KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Tin tức hoạt động
Đăng ngày: 23/03/2022 - Lượt xem: 116
Bệnh nhân COVID-19 có nguy cơ cao mắc tiểu đường tuýp 2

Ngay cả những người mắc COVID-19 có triệu chứng nhẹ hoặc không triệu chứng cũng có thể phát triển bệnh tiểu đường tuýp 2. Nguy cơ này gia tăng tỷ lệ thuận với mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng.

Benh nhan COVID-19 co nguy co cao mac tieu duong tuyp 2 hinh anh 1
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 tại trung tâm y tế ở Seoul, Hàn Quốc ngày 14/3/2022. (Ảnh: YONHAP/TTXVN)
Những người mắc COVID-19 có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 trong vòng một năm cao hơn những người không mắc. Đây là kết quả một nghiên cứu vừa được các nhà khoa học Mỹ công bố mới đây.
Nhóm nghiên cứu thuộc Trung tâm Chăm sóc y tế St.Louis của Bộ Cựu chiến binh Mỹ (VA) đã đánh giá hồ sơ bệnh án của 181.000 bệnh nhân thuộc bộ trên được chẩn đoán mắc COVID-19 trong giai đoạn từ ngày 1/3/2020-30/9/2021.
Ngay cả những người mắc COVID-19 có triệu chứng nhẹ hoặc hoàn toàn không triệu chứng cũng có thể phát triển bệnh tiểu đường tuýp 2. Nguy cơ này gia tăng tỷ lệ thuận với mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng COVID-19.
Nhóm nghiên cứu cũng so sánh số liệu hồ sơ bệnh án của hơn 4,1 triệu bệnh nhân VA không mắc COVID-19 trong cùng giai đoạn và khoảng 4,28 triệu bệnh nhân được cơ quan này chăm sóc y tế trong các năm 2018 và 2019.
Dù nghiên cứu nói trên không thể chứng minh được nguyên nhân và hệ quả, song bước đầu đã cho thấy mối liên hệ chặt chẽ giữa hai căn bệnh này.
Các nhà nghiên cứu ước tính người mắc COVID-19 có tới 46% khả năng phát triển tiểu đường tuýp 2 lần đầu tiên hoặc phải được kê thuốc để kiểm soát lượng đường trong máu.
Cứ 100 bệnh nhân COVID-19 thì có 2 người có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2, là bệnh rối loạn chuyển hóa không đồng nhất, có đặc điểm tăng glucose huyết do khiếm khuyết về tiết insulin, về tác động của insulin, hoặc cả hai.
Tiểu đường tuýp 2 có thể gây tổn thương thận, dây thần kinh, mạch máu và tim, cùng nhiều tác động khác.
Các nhà khoa học đánh giá kết quả nghiên cứu sẽ có ảnh hưởng đến hơn 471 triệu người mắc COVID-19 được ghi nhận đến nay trên toàn thế giới, trong đó có gần 80 triệu người ở Mỹ, và đặc biệt với người có các triệu chứng của hội chứng COVID kéo dài.
Trưởng nhóm nghiên cứu Ziyad Al-Aly đã khuyến cáo, nếu mắc COVID-19, người bệnh cần chú ý đến lượng đường trong máu.
Trước đó, nhiều nghiên cứu có quy mô nhỏ hơn cũng đã lưu ý sự gia tăng rõ rệt những triệu chứng tiểu đường mới ở người mắc COVID-19.
Tuy nhiên, nghiên cứu nói trên là nghiên cứu lớn nhất về vấn đề này cũng như tập trung vào giai đoạn lâu nhất sau khi người bệnh mắc COVID-19, từ 31 ngày sau khi mắc cho đến trung bình gần một năm sau đó với mỗi bệnh nhân.
Theo chuyên gia Al-Aly, nguy cơ tiềm ẩn ở mọi nhóm người bệnh như phụ nữ, sắc tộc thiểu số, thanh niên và những người có chỉ số khối cơ thể (BMI) khác nhau.
Một vấn đề đáng chú ý khác là hơn 99% bệnh nhân VA mắc tiểu đường tuýp 2 thay vì tuýp 1 - là tiểu đường do tuyến tụy của người bệnh sản xuất ít hoặc không có insulin, vì vậy khiến người bệnh phải điều trị bằng insulin suốt đời.
Theo ông, nguyên nhân có thể bởi tình trạng viêm nhiễm, do virus SARS-CoV-2 gây ra hoặc phản ứng của cơ thể với virus.
Nghiên cứu kết luận rằng những bằng chứng hiện tại cho thấy tiểu đường là một phần trong hội chứng COVID kéo dài và vì thế chiến lược y tế hậu COVID-19 cần phải lưu ý đến việc xác nhận và điều trị bệnh tiểu đường.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí y khoa Lancet Diabetes & Endocrinology số ra ngày 21/3./.
Nguồn: https://www.vietnamplus.vn
Tin liên quan