KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Di tích lịch sử văn hóa
Đăng ngày: 13/12/2018 - Lượt xem: 650
Có một “biệt phủ” ở thị trấn Như Quỳnh

Thị trấn Như Quỳnh (huyện Văn Lâm) nằm trên đất làng Như Quỳnh xưa. Vào thời Lê- Trịnh, mảnh đất này được gọi là Như Kinh (như kinh thành) bởi sự hiện diện của một thế gia và một tòa phủ đệ lộng lẫy ở đó. Đến giờ, dòng họ Trương trâm anh thế phiệt thì vấn có nhiều người biết, nhưng tòa biệt phủ tráng lệ ngay trong lòng làng Như Quỳnh thì ngay đến người bản địa ở đây vẫn có người chưa bao giờ được nghe nói. Dù rằng, tòa phủ đệ ấy, đã được ghi vào cả tư liệu hàn lâm đương thời lẫn truyền ngôn trong dân gian khắp vùng Kinh Bắc…

1. Phủ Chí Nguyên  
Lịch sử đôi khi lặp lại. Ở vùng đất Như Quỳnh, có mô- típ cuộc gặp gỡ giữa một vị vương giả với một cô gái thứ dân được lặp lại đến lần thứ hai, gần như trùng khít về chi tiết và không gian, dù cách nhau đến gần 500 năm. Có thể, đó là những dị bản của giai thoại dân gian, nhưng khi nó đã đi vào văn bản, được khắc trên bia đá, được in trong gia phả thì hoá ra, nó lại là một phần của chính sử. Thời Lý, bên bờ sông Nguyệt Đức, ở gò Tự Vũ vùng Ghênh, đã diễn ra cuộc gặp lịch sử giữa Lý triều đệ tam hoàng đế Lý Thánh Tông với cô thôn nữ hái dâu Lê Thị Khiết. Và sau đó, người con gái hái dâu đã trở thành vị Nguyên phi lừng lẫy trong lịch sử nước Việt, hai lần nhiếp chính, giúp triều Lý đứng vững qua bão giông thời cuộc. Gần 500 năm sau, cũng tại gò Tự Vũ, một cuộc gặp gỡ khác đã diễn ra. Đó là một thiên tình sử giữa Tấn Quang Vương Trịnh Bính - con trai của Lương Mục Vương Trịnh Vịnh, cháu đích tôn của Chiêu tổ  Khang Vương Trịnh Căn với một người con gái thường dân tài sắc vùng này…
Chuyện kể rằng, mùa xuân năm ấy, Tấn Quang vương Trịnh Bính du xuân mạn Kinh Bắc, khi kiệu nhà chúa qua sông Nguyệt Đức, đến khu vực gò Tự Vũ, thấy trời nước hữu tình, nhà chúa cho ghé vào ngắm cảnh, bỗng nghe thấy tiếng hát véo von:
“Tay cầm bán nguyệt xênh xang
Hàng trăm giặc cỏ lai hàng tay ta
Mặc ai che tán che tàn
Ta đây mặc sức nghênh ngang cõi bờ”.
Thấy giọng hát hay mà khẩu khí thì phi phàm, nhà chúa cho lính đi mời người hát. Khi cô gái đến, chúa hỏi sao thấy kiệu chúa, người dân đều đổ xô đến xem mà sao cô vẫn cắt cỏ. Cô gái thản nhiên trả lời: “Chúa ngự giá là việc của chúa, còn tôi cắt cỏ là việc của tôi”. Thấy cô gái tỏ vẻ sắc sảo, chúa lại hỏi khó: Từ sáng tới giờ cô cắt được bao nhiêu ngọn cỏ mà dám hát “trăm hàng giặc cỏ”. Cô gái nhìn thấy thị vệ của chúa có dắt theo con ngựa bèn trả lời: “Bẩm chúa, từ sáng tới giờ ngựa của chúa đi bao nhiêu bước, tôi cũng cắt được từng ấy ngọn cỏ”… Qua chuyện trò đối đáp, chúa rất ưng dạ, lại thấy cô gái đẹp người đẹp nết, bèn mang về làm phi.
