KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Tin tức hoạt động
Đăng ngày: 21/05/2024 - Lượt xem: 177
"Đến hẹn" lại... ép học sinh không thi lớp 10: Làm sao để không tái diễn?

Theo các chuyên gia, chấp nhận học thật, thi thật và làm tốt các khâu liên quan đến công tác phân luồng sau trung học cơ sở là giải pháp để chấm dứt hiện tượng ép học sinh không thi lớp 10.

Thí sinh trước giờ làm bài thi môn Ngữ văn tại điểm thi Trường THCS Trần Văn Ơn (quận 1) năm 2023. (Ảnh: TTXVN phát)

Hiện tượng các giáo viên, nhà trường ép học sinh có học lực yếu và trung bình không dự thi lớp 10 tái diễn từ năm này sang năm khác nhưng không được xử lý dứt điểm, gây bức xúc trong dư luận.

Muôn kiểu ép học sinh bỏ thi

Mới đây, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã phải làm một việc hy hữu là bổ sung 16 học sinh của Trường Trung học cơ sở Tiến Thịnh (huyện Mê Linh) vào danh sách học sinh dự thi lớp 10, dù thời hạn đăng ký đã kết thúc gần một tháng.

Nguyên nhân do trước đó, các học sinh này đã không được nhà trường phát phiếu đăng ký dự thi vào lớp 10 vì có học lực chưa tốt.

Đây là kết quả sau chuỗi ngày các phụ huynh của trường đã phải chật vật đấu tranh cho quyền lợi được dự thi của con mình, trong khi theo quy định của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, mọi học sinh 15 tuổi đã tốt nghiệp trung học cơ sở đều đủ điều kiện thi vào lớp 10.

Trước thực trạng này, nhiều ý kiến đề nghị Hà Nội triển khai tổ chức đăng ký xét tuyển lớp 10 trực tuyến như đã triển khai với tuyển sinh đầu cấp lớp 1, lớp 6 và mầm non nhằm giảm lệ thuộc vào các trường trung học cơ sở.

Theo Quyết định 131/QĐ-TTg ngày 25/1/2022, phê duyệt đề án Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030, đến năm 2025, “100% thủ tục hành chính đủ điều kiện được triển khai dịch vụ công trực tuyến.”

Nhiều địa phương đã triển khai đăng ký tuyển sinh lớp 10 trực tuyến như Thái Bình, Nghệ An, Thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, tại các địa phương này vẫn xảy ra tình trạng học sinh bị ép không được dự thi lớp 10 bằng nhiều "chiêu thức" khác nhau.

Học sinh Hà Nội viết đơn dự thi lớp 10 sau khi "đòi" được quyền lợi dự thi. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Phụ huynh Trường Trung học cơ sở Phan Thiết và Nghi Quang (Nghi Lộc, Nghệ An) phản ánh trường không cho học sinh có điểm kỳ thi thử thấp được ôn thi lớp 10. Trường Trung học cơ sở Nguyễn Văn Bứa (huyện Hóc Môn, Thành phố Hồ Chí Minh) in sẵn đơn xin không tham gia thi tuyển lớp 10 phát cho học sinh. Một phụ huynh ở Thái Bình phản ánh việc con bị giáo viên vận động, thậm chí cô lập, tạo sức ép tâm lý để không đăng ký dự thi lớp 10 dù bắt đầu từ ngày mai, 22/5, Thái Bình mới mở cổng cho học sinh đăng ký dự thi trực tuyến.

Các tác động của giáo viên, nhà trường theo nhiều cách thức khác nhau đã tác động tâm lý nặng nề đến học sinh, khiến học sinh chán nản, nhụt chí, mất tự tin vào bản thân.

“Không được dự thi vào lớp 10 khiến em cảm thấy rất chán nản, thậm chí không muốn đi học,” Đỗ Thế Cương, một học sinh của Hà Nội chia sẻ.

Cần dạy thật, học thật và đẩy mạnh phân luồng

Nghiêm cấm hành vi vận động, ép học sinh không được dự thi lớp 10 là khẳng định của lãnh đạo ngành giáo dục và đào tạo nhiều tỉnh thành. Tuy nhiên, thực trạng này không chỉ diễn ra trong một mà trong nhiều năm qua, luôn trở thành vấn đề nhức nhối, gây bức xúc trong phụ huynh trước mỗi kỳ thi vào lớp 10 hằng năm.

Theo Phó giáo sư Chu Cẩm Thơ, Trưởng Ban nghiên cứu Đánh giáo dục, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, các tỉnh, thành đều có khoảng 80% học sinh tham gia kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10. Vì vậy, kỳ thi này tương ứng với kỳ thi đánh giá chất lượng trên diện rộng. Một số địa phương dùng kết quả thi để đánh giá chất lượng giáo viên và cơ sở giáo dục nên đã tạo nên những nỗi lo.

