Đầu tháng 10/2021, Tổ chức Y tế thế giới đã công bố định nghĩa chính thức đầu tiên về hội chứng hậu Covid-19. Theo đó, hậu Covid-19 xảy ra ở người có tiền sử nhiễm SARS-CoV-2, thường là ba tháng kể từ khi bắt đầu mắc với các triệu chứng và kéo dài ít nhất hai tháng mà không thể giải thích bằng chẩn đoán thay thế. Tại hội thảo quản lý bệnh nhân sau Covid-19 diễn ra cuối tuần qua với sự tham gia trực tuyến của hơn 800 y, bác sĩ, chuyên gia trên cả nước, TS Trần Văn Giang (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương) cho hay về mặt lâm sàng, các triệu chứng sau Covid-19 chia thành hai giai đoạn, gồm: tình trạng Covid-19 kéo dài (một đến ba tháng sau khi mắc bệnh) và hậu Covid-19 (sau ba tháng).
Tổ chức Y tế thế giới nêu rõ: Hậu Covid-19 có thể khiến sức khỏe con người bị suy giảm kéo dài, có tác động nghiêm trọng đến khả năng quay trở lại làm việc hoặc tham gia cuộc sống xã hội của người bị mắc Covid-19. Họ bị ảnh hưởng về mặt sức khỏe tâm thần và có thể gây ra những hậu quả kinh tế đáng kể cho bản thân, cho gia đình và cho xã hội. Ước tính có khoảng 10 đến 20% số bệnh nhân Covid-19 trải qua các triệu chứng kéo dài trong nhiều tháng sau khi mắc bệnh.
Biểu hiện của hậu Covid-19 rất đa dạng, tổn thương ở nhiều cơ quan, phổ biến nhất bao gồm: mệt mỏi, khó thở, rối loạn nhận thức và một vài triệu chứng khác, có ảnh hưởng đến cuộc sống hằng ngày… Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết: một số nghiên cứu trên thế giới cho thấy 70 đến 80% số bệnh nhân Covid-19 có ít nhất một vấn đề về hậu Covid-19 dù giai đoạn dương tính họ mắc bệnh ở mức độ nặng hay nhẹ.
Đáng chú ý, các biểu hiện hậu Covid-19 có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi, kể cả trẻ em. Tuy nhiên, ở trẻ em, triệu chứng cả khi nhiễm bệnh và hậu Covid-19 đều nhẹ và ít hơn người trưởng thành. Trong khi với bệnh nhân mắc Covid-19 mức độ nặng hoặc nguy kịch, cần can thiệp y tế nhiều trong giai đoạn điều trị chính của bệnh thì các vấn đề về hậu Covid-19 sẽ nhiều và trầm trọng hơn.
Tại nước ta, hậu Covid-19 nổi lên là vấn đề đáng được quan tâm từ đợt dịch ở thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố phía nam trong năm 2021. Hiện nay, nhu cầu khám hậu Covid-19 tăng cao, nhiều địa phương, cả bệnh viện công và tư đều tổ chức bộ phận khám, tư vấn, điều trị hậu Covid-19. Tại Hà Nội, Bệnh viện đa khoa Đức Giang là cơ sở y tế công lập đầu tiên mở phòng khám, tư vấn hậu Covid-19, có khoảng 20 đến 30 người bệnh đến khám mỗi ngày với các lý do ho kéo dài, khó thở, hụt hơi, mệt mỏi, giảm năng lượng, tức ngực, giảm khả năng hoạt động và làm việc, đau xương khớp.
Có nhiều người bệnh tái khám do các vấn đề về lo âu, trầm cảm, stress sau Covid-19. Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương mỗi ngày có 20 bệnh nhân tới khám, gọi điện tư vấn về các vấn đề hậu Covid-19… Không ít người đến viện khi dấu hiệu hậu Covid-19 rõ rệt, diễn tiến khá nặng dù trước đó họ mắc Covid-19 với diễn biến nhẹ, không triệu chứng. Ở trẻ em, biến chứng hậu Covid-19 đáng lo ngại nhất là hội chứng viêm đa hệ thống ở trẻ (MIS-C), suy tim, suy đa tạng.
