KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Tin tức hoạt động
Đăng ngày: 27/07/2022 - Lượt xem: 161
Đẩy mạnh tuyên truyền phòng, chống tác hại của thuốc lá nhằm nâng cao nhận thức của người dân

Hàng năm, hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá 31-5 và Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá, Sở Y tế - cơ quan thường trực Ban chỉ đạo PCTHTL tỉnh đã có công văn gửi các sở, ban, ngành, cơ quan cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh tuyên truyền tác hại của việc sử dụng sản phẩm thuốc lá và các quy định của Luật PCTHTL; thực hiện các quy định về môi trường không khói thuốc.

Ảnh minh họa
Trong đó đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, địa phương, người đứng đầu các địa điểm cấm hút thuốc lá trong việc tổ chức thực hiện quy định cấm hút thuốc và nêu cao vai trò gương mẫu không hút thuốc của người đứng đầu; treo biển cấm hút thuốc lá tại các địa điểm cấm hút thuốc như nơi làm việc, cơ sở y tế, trường học, khách sạn, nhà hàng.
Hiện nay, các cơ quan, đơn vị, đặc biệt các công sở, trường học và cơ sở y tế đã đưa quy định cấm hút thuốc nơi làm việc vào quy chế nội bộ; hạn chế hoặc không hút thuốc trong các đám cưới, đám tang, lễ hội trên địa bàn dân cư vào hương ước; chỉ đạo thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành; lồng ghép việc kiểm tra tình hình thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá trên địa bàn quản lý.
Theo con số thống kê, hiện nay Việt Nam là 1 trong 15 nước có tỷ lệ hút thuốc lá nhiều nhất trên thế giới. Theo điều tra trên toàn quốc năm 2015, con số nam thanh niên ở độ tuổi trưởng thành hút thuốc chiếm 45.3%, bình quân cứ 2 người thì sẽ có 1 người hút thuốc lá. Đặc biệt, 45,3% nam giới trưởng thành hút thuốc lá tương đương với 15 triệu người Việt Nam trưởng thành hút thuốc lá và 33 triệu người Việt Nam đang bị hút thuốc thụ động, ảnh hưởng đến sức khỏe của người Việt Nam.
Theo WHO, các tác động môi trường của việc sử dụng thuốc lá gây thêm áp lực không cần thiết đối với các nguồn tài nguyên vốn đã khan hiếm, đặc biệt đối với các nước đang phát triển do hơn 80% số người sử dụng thuốc lá là tại các nước này.
Tại Việt Nam, với sự quan tâm, chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, thời gian qua, Bộ Y tế đã phối hợp với các Bộ ngành, các tổ chức Chính trị - xã hội, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tăng cường nâng cao nhận thức trong cộng đồng về tác hại của việc hút thuốc, xây dựng môi trường không khói thuốc, tổ chức công tác tư vấn cai nghiện thuốc lá, kiểm tra giám sát... công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.
So với năm 2015, năm 2020, tỷ lệ sử dụng hút thuốc lá chung giảm từ 22,5% năm 2015 xuống 21,7% năm 2020. Tỷ lệ nam giới hút thuốc giảm từ 45,3% năm 2015 xuống 42,3% năm 2020. Đặc biệt tỷ lệ hút thuốc thụ động cũng giảm đáng kể tại các địa điểm như: nơi làm việc, cơ sở y tế, cơ sở giáo dục, trên phương tiện giao thông công cộng và khu vực trong nhà.
Truyền thông phòng, chống tác hại của thuốc lá được quan tâm và đem lại hiệu quả tuyên truyền tốt ở các trường học.
Theo kết quả khảo sát hành vi sức khỏe học sinh toàn cầu tại Việt Nam do Tổ chức Y tế thế giới thực hiện năm 2019, tỷ lệ hút thuốc trong học sinh trong độ tuổi 13-17 từ 5,36% năm 2013 xuống 2,78% năm 2019, đây là những kết quả rất đáng khích lệ trong việc ngăn ngừa hút thuốc lá trong giới trẻ.
Chính phủ và Quốc hội đã quan tâm đến vấn đề này. Trong những năm vừa qua có rất nhiều hoạt động, cụ thể như Luật phòng chống tác hại thuốc lá đã được ban hành với những quy định cụ thể về việc cấm hút thuốc lá tại 1 số địa điểm cũng như bảo vệ quyền lợi và sức khỏe của những người không hút thuốc lá, làm sao để không bị ảnh hưởng bởi khói thuốc lá thụ động.