Tuy nhiên, theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương, ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội không đưa kết quả thi tuyển vào lớp 10 trường công lập vào tiêu chí thi đua. Chủ trương của thành phố là bảo đảm quyền lợi học tập và dự thi của mọi học sinh theo nguyện vọng. Việc đăng ký dự thi vào lớp 10 trường trung học phổ thông công lập là quyền lợi hợp pháp, chính đáng của học sinh, không ai có quyền ngăn cản việc đăng ký dự thi của các em. Sở nghiêm cấm các hành vi vận động, ép buộc học sinh không đăng ký dự thi dưới bất kỳ hình thức nào đồng thời sẽ xử lý nghiêm tất cả các trường hợp vi phạm.

Học sinh ôn thi vào lớp 10. (Ảnh: TTXVN)

Theo một chuyên gia trong ngành giáo dục, dù không xếp vào thành tích thi đua, kết quả thi lớp 10 cũng “phơi bày” kết quả học thật, thi thật của tất cả các trường trên địa bàn và làm “lộ diện” điểm số thật có thể chênh lệch rất lớn so với điểm số trên học bạ. Vì vậy, khi chấp nhận học thật, thi thật, điểm số thật, các nhà trường, giáo viên sẽ không còn phải lo vận động học sinh bỏ thi lớp 10 vì đó là quyền của các em.

Nhìn ở góc độ khác, Phó giáo sư Trần Thành Nam, chuyên gia tâm lý giáo dục cho hay, lộ trình đối với các học sinh 15 tuổi ở Việt Nam hiện vẫn là học tập lên cao để tìm kiếm nghề nghiệp trong tương lai, chưa chuẩn bị đầy đủ năng lực để có thể tự lập và đưa ra các quyết định, mục tiêu. Vì vậy, việc khuyên học sinh không thi lớp 10 vì không đủ năng lực để thi giống như một dấu ấn gắn nhãn cho học sinh về sự hạn chế năng lực của các em.

“Điều đó mâu thuẫn rất lớn quan điểm mà chúng ta vẫn đang khuyến khích các học sinh là mỗi người có một tài năng, tố chất riêng và bạn sẽ có thể làm được tất cả những điều mà mình mơ ước nếu bạn có một thái độ đúng và bạn chăm chỉ hằng ngày. Vì vậy, việc yêu cầu học sinh không được thi lớp 10 tạo nên sự hoang mang, rất lớn về hình ảnh bản thân, lòng tự trọng của các em,” Phó giáo sư Trần Thành Nam nói.

Phó giáo sư Nguyễn Thành Nam cho rằng muốn giải quyết vấn đề này cần phải triển khai tốt hơn nữa các khâu liên quan của công tác phân luồng. Cụ thể, hệ thống giáo dục nghề nghiệp sau trung học cơ sở phải được đầu tư một cách bài bản và chứng minh với xã hội một cách thuyết phục hơn nữa về con đường phát triển và hình thành nghề nghiệp bền vững cho những học sinh đi theo con đường đó, đảm bảo dù đi theo con đường nào học sinh đều có thể phát triển thành một công dân tốt.

Bên cạnh đó, cần thay đổi niềm tin, nhận thức của phụ huynh về việc mọi nghề đều đáng quý trọng và dựa trên sức lao động, năng lực, sở thích, điểm mạnh của cá nhân, không có bất cứ một nghề nghiệp nào cao hơn nghề nghiệp nào.

Chính phủ, cơ quan quản lý Nhà nước cần thêm các cơ chế giám sát hoặc điều chỉnh tỷ lệ phân luồng phù hợp với từng địa phương, vùng, miền, để đảm bảo nơi thực sự thu hút được những người tài năng, có năng lực học tập thì phải có tỷ lệ cao hơn và chuẩn bị sẵn sàng để các em có thể học lên.

“Giáo viên cũng cần trang bị thêm các kỹ năng tham vấn phù hợp đồng thời phải tránh những áp lực tiêu chí thành tích chính thức hay ngầm ẩn để đánh giá bản thân,” ông Nam nói.

Cùng quan điểm này, Phó giáo sư Chu Cẩm Thơ cũng cho rằng để làm tốt phân luồng, việc định hướng nghề nghiệp cho học sinh trung học cơ sở cần được chú trọng hơn nữa, không chỉ từ phía nhà trường mà cả gia đình, xã hội vì điều này cần phải là cả quá trình giúp các em nhận ra năng lực, sở trường chứ không chỉ là việc quyết định thi hay không thi lớp 10./.

Nguồn: https://www.vietnamplus.vn

Tin liên quan