Người con gái ấy là Trương Thị Ngọc Chử, trưởng nữ tài sắc của cụ Trương Dự. Theo một số tài liệu, gia đình cụ Trương Dự làm nghề hát xướng. Nhưng theo gia phả, cụ Trương Dự vốn dòng dõi võ tướng, là tằng tôn của danh tướng Trương Lôi phò Lê Lợi khởi nghĩa, có công lớn trong trận đánh tại ải Chi Lăng, chém chết Liễu Thăng, được vua ban cho quốc tính, gọi là Lê Lôi. Chuyện Trương Thị Ngọc Chử vào cung, cũng được cho rằng, đó là kết quả của việc phong thuỷ tụ. Truyện rằng, bấy giờ họ Trương nhà nghèo, bán nước ven đường kiếm sống. Một hôm có vị đạo sĩ vào quán được họ Trương chào mời rất cung kính. Đạo sĩ cảm ơn lòng tốt bằng cách chỉ cho huyệt đất quý. Xong việc đạo sĩ chỉ bảo họ Lã ở đầu ngõ Hàng Nghiên. Họ Trương tìm đến tạ lễ nhưng không có ai họ Lã, chỉ có miếu thờ Thuần Dương tổ sư, tên hiệu của Lã Đồng Tân, mới biết nhà được tiên ông ban phúc. Sau đó họ Trương sinh ra Ngọc Chử rồi duyên may gặp được Tấn Quang vương mê người mê nết và giọng hát hay được kén làm phi.
Trương Thị Ngọc Chử kết hôn với Trịnh Bính, đến năm 1686, khi 17 tuổi, bà sinh Trịnh Cương. Và đến năm Trương Thị Ngọc Chử 28 tuổi (năm 1697) bà được tiến cử Thái phi. Theo Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục thì năm 1702, bà Ngọc Chử 33 tuổi thì Tấn Quang Vương Trịnh Bính đột ngột qua đời khi đó thế tử Trịnh Cương mới 16 tuổi. “Nay Bính chết, Căn thấy mình tuổi già mà người thừa kế chưa  ổn  định, bèn triệu bồi tụng Nguyễn Quý Đức vào hỏi. Quý Đức thưa: "Trọng trách trông coi việc nước, vỗ về quân lính, phải thuộc về người chắt chưởng (thế đích tằng tôn), xin định ngay danh phận, để cắt đứt sự dòm ngó". Căn lại hỏi Đặng Đình Tướng, Đình Tướng cũng thưa như lời Quý Đức. Lúc ấy Trịnh Căn mới cả quyết, bèn dùng Cương kế tự, làm tờ biểu tiến phong Cương làm khâm sai tiết chế các dinh quân thủy quân bộ kiêm giữ hết cơ quan chính quyền, chức thái úy, tước An quốc công, mở phủ Lý quốc”.
