Chưa thể lơ là với đại dịch Covid-19
Theo các chuyên gia, Việt Nam đã qua thời kỳ đỉnh dịch. Dịch Covid-19 giảm mạnh trong thời gian qua là do tỷ lệ tiêm vaccine cao.
Ghi nhận đến nay, Việt Nam ghi nhận 10.698.180 ca nhiễm, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 104/227quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 108.093 ca nhiễm). Số ca nhiễm giảm mạnh tháng qua, xuống dưới mốc 2 nghìn ca/ngày, thấp bằng con số khoảng 10 tháng trước.
Mặc dù tỷ lệ mắc mới giảm mạnh, ca tử vong chỉ còn 1-2 ca/ngày chủ yếu rơi vào người cao tuổi, có bệnh nền, nhưng theo PGS, TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, thời điểm hiện tại chưa nên đưa Covid-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang bệnh truyền nhiễm nhóm B vì Covid-19 vẫn có thể xuất hiện biến chủng mới.
Hiện nay, WHO cũng đang cảnh báo chưa thể lơ là với đại dịch, bởi kịch bản có thể nhẹ đi nhưng cũng có thể nặng lên vì chưa thể đánh giá biến chủng của virus SARS-CoV-2 một cách rõ ràng.
“Đây chính là giai đoạn chuyển tiếp để “nghe ngóng”, đánh giá tình hình dịch một cách chính xác. Bộ Y tế đưa ra 2 kịch bản ứng phó như trên là phù hợp trong tình hình hiện nay. Bởi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng các quốc gia vẫn phải cảnh giác, chưa đưa Covid-19 về bệnh lưu hành. Vì vậy, Việt Nam vẫn coi Covid -19 như là bệnh truyền nhiễm nhóm A, tiếp tục theo dõi tình hình trên thế giới, đánh giá đúng nguy cơ dịch để có đáp ứng kịp thời, linh hoạt và hiệu quả”, ông Phu nói.
Dự đoán về tình hình dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, chuyên gia này cho rằng, nếu chúng ta đưa Covid-19 về nhóm B nhưng ra văn bản về điều trị vẫn miễn phí thì cũng gần như nhóm A. Bên cạnh đó, nếu chuyển sang nhóm B ngay có thể làm mất cảnh giác, khi dịch quay lại, việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch sẽ khó khăn hơn, mất thời gian hơn…
Còn nếu bỏ Covid-19 khỏi nhóm A, khi chủng mới quay lại sẽ bất cập trong triển khai các biện pháp đối phó.
“Hiện nay chúng ta đã rất linh hoạt trong đáp ứng với dịch, không cứng nhắc và đang coi Covid-19 là bệnh đặc thù. Chúng ta không quá chủ quan, lơ là nhưng không quá sợ sệt mà cấm đoán tất cả và thực tế đã mở cửa hoàn toàn, chỉ coi trọng việc cảnh giác và đề cao ý thức phòng bệnh cá nhân. Theo tôi nếu từ giờ tới cuối năm tình hình thực sự ổn định thì mới nên quyết định chuyển sang nhóm B. Đây là quyết định yêu cầu sự chắc chắn. Trên thực tế đang có nước tuyên bố dịch Covid-19 là bệnh đặc hữu nhưng họ không mở cửa một cách “rộng rãi” như nước ta", ông Phu nói.
Tăng cường xét nghiệm phát hiện biến thể mới của SARS-CoV-2. (Ảnh minh họa)
Việt Nam cần một giai đoạn chuyển tiếp
Vừa qua WHO đã công bố kế hoạch kết thúc “tình trạng khẩn cấp” của đại dịch Covid-19. Điều này cần được hiểu cho đúng, đó không phải là công bố kết thúc đại dịch Covid-19.
Hiện nay, WHO cũng đưa ra các kịch bản trong thời gian tới, như có những đợt bùng phát ít nghiêm trọng hơn, khi khả năng miễn dịch suy giảm có thể cần mũi tiêm vaccine nhắc lại cho người có nguy cơ cao nhất hay nguy cơ dịch có thể diễn biến theo mùa, giống như cúm mùa…
Với diễn biến dịch cụ thể tại Việt Nam, cùng với hướng dẫn của WHO, chúng ta cần tiếp tục theo dõi các thông tin và diễn biến dịch trên thế giới, đặc biệt là những biến đổi của virus.
