Lập Hội đồng thẩm định Quy hoạch thăm dò, khai thác, khoáng sản làm vật liệu xây dựng Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định số 773/QĐ-TTg ngày 27/6/2022 thành lập Hội đồng thẩm định Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành làm Chủ tịch Hội đồng thẩm định. Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị làm Phó Chủ tịch Hội đồng thẩm định. 38 thành viên Hội đồng thẩm định là lãnh đạo một số bộ, ban, ngành trung ương và địa phương. Ngoài ra, Hội đồng thẩm định còn có 3 ủy viên phản biện và 2 tư vấn phản biện độc lập.
Bộ Xây dựng là cơ quan thường trực của Hội đồng thẩm định.
Hội đồng thẩm định có nhiệm vụ tổ chức thẩm định Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo quy định của pháp luật về quy hoạch.
Hội đồng hoạt động theo hình thức kiêm nhiệm; chấm dứt hoạt động và tự giải thể sau khi Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Tăng cường quản lý, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong thương mại điện tử
Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Công văn số 3986/VPCP-V.I ngày 28/6/2022 truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh - Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389 quốc gia) yêu cầu các đơn vị tăng cường quản lý, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong thương mại điện tử.
Dự báo trong thời gian tới, tình hình hoạt động lợi dụng môi trường thương mại điện tử để buôn lậu, gian lận thương mại sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh - Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389 quốc gia) yêu cầu các đơn vị tăng cường quản lý, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong thương mại điện tử.
Trong những năm qua, hoạt động thương mại điện tử ở nước ta đã có những bước phát triển đáng kể, các hoạt động kinh doanh, mua bán trực tuyến ngày càng phổ biến đã và đang đem lại những giá trị, lợi ích to lớn cho doanh nghiệp, người tiêu dùng và nhân dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, tình hình dịch bệnh COVID-19 trên thế giới, khu vực và trong nước diễn biến phức tạp, nhu cầu tiêu dùng không qua tiếp xúc trực tiếp với tổ chức, cá nhân cung cấp sản phẩm hàng hóa của người tiêu dùng tăng cao, các tổ chức, cá nhân đã triệt để lợi dụng hoạt động thương mại điện tử, chủ yếu là qua hoạt động chuyển phát nhanh, qua các trang mạng để quảng cáo, giới thiệu, cung cấp thông tin sai lệch về sản phẩm, chào bán các sản phẩm hàng hóa nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng không có hóa đơn, chứng từ, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hảng giả mạo nhãn hiệu nổi tiếng, hàng kém chất lượng, hàng hạn chế kinh doanh, hàng kinh doanh có điều kiện, hàng quá hạn sử dụng... Các lực lượng chức năng ở Trung ương và địa phương đã phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nhiều vụ việc vi phạm với quy mô lớn, tính chất phức tạp, nhiều đối tượng tham gia, số lượng tang vật là hàng cấm, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ lớn, có giá trị cao... xâm phạm đến lợi ích chính đáng của người tiêu dùng, gây tác động, ảnh hưởng xấu đến sự phát triển bền vững của nền kinh tế, đời sống của Nhân dân.
Dự báo trong thời gian tới, tình hình hoạt động lợi dụng môi trường thương mại điện tử để buôn lậu, gian lận thương mại, kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng không có hóa đơn, chứng từ, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng giả mạo nhãn hiệu nổi tiếng, hàng kém chất lượng, hàng hạn chế kinh doanh, hàng kinh doanh có điều kiện, hàng quá hạn sử dụng... sẽ còn tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường.
Chủ động phát hiện, đấu tranh ngăn chặn kịp thời
Để chủ động phát hiện, đấu tranh ngăn chặn kịp thời, hiệu quả tình trạng trên, góp phần làm trong sạch môi trường kinh doanh, tạo niềm tin cho người tiêu dùng, thúc đẩy thương mại điện tử phát triển bền vững, tránh thất thu thuế cho nhà nước, hạn chế tối đa những kẽ hở, không để các đối tượng lợi dụng hoạt động thương mại điện tử để thực hiện các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, tại Công văn số 3986/VPCP-V.I ngày 28/6/2022, Phó Thủ tướng yêu cầu Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch số 399/KH-BCĐ389 ngày 10/10/2020 của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động thương mại điện tử và các văn bản liên quan.
Đồng thời, chủ động, nắm chắc diễn biến tình hình, tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động thương mại điện tử (quảng cáo, giới thiệu, chào bán, vận chuyển, giao nhận hàng hóa); đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ để kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ qua mạng xã hội và các sàn thương mại điện tử.
Tăng cường công tác phối hợp giữa các đơn vị, lực lượng chức năng trong quá trình thực thi nhiệm vụ; kịp thời phát hiện những bất cập, sơ hở, chồng chéo để thống nhất kiến nghị, đề xuất cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.
Đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật và kết quả phát hiện, xử lý các vụ việc vi phạm trong hoạt động thương mại điện tử để nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân; công bố, công khai rộng rãi số điện thoại, e-mail đường dây nóng của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia và Ban Chỉ đạo 389 các cấp, bảo đảm thu thập, xử lý kịp thời tin báo từ người dân và doanh nghiệp về hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên môi trường thương mại điện tử theo đúng Quy chế tiếp nhận, xử lý tin báo về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; có giải pháp hỗ trợ, nâng cao năng lực thực thi pháp luật về thương mại điện tử cho đội ngũ làm công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm về thương mại điện tử.
Xử lý nghiêm hành vi tiếp tay cho đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại
Phó Thủ tướng yêu cầu khen thưởng kịp thời đối với tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc; đồng thời, xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân có hành vi bao che, tiếp tay, bảo kê cho các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động thương mại điện tử.
Phó Thủ tướng giao Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia theo dõi việc thực hiện và tổng hợp kết quả, báo cáo Trưởng ban; đồng thời, tham mưu Ban Chỉ đạo 389 quốc gia tổ chức sơ kết 02 năm thực hiện Kế hoạch số 399/KH-BCĐ389 ngày 10/10/2020 của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động thương mại điện tử, trên cơ sở đó đề xuất Trưởng ban tiếp tục chỉ đạo trong thời gian tới.
Phê duyệt Khung chính sách bồi thường, tái định cư đường nối Ninh Thuận đến Lâm Đồng
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản 544/TTg-CN ngày 27/6/2022 truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành về Khung chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư dự án thành phần 2: Đường từ xã Ma Nới, huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận đến ngã tư Tà Năng, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng.
Cụ thể, xét đề nghị của UBND tỉnh Ninh Thuận và ý kiến thẩm tra của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành có ý kiến như sau:
Phê duyệt Khung chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư dự án thành phần 2: Đường từ xã Ma Nới, huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận đến ngã tư Tà Năng, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng thuộc Dự án Đường nối từ thị trấn Tân Sơn, huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận đi ngã tư Tà Năng, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng.
UBND tỉnh Ninh Thuận và UBND tỉnh Lâm Đồng chịu trách nhiệm toàn diện về tính chính xác của thông tin và số liệu; chỉ đạo thực hiện Khung chính sách đã được phê duyệt theo đúng quy định pháp luật./.
Nguồn: https://baochinhphu.vn/