          Khi Trịnh Căn mất, Trịnh Cương lên ngôi, nhiều thành viên trong Trương tộc được cất nhắc, bổ dụng, tấn phong. Cụ Trương Dự, cha đẻ Trương Thị Ngọc Chử, ông ngoại Trịnh Cương được tấn phong là Thái tể, Diên quận công. Khi Trương Dự mất (ngày 6 tháng 8 năm Vĩnh Thịnh thứ 12 (1717), theo quy định, “từ khi Trung hưng về sau, các đời chúa Trịnh thờ cúng các tổ tiên bên ngoại, đều lập từ đường ở Kinh sư, gọi là đền ngoại phủ” cụ được truy phong là Diên Khánh công. Các em của Trương Thị Ngọc Chử là Trương Nhưng, Trương Nhiêu, Trương Lực cũng đều được cất nhắc hợp với tài sức của mỗi người. Trương Nhưng dần qua các chức Đô đốc phủ, Tả Đô đốc, Thự phủ sự (chức thứ nhì trong triều sau Chưởng phụ sự), Thái bảo. Tuy rất thân thích với nhà chúa, nhưng Trương Nhưng vẫn tỏ ra đức độ và khiêm nhường, ra sức làm việc công, có nhiều công tích trong việc đúc tiền, đánh dẹp loạn đảng... Sử đã chép về cụ như sau: “Trương Nhưng, em ruột Trương thái phi. Nhưng dầu là người có công và ngoại thích, mà lúc nào cũng ôn hòa và giản dị, giao du với ai không làm cho người ta trái ý”. Khi đang làm đốc suất Nghệ An (theo sách Khâm định Việt sử, còn sách Lịch triều tạp kỷ lại cho rằng lúc ấy cụ đang coi trấn Hải Dương) thì “Trịnh Giang có tính hay nghi kỵ, Giang ngờ Trương Nhưng phụ họa bè đảng với đại thần, hoạn quan Hoàng Công Phụ lại gièm pha vào. Vì thế, Giang mật sai Dật trung hầu (hoạn quan, không rõ tên) giả nói là có lệnh chỉ bí mật, bắt Trương Nhưng thắt cổ chết đi”. Tuy vậy, khi cụ mất, cũng được truy phong là Thái tể Thiêm quận công, lại gia phong Khiêm cung Đoan nhã Khoan hậu Thuần công An hòa Duệ Chí Đại vương.
          Các cụ Trương Nhiêu, Trương Lực cũng được Trịnh Cương tuỳ tài mà phong cho nhiều chức tước. Trương Nhiêu làm tới chức Phấn Quận công nhưng vẫn giữ được nếp nhà, bình dân, giản dị, dốc lòng phụng sự đất nước. Trong “Công đức bi ký” tại Từ vũ đã ghi lại như sau: Ông thứ hai (tức Phấn Quận Công Trương Nhưng) tính chất phác đoan lương, mềm dẻo ôn hòa. Từ nhỏ đã giúp việc tiên triều. Đến nay còn thừa giúp vua. Từng giữ các nơi hiểm yếu, tiếng tăm tỏ rõ. Khi ra ngoài coi sóc việc quân thì lập công hiển hiện. Lúc vào chầu chính phủ thì mật bàn việc cơ yếu. Hưởng nhiều ân sủng, vinh phong phẩm trật ngất cao. Đến nay việc vỗ về ở biên ải phía Nam, giúp dân được yên, dẹp được giặc cướp. Làm yên ổn nơi phong trần một cõi. Đời hàm ơn dằng dặc tựa Phần Dương".
Không chỉ cất nhắc thành viên trong họ nhà ngoại, để thể hiện lòng hiếu kính với cha mẹ, chúa Trịnh Cương còn đổi tên địa điểm cuộc gặp gỡ kỳ ngộ của cha mẹ mình từ gò Tự Vũ thành gò Kỳ Ngộ. Sau này, khu vực đó được xây cất khu đền thờ thân phụ bà Trương Thị Ngọc Chử và dòng họ Trương tại Như Quỳnh, đó là Từ vũ họ Trương. Bên cạnh đó, Trịnh Cương còn sai đem gỗ, đá từ Thanh Hoá ra xây một khu dưỡng già cho mẹ là Trương Thị Ngọc Chử ở làng Như Quỳnh, gọi là Phủ Chí Nguyên (với ý tứ dòng dõi nhà Trịnh kể từ thời Trịnh Cương đều từ đấy mà ra).
