Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gặp mặt thân mật Đoàn đại biểu Hội Cựu thanh niên xung phong. (Ảnh: TTXVN)
Tại buổi gặp mặt, ông Vũ Trọng Kim, Chủ tịch Hội Cựu Thanh niên xung phong cho biết, cả nước hiện có 500 nghìn cựu thanh niên xung phong, trong đó nhiều trường hợp đời sống còn khó khăn. Thời gian qua, Hội đã tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ các cựu thanh niên xung phong, như xác nhận liệt sĩ, thương binh, giải quyết chế độ cho thanh niên xung phong nhiễm chất độc hóa học và con đẻ của thanh niên xung phong bị hậu nhiễm; trợ cấp 1 lần cho thanh niên xung phong còn sống và thanh niên xung phong đã từ trần... Đến nay Hội đã huy động các nguồn lực xã hội để tặng 4.000 nhà tình nghĩa, 7.000 sổ tiết kiệm cho các thanh niên xung phong có hoàn cảnh khó khăn.
Phát biểu tại buổi gặp mặt, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ xúc động gặp 100 đồng chí đại diện cho hơn 500 nghìn thanh niên xung phong cả nước qua các thời kỳ, trong đó có nhiều đồng chí là Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động, các tấm gương tiêu biểu trong đời sống và sản xuất. Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước gửi lời thăm hỏi ân cần tới các cựu thanh niên xung phong cả nước và mong muốn các đồng chí tiếp tục đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Nhấn mạnh, những năm qua, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm tới thanh niên xung phong, Chủ tịch nước cho biết, nhiều chế độ, chính sách được ban hành, như công nhận thương binh, liệt sĩ, các danh hiệu thi đua khen thưởng, quan tâm đời sống vật chất và tinh thần thanh niên xung phong.
Chủ tịch nước cũng đánh giá cao Hội Cựu Thanh niên xung phong có nhiều sáng kiến trong việc quan tâm đến các hội viên, trong đó có đề xuất hình thành hệ thống văn bản chính sách để quan tâm giải quyết chế độ cho thanh niên xung phong, đề xuất đưa vào Luật Thi đua khen thưởng việc tặng thưởng Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang…
Đặc biệt, Chủ tịch nước biểu dương tấm gương sáng của nhiều cựu thanh niên xung phong không chỉ có hành động dũng cảm, kiên cường trong chiến đấu mà còn nỗ lực vươn lên trong cuộc sống, làm kinh tế giỏi, xóa đói giảm nghèo, là tấm gương sáng cho con cháu và thế hệ trẻ tại địa phương.
Đề cập những kết quả tích cực trong hoạt động quan tâm, chăm sóc, hỗ trợ thanh niên xung phong thời gian qua, Chủ tịch nước cho biết, hiện cả nước vẫn tồn đọng 4.298 thanh niên xung phong bị thương tật chưa được công nhận là thương binh và 275 thanh niên xung phong hy sinh chưa được công nhận là liệt sĩ; còn hơn 9.000 thanh niên xung phong và con cháu bị nhiễm chất độc da cam/dioxin chưa được giải quyết chế độ chính sách; gần 4.000 thanh niên xung phong chưa được hưởng chế độ bảo hiểm y tế và chế độ khác theo quy định của Nhà nước. Chủ tịch nước nêu rõ, đây là những tồn tại mà các cơ quan chức năng và Hội cần phối hợp giải quyết kịp thời hơn nữa.
Nhắc đến các địa chỉ đỏ gắn với truyền thống anh dũng, hào hùng của thanh niên xung phong cả nước, như ngã ba Đồng Lộc, Hang Tám Cô, Truông Bồn… Chủ tịch nước mong muốn Hội Cựu Thanh niên xung phong Việt Nam phối hợp Trung ương Đoàn và các cơ quan chức năng tăng cường giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ với nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả để trang bị cho thanh thiếu niên hiểu và tự hào về truyền thống thanh niên xung phong, giúp thế hệ trẻ tự tin vững bước, sẵn sàng xung phong tình nguyện xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Chủ tịch nước cũng đề nghị Hội phối hợp các cơ quan chức năng tham mưu kịp thời, hướng dẫn cụ thể, đầy đủ, toàn diện việc chăm lo, giải quyết các chế độ chính sách tồn đọng cho các cựu thanh niên xung phong; đề xuất việc bổ sung sửa đổi các văn bản quy định về giải quyết các chính sách cho thanh niên xung phong trong kháng chiến. Chủ tịch nước cũng mong muốn các cựu thanh niên xung phong phát huy truyền thống của thanh niên xung phong các thế hệ, tiếp tục nêu cao tấm gương tự lực tự cường, làm gương cho con cháu và các phong trào xây dựng phát triển địa phương.