Chiều ngày 12/5, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hội nghị Đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW và định hướng phát triển giáo dục theo Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII. Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì Hội nghị.
Dự Hội nghị có đồng chí Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn; Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Phùng Xuân Nhạ; các Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo: Nguyễn Văn Phúc, Nguyễn Hữu Độ, Ngô Thị Minh; đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc hai cơ quan.
Báo cáo một số kết quả nổi bật trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo giai đoạn 2016-2021 và định hướng nhiệm vụ lớn giai đoạn 2021-2025, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cho biết, giai đoạn 2016-2021, cùng với cả nước, ngành Giáo dục tập trung thực hiện nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 và Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021; tập trung triển khai thực Nghị quyết 29-NQ/TW của Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc báo cáo một số kết quả nổi bật trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo giai đoạn 2016-2021 và định hướng nhiệm vụ lớn giai đoạn 2021-2025. (Ảnh: TA)
Quá trình thực hiện có những thuận lợi, cơ hội và khó khăn, thách thức đan xen. Trong đó có nhiều nhiệm vụ lớn, mới, chưa có tiền lệ, như: xây dựng chương trình giáo dục phổ thông chuyển từ trang bị kiến thức sang phát triển phẩm chất, năng lực; tổ chức biên soạn sách giáo khoa theo phương thức xã hội hóa; thực hiện tự chủ đại học một cách toàn diện… để thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo yêu cầu của Nghị quyết 29-NQ/TW.
Đặc biệt, sự xuất hiện của đại dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, học sinh phải chuyển sang học trực tuyến, học trên truyền hình trên diện rộng, trong thời gian dài.
Được sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên và hỗ trợ kịp thời của Ban Tuyên giáo Trung ương, toàn ngành Giáo dục đã nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, tổ chức triển khai đồng bộ các nhóm nhiệm vụ, giải pháp và đã đạt được một số kết quả nổi bật.
Trong đó có việc hoàn thiện thể chế, từng bước nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo; hoàn thành và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục; đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; đổi mới công tác kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục, trọng tâm là Kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng; chất lượng giáo dục phổ thông được nâng lên; tự chủ đại học được đẩy mạnh, thứ hạng đại học Việt Nam tăng cao; tăng cường giáo dục chính trị, đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên.
Lần đầu tiên trong một nhiệm kỳ, ngành Giáo dục có 2 dự án luật được Quốc hội thông qua là Luật Giáo dục Đại học sửa đổi 2018 và Luật Giáo dục 2019. Toàn ngành đã hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi (năm 2015 mới có 32/63 tỉnh/thành phố); duy trì và nâng cao chất lượng giáo dục tiểu học, trung học cơ sở.
Lần đầu tiên Chương trình giáo dục phổ thông được xây dựng một cách bài bản, theo một quy trình chặt chẽ, từ chương trình tổng thể đến các chương trình môn học, hoạt động giáo dục; từ xây dựng, ban hành chương trình đến biên soạn, thẩm định sách giáo khoa. Ngành Giáo dục đồng thời lần đầu tiên thực hiện xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa, có một số sách giáo khoa cho mỗi môn học. Đây là một chủ trương lớn nhằm xóa bỏ độc quyền, khuyến khích sự cạnh tranh để nâng cao chất lượng sách giáo khoa, đồng thời huy động nguồn lực xã hội, giảm chi từ ngân sách nhà nước trong việc biên soạn, xuất bản sách giáo khoa... Sau gần 2 năm học triển khai chương trình, sách giáo khoa mới cho thấy kết quả bước đầu rất tích cực, các nhà trường, giáo viên và học sinh hào hứng, chủ động, sáng tạo hơn trong quá trình dạy và học.
Giai đoạn 2016-2021, chất lượng giáo dục phổ thông cả đại trà và mũi nhọn đều được nâng lên, được quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Theo báo cáo năm 2020 của Ngân hàng Thế giới về Vốn nhân lực, chỉ số Vốn nhân lực của Việt Nam đạt 0,69, đứng thứ 38 trên 174 nền kinh tế. Trong đó, thành phần kết quả giáo dục của Việt Nam đứng thứ 15, tương đương với các nước như Hà Lan, New Zealand, Thụy Điển. Trong các đợt đánh giá PISA, Việt Nam cũng có kết quả vượt trội so với trung bình của các nước trong khối OECD trong khi mức đầu tư cho giáo dục của chúng ta thấp hơn hẳn.