Tuy thế, đến bây giờ, nhiều người vẫn không công nhận ở Như Quỳnh tồn tại Phủ Chí Nguyên, họ gọi bãi đá cổ ấy là di vật còn lại của Nhà thờ họ Trương, với lý sự rằng, rõ ràng, giờ đây họ Trương đã trùng tu lại nhà thờ họ trên nền di tích ấy. Điều đó đã khiến tôi phải lục tìm lại một số thư tịch và văn bia cổ…
         
2. Từ tài liệu hàn lâm…
          Theo sử sách, Trịnh Cương được coi là một nhà cải cách, một vị chúa minh trị. Cùng với các chúa Trịnh Tạc, Trịnh Căn, Trịnh Cương đã làm cho đất nước “việc chiến tranh đã yên, trong nước bình trị, cho nên trong thời kỳ ấy các chúa mới sửa sang và chỉnh đốn lại những phép tắc, luật lệ, việc thuế khóa, sự học hành, thi cử, v.v...”. Bên cạnh việc có các chính sách cai trị khiến cho xã hội yên ổn, kinh tế phát triển, Trịnh Cương còn rất khiêm nhường và tỏ ra cung kính vua Lê. Những chi tiết rất nhỏ như kiên quyết không mặc đồ vàng (màu dành riêng cho vua), dù được vua Lê uỷ quyền, vẫn không thay vua tế đàn Nam Giao… cho thấy ông rất trung thành với chủ trương và đường lối chính trị của Trịnh Kiểm, Trịnh Tùng.
          Tuy nhiên, Trịnh Cương cũng có phần xa xỉ trong việc lập các cung, phủ. Trong đời mình, ông đã cho lập nhiều phủ đệ như Hành cung Cổ Bi, Tử Dương thích phủ (Phủ ngoại thích Tử Dương ở thôn Tử Đông, xã Lý Thường Kiệt, huyện Yên Mỹ, Hưng Yên ngày nay), phủ đệ và từ đường ở My Thữ (Cẩm Giàng, Hải Dương, sau phủ đệ và từ đường này bị quân khởi nghĩa Nguyễn Tuyển, Nguyễn Cừ đốt phá). Đến nỗi, các sử thần nhà Nguyễn sau này đã phải thốt lên: “Từ đường, phủ đệ ở các làng ngoại thích như Tử Dương và My Thữ xây dựng cực kỳ nguy nga đẹp đẽ. Những người xưng là nội sứ (bầy tôi hầu hạ trong cung cấm) tỏa ra bốn phương bắt lấy vật liệu, vì bọn này ức hiếp hà khắc, nên người làm ruộng, người đi buôn mất hết nghề nghiệp. Nhân dân đi dần đến chỗ không thể chịu nổi”. Nhưng xét theo góc độ khác, ta cũng thấy rằng, Trịnh Cương là một trong những vị chúa anh minh của nhà Trịnh, theo sử sách ghi lại, các việc làm của ông đều rất thấu đáo. Việc tạo lập cho mẹ mình một hành cung riêng để dưỡng già, ngoài việc báo hiếu, biết đâu còn ẩn chứa những toan tính khác. Nếu nhìn tổng thế, các cung, phủ này như tạo thành một trục thẳng nối Thăng Long ra xứ Đông: từ Thăng Long, qua hành cung Cổ Bi, phủ Chí Nguyên, đến Tử Dương thích phủ…
          Có quy mô lớn hơn phủ Tử Dương và My Thữ, nhưng việc xây dựng phủ Chí Nguyên của Trịnh Cương lại hầu như không được pho chính sử nào ghi lại. Người ta chỉ có thể suy luận việc xây dựng khu Chí Nguyên này qua các chi tiết liên quan được ghi trong chính sử về sự việc khác mà thôi. Trong Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục, Quốc sử quán triều Nguyễn đã có đoạn nói về việc Trịnh Cương xây hành cung: “Khi tuổi đã về già, Trịnh Cương đi tuần du không có tiết độ. Nhiều lần sai bọn hoạn quan chia nhau đi sửa dựng các chùa ở núi Độc Tôn và Tây Thiên để phòng bị khi đi du ngoạn. Cổ Bi là một địa điểm nổi tiếng ở vùng Kinh Bắc, tiếp giáp với xã Như Kinh, mà Như Kinh là quê hương Trương thái phi, mẹ đẻ Trịnh Cương, nên Cương thường tuần du đến xã ấy. Vì mê hoặc về thuyết phong thủy, Cương muốn dời phủ đệ đến ở đất này, bầy tôi hắn lại nhiều người a dua phụ họa. Hắn bèn sai xây dựng phủ đệ mới, công việc làm một tháng đã hoàn thành, đặt tên là phủ Kim Thành”.       
