KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Tin tức hoạt động
Đăng ngày: 05/01/2024 - Lượt xem: 342
Chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc

Trẻ em là nguồn hạnh phúc của gia đình, là tương lai của dân tộc, là lớp người kế tục sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Sự nghiệp chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước, các đoàn thể nhân dân, của mọi công dân và mỗi gia đình.

Đảng ta đã khẳng định: “Chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em là vấn đề có tính chiến lược. Đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai của đất nước. (Ảnh minh họa)
NHỮNG KẾT QUẢ NỔI BẬT SAU 10 NĂM THỰC HIỆN CHỈ THỊ 20-CT/TW
Qua hơn 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW ngày 5/11/2012 của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới” (Chỉ thị số 20-CT/TW) đã đạt được những kết quả nổi bật. Nhận thức, ý thức trách nhiệm của nhiều cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, cộng đồng và gia đình đối với công tác trẻ em có sự chuyển biến tích cực, đặc biệt trong thời gian diễn ra dịch COVID-19. Công tác quản lý nhà nước về trẻ em đã có chuyển biến rõ rệt. Việt Nam đã đạt được những tiến bộ ấn tượng, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao về cam kết và thực hiện Công ước Liên hợp quốc về quyền trẻ em, các công ước, điều ước quốc tế có liên quan, các Mục tiêu Thiên niên kỷ và Mục tiêu phát triển bền vững về chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em. Công tác hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em bị tác động bởi dịch COVID-19, phòng chống đuối nước, xâm hại và bạo lực trẻ em ngày càng được quan tâm. Sự tham gia của trẻ em vào các vấn đề liên quan đến trẻ em và hoạt động xã hội được tăng cường. Sự phối hợp giữa các ban, bộ, ngành, đoàn thể, giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em ngày càng chặt chẽ, hiệu quả.
Tuy nhiên, công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em còn một số tồn tại, hạn chế:
Một là, hệ thống pháp luật liên quan đến trẻ em chưa đồng bộ, thiếu quy định về một số lĩnh vực thiết thực đối với trẻ em, như phúc lợi xã hội, công tác xã hội với trẻ em. Hai là, tình trạng trẻ em thiếu vi chất, suy dinh dưỡng, tỷ suất tử vong còn cao. Chăm sóc sức khỏe tinh thần cho trẻ em chưa được quan tâm đúng mức. Trẻ em bị xâm hại tình dục, bị bạo lực trong gia đình và trường học diễn biến phức tạp, nghiêm trọng. Trẻ em bị đuối nước, tai nạn, thương tích, vi phạm pháp luật giảm chậm. Ba là, hệ thống an sinh xã hội, cung cấp dịch vụ xã hội cơ bản, đặc biệt dịch vụ bảo vệ trẻ em chưa rộng khắp, khó tiếp cận và chưa hiệu quả. Bốn là, công tác bảo vệ trẻ em, đặc biệt phòng, chống xâm hại trẻ em tại một số địa phương chưa được quan tâm đúng mức. Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng chưa đáp ứng yêu cầu. Mạng lưới thiết chế văn hóa, thể thao dành cho trẻ em chậm được quy hoạch, chưa được quan tâm đầu tư, nâng cấp.
BẢO ĐẢM CHĂM SÓC, GIÁO DỤC VÀ BẢO VỆ TRẺ EM TỪ SỚM, LIÊN TỤC, TOÀN DIỆN
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, việc thực hiện các cam kết, Công ước Liên hợp quốc về quyền trẻ em, các công ước, điều ước quốc tế có liên quan, các Mục tiêu Thiên niên kỷ, phát triển bền vững tạo ra những điều kiện thuận lợi trong huy động nguồn lực trong chăm sóc, giáo dục, bảo vệ, bảo đảm quyền trẻ em. Tuy nhiên, cũng đối diện với những khó khăn, thách thức như: bảo đảm nguồn lực thực hiện Công ước về quyền trẻ em, các chỉ tiêu quốc gia liên quan đến trẻ em phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế, xây dựng hệ thống phát hiện, can thiệp, hỗ trợ sớm dành cho trẻ em khuyết tật, xóa bỏ lao động đối với trẻ em, … Do đó, cần sớm hoàn thiện chính sách, pháp luật về trẻ em phù hợp với cam kết, công ước và điều ước quốc tế; ứng phó với vấn đề an ninh phi truyền thống, phòng chống tội phạm xuyên quốc gia liên quan đến trẻ em.
Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tưdiễn ra rất nhanh, tác động mạnh mẽ, sâu rộng, đa chiều đến sự phát triển và hạnh phúc của trẻ em. Việc sử dụng công nghệ mang đến những cơ hội đặc biệt, có tiềm năng to lớn trong hỗ trợ sức khỏe và sự phát triển của trẻ em. Điều này giúp trẻ em tiếp cận nhanh, hiệu quả với các dịch vụ xã hội, có cơ hội học tập mới, đặc biệt đối với trẻ em gặp khó khăn về thể chất hoặc phát triển; tăng cường khả năng tiếp cận thông tin, nghệ thuật, khoa học và công nghệ, phát triển kỹ năng xã hội, năng lực sáng tạo, chuẩn bị cho trẻ em tham gia thành công vào xã hội và thị trường lao động số... Cùng với đó, công nghệ kỹ thuật số cũng tạo ra những khó khăn, thách thức đối với việc hoàn thiện chính sách, pháp luật về phát triển công nghệ kỹ thuật số đáp ứng yêu cầu chăm sóc, giáo dục, bảo vệ và bảo đảm quyền trẻ em; ngăn ngừa tình trạng trẻ em lạm dụng, phụ thuộc vào công nghệ, nguy cơ bóc lột lao động, xâm hại, làm cho trẻ em giảm lòng tự trọng, gia tăng sự lo lắng, thiếu tập trung, có hành vi hung hăng, lười vận động...
Kinh tế thị trường tạo ra những điều kiện thuận lợi cho việc chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em thông qua tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho gia đình, phát triển đa dạng các dịch vụ chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em. Tuy nhiên, mặt trái của kinh tế thị trường làm phân hóa giàu nghèo, làm suy giảm một số giá trị đạo đức xã hội, giảm sút sự quan tâm của cộng đồng; gây khó khăn về thời gian và tăng chi phí cho gia đình trong chăm sóc, đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí của trẻ em; làm gia tăng trẻ em lang thang kiếm sống, lao động và xâm hại tình dục trẻ em. Đòi hỏi phải thực hiện các giải pháp xây dựng gia đình, trường học và cộng đồng an toàn, thân thiện với trẻ em.
Để chăm lo bồi dưỡng, giáo dục, phát triển toàn diện và bảo đảm quyền của trẻ em; dành những điều kiện tốt nhất, sự chăm lo chu đáo nhất cho trẻ em - tương lai của đất nước, chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; góp phần xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam, công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong thời gian tới cần tập trung vào những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu sau:
Thứ nhất, tiếp tục tổ chức quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm túc mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp nêu trong Chỉ thị số 20-CT/TW và các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương liên quan đến công tác gia đình. Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật, chiến lược, chương trình, kế hoạch của Nhà nước về trẻ em. Xác định trách nhiệm và hành động cụ thể, gắn việc thực hiện mục tiêu, chỉ tiêu về bảo đảm quyền trẻ em và giải quyết các vấn đề về trẻ em với đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các cấp ủy, tổ chức đảng. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp chịu trách nhiệm cao nhất về công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trên địa bàn do mình phụ trách.
Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên và nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em đối với sự phát triển bền vững, chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao, xây dựng hệ giá trị con người, gia đình và hệ giá trị quốc gia, dân tộc. Phát huy vai trò của các cơ quan thông tấn báo chí trong tuyên truyền chủ trương, chính sách, pháp luật, kiến thức, kỹ năng chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em đến từng gia đình, trường học, cộng đồng dân cư.
Thứ hai, tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, bảo đảm sự phối hợp liên ngành đồng bộ, liên thông trong công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em. Tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung kịp thời pháp luật, chính sách liên quan đến trẻ em. Ưu tiên lồng ghép các vấn đề trẻ em trong quá trình xây dựng pháp luật, chính sách, chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Có cơ chế, chính sách đầu tư dinh dưỡng để nâng cao thể trạng, chiều cao, giảm nhanh tỷ lệ suy dinh dưỡng và tử vong ở trẻ em.
Ban hành quy định pháp luật về công nghệ kỹ thuật số đáp ứng yêu cầu chăm sóc, giáo dục, bảo vệ và bảo đảm quyền trẻ em. Hoàn thiện chính sách, tiêu chuẩn, quy trình về tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản cho trẻ em. Xây dựng cơ chế, chính sách cụ thể khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển cơ sở vật chất, công trình phúc lợi, cung cấp dịch vụ xã hội, sản phẩm văn hóa cho trẻ em, hỗ trợ trẻ em thuộc hộ nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, mồ côi, di cư, trẻ em vùng kinh tế khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo. Xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu về trẻ em liên thông với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu chuyên ngành.
Kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước các cấp về trẻ em theo hướng tinh gọn, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả. Củng cố, phát triển đội ngũ làm công tác bảo vệ trẻ em ở các cấp, nhân viên công tác xã hội, cộng tác viên ở cộng đồng dân cư. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đổi mới phương thức quản lý, điều hành, phối hợp, bảo đảm khoa học, chặt chẽ, hiệu quả trong công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em. Tích cực phòng ngừa và kiên quyết xử lý các hành vi xâm hại, bạo lực, mua bán, bỏ rơi, bắt cóc, gây nguy hại đến trẻ em. Tăng cường giám sát, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện quyền và giải quyết các vấn đề về trẻ em. Rà soát toàn diện, tăng cường quản lý các quỹ từ thiện, quỹ xã hội, cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng, hỗ trợ trẻ em bảo đảm hoạt động theo quy định của pháp luật.
Thứ ba, bảo đảm chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em từ sớm, liên tục, toàn diện. Chú trọng chăm sóc phát triển toàn diện trẻ em trong những năm đầu đời. Phát triển hệ thống phúc lợi xã hội, cung cấp dịch vụ xã hội cho trẻ em liên thông, chất lượng và hiệu quả, nhất là ở vùng kinh tế khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo. Xây dựng và thực hiện các tiêu chí tỉnh, thành phố thân thiện với trẻ em. Đẩy mạnh xây dựng môi trường gia đình, nhà trường, cộng đồng an toàn, lành mạnh, thân thiện với trẻ em.
Tập trung giáo dục đạo đức, lối sống, ý thức trách nhiệm, ý chí và khát vọng vươn lên cho trẻ em. Từng bước thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em dưới 5 tuổi. Xây dựng và triển khai chương trình dinh dưỡng học đường, chăm sóc sức khỏe tinh thần và chương trình giáo dục kỹ năng số. Phát triển hệ thống tư pháp thân thiện với trẻ em và hệ thống bảo vệ trẻ em. Tăng cường bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em trên không gian mạng. Ưu tiên phòng, chống xâm hại, tai nạn, thương tích trẻ em, hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh. Phát triển các sản phẩm văn hóa, tác phẩm văn học - nghệ thuật dành cho trẻ em.
Thứ tư, đẩy mạnh xã hội hóa, tăng cường đầu tư, huy động nguồn lực, thúc đẩy sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em. Phân bổ nguồn lực phù hợp, khả thi để thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, giải pháp, mô hình chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em. Đầu tư xây dựng cơ sở y tế, giáo dục, điểm vui chơi, giải trí, hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao cho trẻ em, nhất là vùng kinh tế khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo. Tích cực hợp tác và hội nhập quốc tế, phát huy thành viên tích cực trong thực hiện Công ước Liên hợp quốc về quyền trẻ em, các phong trào toàn cầu, khu vực về thực hiện và bảo vệ quyền trẻ em.
Thứ năm, tăng cường vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam trong giám sát, phản biện xã hội đối với việc thực hiện quyền trẻ em và giải quyết các vấn đề về trẻ em. Biểu dương, nhân rộng các phong trào, mô hình, sáng kiến chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em.
Tổ chức thực hiện hiệu quả, thiết thực phong trào “Toàn dân chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em” gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các hội viên, đoàn viên tham gia cung cấp thông tin, tư vấn, hỗ trợ thực hiện quyền và giải quyết các vấn đề của trẻ em. Hỗ trợ, hướng dẫn các phong trào người lớn gương mẫu, các mô hình an toàn, lành mạnh, thân thiện với trẻ em và thúc đẩy sự tham gia của trẻ em vào các hoạt động xã hội./.
Đảng ta đã khẳng định: “Chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em là vấn đề có tính chiến lược. Đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai của đất nước. Nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khoẻ, bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ bà mẹ, trẻ em”; “Chăm lo bồi dưỡng, giáo dục, phát triển toàn diện và bảo đảm quyền của trẻ em; dành những điều kiện tốt nhất, sự chăm lo chu đáo nhất cho trẻ em - tương lai của đất nước”.
Nguồn: https://www.tuyengiao.vn
Tin liên quan