KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Tin tức hoạt động
Đăng ngày: 18/12/2023 - Lượt xem: 257
Đổi mới cơ chế đãi ngộ, tôn vinh trí thức, trọng dụng nhân tài

Đề cập đến Nghị quyết số 45-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII về tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng: yêu cầu quan trọng nhất chính là đổi mới mạnh mẽ tư duy, nâng cao, thống nhất nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của việc xây dựng đội ngũ trí thức.

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
PHÓNG VIÊN: Để thay đổi mạnh mẽ tư duy như đồng chí nhấn mạnh, thiết nghĩ điều cần thiết nhất là phải có cái nhìn đột phá cho công tác này?
* ĐỒNG CHÍ NGUYỄN TRỌNG NGHĨA: Có thể nói, nền kinh tế tri thức và sự biến chuyển trong các chuỗi giá trị toàn cầu đang tạo ra thời cơ mới cho Việt Nam hội nhập sâu hơn và hiệu quả hơn vào kinh tế thế giới, đặc biệt là khi cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang phát triển mạnh mẽ. Vì thế, quan điểm cho giai đoạn mới cũng cần có nhiều điểm mới và sự đột phá. Chúng ta cần phải có sự thay đổi và có thể thay đổi nhanh chóng. Cần đổi mới tư duy theo tư duy tổng thể toàn cầu, kết hợp sức mạnh của dân tộc với sức mạnh thời đại, mà trong đó nguồn lực, động lực quan trọng nhất là đội ngũ trí thức, là nhân tài và sáng tạo. Như đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: Xây dựng đội ngũ trí thức xứng đáng là nguyên khí của quốc gia, những người làm hưng thịnh cho đất nước, làm rạng rỡ cho dân tộc và vẻ vang cho giống nòi.
PHÓNG VIÊN: Như vậy, với Nghị quyết số 45, phải chăng cơ chế đã “mở”, những “điểm nghẽn” trong phát triển đội ngũ trí thức lâu nay sẽ từng bước được tháo gỡ triệt để?
* ĐỒNG CHÍ NGUYỄN TRỌNG NGHĨA: Ngày 24-11 vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã ký ban hành Nghị quyết số 45. Đây là một nghị quyết chuyên đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đã đề ra các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới.
Nghị quyết xác định sâu sắc hơn, toàn diện hơn quan niệm, nội hàm về đội ngũ trí thức; vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của đội ngũ trí thức; yêu cầu phát triển đội ngũ trí thức vững mạnh toàn diện; sứ mệnh cao cả, vinh quang, trọng trách lớn lao của đội ngũ trí thức trong phát triển kinh tế tri thức, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Nghị quyết số 45 đưa ra 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp quan trọng. Trong đó, yêu cầu tiếp tục nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của đội ngũ trí thức. Đồng thời, kịp thời phát hiện nhân tài trong nước và người Việt Nam ở nước ngoài; có cơ chế, chính sách ưu tiên, đột phá trong thu hút, đào tạo, bồi dưỡng, trọng dụng, đãi ngộ nhân tài. Trong đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, đãi ngộ và tôn vinh trí thức, trọng dụng nhân tài, Trung ương yêu cầu tập trung xây dựng cơ chế, chính sách đột phá và đầu tư nguồn lực để phát triển Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TPHCM, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam và một số cơ sở giáo dục đại học, cơ sở nghiên cứu trọng điểm ngang tầm các nước tiên tiến.
Cùng với đó, Nghị quyết số 45 cũng nhấn mạnh việc xây dựng, phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trên cơ sở đẩy mạnh hợp tác giữa doanh nghiệp và đội ngũ trí thức, giữa các tập đoàn kinh tế với các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở nghiên cứu, hội trí thức, thông qua mô hình trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo…
PHÓNG VIÊN: Theo đồng chí, để đưa nghị quyết đi vào cuộc sống, cần lưu ý điều gì?
