KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Tin tức hoạt động
Đăng ngày: 09/08/2022 - Lượt xem: 167
Cần thay đổi việc dạy và học môn Ngữ văn

Làm sao để chấm dứt tình trạng dạy và học theo văn mẫu là một câu hỏi luôn khiến dư luận xã hội và các chuyên gia giáo dục quan tâm, trăn trở. Không khó để thấy những bài văn trong trường phổ thông của nhiều học sinh viết giống nhau, không phát huy được sự sáng tạo.

Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)
Vì vậy, cần phải nhìn nhận lại nguyên nhân và tìm những giải pháp để khắc phục triệt để tình trạng dạy học nặng về thuyết giảng và yêu cầu thuộc lòng theo văn mẫu.
Chị Nguyễn Thị Hà, có con đang theo học lớp 3 Trường tiểu học Tân Xuân B (Bình Phước) chia sẻ: Theo quan sát, cô giáo rất tích cực và thường xuyên làm mới cách thức truyền đạt khiến học sinh cảm thấy rất vui và hào hứng với việc học. Tuy nhiên, khi cô giáo ra bài tập làm văn yêu cầu viết một đoạn văn “kể về một việc làm của em để bảo vệ môi trường”, con không viết được gì nhiều ngoài những mẫu cô đã đưa cho.
Ðiều này dẫn đến tình trạng khi gặp một đề bài mà học sinh không thuộc, không kịp ghi nhớ thì sẽ không thể phát triển được các ý. “Với cách dạy và học như vậy sẽ khiến các con không biết làm văn và không có vốn từ để diễn đạt. Thói quen này rất nguy hiểm, dẫn đến hệ quả học sinh thiếu sáng tạo, sẽ làm ảnh hưởng đến các cấp học tiếp theo”, chị Hà lo lắng.
Giảng dạy bộ môn Ngữ văn đến nay đã được 15 năm, cô Nguyễn Thị Mai, giáo viên Trường trung học phổ thông Cộng Hiền, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng cho biết: Ðiều đầu tiên, giáo viên cần phải làm sao để học sinh yêu thích môn học, từ đó các em mới thấy được cái hay, cái đẹp trong môn Ngữ văn. Môn học này có ưu thế là ngoài truyền đạt kiến thức, giáo viên còn có thể giáo dục kỹ năng sống thông qua các bài giảng, từ đó, học sinh phát huy tính gợi mở để có sự sáng tạo trong bài làm.
Giáo viên cần tôn trọng sự sáng tạo của học sinh, bởi vì mỗi học sinh sẽ có cách diễn đạt khác nhau, miễn là các em cảm thụ văn học với ngôn từ phù hợp, chuẩn mực. “Một phần xảy ra tình trạng dạy, học theo văn mẫu là do giáo viên không đổi mới phương pháp dạy học, chỉ áp đặt kiến thức của mình lên học sinh khiến tiết học trở nên một chiều, không có sự tương tác”, cô Mai chia sẻ.
Luôn trăn trở, tìm tòi những phương pháp giảng dạy và học môn Ngữ văn, cô Hoàng Thị Hồng Minh, giáo viên Ngữ văn Trường THPT Thuận Thành số 1, Bắc Ninh cho biết: Trong suốt quá trình giảng dạy, giáo viên yêu cầu các em học sinh tích cực đọc sách và giao cho các em cùng viết tập san chung về thầy cô, nhà trường. Qua đó, các em sẽ yêu thích văn chương và hình thành kỹ năng sử dụng ngôn ngữ.
Ðối với những tiết làm văn, giáo viên cho học sinh liên hệ với thực tế; khuyến khích các em nói ra cảm nhận, suy nghĩ của bản thân. Giáo viên còn dành thời gian để các em được cùng nhau tranh luận và biết bảo vệ quan điểm cá nhân của mình, biết linh hoạt trong cách sử dụng ngôn từ. Ðiều này giúp học sinh khi viết văn có những liên hệ rất thú vị, nằm ngoài sức tưởng tượng của cô giáo.
Về hướng dẫn học sinh kỹ năng viết, đối với văn nghị luận xã hội, cô giáo nên đưa ra các gợi ý, hướng dẫn học sinh cách tìm các dẫn chứng, câu văn, câu thơ tương đồng với đề tài, cho nên khi viết mỗi bạn sẽ có cách thể hiện khác nhau, không có chuyện ra sản phẩm hàng loạt. Với các tác phẩm văn học, ngoài việc hướng dẫn học sinh làm dàn ý, giáo viên còn khuyến khích trong quá trình viết, các em tự diễn đạt bằng lời văn của mình.
 