Trên thực tế, công tác phòng chống tác hại của thuốc lá đã thực hiện từ nhiều năm nay. Việc triển khai phòng chống tác hại của thuốc lá có nhiều thuận lợi từ các chính sách cụ thể như: Luật phòng chống tác hại thuốc lá ban hành kèm theo đó là các Nghị định hướng dẫn triển khai trong nhiều năm qua. Cụ thể là sự tham gia của các bộ, ban, ngành ví dụ như Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), sự tham gia của các tỉnh, thành phố đều có Ban chỉ đạo phòng, chống tác hại thuốc lá. Đồng thời, các bộ, ban, ngành cũng có Ban chỉ đạo phòng, chống tác hại thuốc lá.
“Mặc dù công tác phòng chống tác hại thuốc lá với sự chung tay của rất nhiều cơ quan đơn vị. Người dân cũng có sự chuyển biến trong nhận thức về tác hại của thuốc lá cũng như việc thực thi nghiêm quy định về phòng chống tác hại của thuốc lá tại nơi công cộng, tại nơi cấm hút thuốc lá, nhưng vi phạm vẫn xảy ra. Và đó là những khó khăn thực tế hiện nay”,
Hiện nay, việc thanh tra, kiểm tra, giám sát để xử lý các vi phạm liên quan đến thuốc lá vẫn còn hạn chế. Thực ra việc thanh kiểm tra là giải pháp hỗ trợ, quan trọng là làm sao chúng ta tuyên truyền nâng cao tinh thần tự giác, các quy định về cấm hút thuốc lá tại địa điểm cấm, thì việc tuyên truyền này, các bộ, ban, ngành, các tỉnh thành phố đều thực hiện được.
Việc tổ chức công tác mít tinh về phòng chống tác hại thuốc lá là một trong những hoạt động thực sự đem lại hiệu quả. Trong tháng 5 hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá năm 2019, không chỉ Bộ KH&CN và Bộ Y tế, mà 38 tỉnh thành trong cả nước, cùng rất nhiều các bộ, ngành, các tổ chức xã hội ở Trung ương cũng tổ chức hoạt động mít tinh. Điều này có nghĩa là chúng ta tổ chức đồng bộ trong cả nước. Hoạt động này thu hút được sự quan tâm của công chúng, đồng thời đây cũng là dịp để tăng cường công tác tuyên truyền về tác hại của thuốc lá, không những chúng ta cùng ngồi lại để hưởng ứng ngày không khói thuốc mà còn được các chuyên gia y tế chia sẻ về tác hại của thuốc lá.
Trong Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá, các địa phương, sở, ban, ngành, cơ quan truyền thông thực hiện tuyên truyền các quy định của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá bằng nhiều hình thức. Nội dung tuyên truyền tập trung vào quy định cấm hút thuốc tại nơi làm việc, trường học, cơ sở y tế, khách sạn, các nơi làm việc trong nhà của nhà hàng, bến tàu, bến xe, nhà ga, trên các phương tiện giao thông công cộng; quy định rõ quyền và trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, địa phương, người quản lý các địa điểm cấm hút thuốc lá; quyền và nghĩa vụ của công dân trong phòng, chống tác hại của thuốc lá; nghĩa vụ của người hút thuốc lá.
Để nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại của thuốc lá, lợi ích của môi trường không khói thuốc lá, các cấp, các ngành, các đoàn thể và địa phương tiếp tục phối hợp với ngành y tế đẩy mạnh tuyên truyền Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá và vận động cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên, thanh niên ký cam kết không hút thuốc lá. Tại các khu dân cư lồng ghép phong trào xây dựng khu dân cư văn hóa gắn với việc không có người hút thuốc; các cơ quan truyền thông đẩy mạnh thông tin tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của thuốc lá./.
 “Thuốc lá - mối đe dọa tới môi trường của chúng ta”
Tình trạng hút thuốc lá nơi công cộng, kể cả hút thuốc lá nơi có quy định cấm vẫn còn xảy ra. Chủ đề Ngày Thế giới không thuốc lá năm 2022 là “Thuốc lá - mối đe dọa tới môi trường của chúng ta” cũng nhằm nỗ lực để người dân được sống trong môi trường không khói thuốc lá. Để đạt được mục tiêu này cần có sự chung tay của cả cộng đồng và sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị địa phương vừa tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức người dân và thường xuyên kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá.
Nguồn: https://tuyengiao.vn
Tin liên quan