KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Tin tức hoạt động
Đăng ngày: 23/12/2022 - Lượt xem: 147
Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 21/12

Văn phòng Chính phủ vừa có Thông cáo báo chí chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 21/12.

Phê chuẩn Phó Chủ tịch UBND 2 tỉnh
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh vừa ký các quyết định phê chuẩn kết quả bầu, miễn nhiệm Phó Chủ tịch UBND 2 tỉnh Hưng Yên và Lâm Đồng.
Cụ thể, tại Quyết định 1586/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn kết quả bầu chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên nhiệm kỳ 2021-2026 đối với ông Nguyễn Lê Huy, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Hưng Yên.
Đồng thời, tại Quyết định 1585/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn kết quả miễn nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên nhiệm kỳ 2021-2026 đối với ông Đặng Ngọc Quỳnh để nhận nhiệm vụ mới.
Tại Quyết định 1588/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn kết quả bầu chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng nhiệm kỳ 2021-2026 đối với ông Võ Ngọc Hiệp, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Lâm Đồng.
Tại Quyết định 1587/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn kết quả miễn nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng nhiệm kỳ 2021-2026 đối với ông Đặng Trí Dũng để nhận nhiệm vụ khác.
Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Dương
Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo 386/TB-VPCP ngày 21/12/2022 kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Dương.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Tỉnh tiếp tục tập trung thực hiện nghiêm túc, hiệu quả nhiệm vụ, lãnh đạo bám sát quan điểm chỉ đạo và các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới.
Chủ động, linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành
Cụ thể, về quan điểm chỉ đạo, quán triệt, thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 07/10/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị ban hành kèm theo Nghị quyết số 154/NQ-CP ngày 23/11/2022 của Chính phủ.
Chủ động, linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành, bám sát, nắm chắc tình hình trong nước và quốc tế; sẵn sàng ứng phó với những khó khăn, thách thức, những diễn biến mới, yếu tố bất ngờ.
Thực hiện nhất quán quan điểm phát triển nhanh, hài hòa, bao trùm toàn diện, bền vững, không để ai ở lại phía sau, góp phần phát triển vùng Đông Nam Bộ; cùng cả nước xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, tuyệt đối không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, cũng không hoang mang, lo sợ; phát huy tinh thần tự lực, tự cường, chủ động, tích cực, linh hoạt, đổi mới sáng tạo hiệu quả theo chức năng, thẩm quyền được quy định; giữ vững bản lĩnh, kiên định, kiên trì trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, phù hợp với diễn biến tình hình, nhất là những vấn đề mới phát sinh trên các lĩnh vực.
Phát huy tối đa nội lực, kết hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa nội lực và ngoại lực, giữa sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực phù hợp; cá thể hóa trách nhiệm, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu; nâng cao năng lực thực thi chính sách pháp luật; tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực.
Rà soát, trao đổi, làm việc với các doanh nghiệp liên quan đến bất động sản, phát hành trái phiếu
Về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, Thủ tướng yêu cầu Bình Dương tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ đã đề ra tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, Quốc hội và Chính phủ, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, Thông báo kết luận số 96/TB-VPCP ngày 04/4/2022 về kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Dương.
Bám sát, nắm chắc tình hình, tập trung, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm; đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng để hỗ trợ doanh nghiệp; phát triển đồng bộ nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đảm bảo sự điều tiết của Nhà nước khi cần thiết; rà soát, trao đổi, làm việc với các doanh nghiệp trên địa bàn, nhất là các doanh nghiệp có liên quan tới bất động sản, phát hành trái phiếu, những doanh nghiệp gặp khó khăn trong tiếp cận vốn; cùng các doanh nghiệp đánh giá tình hình, phân loại và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, cơ cấu lại hoạt động, nâng cao hiệu quả; phối hợp chặt chẽ, chia sẻ kịp thời khi doanh nghiệp gặp khó khăn để cùng giải quyết, vượt qua thách thức.
Khẩn trương khắc phục tình trạng thiếu thuốc, sinh phẩm, trang thiết bị y tế; thúc đẩy công tác tiêm chủng vaccine, phòng, chống dịch COVID-19 và các dịch bệnh theo mùa.
