Công điện của Thủ tướng Chính phủ về tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ tại khu vực Trung Bộ
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành vừa ký Công điện 964/CĐ-TTg ngày 17/10/2022 của Thủ tướng Chính phủ tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ tại khu vực Trung Bộ.
Công điện gửi: Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng và các tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi; các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Giáo dục và Đào tạo, Công Thương, Quốc phòng, Công an, Lao động - Thương binh và Xã hội, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính; Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai; Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
Hoàn lưu bão số 5, kết hợp với không khí lạnh đã gây mưa rất lớn tại một số địa phương khu vực Trung Bộ, đặc biệt là tại thành phố Đà Nẵng và các tỉnh: Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Nam. Mưa lũ đã làm một số người chết và mất tích, hàng chục nghìn nhà dân ngập sâu, sạt lở đất xảy ra ở nhiều nơi, hàng loạt công trình hạ tầng giao thông, thủy lợi, trường học bị thiệt hại nặng nề.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố nêu trên và lãnh đạo các bộ, cơ quan liên quan tập trung chỉ đạo, khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ để hỗ trợ người dân sớm ổn định đời sống, khôi phục sản xuất, sinh hoạt sau lũ:
1. Các địa phương bị ảnh hưởng của đợt mưa lũ vừa qua, nhất là thành phố Đà Nẵng và các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Trị tập trung chăm lo, bảo đảm cuộc sống cho người dân sau mưa lũ, không để người dân thiếu đói, không để người dân không có chỗ ở, cụ thể:
- Tập trung tìm kiếm người còn mất tích; hỗ trợ cứu chữa người bị thương; tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại do mưa lũ, nhất là các gia đình có người bị chết, mất tích, gia đình chính sách, hộ nghèo, khó khăn.
- Khẩn trương rà soát các hộ có nguy cơ thiếu đói, nhất là hộ nghèo, hộ có nhà bị sập đổ, trôi, hộ ở nơi bị ngập sâu, sạt lở, chia cắt giao thông, tổ chức cứu trợ khẩn cấp lương thực, nhu yếu phẩm, bảo đảm không để người dân bị đói, rét.
- Sắp xếp, bố trí chỗ ở tạm cho các hộ bị mất nhà ở do mưa lũ; huy động các lực lượng quân đội, công an, thanh niên xung kích hỗ trợ người dân sửa chữa lại nhà ở, dọn vệ sinh môi trường, không để bùng phát dịch bệnh sau bão lũ.
- Tập trung khắc phục nhanh công trình hạ tầng thiết yếu bị hư hại, ngập lũ, nhất là trường học, trạm y tế, hệ thống điện, nước sinh hoạt, các tuyến giao thông huyết mạch, công trình thủy lợi, đê điều, hồ đập để sớm cho học sinh trở lại trường, bảo đảm hoạt động khám, chữa bệnh, khôi phục sản xuất sau lũ, góp phần ổn định đời sống cho người dân và chủ động ứng phó với những đợt thiên tai mới,
- Tiếp tục tổ chức lực lượng rà soát khu dân cư, trụ sở cơ quan, trường học có nguy cơ bị ảnh hưởng do sạt lở đất, chủ động sơ tán người và tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm, hạn chế thiệt hại do sạt lở đất.
- Khẩn trương rà soát, thống kê, đánh giá mức độ thiệt hại do mưa lũ, kịp thời báo cáo cấp cơ thẩm quyền theo đúng quy định.
2. Bộ Giao thông vận tải phối hợp với các địa phương chỉ đạo, triển khai khắc phục nhanh nhất các tuyến giao thông trọng yếu, đồng thời bảo đảm an toàn giao thông cho người dân; tập trung huy động lực lượng, vật tư, phương tiện khắc phục ngay các tuyến giao thông bị sạt lở, nhất là khu vực Km32+200 Quốc lộ 9C (tỉnh Quảng Bình) và Quốc lộ 15D đi cửa khẩu quốc tế La Lay (tỉnh Quảng Trị), bảo đảm thông xe nhanh nhất và an toàn giao thông.
3. Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo vệ sinh trường lớp, khắc phục công trình bị hư hỏng; vận động hỗ trợ trang thiết bị giảng dạy, sách vở và đồ dùng học tập cho các trường học, cơ sở giáo dục bị thiệt hại nặng nề do mưa lũ tạo điều kiện cho học sinh trở lại học bình thường sớm nhất.