“Ngành y tế cần có những cách thức giám sát để nắm được tình hình dịch bệnh. Việt Nam cần có riêng những kịch bản phù hợp để áp ứng kịp thời và không bị bất ngờ trước bất cứ diễn biến mới của dịch bệnh. Theo đó, vẫn bảo đảm thực hiện “mục tiêu kép” - vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế, với sức khỏe người dân được đặt lên trên hết”, ông Phu nói.
Căn cứ vào diễn biến mới của dịch, Việt Nam đã đưa ra 2 kịch bản chống dịch hoàn toàn phù hợp với tình hình thực tiễn tại nước ta hiện nay. Việt Nam cần một giai đoạn chuyển tiếp để quan sát và theo dõi diễn biến dịch trên toàn cầu, để xác định dịch đi theo hướng nào và quyết định áp dụng phòng, chống dịch theo kịch bản nào.
Theo ông Phu, trong giai đoạn này, chúng ta tiếp tục chiến lược thích ứng linh hoạt. Đây là chiến lược vô cùng quan trọng khi không chỉ thích ứng linh hoạt, hiệu quả trong từng diễn biến dịch mà còn trong từng kịch bản đáp ứng dịch theo sự thay đổi của virus. Quan trọng nhất là đánh giá đúng nguy cơ để đáp ứng đúng.
Việt Nam vẫn cần thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh, trong đó khuyến khích và nêu cao ý thức phòng bệnh cá nhân như đeo khẩu trang, sát khuẩn tay, phòng bệnh trong môi trường kín, tiếp xúc gần trong đám đông… Bên cạnh đó, tiêm vaccine cũng cần được lưu ý, trong đó cần tiêm nhắc lại cho các đối tượng nào để đảm bảo duy trì miễn dịch.
"Điều quan trọng nhất là Việt Nam cần tiếp tục triển khai bao phủ vaccine, vẫn đầu tư cho công tác phòng, chống dịch. Thực hiện kiểm soát rủi ro khi cuộc sống trở lại bình thường, trẻ đến lớp và không còn cách ly y tế… Các cơ quan chuyên môn tiếp tục đánh giá đúng nguy cơ và các tình huống đáp ứng, nguy cơ đến đâu, đáp ứng đến đó, tránh thái quá gây lãng phí.
Với việc thích ứng hiện nay, chúng ta gần như coi Covid-19 là bệnh lưu hành, chỉ khác là vẫn đang bảo đảm các vấn đề an sinh xã hội cho người dân như tiêm chủng miễn phí, chữa bệnh miễn phí", ông Phu nhấn mạnh.
Nên giữ thái độ dè dặt
PGS, TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng, Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh cho rằng, trong tương lai, Covid-19 nên trở thành bệnh lý thông thường. Nhưng giai đoạn này cần hết sức thận trọng vì kể cả người có miễn dịch với virus SARS-CoV-2 không kéo dài vĩnh viễn, có thể tái nhiễm sau 3 tháng.
Theo chuyên gia này, có nhiều bệnh hiện vẫn là dịch bệnh nhóm A như sốt vàng, sốt xuất huyết, bạch hầu… nhưng hiện những mặt bệnh này đang không có dịch.
Trong khi đó, dịch Covid-19 vừa là dịch bệnh nhóm A, vừa đang có dịch với khả năng lây lan cao, gây ra tử vong.
Với những diễn biến dịch giảm sâu thời gian qua, quay về mốc như thời điểm trước đợt dịch thứ 4, Việt Nam hiện tại được đánh giá tình hình dịch ổn định. Với tỷ lệ tiêm chủng cao, Việt Nam sẽ không lo ngại xuất hiện biến chủng mới. Trong khi đó, trên thế giới, ở những nước tỷ lệ tiêm chủng thấp vẫn có thể xảy ra vụ dịch mới, biến chủng mới.
Do đó, chuyên gia này cho rằng, chúng ta chưa nên tuyên bố dịch Covid-19 là bệnh thông thường mà nên giữ một thái độ dè dặt trước đại dịch. Việc tuyên bố hết dịch sẽ làm ảnh hưởng lớn tới các chính sách về sản xuất thuốc, vaccine vì những sản phẩm này đều được sản xuất trong tình trạng khẩn cấp.
Ông Dũng nhận định, tại Việt Nam, tương lai vẫn có làn sóng dịch mới, số ca mắc tăng lên nhưng tỷ lệ nặng không tăng.
Quy định 5K liệu đã lỗi thời?
Theo PGS, TS Trần Đắc Phu, quyết định tạm dừng khai báo y tế của Bộ Y tế hợp lý bởi khi dịch có những diễn biến mới, kịch bản nặng nề hơn thì có thể áp dụng trở lại lại, góp phần kiểm soát dịch hiệu quả. Đặc biệt có đánh giá, biện pháp dự phòng với những người trở về từ vùng dịch.
