Tập trung bảo vệ người có nguy cơ
PGS, TS Nguyễn Lân Hiếu (Giám đốc Bệnh viện đại học Y Hà Nội) cho rằng: Hiện nay số lượng ca nhiễm được thông báo hằng ngày không phản ánh thực chất sự nguy hiểm của dịch bệnh. Số ca tử vong và tăng nặng là “hàn thử biểu” để điều chỉnh mức độ phòng, chống dịch. Vậy nên những con số này cần hết sức chính xác. Tuy nhiên, hiện chưa có tiêu chuẩn rõ ràng của tử vong do Covid-19 gây ra dẫn đến con số này vẫn còn cao (xấp xỉ 100 ca/ngày).
Thực tế rất nhiều trường hợp tử vong nhưng không phải do Covid trực tiếp gây ra. Số lượng bệnh nhân nhập viện điều trị tại Bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19 đã giảm tới 50% so với một, hai tuần trước; cùng với đó, biến thể Omicron không tăng nặng như Delta, đặc biệt trên quần thể đã tiêm đủ vắc-xin như Việt Nam. Qua đó, PGS, TS Nguyễn Lân Hiếu cho rằng chỉ trong hai, ba tuần nữa, dịch Covid-19 trở lại bình thường… Ðây chính là những tín hiệu cho thấy dịch đang đi đến giai đoạn cuối, đã đến lúc coi Covid-19 là bệnh chuyên khoa.
Bệnh viện Hữu nghị Việt Ðức vừa trở thành một trong những đơn vị đầu tiên “bình thường hóa” hoạt động chuyên môn chăm sóc, điều trị, phẫu thuật cho ba người bệnh nhiễm Covid-19. Bệnh viện đã chủ động tiếp nhận, cấp cứu, mổ cấp cứu, hồi sức sau mổ và chăm sóc điều trị người bệnh Covid-19, bảo đảm tính linh hoạt cũng như dần đưa bệnh Covid-19 trở thành bệnh chuyên khoa ở người bệnh nói chung và người bệnh cần phẫu thuật nói riêng.
Thời gian tới, Bộ Y tế và các địa phương sẽ tập trung đánh giá xu hướng tăng/giảm ca nặng, số ca nhập viện so với số ca mắc để đánh giá nguy cơ tình hình dịch, không để quá tải hệ thống y tế; nâng cao năng lực thu dung, điều trị; giảm đến mức thấp nhất các trường hợp tử vong; chủ động, sẵn sàng các biện pháp phòng, chống dịch theo diễn biến dịch bệnh trên địa bàn nhằm phát hiện sớm, điều trị sớm, hạn chế tối đa các trường hợp chuyển biến nặng, tử vong; tăng cường theo dõi, giám sát sức khỏe người nhiễm vi-rút để kịp thời liên hệ với cơ sở y tế ngay khi có nhu cầu.
Các địa phương cũng đang có những điều chỉnh phù hợp. Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh vừa có văn bản yêu cầu các đơn vị liên quan và các quận, huyện, thành phố Thủ Ðức triển khai đợt cao điểm chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ cao (người trên 65 tuổi, có bệnh nền). Tất cả những người thuộc nhóm nguy cơ cao sẽ được tiêm vắc-xin; các trường hợp dương tính với Covid-19 sẽ được cấp ngay thuốc kháng vi-rút, chăm sóc, theo dõi kịp thời. Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 phường, xã, thị trấn “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” để cập nhật danh sách người thuộc nhóm nguy cơ cao, xét nghiệm nhanh để có biện pháp xử lý phù hợp.
Tại Hà Nội, nơi có hàng chục nghìn ca mắc Covid-19 mới mỗi ngày nhưng tỷ lệ nhập viện, điều trị rất thấp, Sở Y tế Hà Nội đã yêu cầu các đơn vị liên quan đề xuất các kịch bản, phương án, biện pháp khi số ca nhiễm Covid-19 tiếp tục tăng trong thời gian tới. Các quận, huyện, thị xã tiếp tục đặt nhiệm vụ trọng tâm là tiêm chủng vắc-xin, đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng mũi bổ sung, mũi nhắc lại theo hướng dẫn của Bộ Y tế, hoàn thành trong quý I năm 2022.