Cùng quan điểm trên, cô giáo Nguyễn Thị Lan Hương, giáo viên môn Ngữ văn Trường THPT Cao Bá Quát (Gia Lâm, Hà Nội) cho rằng: Ðể học sinh yêu thích môn Ngữ văn, trước hết người giáo viên phải tiếp cận với các phương pháp giảng dạy hiện đại để truyền cảm hứng, đánh thức được sự sáng tạo của người học. Ðồng thời, kịp thời động viên, khích lệ những học sinh viết bằng ngôn từ chân thật, giàu cảm xúc... Giáo viên cần phát huy tối đa được các năng lực của người học và chức năng, bản chất của văn chương, chứ không thể áp đặt kiến thức và cảm xúc của người dạy sang người học.
Theo các chuyên gia giáo dục, học sinh có hứng thú với môn Ngữ văn hay không, có sáng tạo trong bài viết, câu văn có giàu cảm xúc hay không phần lớn phụ thuộc vào phương pháp của giáo viên. Vì vậy, mới đây, Bộ Giáo dục và Ðào tạo đã có văn bản về việc hướng dẫn đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá riêng đối với môn Ngữ văn ở trường phổ thông, áp dụng từ năm học 2022-2023.
Theo đó, Bộ Giáo dục và Ðào tạo yêu cầu sở giáo dục và đào tạo các địa phương chỉ đạo các nhà trường phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh trong quá trình học tập môn Ngữ văn. Giáo viên có thể đưa ra những gợi ý, chỉ dẫn để giúp học sinh đọc, nhưng không lấy việc phân tích, bình giảng của mình để áp đặt hay thay thế cho những suy nghĩ của học sinh; tránh đọc chép và yêu cầu học sinh ghi nhớ kiến thức một cách máy móc.
Ðối với dạy viết, chú trọng yêu cầu học sinh biết cách trình bày ý tưởng một cách mạch lạc, sáng tạo, có sức thuyết phục để qua đó rèn luyện tư duy và cách viết các kiểu văn bản. Ở mỗi bước, giáo viên có thể sử dụng, khai thác ngữ liệu minh họa một cách hợp lý giúp học sinh hiểu được đặc điểm hình thức, ngôn ngữ, phương thức biểu đạt của từng kiểu văn bản; từ đó, giúp học sinh hình thành kỹ năng viết của mình.
Ðáng chú ý, Bộ Giáo dục và Ðào tạo yêu cầu đổi mới cách đánh giá học sinh trong môn Ngữ văn, bảo đảm nguyên tắc phát huy được những mặt tích cực của cá tính, trí tưởng tượng, năng lực ngôn ngữ, năng lực văn học, năng lực tư duy hình tượng và tư duy logic của học sinh. Trong đánh giá kết quả học tập cuối học kỳ, cuối năm học, cuối cấp học, tránh dùng lại các văn bản đã học trong sách giáo khoa để xây dựng các đề kiểm tra đọc hiểu và viết để đánh giá chính xác năng lực học sinh, khắc phục tình trạng học sinh chỉ học thuộc bài hoặc sao chép nội dung tài liệu có sẵn.
Ðồng thời, khuyến khích việc xây dựng và sử dụng các đề mở trong kiểm tra, đánh giá để phát huy cao nhất khả năng sáng tạo của học sinh; xây dựng bộ công cụ đánh giá để hạn chế tính chủ quan, cảm tính của người chấm. Khi nhận xét, đánh giá các sản phẩm của học sinh, cần tôn trọng và khuyến khích cách nghĩ, cách cảm riêng của học sinh trên nguyên tắc không vi phạm những chuẩn mực đạo đức, văn hóa và pháp luật.

Nguồn: https://nhandan.vn/

Tin liên quan