Ngày 28/11, Cục Y tế dự phòng tổ chức hội nghị trực tuyến về công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm.
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Hưng Yên
Theo báo cáo tại hội nghị, tình hình dịch bệnh trên thế giới và Việt Nam có diễn biến phức tạp. Trong đó, một số bệnh như đậu mùa khỉ, sốt xuất huyết, sốt rét và các bệnh có vắc xin phòng bệnh từ lâu (sởi, ho gà...) có xu hướng gia tăng tại nhiều quốc gia trên thế giới. Tổ chức Y tế thế giới đã thông báo bệnh đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp toàn cầu về y tế công cộng.
Tại Việt Nam, từ đầu năm đến nay có 125.941 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 20 ca tử vong; 72.453 trường hợp mắc bệnh chân tay miệng. Số mắc, tử vong do các bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng giảm so với cùng kỳ năm 2023, song tăng cục bộ ở một số địa phương. Bệnh dại và các bệnh dự phòng bằng vắc xin như sởi, ho gà... ghi nhận số mắc tăng cao so với cùng kỳ năm 2023. Ghi nhận 2 trường hợp mắc cúm A(H5N1), trong đó có trường hợp tử vong; ghi nhận trường hợp đầu tiên mắc cúm A(H9N2) và trường hợp liệt mềm cấp nghi bại liệt.
Bộ Y tế đã tham mưu với Trung ương, Chính phủ ban hành các nghị quyết, quyết định và các văn bản chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh. Chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị, địa phương triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh trong dịp Tết, mùa lễ hội đầu năm, trong giai đoạn giao mùa; chỉ đạo các địa phương bảo đảm hậu cần, kinh phí, thuốc, vắc xin, sinh phẩm, vật tư, hóa chất, trang thiết bị, nhân lực để sẵn sàng phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh.
Dịch bệnh truyền nhiễm luôn diễn biến khó lường và tiếp tục có nguy cơ xuất hiện, lây lan các biến thể mới, các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới nổi. Trong thời gian tới, cần tiếp tục thực hiện nghiêm các Công điện của Thủ tướng Chính phủ và các hướng dẫn của Bộ Y tế về công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm. Các tỉnh, thành phố huy động các ban, ngành, tổ chức chính trị- xã hội phối hợp với ngành Y tế triển khai hiệu quả các hoạt động phòng, chống dịch bệnh và công tác tiêm chủng mở rộng. Theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, chủ động công tác giám sát ca bệnh, giám sát tác nhân gây bệnh và xử lý triệt để ổ dịch bệnh lưu hành, các bệnh dự phòng bằng vắc xin, bệnh viêm phổi nặng do vi rút và các bệnh lây qua đường hô hấp, các bệnh nguy hiểm, bệnh mới nổi. Thường xuyên rà soát, tổ chức tiêm bù, tiêm vét; duy trì và tăng cường tỷ lệ tiêm chủng các vắc xin trong tiêm chủng mở rộng. Bảo đảm công tác thu dung, điều trị kịp thời, hạn chế tối đa các trường hợp chuyển nặng, tử vong...
Nguồn: https://baohungyen.vn/