Sở Y tế cũng yêu cầu các đơn vị tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 tới người dân, đặc biệt, quan tâm đến nhóm đối tượng nguy cơ cao, phụ nữ mang thai chưa được tiêm vắc-xin. Chiến lược tiếp theo vẫn là phủ vắc-xin như theo chỉ đạo của Chính phủ đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin cho trẻ từ 5 đến đưới 12 tuổi; nghiên cứu tiếp tục tiêm mũi 4; tập trung đối tượng nguy cơ cao…
Thay đổi phương thức quản lý
Theo Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, khi mở cửa, chúng ta chuyển phương thức quản lý rủi ro và quản lý yếu tố tăng nặng của bệnh nhân thay cho phương thức quản lý ca bệnh như trước đây. Hệ thống y tế tăng cường năng lực để có thể kiểm soát tốt tình hình dịch, kiểm soát tốt nguy cơ cũng như tỷ lệ tử vong với người mắc Covid-19, nâng cao năng lực tư vấn, hỗ trợ điều trị Covid-19, dự phòng cơ số thuốc kháng vi-rút, thuốc hỗ trợ điều trị Covid-19, vật tư y tế cần thiết… tại các trạm y tế phường, xã, trạm y tế lưu động nhằm đáp ứng nhu cầu tự điều trị tại nhà của người dân và giảm tải cho các cơ sở y tế, bệnh viện tuyến trên.
Bộ Y tế cũng sẽ phối hợp chặt chẽ các bộ, ngành liên quan tổ chức triển khai hoạt động phòng, chống dịch, như phối hợp Bộ Giáo dục và Ðào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để thường xuyên đánh giá tình hình dịch bệnh, chuẩn bị sẵn sàng các phương án đáp ứng dịch khi đưa học sinh quay lại trường học và mở cửa du lịch…
Một trong những vấn đề đang nổi lên, thu hút sự quan tâm nhiều trong thời gian gần đây là vấn đề hậu Covid-19, một khái niệm đã được Tổ chức Y tế thế giới đưa ra từ tháng 10/2021. Theo PGS, TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cũng cho rằng đã đến lúc cần quan tâm hơn đến hậu Covid-19.
Hậu Covid-19 xảy ra ở người có tiền sử nhiễm SARS-CoV-2, thường là ba tháng với các triệu chứng và kéo dài ít nhất hai tháng mà không thể giải thích bằng chẩn đoán thay thế. Hậu Covid-19 có thể khiến sức khỏe con người bị suy giảm kéo dài, có tác động nghiêm trọng đến khả năng quay trở lại làm việc hoặc tham gia cuộc sống xã hội. Người có triệu chứng hậu Covid-19 bị ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần và có thể gây ra những hậu quả kinh tế đáng kể cho bản thân, cho gia đình và cho xã hội.
Không giống một số hội chứng hậu bệnh lý khác có xu hướng chỉ xảy ra ở những người đã bị bệnh nặng, hậu Covid-19 có thể xảy ra với bất kỳ người nào đã mắc Covid-19, ngay cả khi bị bệnh nhẹ. Tuy nhiên với những người mắc Covid-19 mức độ nặng/nguy kịch, cần can thiệp y tế nhiều trong giai đoạn điều trị, những người có bệnh nền thì các vấn đề về hậu Covid-19 sẽ nhiều và trầm trọng hơn.
Hiện nay, đối với những di chứng về mặt tinh thần của người bệnh, Bộ Y tế đã giao Bệnh viện Tâm thần Trung ương xây dựng phác đồ cụ thể để hướng dẫn các bác sĩ điều trị các triệu chứng liên quan. Bộ Y tế cũng đã chỉ đạo các bệnh viện hướng dẫn, đưa ra những bài tập để giúp người dân tập luyện phục hồi chức năng.
Tuy nhiên, PGS, TS Lương Ngọc Khuê khẳng định, hậu Covid-19 không hề đáng sợ. Chúng ta sẽ không còn hoang mang nếu chúng ta hiểu rõ về nó. Theo ghi nhận thực tế của các bác sĩ, hầu hết những biến chứng hậu Covid-19 không gây nguy hiểm hay tử vong, mà chủ yếu ảnh hưởng đến cuộc sống hằng ngày của người bệnh. Nhiều trường hợp đã vượt qua các triệu chứng phổ biến hậu Covid-19 như trầm cảm, mất ngủ, lo âu kéo dài… chỉ bằng cách thay đổi suy nghĩ, tập luyện và cân bằng lại tâm lý. Những trường hợp có bệnh nền, tổn thương đã được bác sĩ hẹn khám lại thì cần phải đi tái khám.
Nguồn: https://nhandan.vn