Về quy định 5K có lỗi thời không, ông Phu cho rằng, trước hết, cần phải hiểu bản chất của 5K là những biện pháp dự phòng không đặc hiệu phòng chống Covid-19 cũng như các bệnh truyền nhiễm khác. Trước khi Covid-19 xuất hiện, chúng ta vẫn thường xuyên áp dụng các biện pháp có trong quy định 5K để phòng ngừa các bệnh bệnh truyền nhiễm khác, đặc biệt các bệnh lây truyền theo đường hô hấp và tiêu hóa.
Trong thời gian áp dụng 5K dự phòng Covid -19, các bệnh truyền nhiễm khác như cúm, chân tay miệng, ngộ độc thức ăn… cũng đã giảm đi rất rõ rệt. Do đó, dù Covid-19 đã được kiểm soát, việc duy trì các biện pháp phòng bệnh trên, trừ việc bỏ khai báo y tế, là vẫn cần thiết và có giá trị. Kể cả chúng ta không cần thiết yêu cầu hoặc đưa ra khẩu hiệu 5K nữa nhưng cần khuyến cáo người dân áp dụng các biện pháp dự phòng cá nhân một cách linh hoạt, chứ không nên đưa ra 2K, 3K…
“Người ho, sốt, khó thở không nên đến chỗ đông người, chủ động giữ khoảng cách với người khác. Ngược lại, người lành không tiếp xúc với người có triệu chứng ho, sốt để phòng bệnh.. Đây cũng chính là vấn đề về “Khoảng cách””, ông Phu nói.
Ngoài Covid-19, hiện vẫn còn nhiều bệnh truyền nhiễm khác lưu hành. Vì thế, tuân các biện pháp của 5K vẫn là duy trì thói quen tốt phòng bệnh cho mọi người, vấn đề là thực hiện trong bối cảnh nào mà thôi.
Thời điểm này bỏ đi hết các quy định 5K thì có thể gây ra sự chủ quan. Đối với các khu vực thông thoáng, người dân đi tập thể dục, chạy bộ… việc đeo khẩu trang là không cần thiết, song ở nơi đông người, không gian kín như đi xe buýt…thì vẫn nên áp dụng.
“Chúng ta cũng không nên vì thấy dịch đang tạm lắng để bỏ đi hoàn toàn những quy định có giá trị về mặt sức khỏe đối với người dân. Các địa phương cần linh hoạt trong khuyến cáo các hình thức áp dụng phù hợp, tránh sự ép buộc, nhất là xử phạt không hợp lý khi chưa kịp thay đổi các quy định có tính pháp lý trước đây. Có thể trước đây là bắt buộc, bây giờ chuyển thành khuyến cáo, khuyến khích thậm chí là sự tự nguyện của người dân, Đặc biệt nới có nguy cơ cao đối với các bệnh lây truyền theo đường hô hấp như ở không gian kín, đông người, tiếp xúc gần", ông Phu nói.
Hiện Bộ Y tế đưa ra 2 kịch bản phòng, chống dịch Covid-19:
Kịch bản 1: Biến thể Omicron xuất hiện phổ biến trong cộng đồng và sẽ dần giảm bớt độc lực. Bên cạnh đó, với miễn dịch có sẵn từ việc tiêm vaccine phòng Covid-19 và mắc bệnh, số trường hợp chuyển nặng và tử vong sẽ giảm. Đây là kịch bản có xu thế xảy ra nhiều hơn. Với kịch bản này, chúng ta chuyển sang trạng thái bình thường mới, tức là đưa Covid-19 sang bệnh lưu hành. Các hoạt động xã hội có thể trở về bình thường.
Kịch bản 2: Hiểu biết về virus SARS-CoV-2 vẫn chưa được toàn diện. Khi giao lưu đi lại nhiều, việc xuất hiện liên tục các biến thể mới vẫn có khả năng xảy ra. Các chủng này có thể hình thành do sự tương tác giữa các biến thể đã xuất hiện hoặc là chủng khác mới hơn. Chủng SARS-CoV-2 mới khi xuất hiện sẽ làm giảm đi hiệu lực bảo vệ của vaccine, có thể làm lây lan mạnh hơn và tăng nguy cơ chuyển nặng. Với kịch bản thứ hai này, Việt Nam sẽ triển khai lại các biện pháp phòng dịch cấp bách như đã từng thực hiện.