          Một chi tiết nữa cũng khá quan trọng, cũng trong Khâm định Việt Sử Thông Giám Cương Mục, đó là chi tiết: “Sau khi ở Phật Tích trở về, Trịnh Cương lại đi Như Kinh, khi đi giữa đường, mắc bệnh rồi chết ngay, phải bí mật đưa về phủ, mới phát tang”.
          Từ những cứ liệu như thế, ta có thể thấy rằng, sinh thời, Trịnh Cương rất hay về vùng đất Như Kinh, thậm chí ở đó qua đêm. Và như vậy, phải có một chỗ ở tương xứng với vị trí của ông tại đó. Thế nên, chắc chắn, khu vực này phải có một hành cung nữa.
          Ở một góc độ khác, trong Thế phả họ Trương (Kinh Bắc Như Quỳnh Trương thị quý thích thế phả)[1] do Lê Quý Kiệt biên tập và viết lời bạt, phần Biệt phả, khi chép về bà Trương Thị Ngọc Chử, có viết việc sau khi Trịnh Cương lên ngôi chúa đã cho dùng toàn gạch, đá, gỗ và ngói tu sửa Gia miếu họ Trương ở thôn Lê Xá, xã Như Quỳnh, và đổi gọi là phủ miếu Chí Nguyên. Theo các cụ cố lão truyền lại thì phủ miếu Chí Nguyên được dựng trên khuôn viên rộng hơn ba mẫu Bắc Bộ (chừng hơn 10 nghìn mét vuông), quy mô khá đồ sộ.
          Bên cạnh đó, trong một tư liệu khác, cũng nói đến phủ miếu Chí Nguyên. Đó là bản Lý triều đệ tam Hoàng Thái hậu cổ lục thần tích quốc ngữ diễn ca văn (Văn diễn ca bằng quốc ngữ thần tích sao chép từ bản cổ Hoàng Thái hậu thứ ba triều Lý) [48] của bà Trương Thị Ngọc Trong, cháu của Trương Thị Ngọc Chử, là Thị nội Cung tần trong phủ chúa, phần cuối có câu: "Chí Nguyên phủ miếu phụng thủ bản tàng", nghĩa là: Ván khắc được lưu giữ ở phủ miếu Chí Nguyên.
          Với Từ vũ họ Trương thì tư liệu có vẻ phong phú hơn. Trước tiên phải kể đến văn bia tại đây. Ở mặt trước bia thứ nhất, Lưu ân di ái chi bi, sau khi nêu công trạng của cụ Trương Dự có ghi rõ: “…Các quan viên trên dưới của năm xã Như Kinh, Ngô Xuyên, Ngọ Cầu, Yên Xuyên, Đình Luân hiệp cùng nhau xin với Vương mẫu cho dựng đền thờ ông.Xuân thu bốn mùa lo hương hoả thờ cúng, lo đồ tế thờ…” và “bà Vương mẫu vui lòng đồng ý. Bà sai lấy ruộng tốt phân cho năm xã cùng làm đồ lễ lo phần xôi và thịt được thịnh soạn”.
          Theo lệ nhà Trịnh, tổ tiên bên ngoại của các chúa cũng được lập phủ thờ ở kinh đô Thăng Long, gọi là đền ngoại phủ. Cụ Trương Dự (là ông ngoại của Trịnh Cương) cũng vậy, khi chết, được lập phủ thờ ở chùa Quán Sứ [16, tr.767]. Như vậy, Từ vũ chỉ là nơi thờ vọng cụ Trương Dự mà thôi.
