KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Biển và Hải đảo Việt Nam
Đăng ngày: 20/01/2015 - Lượt xem: 131
ĐẾN VỚI TRƯỜNG SA

Trong tâm thức của mỗi người dân Việt Nam, Trường Sa luôn là biểu tượng của ý chí kiên cường mở cõi và bảo vệ chủ quyền của dân tộc Việt Nam. Bao thế hệ đã không sợ hy sinh, người trước ngã, người sau tiếp bước, quyết xả thân để giữ vững chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Đến với Trường Sa là mong ước cháy bỏng của không ít người. Và ai đã từng một lần trải nghiệm những xúc cảm trên chuyến tàu nối đất liền với biển đảo thân thương càng không thể nào quên. BBT đăng tải bài ký "Đến với Trường Sa" (tháng 4/2005) của đồng chí Trần Thị Thanh Thủy, TUV, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, nguyên Bí thư Tỉnh Đoàn Hưng Yên.

Trần Thị Thanh Thủy

TUV, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

Từ thủa ấu thơ, qua những bài giảng của các thầy cô, những địa danh Hoàng Sa, Trường Sa, lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc giữa biển Đông đã in đậm trong trái tim tôi. Và điều may mắn kỳ diệu đã đến khi tôi được thay mặt tuổi trẻ Hưng Yên tham gia đoàn đại biểu của Đảng, Nhà nước, Bộ quốc phòng, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh ra thăm, tặng quà cán bộ, chiến sỹ đang làm nhiệm vụ trên quần đảo Trường Sa.

Trong hành lý tôi mang ra đảo có gần 2000 bức thư và những món quà đầy ý nghĩa, chứa chan tình cảm và niềm tin yêu của ĐVTN, thiếu nhi Hưng Yên gửi tới các chiến sỹ đảo Nam Yết - đơn vị kết nghĩa với tỉnh Hưng Yên và các đảo trên quần đảo Trường Sa.

Đồng chí Trần Thị Thanh Thủy chụp ảnh lưu niệm cùng các chiến sĩ Trường Sa (tháng 4/2005)

Tàu HQ 996 chở trên 100 thành viên của đoàn công tác rời cảng Cam Ranh, sau 3 ngày 2 đêm vượt qua muôn trùng sóng gió đã đưa đoàn tới đảo đầu tiên trong cuộc hành trình – Đảo Trường Sa lớn. Đón đoàn, cả đảo nhộn nhịp khác thường. Cảm xúc đầu tiên khi đặt chân lên đảo đó là những ánh mắt thân thiện của cán bộ, chiến sỹ và một màu xanh ngút ngàn của những tán phong ba, bàng vuông và “vườn rau thanh niên”. Ở trên đảo, phong ba là loài cây dễ trồng nhất và có tuổi thọ lớn nhất. Từ cây lớn tới cây nhỏ, cây nào cũng tươi tốt một cách lạ kỳ. Hoa của cây phong ba tựa như hoa cà tím quê tôi, phấn hoa nhiều, chạm vào bạc trắng tay, áo quần. Cánh hoa dày, quả cũng dày gần như quả me chua dùng để nấu canh, lá phong ba to bằng bàn tay em bé lên mười. Tôi chưa được nghe về sự tích cây phong ba, chỉ được nghe chiến sỹ ở đây nói rằng: nếu chặt hay đốt chỉ sau một thời gian ngắn nó lại mọc lên xanh tốt. Cái tên phong ba tự nó đã nói lên ý nghĩa của loài cây có sức sống mãnh liệt trước sóng gió và thời tiết khắc nghiệt giữa biển khơi.

Hoa của cây phong ba tựa như hoa cà tím quê tôi, phấn hoa nhiều, chạm vào bạc trắng tay, áo quần...

