Thời gian qua, Bộ Tài chính đã nhận được kiến nghị của một số cơ quan đề nghị giảm mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với mặt hàng xăng để đa dạng hóa nguồn cung.
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến dự thảo Nghị định Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan.
Một trong những nội dung của dự thảo là kiến nghị giảm thuế nhập khẩu ưu đãi mặt hàng xăng dầu. Bộ Tài chính cho biết thời gian qua, Bộ đã nhận được kiến nghị của một số cơ quan đề nghị giảm mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với mặt hàng xăng để đa dạng hóa nguồn cung trong bối cảnh thị trường xăng dầu thế giới có nhiều biến động.
Theo Bộ Tài chính, từ đầu năm 2022 đến nay, thị trường
xăng dầu thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp. Đặc biệt, xung đột giữa Nga và Ukraine đã tác động mạnh đến nguồn cung xăng dầu trong khi nhu cầu mặt hàng này đang ngày càng tăng do việc triển khai các biện pháp phục hồi kinh tế của các nước trên thế giới.
Tại Việt Nam, nguồn cung và giá cả cũng không nằm ngoài xu hướng chung của thị trường xăng dầu thế giới. Hiện nay, Việt Nam có 36 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu (3 doanh nghiệp kinh doanh nhiên liệu bay), hơn 300 doanh nghiệp phân phối xăng dầu đóng vai trò tạo nguồn cho hệ thống đại lý, trong đó Tập đoàn Xăng dầu chiếm khoảng 45-50% thị phần, các doanh nghiệp đầu mối còn lại chiếm 50-55% thị phần.
Các doanh nghiệp đầu mối phân phối xăng dầu chủ yếu từ nguồn của Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn, Bình Sơn và phần còn lại được nhập khẩu chủ yếu từ Hàn Quốc và khu vực ASEAN theo thuế suất FTA.
Theo Bộ Tài chính, hiện mặt hàng xăng động cơ, không pha chì dùng để sản xuất xăng RON92, RON95 có thuế suất MFN là 20%, thuế suất FTA tại các Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Hàn Quốc (VKFTA), Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Liên minh Kinh tế Á Âu (VNEAEU) là 8%, EVFTA là 20%. Xăng nhập khẩu theo thuế nhập khẩu ưu đãi (thuế suất MFN) chiếm tỷ trọng không đáng kể trong tổng lượng xăng tiêu thụ của cả nước.
Theo Bộ Tài chính, xăng dầu là mặt hàng chiến lược, có tác động lớn đến nền kinh tế, sự biến động về giá cả mặt hàng này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến mặt bằng giá cả, chỉ số CPI trong nước cũng như việc thực hiện các mục tiêu về phát triển kinh tế-xã hội đã được Quốc hội, Chính phủ đề ra cho năm 2022.
Trong khi đó, diễn biến tình hình gần đây đang cho thấy
thị trường xăng dầu thế giới sẽ còn nhiều biến động khó lường, khó dự báo, tiềm ẩn các nguy cơ ảnh hưởng đến nguồn cung xăng dầu của Việt Nam.
Để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia trước bối cảnh của dịch bệnh và xung đột chính trị trên thế giới đang diễn ra, Bộ Tài chính thấy cần thiết phải có phương án điều chỉnh giảm thuế suất thuế nhập khẩu MFN đối với mặt hàng xăng để đa dạng hóa nguồn cung xăng dầu tránh bị động bởi phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu từ Hàn Quốc và ASEAN, đồng thời đảm bảo mức chênh lệch phù hợp với mức thuế suất theo các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết.
Bộ Tài chính trình Chính phủ điều chỉnh thuế suất MFN đối với mặt hàng xăng động cơ, không pha chì từ mức 20% hiện nay xuống mức 12% (chênh 4% so với thuế suất FTA từ Hàn Quốc và ASEAN).
Bộ Tài chính đánh giá phương án trên mặc dù có thể không tác động nhiều đến việc làm giảm giá xăng trong nước do hiện nay xăng nhập khẩu chủ yếu từ ASEAN và Hàn Quốc nhưng sẽ góp phần đa dạng hóa nguồn cung xăng dầu từ các quốc gia khác như Trung Quốc, Hoa Kỳ và các quốc gia khu vực Trung Đông, tránh sự phụ thuộc quá lớn vào một số đối tác như hiện nay trong trường hợp nguồn cung trên thị trường thế giới biến động.
Bên cạnh đó, mức chênh lệch 4% giữa thuế suất MFN và thuế suất FTA đối với xăng cũng là hợp lý để thúc đẩy các doanh nghiệp trong nước tìm kiếm các nguồn cung xăng dầu mới trong trường hợp nguồn cung xăng dầu từ các thị trường truyền thống bị thiếu hụt, đồng thời vẫn đảm bảo được dư địa đám phán các hiệp định FTA mới trong tương lai trên cơ sở nguyên tắc có đi có lại./.
Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/