          Từ vũ cũng là nơi phối thờ của các con cụ Trương Dự là Trương Nhưng và Trương Nhiêu. Bia đá thứ 2 Chương huệ hiển đức chi bi nhị Trương công tòng tự bi ký có đoạn: “Các vị quan viên trên dưới của năm xã Như Kinh, Ngô Xuyên, Ngọ Cầu, Yên Xuyên, Đình Luân họp bàn với nhau, nói: Xưa tiên công đã có đức từ ái, hoà hợp được mối nhân tâm. Tổng ta đã dựng đền để tỏ long tôn kính. Nay hai ông nối theo chí của người hiền, làm rạng rỡ tiền liệt.Vậy xin được tôn thờ hai ông, cũng là để biểu thị cảm xúc tốt đẹp theo lẽ thường! Rồi hợp lời, thỉnh cầu với bà Thái tôn thái phi, cho được phụ thờ hai ông ở trong Từ vũ của tiên công”.
          Căn cứ vào các tư liệu lịch sử trung đại và văn bia, gia phả… có thể thấy rằng, ở đây tồn tại 2 di tích được tạo dựng từ thời Trịnh Cương đang nắm quyền phủ Chúa, đó là Từ vũ họ Trương và phủ Chí Nguyên.
 
3. Đến các giai thoại và truyền ngôn
          Nếu như nguồn thư tịch về các di tích thời Trịnh Cương ở làng Như Quỳnh còn lại đến hôm nay quá mong manh thì ngược lại, các tư liệu dân gian lại rất phong phú. Thông qua các câu chuyện truyền ngôn, qua hò vè và địa danh các vùng đất, con đường, ao hồ còn lại, ta có thể dễ dàng suy đoán về một công trình kiến trúc đồ sộ đã từng tồn tại ở nơi đây.
          Khi tạ thế (ngày 28/8/1750, tức năm Cảnh Hưng thứ 11, thọ 82 tuổi), Trương Thị Ngọc Chử đã được truy phong tới chức Huy Nhu Thuần Đức Thái tôn Thái phi. Nhiều sử sách và văn bia chép về đức độ và lòng từ bi của bà… Nhưng, đối với dân gian, bà vẫn giản dị là một người con của xóm làng, được đặt cho cái tên thật gần gũi: Bà Chúa Ghênh.
Không chỉ ở làng Ghênh và các làng trong vùng, mà nhân dân nhiều địa phương thuộc Kinh Bắc và Thăng Long cũng có những giai thoại, truyền thuyết về ân đức của Bà Chúa Ghênh. Ở vùng Dâu (Thuận Thành, Bắc Ninh) vẫn truyền nhau câu “Ghênh đẻ, Khe nuôi” và huyền tích về nó. Chuyện kể rằng, khi Trịnh Cương ra đời, cứ ngày đêm khóc ngằn ngặt không thôi, ngay cả mẹ đẻ là Trương Thị Ngọc Chử cũng không tài nào dỗ nín. Lúc ấy, bà Nguyễn Thị Cảo là em dì bà Chử, cũng vừa sinh xong, đến chơi, thấy vậy liền cho Trịnh Cương bú. Lạ thay, Trịnh Cương nín luôn. Từ bấy, bà Chử liền giữ bà Cảo ở lại làm nhũ mẫu cho Trịnh Cương. Bà Chử ở làng Ghênh, bà Cảo ở làng Khe (nay thuộc Dương Xá, Gia Lâm, Hà Nội). Câu “Ghênh đẻ, Khe nuôi” bắt nguồn từ ấy.