Quang cảnh hội nghị. (Ảnh: TA)
Kết quả thi Olympic của học sinh Việt Nam những năm vừa qua có bước tiến bộ vượt bậc với 51 Huy chương Vàng trong giai đoạn 2016-2021 so với 27 Huy chương Vàng trong giai đoạn 2011-2015. Nhiều học sinh Việt Nam đạt điểm số cao nhất ở các nội dung thi, trong đó phần thi thực hành có sự cải thiện đáng kể qua đó khẳng định chất lượng giáo dục phổ thông của Việt Nam sánh ngang với các nước có nền giáo dục tiên tiến.
Với giáo dục đại học, được tự chủ toàn diện, nhiều trường đã chủ động mở thêm nhiều ngành đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội, dừng và loại bỏ các ngành đào tạo không còn phù hợp; đổi mới nội dung chương trình đào tạo, phương pháp giảng dạy; thực hiện kiểm định chất lượng giáo dục theo hướng tiếp cận với khu vực và quốc tế. Số lượng các công trình khoa học công bố quốc tế tăng liên tục, nhiều công trình được chuyển giao công nghệ, ứng dụng hiệu quả trong thực tiễn.
Lần đầu tiên, Việt Nam có 4 cơ sở giáo dục đại học lọt vào các bảng xếp hạng 1.000 trường đại học tốt nhất thế giới, 11 trường đại học được vào danh sách các đại học hàng đầu Châu Á. |
Cùng các kết quả đạt được, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc đồng thời chia sẻ một số hạn chế, khó khăn, vướng mắc và các nhiệm vụ lớn được Giáo dục và Đào tạo xác định giai đoạn 2021-2025 nhằm thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Bộ GD và Đào Tạo xác định các nhiệm vụ lớn giai đoạn 2021 – 2025 như: tăng cường xây dựng Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng trong ngành Giáo dục; hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo, tạo động lực cho đổi mới và phát triển, trong đó tập trung xây dựng các chính sách về thu hút, trọng dụng nhân tài, đào tạo nhân lực chất lượng cao; tự chủ đại học; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và hợp tác quốc tế, thúc đẩy chuyển đổi số; quy hoạch, phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục và đào tạo, trong đó tập trung ưu tiên phát triển giáo dục ở vùng khó khăn; tiếp tục đổi mới mạnh mẽ chương trình, phương pháp dạy và học đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và bồi dưỡng nhân tài; tăng lượng giáo dục lý tưởng cách mạng, giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, kỹ năng làm việc, trách nhiệm xã hội, trách nhiệm nghề nghiệp…chú trọng phát triển năng lực sáng tạo và các giá trị về tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc…; phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục cả về số lượng và chất lượng đáp ứng yêu cầu tình hình mới…; đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục…
Dịp này, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đưa ra những đề xuất, kiến nghị với Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng và với Ban Tuyên giáo Trung ương.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: TA)
Kết luận Hội nghị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đánh giá quan điểm giáo dục đào tạo và khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng cùng với thành tựu chung của đất nước, giáo dục - đào tạo trong thời gian qua đã được được những kết quả to lớn.
Trưởng Ban Tuyên giáo nhận định, trong điều kiện tình hình dịch bệnh trong hơn 2 năm vừa qua, ngành Giáo dục đã gặp nhiều khó khăn, chịu nhiều tổn thương nhất và phục hồi chậm hơn, nhưng các nhiệm vụ vẫn được hoàn thành tốt, học sinh không thể tới trường, thầy cô không được gặp học trò, việc học bị đình trệ, phải học trực tuyến…
Đồng chí bày tỏ sự cảm thông, chia sẻ với ngành Giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như các thầy cô, người làm công tác giáo dục trong suốt thời gian qua đã có nhiều cố gắng để vượt qua khó khăn, khắc phục, thích ứng với tình hình mới. Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa lưu ý trong thời gian tới, toàn ngành cũng như Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm khắc phục những hạn chế tồn tại, nắm bắt tâm tư nguyện vọng dư luận, xã hội, phụ huynh học sinh, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn nữa căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo tinh thần của Nghị quyết 29-NQ/TW...
Cảm ơn sự chia sẻ, thấu hiểu của đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa và sự phối hợp của Ban Tuyên giáo Trung ương với ngành Giáo dục trong suốt thời gian qua, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn bày tỏ sẽ nỗ lực cùng toàn ngành hoàn thành tốt chỉ tiêu đề ra; đồng thời mong muốn giữa Ban và Bộ sẽ tiếp tục đồng hành, nhận được sự chỉ đạo kịp thời, quan tâm trong thời gian tới./.
Nguồn: https://tuyengiao.vn