4. Bộ Y tế chỉ đạo bảo đảm công tác khám, chữa bệnh cho người dân vùng ngập lũ, hướng dẫn xử lý nguồn nước sinh hoạt, xử lý môi trường, không được để phát sinh bệnh dịch sau lũ.
5. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo chuẩn bị giống cây trồng, vật nuôi để phục hồi sản xuất; chủ động hướng dẫn khôi phục sản xuất sau mưa lũ; rà soát, kiểm tra hồ đập thủy lợi, kịp thời sửa chữa khắc phục sự cố hồ đập để chủ động ứng phó và bảo đảm an toàn trong những đợt mưa lũ tới.
6. Bộ Công Thương chỉ đạo khôi phục nhanh hệ thống điện, sản xuất công nghiệp; có phương án cung ứng đủ hàng hóa, tăng cường kiểm soát thị trường, không để tình trạng khan hiếm hàng dẫn tới tăng giá bất hợp lý, tiêu thụ hàng giả, kém chất lượng; rà soát, kiểm tra, kịp thời triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn hồ đập thủy điện.
7. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các địa phương rà soát những hộ dân bị ảnh hưởng mưa lũ, kịp thời đề xuất hỗ trợ lương thực cho các hộ có nguy cơ thiếu đói, bảo đảm ổn định đời sống cho người dân.
8. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chỉ đạo Quân khu 4, Quân khu 5 và các đơn vị trên địa bàn chủ động triển khai lực lượng, phương tiện hỗ trợ vận chuyển lương thực, hàng cứu trợ, nhu yêu phẩm cho người dân, nhất là tại các khu vực còn bị chia cắt, hỗ trợ nhân dân và địa phương khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ theo đề nghị của địa phương.
9. Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư ưu tiên cân đối, bố trí nguồn vốn từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương hàng năm để tập trung hỗ trợ khắc phục nhanh hậu quả thiên tai.
10. Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão số 6, dự báo chính xác, thông tin kịp thời cho các cơ quan chức năng và nhân dân biết để chủ động chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó phù hợp, hiệu quả.
11. Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai đôn đốc các địa phương khẩn trương triển khai công tác khắc phục hậu quả, ổn định đời sống nhân dân; tổng hợp tình hình thiệt hại, nhu cầu hỗ trợ khẩn cấp của các địa phương, phối hợp với các cơ quan có liên quan đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét hỗ trợ kịp thời, theo đúng quy định; đồng thời tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến bão số 6, chủ động chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó theo thẩm quyền; kịp thời báo cáo, đề xuất cấp thẩm quyền chỉ đạo, xử lý những vấn đề vượt thẩm quyền.
Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Vĩnh Thạnh (giai đoạn 1), thành phố Cần Thơ
Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh vừa ký Quyết định số 1255/QĐ-TTg ngày 17/10/2022 của Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Vĩnh Thạnh (giai đoạn 1), thành phố Cần Thơ.
Dự án trên được thực hiện bởi 3 nhà đầu tư: Tổng Công ty đầu tư và phát triển công nghiệp – CTCP; Công ty liên doanh TNHH khu công nghiệp Việt Nam – Singapore và Công ty cổ phần phát triển đô thị và khu công nghiệp Việt Nam Singapore.
Dự án triển khai tại xã Vĩnh Trinh, huyện Vĩnh Thạnh, thành phố Cần Thơ với quy mô 293,7 ha.
Vốn đầu tư của dự án là 3.717.934.951.335 đồng và tương đương 159.911.181 USD.
Vốn góp của nhà đầu tư 557.690.242.700 đồng và tương đương 23.986.677 USD.
Vốn huy động là 3.160.244.708.635 đồng và tương đương 135.924.504 USD.
Thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm kể từ ngày chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm toàn diện về những nội dung được giao thẩm định chủ trương đầu tư dự án và thực hiện quản lý nhà nước về khu công nghiệp theo quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 33, điểm i khoản 2 Điều 69 Luật Đầu tư và pháp luật có liên quan.
Các bộ, ngành có liên quan chịu trách nhiệm toàn diện về nội dung thẩm định chủ trương đầu tư dự án thuộc chức năng, nhiệm vụ của mình theo quy định tại điểm đ khoản 3 Điều 69 Luật Đầu tư và pháp luật có liên quan.