Khi hai bà “Ghênh” và bà “Khe” về già, liền bỏ toàn bộ tiền ra để hưng công trùng tu chùa Dâu và mua hàng trăm mẫu ruộng tốt của vùng Nghĩa Trụ (Văn Giang) để cúng vào chùa. Vì thế, nhân dân mới tạc thêm tượng hai bà và thờ hậu bên cạnh tượng Pháp Vân, Pháp Vũ. Hai tượng đó lấy từ nguyên mẫu hai bà: “Trương Thị Ngọc Chử (xinh đẹp, trắng trẻo) sơn màu trắng ngà, gọi là Bà Trắng; Nguyễn Thị Cảo (vốn là người làm ruộng, nên da bánh mật) được sơn màu đỏ, gọi là Bà Đỏ (vả lại, màu đỏ cũng tượng trưng cho người tốt sữa)”[2]. Việc cúng dường chùa Dâu của hai bà, ngoài ý nghĩa về mặt thực tiễn là đóng góp thêm cho nhà chùa, còn có ý nghĩa sâu xa khác. Đó là, chùa Dâu thờ Tứ Pháp đem lại mưa thuận gió hoà cho nhân dân, việc công đức cho chùa cũng đồng thời như một hành động tạo phúc cho dân chúng.
 Hai bà Trương Thị Ngọc Chử và Nguyễn Thị Cảo cũng là những người quyên góp chính cho việc trùng tu chùa Hàm Long ở Thăng Long. Về việc này, hai vị quận công là Liêm Quận công Nguyễn Quý Đức và Ứng Quận công Đặng Đình Tướng mỗi người làm một bài ký khắc vào bia đá ca ngợi cảnh chùa, ca ngợi Phật giáo và ca ngợi công đức của hai bà. Nói về phúc đức của bà Chúa Ghênh, văn bia có câu:
Sản sinh con thánh cháu thần
Một cây cù mọc, một sân quế hoè.
Không chỉ công đức cho các đền, chùa, vốn xuất thân từ một gia đình nghèo, nên bà Chúa Ghênh cũng rất chăm lo đến đời sống của nhân dân, bênh vực kẻ nghèo khó. Để thuận tiện cho việc đi lại của nhân dân trên đường từ các tỉnh phía Đông Nam lên kinh thành Thăng Long, bà đã xuất tiền riêng xây cây cầu đá 17 nhịp bắc qua sông Nghĩa Trụ (đoạn chảy qua làng Cự Linh, huyện Gia Lâm, Hà Nội). Cây cầu làm xong, nhân dân đi lại thuận tiện, cảm được ơn của bà, họ gọi là cây cầu Bà Chúa. Do có bên đầu cầu có 2 tấm bia đá ghi công bà chúa và ba vị đại thần trong coi việc xây cầu là Phạm Kiên Ích, Cao Huy Trạc và Đoàn Bá Dung nên còn gọi là cầu Bi (đọc chệch đi là Cầu Bây).
Ỏ quê ngoại bà Chúa Ghênh là thôn Son (tên nôm của thôn Ngọc Loan, thuộc Nghĩa Trai, xã Dương Quang, Văn Lâm) cũng còn ghi nhiều công tích của bà đối với quê hương. Đó là ngôi chùa được bà xây dựng, di tích Vườn Quan (nơi các quan trong triều về chơi). Đặc biệt là Đường Hát. Tương truyền, để nhân dân vui vẻ, phấn lao động sản xuất, Bà Chúa Ghênh thường tổ chức hát xướng trên con đường này. Hiện nay, trên đường vẫn còn một cây đề cổ thụ. Theo nhân dân Ngọc Loan, cây đề này do chính tay bà Chúa trồng.
Từ những câu chuyện tiêu biểu trên, ta có thể thấy rằng, cũng như Nguyên Phi Ỷ Lan, bà Chúa Ghênh có tác phong dân dã, giản dị và gần gũi, thương yêu nhân dân. Vì vậy, chuyện khi về già, thỉnh thoảng bà về quê sống một vài tháng cũng không phải là điều không thể xảy ra. Và, thực tế, ngay tại làng Ghênh, người ta cũng truyền rằng, do bà Chúa hay về quê sinh sống nên Trịnh Cương không yên lòng, bèn cho xây dựng ở đó một cung riêng, coi như một sinh từ cho mẹ. Cung ấy, ban đầu đường đặt tên là cung Chí Nguyện (Hết lòng hết sức tự nguyện). Sau, có lẽ do sợ mang tiếng với quần thần chăng mà Trịnh Cương đổi thành phủ Chí Nguyên.