Khẩn trương lập, hoàn thiện và trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt Quy hoạch tỉnh 
Tỉnh Bình Dương quan tâm làm tốt công tác quy hoạch, trong đó quy hoạch phải đi trước một bước với tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược; quy hoạch tốt để tạo dự án tốt, thu hút đầu tư tốt, khai thác hiệu quả lợi thế của tỉnh; hoàn thành nhiệm vụ quy hoạch trong nửa đầu năm 2023 theo hướng phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế ban đêm; những vị trí đất có giá trị hiệu quả cao phải quy hoạch dành cho sản xuất, kinh doanh. 
Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương khẩn trương lập, hoàn thiện và trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030; Kế hoạch sử dụng đất 5 năm cấp tỉnh (2021-2025); phê duyệt Quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030 cấp huyện; Kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện để làm căn cứ thực hiện thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất thực hiện dự án đầu tư tại địa phương.
Đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm, thu hút lao động, thúc đẩy tăng năng suất lao động, bảo đảm phát triển đồng bộ hạ tầng cơ sở về xã hội, y tế, giáo dục; tập trung đánh giá, dự báo, điều tra thu thập thông tin thị trường lao động, tăng cường kết nối cung - cầu lao động; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tập trung đào tạo nâng cao trình độ, tay nghề cho người lao động, quan tâm phát triển giáo dục nghề nghiệp, đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Quan tâm việc đảm bảo an sinh xã hội cho người lao động; có chính sách hỗ trợ người lao động quay trở lại thị trường lao động.
Tăng cường huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho phát triển; đẩy mạnh hợp tác công tư để huy động nguồn lực từ doanh nghiệp, người dân và xã hội theo nguyên tắc hài hòa lợi ích giữa người dân, doanh nghiệp và Nhà nước; tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài trên tinh thần hợp tác bền vững, các bên cùng thành công, có lợi với vị trí địa lý thuận lợi, cơ sở hạ tầng tốt, chủ trương, chính sách phù hợp.
Kiên quyết không để tình trạng dự án được giao vốn nhưng không giải ngân được
Tỉnh Bình Dương chú trọng phát triển nguồn nhân lực, tăng cường đầu tư cho văn hóa, giáo dục, xã hội, môi trường theo tinh thần không đánh đổi tiến bộ, công bằng xã hội cho tăng trưởng kinh tế đơn thuần. Giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; làm tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. 
Quan tâm đầu tư nâng cao tiềm lực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, trọng tâm là hạ tầng phục vụ nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ, gắn kết được các trường đại học, viện nghiên cứu với doanh nghiệp để đổi mới công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực; thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; tăng cường công tác bảo hộ và khai thác tài sản trí tuệ.
Về giải ngân đầu tư công, Tỉnh cần rà soát, phân tích kỹ các nguyên nhân giải ngân chậm để kịp thời có giải pháp khắc phục; triển khai nghiêm túc, quyết liệt các Nghị quyết của Chính phủ về giải ngân vốn đầu tư công, Công điện, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản của lãnh đạo Chính phủ về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc từng dự án, nhất là công tác giải phóng mặt bằng; huy động cả hệ thống chính trị cho triển khai nhiệm vụ, làm tốt công tác phối hợp với các địa phương khác.
Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công; phân công cụ thể từng đồng chí lãnh đạo chỉ đạo kiểm tra, rà soát từng dự án cụ thể để có biện pháp xử lý ngay các vướng mắc, mở chiến dịch thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu đạt kết quả giải ngân cao nhất đến hết ngày 31/1/2023. 
Kiên quyết không để tình trạng dự án được giao vốn nhưng không giải ngân được hoặc giải ngân không hết vốn được giao, trong khi nhiều dự án có khả năng giải ngân tốt nhưng không bố trí đủ vốn; thực hiện điều chuyển kế hoạch vốn thuộc thẩm quyền Ủy ban nhân dân tỉnh để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, tăng tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn được giao theo quy định.