Những bài hát, những câu chuyện thân mật của cán bộ Đoàn các tỉnh, thành và đội văn nghệ xung kích đã làm cho không khí của buổi làm việc trở nên ấm áp, không còn khoảng cách giữa chủ và khách mà chỉ còn những câu chuyện, những tiếng cười, những cái nắm tay của những người trong một gia đình. Được hỏi về hoạt động Đoàn và nỗi nhớ quê hương, người thân, các chiến sỹ hồ hởi trao đổi với chúng tôi về các hình thức sinh hoạt chi đoàn sôi nổi đầy chất lính. Các bạn giới thiệu những tờ báo tường, những tập thơ và nói đã dồn nỗi nhớ vào những trang viết. Nỗi nhớ - hình như chẳng bao giờ cũ đối với những người xa quê nhưng ở đây tình cảm của đồng đội và việc học tập, huấn luyện, sinh hoạt Đoàn cùng những lá thư của các bạn trẻ nơi đất liền đã giúp các anh vơi đi nỗi nhớ quê hương, đất liền.
Lễ mít tinh kỷ niệm 30 năm ngày giải phóng quần đảo Trường Sa với sự tham gia của quân và dân huyện đảo Trường Sa cùng đoàn công tác diễn ra thật ngắn gọn mà trang trọng. Buổi lễ hôm ấy giúp chúng tôi thêm hiểu và tự hào về truyền thống “Chiến đấu anh hùng – Mưu trí sáng tạo – làm chủ vùng biển – Quyết chiến, quyết thắng” của Hải quân nhân dân Việt Nam và Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, khẳng định ý chí, tinh thần yêu chuộng hòa bình của dân tộc Việt Nam và trách nhiệm của thế hệ trẻ với chủ quyền biển, đảo Việt Nam.
Đêm giao lưu văn nghệ giữa đội văn nghệ xung kích Thành đoàn thành phố Hồ Chí Minh, đoàn công tác với cán bộ chiến sỹ trên đảo đã trở thành kỷ niệm khó quên với mỗi người. Tất cả mọi người đều trở thành nghệ sỹ biểu diễn đủ thể loại: hát, múa, thơ, hò, vũ quốc tế…, các tiết mục cây nhà của lãnh đạo và chiến sỹ với những tiết mục của những chiến sỹ tình nguyện  áo xanh hòa quyện, vang vọng cả một vùng biển cả.
Trong suốt hành trình 12 ngày trên biển, đoàn công tác đã tới tham quan và làm việc với 11 đảo và 3 nhà giàn, những tên đảo: Đá Lát, Đá Tây, Trường Sa Đông, Phan Vinh, Tốc Tan, Núi Le, Tiên Nữ, Thuyền Chài, An Bang, bãi Ba Kè,… đã trở nên gần gũi, thân thiết với từng thành viên trong đoàn công tác. Ở 11 đảo, tôi đã gặp 11 cán bộ, chiến sỹ là những người con quê hương Hưng Yên đang làm nhiệm vụ trên đảo, có anh đã ra đảo công tác trên 3 năm, người có thời gian ở đảo ít nhất cũng đã được 6 tháng. Tôi gửi tới các anh những lá thư, món quà và thông tin về tình hình quê nhà. Các anh rất xúc động trước những tình cảm của ĐVTN nơi quê nhà và gửi về quê hương lời hứa quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ. Nguyễn Văn Dũng, Bí thư chi đoàn đảo Tiên Nữ - đảo ở cực đông của Tổ quốc quê Vĩnh Xá - Kim Động được kết nạp Đảng dịp 3/2/2005 tâm sự : “truyền thống quê hương đã thôi thúc, nâng bước cho chúng em trong mỗi bước đi và hôm nay em đã vinh dự trở thành Đảng viên  Đảng cộng sản Việt Nam”.

"Tôi gửi tới các anh những lá thư, món quà và thông tin về tình hình quê nhà"...

Xúc động nhất trong chuyến đi mà mỗi thành viên trong đoàn công tác không ai kìm được nước mắt là lễ thả hoa, tưởng niệm các chiến sỹ đã hy sinh khi làm nhiệm vụ trên biển. Cũng như tôi, rất nhiều người trong đoàn công tác đã dự nhiều lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ trên đất liền, nhưng đây là lần đầu tiên dự lễ kỷ niệm trên biển. Chúng tôi thành kính thắp nén hương thơm tưởng nhớ các anh và gửi cho các anh nắm đất quê mẹ. Cả đoàn lặng đi trong nỗi tiếc thương và cảm phục những người con ưu tú của Tổ quốc đã không tiếc máu xương và tuổi thanh xuân hy sinh bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Sự hy sinh cao cả của các anh mãi mãi là niềm tự hào, là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ noi theo.
Đã có rất nhiều cảm xúc trong suốt chặng hành trình đến với Trường Sa, cảm xúc của niềm vui khi gặp mặt, nỗi nhớ khi chia tay, nhưng trên hết, chúng tôi - những thành viên của đoàn công tác đã hiểu thêm nhiều điều sau chuyến đi, về sự hy sinh thầm lặng của những người lính ở nơi đầu sóng ngọn gió ngày đêm chắc tay súng bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, bảo vệ bình yên cho đất liền, về trách nhiệm của tuổi trẻ nơi đất liền đối với cuộc vận động “Nghĩa tình biên giới hải đảo”. Chúng tôi gửi tới các anh những lời từ trái tim: "Cả nước luôn hướng về Trường Sa!".

Trường Sa, tháng 4 năm 2005

Tin liên quan