mờ, rồi che khuất tầm nhìn, hay người đi bộ phải có chỗ mà đi. “Chúng ta phải làm đồng bộ, từ cải thiện hạ tầng đến việc hướng người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Có như vậy mới đạt hiệu quả cao”.

Nguồn: https://nhandan.vn/

Tin liên quan