Đẩy mạnh triển khai các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; các Chương trình mục tiêu quốc gia; phối hợp triển khai Đề án 06 về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia; chuẩn bị tổ chức tốt tổng kết công tác năm 2022 và triển khai kế hoạch năm 2023 của tỉnh Bình Dương.
 Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 18/2019/QĐ-TTg ngày 19/4/2019 quy định việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái ký Quyết định số 28/2022/QĐ-TTg ngày 20/12/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 18/2019/QĐ-TTg ngày 19/4/2019 quy định việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng.
Trong đó, Quyết định số 28/2022/QĐ-TTg bổ sung quy định mới về hồ sơ, trình tự thủ tục nhập khẩu dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng đối với doanh nghiệp công nghệ cao hoặc dự án hoạt động ứng dụng công nghệ cao hoặc dự án thuộc đối tượng áp dụng ưu đãi đầu tư đặc biệt theo quy định tại khoản 2 Điều 20 Luật Đầu tư.
Theo quy định mới, doanh nghiệp công nghệ cao hoặc dự án hoạt động ứng dụng công nghệ cao hoặc dự án thuộc đối tượng áp dụng ưu đãi đầu tư đặc biệt theo quy định tại khoản 2 Điều 20 Luật Đầu tư được lựa chọn nhập khẩu dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng theo hồ sơ, trình tự thủ tục nhập khẩu quy định tại Điều 7 Quyết định số 18/2019/QĐ-TTg ngày 19/4/2019 hoặc theo hồ sơ, trình tự thủ tục nhập khẩu theo phương thức đơn giản hóa thủ tục nhập khẩu quy định tại Quyết định số 28/2022/QĐ-TTg.
Phương thức đơn giản hóa thủ tục nhập khẩu
Quyết định số 28/2022/QĐ-TTg quy định hồ sơ, trình tự thủ tục nhập khẩu dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng theo phương thức đơn giản hóa thủ tục nhập khẩu đối với doanh nghiệp công nghệ cao hoặc dự án hoạt động ứng dụng công nghệ cao hoặc dự án thuộc đối tượng áp dụng ưu đãi đầu tư đặc biệt quy định tại khoản 2 Điều 20 Luật Đầu tư như sau:
1. Hồ sơ nhập khẩu:
Ngoài hồ sơ nhập khẩu theo quy định của Luật Hải quan, khi làm thủ tục nhập khẩu lô hàng đầu tiên thuộc dây chuyền công nghệ, doanh nghiệp phải bổ sung các tài liệu sau:
- Bản sao Giấy chứng nhận doanh nghiệp công nghệ cao hoặc bản sao Giấy chứng nhận hoạt động ứng dụng công nghệ cao do Bộ Khoa học và Công nghệ cấp hoặc bản sao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc bản sao Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc bản sao Văn bản thỏa thuận với cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong đó ghi nhận dự án thuộc đối tượng áp dụng ưu đãi đầu tư đặc biệt;
- Văn bản cam kết của doanh nghiệp kèm theo danh mục máy móc, thiết bị thuộc dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng dự kiến nhập khẩu theo Mẫu số 01 quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Quyết định 28/2022/QĐ-TTg;
- Văn bản đăng ký giám định dây chuyền công nghệ sau khi dây chuyền công nghệ được nhập khẩu, lắp đặt hoàn thiện, bắt đầu đi vào vận hành có xác nhận của tổ chức giám định được chỉ định kèm theo danh mục máy móc, thiết bị thuộc dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng dự kiến nhập khẩu theo Mẫu số 02 quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Quyết định số 28/2022/QĐ-TTg.
Trường hợp danh mục máy móc, thiết bị thuộc dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng dự kiến nhập khẩu có sự thay đổi, doanh nghiệp gửi Văn bản đề nghị điều chỉnh danh mục máy móc, thiết bị nhập khẩu có xác nhận của tổ chức giám định được chỉ định về Bộ Khoa học và Công nghệ và cơ quan hải quan nơi làm thủ tục nhập khẩu.
2. Trình tự, thủ tục nhập khẩu:
- Doanh nghiệp được đưa hàng hóa về bảo quản theo quy định của pháp luật hải quan sau khi nộp cơ quan hải quan hồ sơ nhập khẩu và tài liệu quy định. Doanh nghiệp chỉ được làm thủ tục nhập khẩu các lô hàng thuộc dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng tại một địa điểm làm thủ tục hải quan.
