KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Tin tức hoạt động
Đăng ngày: 16/09/2022 - Lượt xem: 144
Để “Cánh diều” bay cao

Vừa qua, lễ trao giải thưởng Cánh diều lần thứ 19 - năm 2021 của Hội Điện ảnh Việt Nam đã diễn ra tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Ban tổ chức trao hơn 50 giải thưởng, góp phần tôn vinh các tác giả, tác phẩm điện ảnh xuất sắc thuộc bảy hạng mục: Công trình nghiên cứu lý luận, phê bình điện ảnh; phim ngắn; phim tài liệu; phim khoa học; phim hoạt hình; phim truyện truyền hình và phim truyện điện ảnh.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao giải Cánh Diều Vàng hạng mục Phim truyện điện ảnh. (Ảnh Đặng Tuấn/TTXVN)
Từ giải thưởng lần này, có thể nhận thấy, dù trải qua nhiều khó khăn và chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, lĩnh vực điện ảnh vẫn có nhiều nỗ lực đáng ghi nhận. Đặc biệt, lĩnh vực phim truyện truyền hình ghi nhận nhiều bộ phim vừa chinh phục được khán giả, vừa bội thu giải thưởng ở các hạng mục khác nhau. Ê-kíp phim truyền hình tập trung nhiều đạo diễn, diễn viên trẻ triển vọng, báo hiệu một thế hệ đầy tiềm năng trong tương lai.
Phim truyện điện ảnh - thể loại luôn thu hút sự quan tâm bậc nhất ở giải Cánh diều - đánh dấu thành công của “Đêm tối rực rỡ” của đạo diễn người Mỹ Aaron Toronto về chủ đề bạo lực gia đình, một kết quả hợp lý trong bối cảnh ảnh hưởng đại dịch, không có nhiều phim điện ảnh nổi bật. Thêm điểm sáng ở thể loại này đó là giải Nam diễn viên chính xuất sắc được trao cho bé Lại Trường Phú (10 tuổi) trong phim “Maika-Cô bé đến từ hành tinh khác”. Vượt qua nhiều ứng viên người lớn tên tuổi, đây là kết quả xứng đáng cho vai diễn cậu bé mồ côi mẹ đã chạm vào trái tim khán giả.
Bên cạnh những nỗ lực của ngành điện ảnh, vẫn còn những điều đáng tiếc được nhìn nhận từ giải thưởng Cánh diều 2021. Đầu tiên là sự thưa vắng các tác phẩm chuyển tải giá trị hiện thực và nhân văn của công cuộc phòng, chống đại dịch Covid-19. Các tác phẩm đoạt giải chỉ có thể kể tới phim tài liệu “Ngày con chào đời” của đạo diễn Tạ Quỳnh Tư (giải Cánh diều bạc và Quay phim xuất sắc). Ngay cả hai giải Cánh diều vàng thể loại phim truyện truyền hình cũng mới chỉ đan xen, lồng ghép bối cảnh, chi tiết về dịch bệnh thay vì xây dựng chủ đề, thông điệp xuyên suốt.
Tiếp theo, mảng phim truyện điện ảnh do Nhà nước đầu tư cũng tạo nên khoảng trống. “Bình minh đỏ”, bộ phim đoạt giải Cánh diều bạc lấy cảm hứng từ những chiến công và gương chiến đấu anh dũng của trung đội nữ lái xe đầu tiên trên tuyến đường Trường Sơn tuy giành tới sáu giải thưởng ở hạng mục phim truyện điện ảnh nhưng vẫn gây tiếc nuối bởi trước đó chưa được phổ biến tới đông đảo khán giả, chưa kể, các bộ phim do Nhà nước đặt hàng cùng đợt với “Bình minh đỏ” lại chưa góp mặt đợt này.
Ở lĩnh vực phim truyền hình, dù có tới hai giải Cánh diều vàng, song, nếu đưa ra so sánh, có thể nhận thấy những năm trước, chủ đề phim truyền hình giành giải cao là phim hình sự và gia đình. Lần này, cả hai phim đoạt giải cao nhất đều là đề tài tình yêu và cuộc sống giới trẻ. Cập nhật xu hướng là đáng khuyến khích, nhưng mở rộng, sáng tạo và dấn thân vào những đề tài lớn và khó, có sức ảnh hưởng sâu rộng tới xã hội là thách thức với các nhà làm phim, để những giải thưởng như Cánh diều có thể bay cao, thuyết phục hơn nữa với khán giả.
Nguồn: https://nhandan.vn
Tin liên quan