* ĐỒNG CHÍ NGUYỄN TRỌNG NGHĨA: Nghị quyết số 45 đã đề ra 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp định hướng nội dung cụ thể đưa nghị quyết vào cuộc sống. Cụ thể, đó là tiếp tục nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của đội ngũ trí thức. Xác định rõ nhiệm vụ xây dựng đội ngũ trí thức vững mạnh toàn diện là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị và xã hội. Đổi mới, tạo đột phá trong công tác đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, đãi ngộ và tôn vinh trí thức, trọng dụng nhân tài cả ở trong nước và ngoài nước.
Đồng thời, tăng cường quản lý nhà nước, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách đối với đội ngũ trí thức. Tăng cường nguồn lực xây dựng đội ngũ trí thức chủ động, tích cực hội nhập quốc tế. Phát huy vai trò, trách nhiệm của đội ngũ trí thức; đổi mới nội dung, phương thức hoạt động các hội trí thức.
Việc quán triệt ở các cấp là bước khởi đầu quan trọng để đưa nghị quyết đi vào cuộc sống. Đội ngũ cán bộ, đảng viên các cấp cần tiếp tục nghiên cứu đầy đủ, toàn diện nghị quyết; nêu cao trách nhiệm, nỗ lực để đảm bảo nghị quyết đạt được kết quả thực chất, gắn với từng địa phương, đơn vị trong quá trình thực hiện.
PHÓNG VIÊN: Hiện nay, TPHCM đang thực hiện Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Vậy TP cần coi trọng những vấn đề gì trong việc thu hút đội ngũ trí thức?
* ĐỒNG CHÍ NGUYỄN TRỌNG NGHĨA: Một trong những bài học quan trọng mang lại những thành tựu, kết quả nổi bật sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đó là ngoài cơ chế, chính sách thu hút, trọng dụng, chính là việc tạo môi trường làm việc thuận lợi cho đội ngũ trí thức.
Một trong những mục tiêu Nghị quyết số 45 đề cập là phát triển một số cơ sở nghiên cứu, cơ sở giáo dục đại học đạt trình độ tiên tiến, thuộc nhóm hàng đầu châu Á, trong đó có Đại học Quốc gia TPHCM. Đại học Quốc gia TPHCM sẽ là nơi thu hút, đào tạo, cung cấp đội ngũ nguồn nhân lực chất lượng cao cho TPHCM.
Vì vậy, trong thời gian tới, để thực hiện hiệu quả chính sách thu hút đội ngũ trí thức có trình độ cao, TPHCM cần có cơ chế xây dựng, tạo môi trường làm việc thuận lợi, tăng cường, phát huy dân chủ, tôn trọng, khuyến khích đam mê nghiên cứu, sáng tạo của trí thức.
Tạo điều kiện để đội ngũ trí thức tham gia đóng góp ý kiến, tư vấn, phản biện, giám định xã hội đối với việc hoạch định chính sách, xây dựng và triển khai các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, công trình, dự án quan trọng thực hiện mục tiêu phát triển đất nước. Phát huy tối đa vai trò, tiềm năng to lớn của đội ngũ trí thức.
Số người lao động có trình độ học vấn từ đại học trở lên tăng từ 2,7 triệu người (năm 2009) lên 6,2 triệu (năm 2021). Trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, năm 2020, số lượng cán bộ nghiên cứu có khoảng 150.089 người. Trong đó, 22.570 người có trình độ tiến sĩ, 63.435 người có trình độ thạc sĩ, 56.187 người có trình độ đại học.
Trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, số giảng viên đại học tăng từ 65.206 giảng viên (năm 2013) lên 86.090 giảng viên (năm 2021). Trong lĩnh vực văn hóa, văn học, nghệ thuật, thể thao và du lịch, năm 2022, có 20.138 người hoạt động. Trong các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, năm 2020, số người có trình độ đại học trở lên là khoảng 578.000 người.
Nguồn: https://tuyengiao.vn
Tin liên quan