- Trong thời hạn không quá 12 tháng kể từ ngày đưa lô hàng đầu tiên thuộc dây chuyên công nghệ về bảo quản theo quy định của pháp luật hải quan, doanh nghiệp phải nộp cơ quan hải quan chứng thư giám định. Cơ quan hải quan chỉ làm thủ tục thông quan theo quy định khi hồ sơ nhập khẩu và tài liệu đầy đủ, hợp lệ và chứng thư giám định kết luận dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng đáp ứng tiêu chí quy định. Trong thời gian đưa hàng hóa về bảo quản theo quy định của pháp luật hải quan, doanh nghiệp chỉ được lắp đặt, vận hành dây chuyền công nghệ để phục vụ hoạt động giám định, không được đưa dây chuyền công nghệ vào sản xuất.
Trường hợp dây chuyền công nghệ có độ phức tạp cao, yêu cầu thời gian lắp đặt, vận hành và giám định dây chuyền công nghệ vượt quá thời gian đã cam kết, chậm nhất 30 ngày trước thời hạn nộp chứng thư giám định, doanh nghiệp gửi văn bản đề nghị gia hạn thời gian nộp chứng thư giám định có xác nhận của tổ chức giám định được chỉ định theo Mẫu số 03 quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Quyết định 28/2022/QĐ-TTg về Bộ Khoa học và Công nghệ và cơ quan hải quan nơi làm thủ tục nhập khẩu. Việc gia hạn chỉ được thực hiện một lần và thời gian gia hạn nộp chứng thư giám định không vượt quá 6 tháng so với thời điểm doanh nghiệp đã cam kết lần đầu.
Trường hợp kết quả giám định dây chuyền công nghệ không đáp ứng yêu cầu quy định, doanh nghiệp bị xử lý theo quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan và buộc phải tái xuất.
- Trong thời hạn không quá 05 ngày làm việc sau khi hoàn thành thủ tục thông quan hoặc bị từ chối thông quan, doanh nghiệp gửi báo cáo về Bộ Khoa học và Công nghệ và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi thực hiện dự án theo Mẫu số 04 quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Quyết định 28/2022/QĐ-TTg.
Quyết định số 28/2022/QĐ-TTg nêu rõ đối với trường hợp quy định ở trên, việc giám định dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng được thực hiện tại địa điểm sản xuất của doanh nghiệp hoặc địa điểm triển khai dự án sau khi dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng nhập khẩu được lắp đặt hoàn thiện, bắt đầu đi vào vận hành, trong trạng thái dây chuyền công nghệ đang hoạt động.
Đầu tư nâng cấp, mở rộng cầu Hồ và đoạn tuyến hai đầu cầu trên quốc lộ 38 địa bàn tỉnh Bắc Ninh
Văn phòng Chính phủ vừa ban hành bản 8589/VPCP-CN ngày 21/12/2022 về việc đầu tư nâng cấp, mở rộng cầu Hồ và đoạn tuyến hai đầu cầu trên quốc lộ 38 địa bàn tỉnh Bắc Ninh.
Cụ thể, vừa qua, tỉnh Bắc Ninh có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ về việc đầu tư nâng cấp, mở rộng cầu Hồ và đoạn tuyến hai đầu cầu trên quốc lộ 38 địa bàn tỉnh Bắc Ninh.
Xét kiến nghị trên, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo: Căn cứ ý kiến của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 7394/VPCP-KTTH ngày 7/9/2020 của Văn phòng Chính phủ về việc sử dụng ngân sách địa phương đầu tư quốc lộ qua địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Bộ Giao thông vận tải chủ trì, thống nhất với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, UBND tỉnh Bắc Ninh và các cơ quan liên quan về việc đầu tư nâng cấp, mở rộng cầu Hồ và đoạn tuyến hai đầu cầu trên quốc lộ 38 địa bàn tỉnh Bắc Ninh, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định./.

Nguồn: https://baochinhphu.vn/

Tin liên quan