Song, sự phát triển bùng nổ của thị trường tiền mã hóa nhưng thiếu sự kiểm soát, tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho thị trường tài chính và nhà đầu tư. Trong quá trình giao dịch tiền mã hóa, quyền lợi của nhà đầu tư không hề được bảo đảm. Các vụ lừa đảo của sàn giao dịch, thổi giá, hack tài khoản... khiến nhiều nhà đầu tư mất trắng số tiền đầu tư.
Tuy nhiên, tham vọng lợi nhuận cao hàng chục, hàng trăm lần khiến nhiều nhà đầu tư vẫn tiếp tục lao vào như những con thiêu thân để đốt những đồng tiền xương máu của mình. Nhiều người trắng tay do tiền mã hóa đã thực hiện những hành vi vi phạm pháp luật khác để bù đắp số tiền đã mất. Cơn quay cuồng trong thị trường tiền mã hóa đã khiến hàng nghìn tỷ đồng của nhà đầu tư bốc hơi, rơi vào túi những kẻ lừa đảo, những cá mập coin, nhà tạo lập thị trường hoặc chảy vào túi các sàn giao dịch.
Theo ước tính, có tới hơn 95% số nhà đầu tư cá nhân thua lỗ trên thị trường tiền mã hóa nhưng con số nhà đầu tư vẫn tăng lên không ngừng do tính hấp dẫn từ lợi nhuận không tưởng.
Việc thiếu sự quản lý cũng khiến dòng tiền khổng lồ trong dân được rút ra khỏi thị trường tài chính, chảy vào các kênh đầu tư tiền mã hóa và không tạo ra giá trị gia tăng. Không những thế, phần lớn tiền lừa đảo chiếm đoạt được của nhà đầu tư đã được chuyển ra nước ngoài thông qua các sàn giao dịch.
Có tới hơn 95% số nhà đầu tư cá nhân thua lỗ trên thị trường tiền mã hóa nhưng con số nhà đầu tư vẫn tăng lên không ngừng do tính hấp dẫn từ lợi nhuận không tưởng.
Trong khi đó, Nhà nước không hề thu được bất cứ một lợi ích nào, đồng thời, nền kinh tế mất đi một nguồn vốn đầu tư để phát triển. Lợi ích nếu có, chỉ là việc các ngân hàng thu được khoản tiền nhỏ trong phí chuyển tiền khi sử dụng dịch vụ ngân hàng mà thôi.
Đã đến lúc các cơ quan quản lý nhà nước cần nghiêm túc xem xét, cân nhắc để có những giải pháp cụ thể kiểm soát hoạt động thị trường tiền mã hóa. Trước mắt là kiểm soát việc phát hành bất hợp pháp các đồng tiền mã hóa tại Việt Nam; tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của nhà đầu tư đối với việc đầu tư tiền mã hóa; kiểm soát việc dùng hệ thống ngân hàng và trung gian thanh toán để thực hiện các giao dịch liên quan.
Nhà nước cần có chính sách, giải pháp để phát huy lợi ích tích cực của tiền mã hóa trong việc phát triển hệ thống tài chính phi tập trung. Đây được coi là tương lai của hệ thống tài chính trên toàn thế giới mà các ngân hàng trung ương đang hướng tới. Nhìn ra thế giới, vào năm 2018, đế chế internet số có lượng người dùng lớn nhất thế giới là Facebook đã có ý tưởng đưa ra một đồng tiền kỹ thuật số riêng tên là Libra nhằm thống trị thị phần thanh toán từ quảng cáo, mua bán, tương tác... của hàng tỷ người dùng trên toàn thế giới.
Nhưng ý đồ đó đã bị dập tắt ngay từ trong trứng nước bởi cả Mỹ lẫn châu Âu với một loạt lý do liên quan vấn đề bảo hộ, an ninh tiền tệ cũng như chống độc quyền. Lớn hơn chính là lợi ích quốc gia, an ninh tiền tệ của Mỹ và châu Âu. Không hề phóng đại nếu nói rằng, một khi Facebook có đồng tiền mã hóa riêng Libra mà được Mỹ chấp thuận, thì nó hoàn toàn trở thành một quốc gia độc lập tồn tại phi vật lý trên môi trường internet với đầy đủ quyền hạn của nó.
Hệ thống tài chính phi tập trung có nhiều tiềm năng để phát triển nhưng nó phải luôn bảo đảm được sự ổn định bằng một nền tảng nào đó, trước mắt là một đồng tiền stablecoin (đồng tiền mã hóa có giá trị ổn định được tham chiếu vào một tài sản ổn định khác như vàng hoặc tiền pháp định như USD, EUR…) được phát hành bởi chính phủ.
Trong tương lai không xa, hệ thống tài chính phi tập trung của từng quốc gia, từng khu vực sẽ được xây dựng trên cơ sở đồng tiền stablecoin do chính ngân hàng trung ương quốc gia đó phát hành. Một đồng tiền stablecoin của mỗi quốc gia sẽ trở thành một bàn tay vô hình thúc đẩy tăng trưởng tài chính một cách minh bạch, đáng tin cậy và bảo vệ người sử dụng.
Trên cơ sở đó, Nhà nước cần nghiên cứu, triển khai thí điểm đồng tiền mã hóa do chính Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành, trước mắt, được sử dụng như một công cụ để phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, sử dụng trong các giao dịch liên ngân hàng hoặc giao dịch giữa Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Kho bạc... và các cơ quan nhà nước khác. Sau đó, có thể triển khai sang các lĩnh vực khác nhằm tạo điều kiện phát triển thị trường tài chính, giảm lạm phát, tăng tính an toàn, minh bạch, hiệu quả của thị trường.