Chính sử không ghi, nhưng dã sử thường chẳng bỏ qua các chi tiết nào đã được diễn ra, thậm chí còn cường điệu chi tiết ấy. Trong dân gian ở Như Quỳnh, vẫn còn những vần thơ viết về việc Trịnh Cương xây phủ Chí Nguyên:
"Nhớ ơn mẫu hậu Thái phi
Trịnh Cương lập phủ để tri ân này
Sập bia đá Thanh Hoa vận chuyển
Rồng, Nghê, Lân về tận Như Kinh
Phủ thờ như thể cung đình
Bệ nào sập ấy công trình lớn lao".
(Khuyết danh, sưu tầm được ở Như Quỳnh)
          Sau khi Tây Sơn ra Bắc phò Lê diệt Trịnh và rút về Phú Xuân, đã giao toàn quyền cho Nguyễn Hữu Chỉnh. Chỉnh là kẻ gian hùng, đã cho đốt toàn bộ các phủ đệ của Chúa Trịnh và các công trình liên quan. Trong thời gian này, Dương Trọng Tế và Dương Vân lấy cớ phù Trịnh, đắp luỹ từ làng Như Kinh đến làng Phú Thị để chống lại Chỉnh. Chỉnh sai Nguyễn Như Thái và Hoàng Viết Tuyển đem quân đi đánh Tế. Tế thua, Chỉnh thừa cơ phá khu luỹ của Tế, đốt luôn phủ Chí Nguyên. Nhân dân Như Quỳnh vẫn còn truyền nhau rằng, cung bị cháy cả tuần không hết lửa. Những khúc gỗ còn sót lại, nhân dân làng Đình Loan nhặt mang về mà dựng được cả một ngôi đình. Ngôi đình đó hiện nay vẫn còn.
Bên cạnh các di vật còn lại ở nền cũ phủ Chí Nguyên, hiện nay làng Như Quỳnh vẫn còn một số địa danh gợi nhớ đến thời huy hoàng xưa như: Ao Câu là nơi chúa Trịnh Cương câu cá tiêu khiển, Ao Cấm là nơi bà Chúa Ghênh ra tắm khi nghỉ tại quê hương, cấm mọi người lai vãng; Đường Quan là nơi các quan chờ vào yết kiến Chúa Trịnh Cương khi ông ở đây, cổng Trạm là nơi các phu kiệu nghỉ ngơi…
Đành rằng, truyền thuyết là những câu chuyện dân gian, được dân gian tô điểm và thêm thắt, nhưng “những truyền thuyết dân gian thường có một cái lõi là sự thật lịch sử, được nhân dân qua nhiều thế hệ đã lý tưởng hoá, gửi gắm vào đó tâm tình thiết tha của mình cùng với thơ và mộng…”[3]. Các giai thoại, truyền thuyết đã thêm các cứ liệu về mặt dã sử để cùng với các di vật, các địa danh và một số thư tịch, văn bia… khẳng định rằng, đã từng tồn tại một di tích phủ Chí Nguyên bên cạnh khu Từ Vũ họ Trương còn khá nguyên vẹn.
Phạm Minh Hoàng
 

[1] Hiện được lưu giữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm, mang ký hiệu A.959
[2] Phạm Thuận Thành, Sự tích bà Trắng, bà Đỏ chùa Dâu, báo Bắc Ninh điện tử,
bản cập nhật vào Thứ sáu, 05/08/2011 – 08:43
[3] Phạm Văn Đồng, “Nhân ngày Giỗ tổ Hùng Vương”, Báo Nhân Dân ngày 29/4/1969
 

 

Tin liên quan