Không nên quá lo lắng
Chia sẻ với những lo lắng của người dân và khẳng định nhu cầu khám và tư vấn của bệnh nhân về hậu Covid-19 là rất cao, nhưng các chuyên gia hàng đầu cũng khuyến cáo người bệnh không nên quá lo lắng. Hiện nay, không ít người chưa điều trị khỏi Covid-19 đã lo bị hậu Covid-19. Thậm chí vì sợ biến chứng hậu Covid-19 mà có những trường hợp F0 không bệnh nền, đã tiêm đủ liều vắc-xin, dù không triệu chứng vẫn lo lắng đến rối loạn ngủ, nằng nặc phải đưa vào bệnh viện điều trị. Có những gia đình sợ con mình bị hậu Covid-19, nhất là hội chứng MIS-C, đã tự tìm các đơn thuốc từ “bác sĩ mạng” rồi tích trữ, “nhồi” cho con đủ loại thuốc, thực phẩm chức năng, xông hơi… nhằm điều trị, tăng sức đề kháng.
Bác sĩ Đào Trường Giang (Bệnh viện Xanh Pôn, Hà Nội), cho biết: Số người dương tính SARS-CoV-2 tăng lên cao gây ra tình trạng quá tải cho hệ thống y tế cơ sở. Nhiều gia đình dù báo với trạm y tế phường/xã nhưng chưa được quản lý hết nên họ thiếu hướng dẫn, tự tìm đơn thuốc trên mạng, thậm chí “nghe ai mách gì uống nấy”. Thậm chí, có những loại thuốc xách tay từ nước ngoài không rõ thành phần là gì. Có khá nhiều bệnh nhi khi có kết quả dương tính SARS-CoV-2, bố mẹ đã tự ý sử dụng sớm thuốc kháng sinh, kháng viêm có chứa corticoid... Bác sĩ Giang khẳng định: “Đây là một sai lầm nguy hiểm”.
Trả lời câu hỏi tiêm vắc-xin có làm giảm biến chứng hậu Covid-19 hay không? TS Trần Văn Giang khẳng định: Để phòng Covid-19 tốt nhất là tiêm vắc-xin. Việc tiêm vắc-xin không những làm giảm khả năng nhập viện, tử vong của người bệnh, mà còn giúp những vấn đề hậu Covid-19 nhẹ nhàng hơn. Theo ghi nhận thực tế của các bác sĩ, hầu hết những biến chứng hậu Covid-19 không gây nguy cơ tử vong, mà chủ yếu ảnh hưởng đến cuộc sống hằng ngày của người bệnh. Để khắc phục tình trạng này, chủ yếu người bệnh phải tự điều chỉnh sinh hoạt để cải thiện.
Thực tế từ các phòng khám hậu Covid-19 cho thấy trẻ thường ít có các triệu chứng hậu Covid-19 hơn người trưởng thành. Thậm chí, nhiều trẻ em đến khám chỉ vì bố mẹ lo lắng. Phần lớn trẻ em khám hậu Covid-19 nhưng không cần chụp, chiếu, lấy máu xét nghiệm vì các em chỉ mắc ở mức độ rất nhẹ, thời gian mắc ngắn, khám lâm sàng không thấy dấu hiệu khó thở, ho trong khi năng lượng hoạt động các em vẫn rất tốt. Sau khi cân nhắc lợi ích - nguy cơ thì bác sĩ cho rằng không cần phải lấy máu xét nghiệm hay chụp chiếu, chỉ dặn bố mẹ theo dõi sát, nếu trẻ có triệu chứng sẽ tái khám và làm xét nghiệm liên quan triệu chứng.
Với hội chứng MIS-C, TS, BS Tạ Anh Tuấn, Trưởng khoa Điều trị tích cực Nội khoa (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết: Những trẻ mắc hội chứng này sẽ rơi vào tình trạng nguy kịch và có thể tử vong nếu không được xác định, điều trị sớm. Bệnh khó chẩn đoán và dễ bị nhầm lẫn với các bệnh tương tự khác. Tuy nhiên, nếu trẻ được chẩn đoán sớm, phát hiện hội chứng MIS-C sớm và điều trị đúng, kịp thời thì diễn tiến thường thuận lợi, trẻ phục hồi tốt.
PGS, TS Hoàng Thị Phượng, Giảng viên cao cấp, Phó Chủ nhiệm bộ môn Nội, Trường đại học Y dược (Đại học Quốc gia Hà Nội) nêu rõ, tuy nhiều người gặp các triệu chứng hậu Covid-19 nhưng không có nghĩa tất cả những người mắc Covid-19 đều đi khám hậu Covid-19, như vậy sẽ rất lãng phí. Nhóm F0 nằm viện, có viêm phổi, điều trị ICU thì sau khi ra viện, bác sĩ sẽ hẹn tái khám định kỳ bốn tuần, tám tuần. Còn nhóm F0 nhẹ, không phải nhập viện thì chỉ đi tái khám khi có triệu chứng hậu Covid-19.
Nguồn: https://nhandan.vn