UBND tỉnh Bình Dương bảo đảm, giám sát và kiểm tra việc góp đủ vốn của Tổng Công ty đầu tư và phát triển công nghiệp - CTCP để thành lập tổ chức kinh tế thực hiện dự án theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và pháp luật về doanh nghiệp.
UBND thành phố cần Thơ bảo đảm tính chính xác của thông tin, số liệu báo cáo, các nội dung thẩm định theo quy định của pháp luật; chịu trách nhiệm về sự phù hợp của dự án với các quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; tổ chức lập và phê duyệt đồ án quy hoạch chung xây dựng khu công nghiệp Vĩnh Thạnh theo quy định của pháp luật về xây dựng; bảo đảm cơ cấu sử dụng đất của dự án và khoảng cách an toàn về môi trường tuân thủ Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về quy hoạch xây dựng và quy định khác của pháp luật có liên quan.
UBND thành phố cần Thơ tiếp thu ý kiến của các bộ, ngành kiểm tra, xác định tổ chức kinh tế thực hiện dự án đáp ứng điều kiện được Nhà nước cho thuê đất tại thời điểm cho thuê đất.
Bảo đảm điều kiện cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trong quá trình cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án; không được chuyển phần diện tích quy hoạch phát triển khu công nghiệp Vĩnh Thạnh còn lại đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sang mục đích sử dụng khác khi chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế và quy định khác của pháp luật có liên quan.
UBND thành phố cần Thơ chỉ đạo các cơ quan có liên quan: (i) hướng dẫn nhà đầu tư lập hồ sơ và thực hiện các thủ tục liên quan đến việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa theo quy định của pháp luật về đất đai và Nghị quyết số 45/2022/QH15 của Quốc hội ngày 11/1/2022 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố cần Thơ; (ii) có kế hoạch bổ sung diện tích đất hoặc tăng hiệu quả đất trồng lúa khác để bù lại phần đất trồng lúa bị chuyển đổi theo quy định tại Điều 134 Luật Đất đai; (iii) xác định tổng diện tích đất lúa trên địa bàn thành phố Cần Thơ cần phải duy trì để phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và an ninh lương thực trên địa bàn thành phố cần Thơ.
UBND thành phố cần Thơ chỉ đạo các cơ quan có liên quan và nhà đầu tư xây dựng phương án hoàn trả kênh mương; bảo đảm việc thực hiện dự án không ảnh hưởng tới việc quản lý, vận hành hệ thống thủy lợi và khả năng canh tác của người dân trong khu vực; tuân thủ quy định tại Nghị định số 43/2015/NĐ-CP ngày 6/5/2015 của Chính phủ quy định về lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước.
Đồng thời, chỉ đạo UBND huyện Vĩnh Thạnh phối hợp với nhà đầu tư thực hiện xây dựng nhà ở để bố trí tái định cư cho người dân bị thu hồi đất tại khu vực thực hiện dự án theo quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều 35 Luật Nhà ở; tránh tình trạng khiếu nại, khiếu kiện trong quá trình thực hiện dự án. Nhà ở để phục vụ tái định cư phải có đầy đủ hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội theo quy định tại khoản 6 Điều 35 Luật Nhà ở và phải tuân thủ yêu cầu đối với phát triển nhà ở quy định tại Điều 14 Luật Nhà ở.
Trường hợp khu vực thực hiện dự án có đất công, tài sản công, đề nghị thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, bảo đảm không thất thoát tài sản nhà nước.
Việc giao đất, cho thuê đất đối với các thửa đất nhỏ, hẹp do Nhà nước quản lý đáp ứng tiêu chí theo quy định tại khoản 1 Điều 14a Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai (được bổ sung tại khoản 11 Điều 1 Nghị định số 148/2020/NĐ-CP ngày 18/12/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai)…
Tổ chức Hội nghị toàn quốc về du lịch vào quý I năm 2023
Tại Công văn số 6994/VPCP-KGVX ngày 17/10/2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đồng ý với đề nghị của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc tổ chức Hội nghị toàn quốc về du lịch vào quý I năm 2023 đánh giá hiệu quả hoạt động du lịch sau 1 năm mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới.
Phó Thủ tướng giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ động phối hợp với các địa phương, cơ quan liên quan chuẩn bị kỹ nội dung, chương trình Hội nghị; bảo đảm trang trọng, hiệu quả, thiết thực./.